Tiếng chuông cà rem

TTCT - Ánh chiều dần buông trong cái oi nồng của nắng hè còn sót lại. Tôi xoay xoay ly cà phê trên bàn.

Cái đơn chuyển công tác vẫn lởn vởn trong đầu. Quán cà phê đầu xóm ngoại ô của tôi khá yên ắng.

Minh họa: Trương Tiến trà

Tôi ít ngồi đây. Hôm nay ngoại lệ vì là thứ bảy. Mọi thứ cứ chầm chậm trôi qua. Hai bác trong xóm đang đánh cờ một cách nhẹ nhàng. Cậu bé chủ quán - bị câm điếc bẩm sinh - đang dán mắt vào cái điện thoại. Tôi lấp lửng nghĩ về chuyện cái đơn, thỉnh thoảng nhấp một ngụm cà phê.

Tôi lắng tai nghe... Một âm thanh lạc lõng đang hòa lẫn trong mớ âm thanh hối hả của buổi tan ca... “Leng... keng...”. Âm thanh ấy mỗi lúc một gần. Tôi reo lên nho nhỏ trong miệng. Ngang qua trước mặt tôi là một người bán cà rem. Hình ảnh này tựa như một cô ca sĩ hát “lạc tông” một ca khúc đã thuộc nằm lòng. Có chút lạ lẫm với chiếc xe đạp đó, cái chuông đó và cái thùng kem đó. Có điều tiếng “leng... keng...” phát ra từ cái chuông ấy khiến tôi nôn nao...

Hồi nhỏ ở quê tôi hay được nghe tiếng kẻng của hợp tác xã. Kẻng làm bằng một phần vỏ bom B52 được treo lên cây xoan to đầu làng. Đi học, hồi lớp một, trường làng dùng kẻng làm hiệu. Hết năm lớp một tôi chuyển vào Tây nguyên. Ở trường mới người ta đánh trống. Tôi chẳng còn nghe kẻng nữa. Nhưng bù lại đó là tiếng “leng... keng...” đầy sức hút kia.

Ngày đó, lũ trẻ chúng tôi lượm sạch đồ đạc trong nhà, kể cả những cái đang lành cũng phá cho hư, để mang đổi kem. Đó quả là một sự “láu cá” đầy tự hào của trẻ thơ.

Năm lớp sáu, tôi có cậu bạn học cùng lớp tên Chiến. Cậu ấy học giỏi, đá bóng giỏi, hát hay. Cậu ấy là lớp trưởng. Tôi phục cậu ấy lắm. Nhưng đùng một cái cậu ấy nghỉ học. Chúng tôi chẳng đứa nào biết nguyên nhân. Rồi thì lớp tôi cũng có một lớp trưởng mới.

Thế rồi một hôm nọ, khi tôi đang chăn bò ở ven đường cái thì gặp lại Chiến. Cậu ấy đạp xe ngang qua, lắc cái chuông “leng... keng...”. Thấy tôi, Chiến nhảy xuống xe. Cậu ấy không cao hơn cái xe là mấy. “Chào cậu”. Tôi cười đáp lại (tôi chẳng mấy thoải mái với việc bị bạn bè bắt gặp mình đang theo sau mấy con bò thế này). “Sao cậu lại nghỉ học thế?”. “À, bố tớ bị vỡ nợ. Tớ phải ở nhà phụ bố mẹ”.

Lúc ấy tôi chưa hiểu lắm về chuyện “vỡ nợ”. Chiến nói chuyện vỡ nợ mà nhẹ như không. (Tất nhiên là sau đấy khoảng ba năm thì tôi cũng hiểu được chuyện đó là như thế nào. Bố tôi sau một năm nuôi tôm ở Bạc Liêu thì trắng tay. Nhà tôi bán sạch: xe càng, rẫy mía, ao cá, bán cả mấy con bò gầy tong teo mà lúc này tôi đang chăn. Bố tôi gần như chạy trốn xuống Bình Dương bán cháo lòng ở Thủ Dầu Một. Nhưng tôi may mắn hơn Chiến vì không phải nghỉ học).

