TTCT- Uống rượu tiếp khách hay lễ tân của chị em là chuyện không phải bây giờ mới có. Nhưng từ sự hiếu khách biến thành những cuộc “lầy” và bị lên án là chuyện đương nhiên. Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần Những ai từng đi về miền Tây làm việc đều quen thuộc với câu “nói không tin, uống rồi nói mới tin” của người miền Tây. Uống là uống rượu. Với nhiều người miền Tây, rượu là loại đồ uống nhưng không phải để giải khát như nước mưa, nước trà, nước mát nấu từ các loại lá cây. Rượu có mặt trong bữa ăn hằng ngày, bữa nhậu, các đám tiệc, tiếp khách quen lạ; rượu có thể uống một mình, hai mình, nhiều mình... Nó như một thứ “ngôn ngữ” đặc biệt thể hiện tâm trạng, tình cảm của người miền Tây. 1. Ngược dòng thời gian về thời khẩn hoang mở đất, ở một nơi “xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh” còn đầy chướng khí trên rừng dưới nước, rượu là một loại “thuốc” có thể giúp con người ngăn ngừa những bệnh do “lạ nước”, làm cho họ tạm quên những nỗi buồn, sự sợ hãi, thêm sự phấn khích trong lao động. Rồi rượu trở thành nghi thức “đầu câu chuyện” giữa những người xa lạ từ nhiều nơi đã trốn tránh, bỏ xứ đến đây sinh sống, có khi chèo ghe băng đồng vài ngày mới gặp một gia đình... Lạ hay quen, gặp nhau thì “làm một ly cho ấm bụng”, sau đó có gì ăn nấy, không khách sáo mời mọc. Có khi lại nhờ ly rượu để cởi bỏ hiềm khích, để gắn kết “huynh đệ”... Rượu gắn bó với người miền Tây không chỉ vì tính chất ẩm thực, mà còn vì hoàn cảnh sống. Ở miền Tây, rượu không chỉ dành cho nam giới mà phụ nữ - nhất là người đã có gia đình - cũng uống rượu. Có lẽ lúc đầu uống với chồng một, hai ly trong bữa ăn “cho vui”, rồi khi có khách thì vợ uống phụ chồng đáp lễ với khách (ở miền Tây cho đến nay trong nhiều gia đình, vợ con vẫn ngồi chung mâm cơm cùng tiếp khách với chồng)... Một tháng một năm biết bao nhiêu đám hiếu hỉ giỗ chạp trong làng trong xóm, đám nào cũng rượu (sau này còn là bia), riết rồi chuyện phụ nữ uống rượu trở thành bình thường. Nhưng những lý do trên chỉ là hoàn cảnh ban đầu của việc uống rượu và sự phổ biến của rượu. Ngày nay, cũng như nhiều hiện tượng văn hóa khác, việc uống rượu, nhậu nhẹt không còn dừng ở ngưỡng của nó, nhất là khi nó được sử dụng như một cách thức làm việc của thời đại Internet. *** 2. Nhớ lại những chuyến công tác về miền Tây, tôi nhận thấy hiện tượng này thực ra khá phổ biến ở nhiều nơi, từ cơ quan hành chính đến kinh doanh, từ đơn vị cơ sở đến hàng huyện, tỉnh... Đầu tiên, nếu trong đoàn khách có phụ nữ thì chủ nhà mời một vài chị trong cơ quan cùng đi ăn cơm để tiện tiếp khách nữ, nhất là khi lãnh đạo cơ quan là phụ nữ. Những bữa cơm thân mật như vậy vào buổi trưa thường nhanh chóng kết thúc, không sa đà vào nhậu nhẹt vì buổi chiều còn họp hành, làm việc. Nhưng nếu tiệc tiếp khách vào buổi chiều, sau giờ hành chính, nhiều bữa tiệc thực sự đã biến thành cuộc nhậu “tăng 1” bia rượu, “tăng 2” karaoke cũng có rượu bia, cho nên không biết nhậu rồi cũng biết, biết uống chút ít sẽ thành “uống xịn”... “Không phân biệt nam nữ, làm cán bộ ở miền Tây mà không biết nhậu thì không phải là... cán bộ”, không biết “quy định” bất thành văn này có từ lúc nào nhưng bây giờ khá phổ biến, thực sự