TTCT - Đổi mới chương trình giáo dục - sách giáo khoa, theo Bộ GD-ĐT, là một trong những giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nhưng đổi mới như thế nào hiện vẫn là một câu hỏi. Trong lúc ấy, thiên hạ đã và đang tiến lên rất xa... SGK của nhiều nước được trình bày đẹp, hấp dẫn với nội dung thiết thực và gần gũi học sinh Trong những nước mà các học giả Việt Nam tiếp cận chương trình - sách giáo khoa (SGK), gần như không ở đâu tồn tại tình trạng một chương trình - một bộ SGK như Việt Nam hiện nay. Thua mọi nhẽ Trung Quốc, một quốc gia có thể chế chính trị tương tự Việt Nam, cũng đã làm một cuộc cải cách về SGK lịch sử từ cách đây chục năm (năm 2003). Trong cuộc cải cách này, họ có một bước cải tiến rất lớn, từ hình thức “nhất cương nhất bản” (một chương trình - một bộ SGK) sang hình thức “nhất cương đa bản” (một chương trình - nhiều bộ SGK). Chẳng hạn, riêng bộ SGK lịch sử THCS có các nhà xuất bản như Giáo Dục Nhân Dân, ĐHSP Bắc Kinh, ĐHSP Hoa Đông, Trung Hoa Thư Cục… xuất bản. Điều này không chỉ phá vỡ thế độc quyền của một nhà xuất bản mà còn tạo cơ chế cạnh tranh để nâng cao chất lượng SGK lịch sử. “Mặc dù có các bộ sách của các nhà xuất bản khác nhau, hình thức cũng có sự khác biệt nhất định, nhưng nội dung cơ bản không khác nhau nhiều. Đó là vì các bộ sách đều phải dựa theo Chương trình chuẩn để biên soạn” - TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), người đã nghiên cứu về SGK Trung Quốc - nhận xét. Xu hướng xây dựng chương trình, biên soạn SGK theo hướng phát triển năng lực cũng đang phát triển mạnh ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước tiên tiến. Trong khi đó, chương trình và SGK hiện hành của Việt Nam vẫn chú trọng đến việc phát triển các tri thức khoa học cơ bản của nhân loại trong các môn học riêng biệt, đề cao khả năng ghi nhớ và tái tạo kiến thức sẵn có của học sinh. Hướng tiếp cận này từng được nhiều nước sử dụng cách đây... nhiều thập kỷ. Thụy Điển chẳng hạn. Nhưng trong những thập niên gần đây đã có những đổi mới một cách căn bản trong quan niệm xây dựng chương trình và biên soạn SGK ở Thụy Điển. Các SGK được thiết kế theo quan điểm của khoa học ứng dụng, trong đó việc trình bày kiến thức, kỹ năng hướng tới và liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của học sinh. “Hơn nữa, việc tích hợp và lồng ghép các giá trị thực tế đời sống vào SGK, tính hấp dẫn và tính bền vững của SGK được họ đặc biệt coi trọng và chú ý” - Phó giáo sư Trần Đức Tuấn, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, cho biết. Kỹ thuật viết sách yếu, phương pháp tiếp cận lạc hậu, không cập nhật được mặt bằng kiến thức của thế giới… cũng là những yếu tố khiến SGK của ta khô cứng, nặng nề, gây quá tải. “Trong số rất nhiều vấn đề cần quan tâm về nội dung chương trình, tôi muốn nhấn mạnh rằng SGK toán của Việt Nam, chỉ nói riêng về khối lượng kiến thức, còn chưa theo kịp nhiều nước trên thế giới. Điều này nghe có vẻ trái ngược với nhiều ý kiến được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Nhưng thực tế SGK toán của nhiều nước hiện nay đã bao quát một phạm vi kiến thức khá rộng, gồm hầu hết kiến thức truyền thống, kết hợp với những kiến thức hiện đại, có nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống và khoa học kỹ thuật” - TS Nguyễn Huy Đoan, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, nói. So sánh với một số bài học cụ thể trong SGK toán của Đức, ông Đoan cho rằng khi trình bày một số nội dung cơ bản, SGK toán của Việt Nam đã bỏ qua nhiều khái niệm liên quan, có ý nghĩa thực tiễn và cập nhật. Một số nội dung được trình bày rất hạn chế, hoặc không đề cập. Cùng một nội dung nhưng qua cách trình bày cho thấy tác giả viết