TTCT - Một chị bạn gọi: “Ông Khaisilk làm bậy nên sợ quá, đóng cửa hết các chỗ bán hàng rồi. Giờ phải mua đồ lụa ở đâu mà tặng khách quốc tế?”. Trời đất, không có cái tên nào xuất hiện trong đầu tôi tức thì, vì khoảng trống mang tên “lụa Việt Nam” là mênh mông. Lụa được giới thiệu tại không gian Làng lụa ở Hội An. Ảnh Thanh Ba Không thể phủ nhận tài kinh doanh của ông Khaisilk vì có cửa hàng trên những tuyến đường đắt đỏ nhất, nơi chẳng mấy thương hiệu Việt dám bén mảng. Bởi vậy, từ lâu Khaisilk là một lựa chọn tương đối an toàn cho các món quà hơi cao cấp vì nhiều lẽ: hàng Việt, có dấu ấn văn hóa và có chút sang trọng. Giờ thì xong rồi, chẳng còn gì nữa. Nhưng tại sao một ông làm ăn gây phẫn nộ cộng đồng như Khaisilk lại có thể tạo ra một đế chế mà sau khi sụp đổ, chả còn gì phía sau để thay thế? Chợt nhớ ra, mỗi lần ghé Campuchia thì món quà dễ mua nhất và cũng “chắc ăn” nhất chính là xông vào các cửa hàng mang tên “Artisans Angkor” - vốn luôn có mặt ở mọi nơi, kể cả vị trí đẹp nhất trong sân bay quốc tế. Chuỗi cửa hàng này vốn là một doanh nghiệp (DN) nhà nước, sau chuyển sang mô hình DN xã hội, tập trung toàn bộ sức sáng tạo, truyền thống và tay nghề của nghệ nhân xứ Angkor cho việc tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và lưu niệm chất lượng cao. Tìm thông tin về “silk” của Campuchia, bất ngờ thấy nguyên tập tài liệu dày cộp nói về chiến lược phát triển tơ lụa cấp quốc gia của xứ này. Campuchia có chiến lược nhất quán về phát triển nghề dệt lụa, lẽ nào Thái Lan không có? Quá dễ để kiểm tra thông tin liên quan đến đất nước mà slogan của hãng hàng không quốc gia là “Mềm mượt như lụa” (Smooth as silk). Trên Wikipedia còn có hẳn một trang để nói về chuyện Thaisilk, với tất cả niềm tự hào và hàng loạt chương trình quốc gia... Họ còn mở một chương trình tên là “Thaisilk magic” để hướng dẫn các làng quê nhỏ nhất, những người ươm tơ dệt lụa giản đơn nhất, đều có thể tạo ra những “phép mầu” cho sản phẩm lụa của mình. Sau đó, tất nhiên là chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” do hoàng hậu Thái chủ trì, mang các sản phẩm lụa này vào không gian bán hàng tuyệt hảo của họ, xuất hiện ở tất cả những vị trí đắc địa nhất, từ trung tâm thành phố đến sân bay và khách sạn năm sao. Sự tò mò dẫn lan sang thắc mắc: Có hay không có thương hiệu Vietsilk? Đập vào mặt là địa chỉ website vietsilk.com và vietsilk.com.vn đều đang được rao bán vì chả ai quan tâm đến thương hiệu này. Còn lại là câu chuyện Vietsilk đi lên từ... ngõ cụt. Cái ngõ cụt này chính là những nhà máy ươm tơ dệt lụa ở xứ sở dâu tằm tơ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) vốn bị bỏ hoang phế hàng chục năm trời, để mỗi du khách trên đường đi Đà Lạt đều phải tặc lưỡi tiếc rẻ... Thử tìm hiểu với cụm từ “bản đồ silk thế giới” thì hiện ra trang worldatlas với thống kê về số lượng lụa và năng suất sản xuất. Việt Nam xếp hàng thứ sáu, tức là rất “có số má”. Nhưng tơ lụa Việt đang ở đâu? Hỏi ông Nguyễn Thành Sang, chủ nhân thương hiệu dệt Phước Thịnh, ông cười méo xẹo: “Thê thảm lắm. Các công ty dệt của Việt Nam đang ngày một teo tóp vì một cuộc chiến không cân sức, không công bằng về điều kiện thương mại với lụa Trung Quốc. Chúng ta vốn đã bị lép vế, lại có thêm hằng hà sa số những “Khaisilk” ra sức tiếp tay với hàng lụa không có xuất xứ phủ đầy thị trường. Chúng tôi cứ phải kêu, phải rên, phải năn nỉ nhưng sự tiếp sức của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng vẫn rất hời hợt. Tơ lụa Việt từng có lợi thế nhưng vì bị bỏ quên lâu năm, bị ăn hiếp lâu năm nên theo ước tính của tôi, chỉ mới khai thác chưa tới 10% tiềm năng của mình”. Chợt nhớ ông Sang là người Hội An - nơi được xưng tụng là làng lụa của cả vùng miền Trung, xưa từng chinh phục các thị trường bốn phương thời thương cảng sầm uất. Nhưng nếu giờ đi dạo quanh phố Hội sẽ thấy chẳng còn mấy dấu vết của lụa là xưa cũ, mà ngập tràn là các sản phẩm may sẵn rập khuôn với giá siêu rẻ. Cầm một cái áo sơmi có hoa văn trái cây khá bắt mắt được bán với giá 90.000 đồng, hỏi đây là vải gì, người bán nói thản nhiên: lụa Hội An đó. Làm gì có thứ lụa nào chăn tằm kéo tơ cực khổ mà bán ra với giá 90.000 đồng? Mà sao không có ai đi kiểm tra, đi xử lý? Và vì sao không có ai quan tâm và đưa ra hành động để lụa của Việt Nam có cơ hội xuất hiện và tiếp cận khách du lịch quốc tế? Viết một câu than van trên Facebook về lụa Việt, anh bạn ở Lào gửi cho tập tài liệu chiến lược quốc gia Lào về lụa, tiêu tốn gần 1 triệu USD cho việc quy hoạch, phục dựng và phát triển các sản phẩm lụa từ vùng sông Mekong hay từ miền cố đô Luang Prabang. ■ Tags: Lụa ViệtTìm lụa Việt
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams đòi bồi thường có vô lý? HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams - chủ nhà nơi xảy ra tai nạn ở Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại khiến nhiều người quan tâm.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.