Chiến hào phóng mở thùng lấy ra hai cây kem sữa đưa cho tôi. Hồi ấy, một cái kem sữa giá hai trăm đồng. Kem đá thì rẻ hơn, một trăm đồng được hai cái. Những chiếc kem giản dị ấy có một sức hút cực kỳ ghê gớm với tuổi thơ của bất cứ đứa trẻ nào. “Tớ không ăn đâu” - tôi ngại ngùng. “Cậu ăn đi. Tớ biếu cậu”. Rồi Chiến leo lên cái xe đạp. Bóng cậu ấy xa dần trong cái nắng chiều cao nguyên ran rát...

Bỗng dưng tôi trào lên cái cảm tình rất có cớ với tiếng chuông “leng... keng...” vừa đi qua trước mặt. Tôi nhìn theo. Người bán kem đang dừng trước cửa trường trẻ em khuyết tật. Những đứa trẻ bị bệnh Down đứng phía trong chiếc cửa sắt ngó nghiêng cái đầu nhìn người bán kem. (Vùng tôi ở trước đây có cái nhà máy ximăng to đùng. Nghe người ta bảo vì nó mà nhiều đứa trẻ ở đây sinh ra phải gửi vào trường khuyết tật).

Tôi đứng dậy và đi về phía ấy, định bụng sẽ mua một chiếc. Ăn vì kỷ niệm. Mặc dù đó không phải là loại kem que như ngày xưa. Có thể nhận ra người trước mặt tôi bán kem ốc quế.

Người đàn ông đang lấy từng chiếc kem đưa qua song cửa sắt cho bọn trẻ. Thứ bảy trường nghỉ làm, chỉ có một vài đứa mà bố mẹ chúng có mối quan hệ đặc biệt để gửi chúng cho ban quản lý. Hình như anh không lấy tiền của chúng. Tôi thấy một niềm vui đang len nhẹ trong mình.

“Anh gì ơi, bán cho tôi một cái”. Người bán kem ngẩng lên nhìn tôi. Một cảm giác thật lạ chạy dọc sống lưng. Người đàn ông dường như cũng đang trải qua cảm giác của tôi. Hai chúng tôi nhìn nhau. Ngờ ngợ. “Của anh đây” - người bán kem dè dặt. “Xin anh. Bao nhiêu tiền vậy?”. “Xin anh năm ngàn”. Cả hai cùng hơi khựng lại một chút nhưng rồi đường ai nấy đi. Nhưng rồi tôi mạnh dạn quay lại:

“Tôi hỏi khi không phải, anh tên Chiến phải không?”

Người ấy dừng xe, ngạc nhiên. “Đúng, đúng rồi. Còn cậu... Cậu là Minh phải không?”. Chúng tôi bắt tay nhau. Mừng rỡ. “Cậu ghé nhà tớ chơi. Tớ ở gần đây lắm. Trên đầu dốc ấy”. “Thôi, gặp cậu là vui rồi. Để hôm khác. Tớ còn đang bận”. Tôi nài nỉ kiểu gì cũng không xong. “Đành vậy, nhưng cậu cho tớ số điện thoại nhé. Nhất định phải gặp nhau”.

Chiến cho tôi số điện thoại, tôi nhá máy cho cậu ấy. Chúng tôi chia tay nhau. Cậu ấy xa dần trong ánh chiều chập choạng. Cái chuông vẫn rung lên “leng... keng...” nhưng nó nhanh chóng bị dìm vào mớ còi xe loạn xạ.

Thế đấy. Có ai ngờ! Hai người bạn ở một tỉnh lẻ cao nguyên lâu lắc gặp lại nhau tại một thành phố khác. Một người thì đã thôi không còn làm bạn với mấy con bò. Người kia thì vẫn đạp xe, lắc chuông, bán cà rem. Có những sự bất ngờ khiến người ta muốn khóc. Tôi và Chiến không còn là những đứa trẻ lên mười đã phải làm quen với khái niệm “vỡ nợ”.

Chúng tôi đã ngoài ba mươi, gần leo đến “cái dốc bên kia của cuộc đời”. Có điều gì như là ái ngại dâng lên trong cổ họng...

Hôm sau tôi gọi cho Chiến. Hôm sau và vài hôm sau nữa vẫn gọi. Nhưng điện thoại cậu ấy không liên lạc được. Máy tắt. Sao vậy nhỉ? Hay cậu ấy ngại? Cậu ấy tự ái? Tôi tệ quá! Đúng ra lúc đó phải hỏi địa chỉ của Chiến. Vậy mà tôi đã không. Sự bất ngờ đã choán lấy tâm trí đến nỗi tôi quên mất cái sự quan trọng ấy.