SGK của Đức chuẩn bị rất kỹ, những vấn đề càng khó, càng tinh tế thì càng được nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau và có nội dung gắn với thực tiễn. Trong khi đó ở Việt Nam, các tác giả viết một cách sơ lược, tiếp cận một cách vội vàng, phi thực tiễn và né tránh nhiều nội dung bị coi là khó. Tích hợp thế nào, giảm tải ra sao? Tích hợp để “giảm tải” cũng là ý tưởng mà nhiều chuyên gia đề cập và đã nhận được ý kiến đồng thuận của lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi bàn về việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK mới. Mới đây, trong một hội thảo quốc tế về đổi mới và hiện đại hóa chương trình - SGK, GS.TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nêu ý kiến: “Chương trình sau năm 2015 phải giảm mạnh đầu các môn học để mỗi kỳ học sinh không phải học cùng lúc quá tám môn”. Tuy nhiên, chương trình tích hợp như thế nào, biên soạn SGK làm sao để vừa đảm bảo đáp ứng chuyển tải được khối lượng thông tin khoa học cần thiết, vừa tạo được sự định hướng cho người dạy trong việc tổ chức hoạt động dạy học là vấn đề rất khó trong bối cảnh không có đội ngũ biên soạn SGK chuyên nghiệp như ở nước ta. Trong một hội thảo quốc tế do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tổ chức mới đây, khi chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình dạy học tích hợp, TS Iann Lundegard (ĐH Stockholm) cho biết các trường THPT ở Thụy Điển có một môn học gọi là “Tìm hiểu khoa học”. Đó là môn bắt buộc cho tất cả học sinh không chọn các môn khoa học, hóa học, sinh học, vật lý để học lên ĐH, CĐ. Môn này cung cấp cho học sinh kiến thức giáo dục chung về khoa học mà các em có thể sử dụng cho cuộc sống hằng ngày và trong xã hội, những kỹ năng hữu ích cho tương lai của các em. “Chương trình môn này được viết từ quan điểm cho rằng học sinh càng quan tâm đến các vấn đề trong thực tế cuộc sống có liên quan tới các em ở hiện tại thì chắc chắn các em cũng học được những điều có lợi từ bên ngoài nhà trường” - TS Iann Lundegard nói. Theo ông Iann, môn Tìm hiểu khoa học không hướng tới việc giảng dạy khoa học nhằm mục đích khoa học mà nhằm mục đích chung, tức là đề cập đến các vấn đề phức tạp của xã hội mà học sinh gặp phải, dựa trên những điều học sinh phải đối mặt hằng ngày như: giao thông, việc tiêu thụ năng lượng, nước, thực phẩm hoặc quần áo... Cách tiếp cận này không chỉ dựa trên việc lựa chọn nội dung nào góp phần tốt nhất vào kiến thức chung mà còn dựa vào một quan điểm giáo dục là từ nội dung đó khuyến khích sự tham gia của học sinh, khiến các em cảm thấy nội dung đó thật sự liên quan đến mình. “Các nội dung này sau đó được học sinh tìm hiểu và thiết lập trong mối liên quan đến kiến thức như các dịch vụ hệ sinh thái và dấu chân sinh thái. Cũng có thể cho học sinh xem xét, đánh giá một cách có phê phán quảng cáo trên báo chí hoặc trên các phương tiện truyền thông khác. Điều quan trọng không phải tất cả học sinh khám phá cùng một thứ. Thay vào đó, mục đích là tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội tham gia và do đó cũng đồng thời học được một số nguyên tắc khoa học cần thiết”- ông Iann giải thích. Theo nhiều chuyên gia Việt Nam, họ cũng đang nghiên cứu việc dạy học tích hợp của chương trình phổ thông các nước, hi vọng có thể ứng dụng được phần nào cho việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK sau năm 2015. Phó giáo sư.TS Trần Trung Ninh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét: “Cho đến nay, quan điểm tích hợp trong chương trình giảng dạy vẫn là xu hướng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Phương pháp tích hợp chủ yếu là tích hợp đa môn, tích hợp liên môn, tích hợp xuyên môn”. Ông Ninh