TTCT - Larry Berman - tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng về VN. Sau một thời gian bận rộn trả lời rất nhiều câu hỏi của báo chí và bạn đọc khắp nơi về quyển Điệp viên hoàn hảo viết về anh hùng Phạm Xuân Ẩn, nay trong chuyến thăm VN từ ngày 8-5-2009, đến lượt chính ông trở thành đối tượng để trò chuyện tìm hiểu. Phóng to GS Larry Berman - Ảnh: Thanh ĐạmTTCT - Larry Berman - tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng về VN. Sau một thời gian bận rộn trả lời rất nhiều câu hỏi của báo chí và bạn đọc khắp nơi về quyển Điệp viên hoàn hảo viết về anh hùng Phạm Xuân Ẩn, nay trong chuyến thăm VN từ ngày 8-5-2009, đến lượt chính ông trở thành đối tượng để trò chuyện tìm hiểu. Dạy sử kiểu Larry * Không chỉ là giáo sư (GS) sử học mà còn là GS khoa học chính trị Trường đại học California, Davis, tham gia viết nhiều sách, một ngày của GS chắc bận lắm? - Tôi dậy từ 4g sáng, viết đến 8g. Sau đó tôi dạy học hai lớp về lịch sử và khoa học chính trị. * Sinh viên Mỹ có thích học sử không, thưa GS? - Sinh viên Mỹ rất thích học lịch sử, lý do là họ không biết nhiều về nó nên càng muốn học. Tôi thường đưa sách cho họ đọc và tìm cách làm cho họ thấy lịch sử có liên quan đến mình để môn lịch sử hấp dẫn hơn. Thí dụ chương học về các đời tổng thống Mỹ, tôi nói về Tổng thống Obama và những chính sách giáo dục của ông, mà sinh viên thì rất quan tâm đến ông Obama. * Có nhiều tranh cãi về lịch sử không? - Có nhiều vấn đề. Tôi dạy về khoa học chính trị nên có nhiều câu hỏi được đặt ra như: tại sao phải tiến hành các cuộc chiến tranh? Kinh tế tác động đến chính trị xã hội thế nào? Tuần trước tôi dạy về quyết định của tổng thống Bush tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq. Tôi so sánh với cuộc chiến tranh VN và đưa vấn đề cho sinh viên thảo luận. * Sinh viên của ông có nhận xét gì thú vị? - Họ thích thú với cách học so sánh như thế. Họ phân tích việc chính quyền đưa ra cớ không đúng sự thật là Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau đó sinh viên thảo luận về cuộc chiến và giải pháp tốt nhất có thể có. * Cuộc chiến tranh VN được dạy thế nào trong môn lịch sử Mỹ? - Có nhiều cách hiểu khác nhau. Trước đây, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa trên quan điểm của chính quyền Mỹ, nhưng ngày nay người ta còn tham khảo các nguồn tài liệu từ VN. Hiện nay tôi dạy sinh viên của tôi về chiến tranh VN rất khác. Trước kia là từ quan điểm của các tổng thống Mỹ, nay, sau Điệp viên hoàn hảo, tôi dạy sinh viên dưới nhãn quan của Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn là nhà tình báo giỏi, nhưng ông không muốn có cuộc chiến tranh này. Giảng theo cách nhìn của ông Ẩn dễ hiểu và hấp dẫn sinh viên hơn nhiều. * Cụ thể sinh viên của ông nói gì? - Sinh viên tôi không hiểu một nước Mỹ lớn như vậy lại thua một nước VN chỉ nhỏ bằng vùng Cali. Họ muốn biết câu trả lời tại sao. * GS nói với họ tại sao? - Câu trả lời là một chuyện dài, như bạn biết đấy. Tôi nói là Mỹ không hiểu văn hóa VN, một đất nước có hàng ngàn năm chống ngoại xâm, đã thắng cả Pháp, Nhật. Chính phủ Mỹ đổ tiền của, đưa quân vào VN cũng chẳng làm gì được. Sinh viên rất chịu đọc sách, tài liệu tham khảo, họ thích thú đọc cả quyển sách viết về VN của tôi Không hòa bình, không danh dự... * Những cuốn sách của GS viết về VN có thu hút độc giả Mỹ không? - Tôi viết nhiều, nhưng về VN thì có vài cuốn. Cuốn đầu tiên viết vào năm 1982 dưới tựa đề