“Anh nộp đơn chưa?”. Vợ tôi hỏi khi đang nấu ăn. “Chưa em ạ. Anh vẫn đang lấn cấn một chút”. “Ừ, tùy anh. Coi vậy chứ em vẫn thích ở đây, anh ạ”. “Ừ, anh cũng thích. Có điều ở đây vất vả quá. Bọn thằng Hùng trong ấy cứ giục mãi”. Trong ấy là trong Sài Gòn. Hùng là bạn tôi, làm quản lý ở một trường đại học. “Mày bỏ quách cái trường ấy đi. Vào đây tao lo cho. Trình độ cao và bằng ngoại như mày cứ gọi là sướng. Vào đi!”.

Năm lần bảy lượt nó cứ hối tôi. Tôi học tiến sĩ ở nước ngoài rồi về lại trường sở tại. Hiềm nỗi lương ít, dạy dỗ chẳng bao nhiêu. Đồng nghiệp trẻ của tôi ở khoa phần lớn đều tìm vùng đất mới. Tôi còn ở lại. Tiền bạc là một nỗi nhưng những người ở đây như một phần gia đình mình. Bỏ thì thương, vương thì... khổ. Chưa biết phải làm sao...

“Xin lỗi, có phải nhà thầy Minh không ạ?”. Tôi nhìn ra cửa. “A! Chiến! Chiến, cậu đấy à!”. “Ừ, tớ đây. Hôm nay bán hết sớm tớ tạt vào chơi”. Dù đã qua bao năm, dù đã không còn ở cái tỉnh lẻ cao nguyên đất đỏ ngày xưa nữa nhưng chúng tôi vẫn xưng hô “cậu - tớ” như thời đi học. Nghe thật ấm áp. “Mời cậu vào nhà. Vào đây”. Chiến dựng chân chống xe đạp vào sát tường. Vợ chồng tôi ở khu nhà tập thể nên mấy cái chuyện dựng xe này là phải ý tứ lắm.

“Mấy hôm nay tớ gọi cậu mà không được?”. Tôi đưa Chiến chén trà khi Chiến đã yên vị trong căn hộ nhỏ hẹp của chúng tôi. “Tớ bị tai nạn”. “Sao? Cậu bị lúc nào? Không sao chứ?”. “Ngay tối hôm gặp cậu. Không sao. Chỉ bị quẹt nhẹ thôi. Có điều trong lúc nhốn nháo, chẳng biết ai đã lấy mất cái điện thoại của tớ”. “Ôi chao, rõ khổ, người đâu mà ác thế”.

“Thôi, có gì đâu cậu. Của đi thay người ấy mà”. “Ừ... Mà sao cậu tìm được nhà tớ?”. “Tớ đoán rồi tớ hỏi. Cậu ở đây nổi tiếng nhỉ. Hỏi cái người ta biết ngay. Ở phố mà vậy là nhất đấy nhé!”. Tôi cười: “Phố gì đâu. Đây giống ở làng nên họ sống tình cảm lắm. Cậu mà xuống phố hỏi tớ, chẳng ai biết đâu”. Chúng tôi cười.

Tối đó, Chiến ở lại dùng cơm với nhà tôi. Vì không chuẩn bị trước nên bữa cơm thật đạm bạc. Tôi rang ít lạc ở quê gửi vào. Hai chúng tôi nhâm nhi vài ly rượu. Mặt Chiến đỏ bừng. Chúng tôi trò chuyện từ tốn. Từ tốn đến bất ngờ so với những người bạn cũ gặp lại sau hơn 20 năm.

“Để tớ cho cậu xem cái này”. Chiến nói rồi lúi húi ra cửa, đến chỗ cái xe rút từ trong cái ngăn bên cạnh thùng kem ra một túi giấy nilông được xếp ngay ngắn. Chiến chìa tấm hình ra cho tôi xem. “Cậu nhớ hết mọi người không?”. Đó là tấm hình chụp chung cả lớp tôi hồi 20-11 năm lớp sáu. Lâu quá rồi tôi sao nhớ nổi. Tôi lắc đầu. Chỉ có một vài người còn giữ liên lạc. Còn lại thì mặt còn không nhớ huống hồ tên. Tôi tự thấy sao mình vô tâm thế.