nêu ví dụ: “Tích hợp liên môn còn được hiểu như là phương án trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với một hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều cấp lớp. Ví dụ: địa lý, lịch sử, sinh học, xã hội, giáo dục công dân, hóa học, vật lý được tích hợp thành môn “Nghiên cứu xã hội và môi trường” tại Anh, Úc, Singapore, Thái Lan”. TIMSS (Xu hướng quốc tế thứ ba về nghiên cứu toán học và khoa học) do Hiệp hội Quốc tế về đánh giá các thành quả giáo dục - IEA - phát triển và quản lý kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1955 đã thu thập dữ liệu từ học sinh, giáo viên và hiệu trưởng về nguồn lực dạy và học ở lớp. Với toán và khoa học, trong năm 2011, đối với lớp 4, trung bình trên toàn thế giới có 75% giáo viên báo cáo về việc sử dụng SGK trên lớp để giảng dạy; 46% sử dụng sách bài tập và bảng tính; 37% sử dụng các giáo cụ trực quan và 9% sử dụng máy tính. Những tỉ lệ này của Úc nằm cuối bảng xếp hạng so với thế giới. Theo đó, tỉ lệ giáo viên tự báo cáo sử dụng SGK để cung cấp thông tin trên lớp chỉ đạt 25%, còn đối với sách bài tập và bảng tính là 11%, các giáo cụ trực quan là 56% và máy tính là 12%. Các giáo viên Úc báo cáo SGK được sử dụng như một công cụ bổ sung thông tin (chiếm khoảng 46% thời gian dạy), tỉ lệ sử dụng sách bài tập và phiếu bài tập là 87%, giáo cụ trực quan là 44% và máy tính là 77% thời gian. Số liệu của TIMSS cho thấy giáo viên sử dụng máy tính nhiều hơn và một số giáo viên có tư tưởng đổi mới đã tự biên soạn tài liệu giảng dạy. GS.TS Olena Pometun, Viện hàn lâm Khoa học giáo dục quốc gia Ukraine, cho biết hiện nay ở Ukraine đã có sự thay đổi cơ bản về vị trí cũng như cách sử dụng SGK. SGK giờ đây không còn là “trung tâm của vũ trụ” - nguồn thông tin xác thực duy nhất - nữa mà chỉ là một trong những công cụ dạy và học, trình bày thông tin theo quan điểm của người biên soạn. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về mối quan hệ giữa người biên soạn SGK với học sinh. Tác giả SGK cung cấp các cách diễn giải và bình luận về các sự việc, trong khi học sinh thấy mình “như đồng tác giả” (ở một mức độ nào đó) tham gia đối thoại không chỉ với tác giả mà với cả giáo viên trong trường hợp giáo viên đưa ra cách lý giải khác. Bà Olena nói: “Một khía cạnh quan trọng khác cần xem xét là cách diễn đạt nhiệm vụ cho học sinh. Trước đây SGK thường dùng những kiểu câu hỏi như “tại sao”, “để làm gì”, “giải thích”, “so sánh”, “hãy chứng minh”… Ngày nay, người biên soạn sách thường cố sáng tạo cuộc đối thoại bình đẳng với học sinh bằng cách sử dụng những cụm từ như “hãy dựng lại bức tranh”, “hãy diễn đạt ý kiến của em”, hay “đánh giá”... Tags: Bộ GDĐTGiáo dụcSách giáo khoa
NÓNG: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 122.000 tỉ đồng phát triển văn hóa TIẾN LONG 27/11/2024 Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
Tài xế có nồng độ cồn kịch khung dùng dao tấn công, cảnh sát phải nổ súng cảnh cáo HỒNG QUANG 27/11/2024 Tài xế Lập cầm dao "truy sát" đại úy Thái Duy Kiên. Cảnh sát giao thông phải sử dụng súng bắn chỉ thiên cảnh cáo đồng thời tạo khoảng cách an toàn chờ sự hỗ trợ.
Chi tiết thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah THANH HIỀN 27/11/2024 Israel và nhóm vũ trang Hezbollah đóng tại Lebanon sẽ bắt đầu thực hiện ngừng bắn sáng 27-11 (giờ địa phương) theo thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian.
Chủ khách sạn xây vượt tầng 'tố' bị lực lượng cưỡng chế tự ý bán tài sản, chính quyền nói gì? NGUYỄN HOÀNG 27/11/2024 Chủ khách sạn xây vượt tầng ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) phản ánh UBND phường Lộc Thọ (TP Nha Trang) đã tự ý bán tài sản của khách sạn khi cưỡng chế.