Planning and Tragedy - The Americanization of the Vietnam war, đề cập quyết định của tổng thống Jonhson vào tháng 7-1965 trực tiếp đưa quân sang VN. Cuốn thứ hai là Lyndon Johnson war: The road to stalemate in Vietnam viết năm 1989. Cuốn Không hòa bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở VN viết năm 2001 và sau đó là Điệp viên hoàn hảo và một số sách khoa học về sự can thiệp quân sự nước ngoài có phần nói về VN. Có những cuốn hiện nay vẫn dùng để giảng dạy ở các trường đại học và tiếp tục bán ở các nhà sách. Có nhiều cuốn được đọc rộng rãi ở Mỹ. * GS đã là người nghiên cứu nhiều nhất về VN chưa? - Tôi tự xem mình là nhà khoa học chính trị nghiên cứu nhiều về VN. Không chỉ là nhà sử học, tôi còn là tiến sĩ khoa học chính trị. Tôi nghiên cứu lịch sử dưới góc độ khoa học chính trị là chủ yếu. Cuốn sách thành công nhất của tôi là viết về tiến trình dân chủ của nhà nước Mỹ. * Ông có nghiên cứu khoa học chính trị về VN không? - Có. Vài tuần trước đây có đoàn đại biểu cấp cao VN sang, Đại sứ quán VN mời tôi trao đổi với họ nhiều vấn đề lý thú. * Nhân vật trong tác phẩm của ông - Phạm Xuân Ẩn - còn nổi tiếng ở Mỹ không? - Ngày càng nổi tiếng hơn. Nhiều nhóm nghiên cứu, nhiều người bình thường, các sinh viên vẫn tiếp tục gõ cửa xin tôi chữ ký vào quyển sách để tặng ông bà, cha mẹ của mình. * Bây giờ GS đang viết cuốn sách mới có liên quan đến chất độc da cam? - Đó là cuốn tiểu sử đô đốc hải quân Elmo Russell Zumwalt, một cuộc đời thú vị. Trong đó có ba chương liên quan đến VN. Ở ông có nhiều mâu thuẫn. Ông là người có công làm thay đổi hải quân Mỹ và là người bảo thủ với vấn đề VN. Thế rồi con trai ông tham chiến ở VN và chết vì chất độc da cam. Ông cảm thấy mình bị chính phủ lừa dối, vì ông không được biết chất độc đó giết người nên đã cho sử dụng. Sau khi biết, ông đã chất vấn quốc hội, tòa án, đề xướng việc khởi kiện của các cựu binh Mỹ ở VN nhiễm chất độc da cam. * Tìm hiểu để viết sách vấn đề này, GS đánh giá về chất độc da cam thế nào? - Ý cá nhân tôi, nó là vũ khí khủng khiếp nhất mà Chính phủ Mỹ dùng cho chiến tranh. Nhiều nạn nhân vô tội cả người Mỹ lẫn người Việt. Hơn 40 năm rồi họ vẫn đang bị ảnh hưởng. Nó khủng khiếp hơn cả bom nguyên tử. * Viết quyển sách mới này, ông gặp khó khăn nhiều như khi viết quyển về Phạm Xuân Ẩn không? - Nhiều chứ, tuy có nhiều tài liệu về Elmo hơn ông Ẩn. Elmo là chỉ huy hải quân Mỹ từ năm 1970-1974 liên quan nhiều vấn đề hạt nhân và nguyên tử. Sau sự kiện 11-9, chính phủ có luật mới đưa các vấn đề đó vào danh sách mật nên tôi gặp nhiều khó khăn. Còn tin tốt là tôi phỏng vấn được nhiều người biết Elmo. * Khi đấu tranh giành quyền được biết tài liệu đã giải mật liên quan chiến tranh để viết về Zumwalt, ông đã kiện cả CIA và tất nhiên ông thua. Bây giờ có cách nào không? - Những tài liệu thời kỳ 1965-1968 tôi vẫn chưa tiếp cận được. Tổng thống Obama thông qua luật mới cho phép tiếp cận thông tin nhiều hơn. Điều này giúp rất nhiều cho giới nghiên cứu. * Liệu người VN đang đấu tranh cho vụ kiện da cam có hi vọng gì thêm ở cuốn sách của ông không? - Tôi hi vọng là có, mặc dù tôi còn đang viết trong hai năm nữa. Tôi đang thu thập tài liệu. Cũng như thời gian viết về ông Ẩn, tôi có lúc ở trạng thái “tôi không biết là mình không biết điều gì”. Chúng ta cứ hi vọng. Nếu chết, tôi muốn chết gục trên sách * Mỗi lần đến VN, ông phát hiện thêm điều gì mới? - Tôi đến VN nhiều đến mức thuộc hết ăn ở, mua săm ở đâu. Bạn thường chi nhiều tiền cho bữa ăn, nhưng những thứ ngon và rẻ lại có ở vỉa hè. Từ đầu năm 2000 đến nay, tôi tới và thấy như mọi người: nhà mới xây dựng. Cả ở Sài Gòn lẫn Hà Nội. Nhiều nhà thờ, chùa mới. Các bạn đã đội mũ bảo hiểm. Kẹt xe hơn. Buổi sáng tôi ra công viên 23-9 tập thể dục thấy xe buýt chạy khủng khiếp, không ai nhường đường cho ai. Có điều thú vị khi băng qua đường, tôi tìm ra “nguyên tắc của Larry: hãy tìm một người già để cùng họ qua đường”. Có một điều không thay đổi ở VN: con người rất tốt bụng.* Một người trẻ tuổi muốn sau này giỏi như ông thì phải làm thế nào? - (Cười) Khó lắm đấy. Tôi thường nói với sinh viên của tôi: các bạn đừng làm nếu không đam mê. Không quan tâm sẽ không làm được. Đam mê của tôi là khám phá về lịch sử. Tôi thích làm việc trong thư viện, trong phòng nghiên cứu. Nếu bạn muốn - hãy tìm trong tim óc xem bạn muốn gì - tự tạo cơ hội đi học hỏi khắp nơi. Lời khuyên của tôi là: đừng chơi game nhiều quá. Tôi không hề biết chơi trong khi các bạn trẻ chơi hết giờ nọ qua giờ kia. * Vậy ông không giải trí, thư giãn sao? - Tôi thích dạy học. Đi cắm trại, bơi lội mọi buổi sáng. Đó là thư giãn. Tôi không bao giờ ngưng làm việc, không nghỉ hưu. Tôi muốn nếu tôi chết, mọi người thấy tôi chết gục trên cuốn sách. * Ông sống thế nào giữa những chuyến đi dày đặc? - Giống nhiều người Mỹ, tôi có một cuộc đời quá bận rộn. Để tôi kể bạn nghe. Mỗi tuần đều bay: gia đình tôi ở Cali, tôi dạy học và làm việc ở Washington D.C. Có người nói đời tôi trên máy bay. Từ 15-6 đến 1-7 tới, tôi đi Nhật và Thái Lan. Bộ Ngoại giao Mỹ chọn tôi là người nói chuyện về Tổng thống Obama và những chính sách của ông tại năm trường đại học mỗi nước. Tôi đi VN, Paris, Mexico... * Ông đến Mexico, vùng có cúm A/H1N1 đấy nhé. - Con gái tôi làm việc ở Mexico. Bốn tháng trước tôi vừa lên chức ông ngoại. Con gái tôi sống xa vùng có dịch. Nó bảo “Con còn bình yên hơn cha, suốt 24 giờ trên máy bay”. * Ở VN mà đi như thế là bị vợ la rầy. Ông có bị không? - Mỗi khi đi VN về, tôi thường có quà dễ thương như lụa, trang sức... * GS có thể tự giới thiệu đôi nét về mình với bạn đọc VN? - Tôi sinh năm 1951. Lúc chiến tranh VN ác liệt năm 1968-1969 tôi mới 17, 18 tuổi. Tôi phản đối cuộc chiến dù cha mẹ tôi bảo phải ủng hộ chính phủ vì chúng ta là người Mỹ, phải giành chiến thắng cho nước Mỹ. Thế rồi Mỹ phải rút quân. Tôi tò mò muốn biết VN ở đâu, người VN là ai, nền văn hóa VN như thế nào? Những câu hỏi đó cứ thôi thúc tôi và tôi quyết định dấn thân vào sử học. Tôi đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy gần như cả cuộc đời mình. * Xin cảm ơn GS.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ngày của phở 12-12: Cả trăm người ăn phở nóng ấm giữa mùa đông vùng cao HỒNG QUANG 12/12/2024 Hàng trăm người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), sáng nay ngồi kín sân trường liên cấp số 1 để thưởng thức những tô phở ấm nóng.
Khán giả xếp hàng từ đêm mua vé xem đội tuyển Việt Nam đấu Indonesia HOÀNG TÙNG 12/12/2024 Sáng 12-12, hàng trăm khán giả đã sớm có mặt trước cổng sân Việt Trì, Phú Thọ chờ mua vé xem đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia và Myanmar.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông Trump nói giám đốc FBI từ chức là 'ngày tuyệt vời với nước Mỹ' KHÁNH QUỲNH 12/12/2024 Ông Trump đã bày tỏ thái độ vui mừng trước quyết định từ chức của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 11-12.