đã làm khó cho rất nhiều người, nhất là phụ nữ. Cơ quan hành chính còn đỡ, bữa nhậu thường để thắt chặt “tình thương mến thương” giữa đồng nghiệp, giữa chủ nhà và khách, nhất là khách “từ trên xuống”. Công bằng mà nói, không phải cuộc nhậu nào có chị em tham gia cũng đều xuất phát từ sự “điều động” hay “chỉ đạo”. Có những mối quan hệ từ công việc đã trở thành bạn bè thân thiết nên không còn mang tính chất xã giao tiếp khách, mà là cuộc gặp thân tình. Ở đó, việc uống với nhau vài ly thực sự là tình cảm vui vẻ, không liên quan đến công việc và chuyện các anh “ái mộ” một chị nào đó giành danh hiệu “chiếc ly vàng” trong bàn nhậu cũng không phải là chuyện hiếm. Chuyện phụ nữ (công sở) đi tiếp khách, uống rượu... không nằm ngoài bối cảnh rộng hơn của hiện tượng nhậu nhẹt tràn lan, tiếp khách thì “khách 3 chủ 7”, hiện tượng làm việc ngoài bàn giấy, và có thể nói, phản ánh cả vấn đề về giới. Loại trừ những cán bộ nữ có chức trách đi tiếp khách, việc lãnh đạo cơ quan mời/rủ (hay điều động, bố trí) chị em tham dự những bữa tiệc như vậy thường là người “coi được”, khéo ăn nói, biết uống hay không không quan trọng (vì rồi sẽ biết!) và cũng có một thực tế những chị em được/bị phân công đi tiếp khách là chưa/không vướng bận chồng con. Dần dần thành thông lệ, cứ có khách thì đương nhiên là “thành phần tham dự”. Ranh giới giữa “công vụ” và “tư tác” thật khó phân biệt: không đi thì sợ “lệnh sếp”, mà đi thì chịu tiếng bấc tiếng chì của nhiều người trong công sở vì ít ai coi đây là “nhiệm vụ”. Hơn nữa, không phải ai sếp cũng “ưu ái” gọi đi và người bị điều động “có gan” từ chối. Tuy nhiên, không chỉ ở miền Tây mà khi đi công tác ở Tây nguyên hay miền núi phía Bắc, tôi vẫn thấy việc cán bộ nữ uống rượu tiếp khách là khá phổ biến. Ranh giới giữa quan hệ xã giao và thân mật nhanh chóng được xóa bỏ nhờ bình rượu cần, hay một cái “vòng tay” uống rượu. 3. Nếu tất cả chỉ dừng lại ở ngưỡng sự hiếu khách của chủ và trân trọng của khách, có lẽ sự việc bị “điều động” tiếp khách đã không làm xã hội phản ứng. Bởi vì ngoài thời gian hành chính, ngoài không gian công sở, giữa những cá nhân không chỉ là quan hệ chức trách mà còn là quan hệ xã hội bình thường. Những nghi thức “khuôn phép” thường được bỏ qua, lại thêm “rượu vào lời ra” nên khó giữ được mức độ vừa phải như quan hệ giao tiếp cần có. Chuyện “tiếp khách” như thế đã để lại ấn tượng xấu trong xã hội, đến nỗi cái từ “đi tiếp khách” đối với chị em trở nên “nhạy cảm” vì nó không phải chỉ để dùng trong công sở hay gia đình! Nói vậy không có nghĩa nam giới nhậu nhẹt tiếp khách là đương nhiên! Chuyện dài ăn nhậu và sau ăn nhậu của các ông cũng để lại nhiều di chứng cho gia đình và cho chính họ. Nhưng cũng từ góc độ giới, xã hội vẫn coi là bình thường vì “nam vô tửu như kỳ vô phong” mà! Cho nên việc tiếp khách công vụ và chuyện uống rượu ở bất cứ đâu nói cho cùng là không liên quan, kể cả ở miền Tây - nơi mà rượu là một phần trong đời sống của người dân từ thời “mở cõi”. Do vậy, đừng dựa dẫm vào “truyền thống” hiếu khách để làm biến dạng một giao tiếp thông thường thành chuyện “tửu, sắc”!■ Tags: Tiếp kháchBị ép đi tiếp kháchTiếp rượuChuyện tiếp khách
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.