“Đây là Hồng này, Linh này. Bạn này là Hoàng này. Biệt danh là Hoàng “đen”. Đây là Quân này...”. Cứ thế, Chiến chỉ ra từng gương mặt, từng cái tên. Tôi tự hỏi sao Chiến nhớ dai vậy? Có phải vì cậu ấy là lớp trưởng hay những người buộc phải nghỉ học giữa chừng luôn ám ảnh ước mơ được đến trường?

“Vì sao hồi ấy cậu bỏ học?”. Tôi hỏi lại câu hỏi mà hơn hai mươi năm trước thằng bé chăn bò đã hỏi cậu bé bán cà rem. “Bố tớ vỡ nợ. Nhà tớ lúc ấy túng lắm. Con út thì đang học lớp hai. Tớ nghỉ để cho con út đi học”. Có tiếng chó sủa đầu ngõ. Chắc là con xù nhà bà Viền. Nó hay sủa đổng như vậy. “À, thế con út giờ ra sao? Nó học cái gì? Lấy chồng chưa? Làm ở đâu rồi?”. “Nó mất rồi”.

Tôi nghẹn lại. “Tai nạn. Sài Gòn. Ngay trong ngày tốt nghiệp sư phạm”. “Tớ...”. Cả không gian chùng xuống. Vợ tôi cố nén tiếng thở dài.

“Còn bố mẹ cậu?” - phải sau hai lần uống tôi mới mở miệng hỏi. “Mẹ tớ bỏ nhà đi. Bố tớ suy sụp. Rồi thì ốm suốt. Tớ đưa ông về đây. Rồi ông mất. Cách đây năm năm. Tớ ở lại quê luôn. Đến bây giờ”. Bố của Chiến quê ở đây thảo nào chúng tôi mới có được cái duyên gặp lại như thế này. “Cậu lấy vợ rồi chứ?”. “Rồi. Cô giáo nhé. Tớ mê nghề dạy học lắm. Nhưng mà...”. “Chứ không phải mê bán cà rem à?” - tôi đùa.

“Ừ, cũng buồn cười lắm cậu ạ. Tớ đã thử đủ nghề. Tiện gỗ. Làm hoa giấy. Thợ nề... Nhưng cứ bị cái tiếng chuông cà rem nó hút. Cái chuông đang treo ngoài xe ấy tớ giữ từ hồi mới bắt đầu đi bán ở trong ấy đấy. Hơn hai mươi năm rồi nhé”. Chiến cười. Nụ cười hiền lành pha lẫn sự tự hào.

Chiến về. Bóng Chiến đổ dài trên con dốc thoai thoải trước nhà tôi. Ánh đèn đường vàng vọt bao trùm lấy Chiến. Mỗi khi chiếc xe bị xóc, cái chuông lại reo lên “leng... keng...” - thứ âm sắc của quãng đời hơn hai mươi năm thăng trầm. Tiếng chuông ấy đem lại nụ cười thanh thản cho một người yêu nó, gắn bó với nó. Chủ nhân của nó mê làm nhà giáo.

Anh gửi ước mơ của mình vào đứa em gái nhưng nó chỉ đi được nửa chặng đường. Anh tiếp tục gửi ước mơ vào người vợ của mình. Tôi tưởng tượng ra nụ cười mãn nguyện của Chiến mỗi lần cậu lắc cái chuông. Tôi thoáng nghĩ đến cái đơn của mình. Có lẽ tôi tham lam quá. Nhiều người vất vả biết bao mà vẫn không chạm vào được giấc mơ của mình. Còn tôi, vì vất vả mà đang có ý định từ bỏ cái thành phố đã từng nuôi dưỡng ước mơ của mình. Xấu hổ biết bao...

Tôi trở gót vào nhà. Sau lưng tôi, từ bờ bên kia sông vẳng lại tiếng chuông chùa báo giờ. Âm thanh trầm đục ấy hòa lẫn vào tiếng gió miên man và ánh đèn đường lênh láng cái dốc ngõ ngoằn ngoèo...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận