Tìm thuốc chữa Covid-19: Thử nghiệm và hy vọng 

NGUYỄN VŨ 21/04/2020 21:04 GMT+7

TTCT - Các nghiên cứu hiện nay tập trung chủ yếu vào các loại thuốc đã tồn tại để trị bệnh khác, tìm hiểu xem chúng có tác dụng ngăn chặn virus corona hay không, hoặc làm giảm nhẹ các chứng bệnh. Và nuôi hi vọng thời gian sẽ mau chóng mang lại vaccine...

Kiểm tra mẫu máu và huyết tương tại Bệnh viện Đại học Erlangen.-Ảnh: Reuters
Kiểm tra mẫu máu và huyết tương tại Bệnh viện Đại học Erlangen.-Ảnh: Reuters

Trong khi còn khá lâu nữa mới có vaccine chống lại con virus corona để chủng ngừa cho mọi người, các nhà nghiên cứu đồng thời đang tiếp cận bằng con đường khác: tìm thuốc để điều trị cho những bệnh nhân đã lây nhiễm Covid-19.

Quá trình virus corona xâm nhập cơ thể người bệnh diễn ra trong nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có thể có những loại thuốc tiềm năng chặn đường virus. Chúng ta đọc tin nơi này nơi kia tuyên bố thử nghiệm có triển vọng với thuốc này hay thuốc kia là do mỗi nơi nghiên cứu một loại thuốc nhắm vào một giai đoạn virus tấn công con người. Theo tờ The Atlantic, các thuốc này nhắm vào ba giai đoạn lây nhiễm.

Ngăn chặn virus xâm nhập tế bào

Giai đoạn đầu tiên chính là lúc virus corona tìm mọi cách len vào tế bào người để sinh sôi. Như các hình minh họa, bề mặt con SARS-CoV-2 đầy các gai với đầu tròn khiến nó trông như chiếc vương miện (và vì thế mới có tên corona). Các gai này chính là các protein mà virus dùng để bám vào một thụ thể trên tế bào người gọi là ACE2. Có tất cả 29 loại protein như thế ở virus corona.

Chiến lược đầu tiên là làm sao ngăn không cho các protein này bám vào tế bào người, dù bằng vaccine hay thuốc. Hiện nay có khoảng 100 loại thuốc cả cũ lẫn mới đang được thử nghiệm để tìm ra một hợp chất có thể bám vào các protein của virus rồi vô hiệu hóa chúng.

Virus corona có 29 loại protein. Cơ thể con người phức tạp hơn bội lần, với hàng chục ngàn loại protein khác nhau. Hệ thống miễn dịch của con người lại sẵn sàng chực chờ để khi cơ thể xuất hiện protein lạ thì sẽ sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt.

Vì thế trong chiến lược ngăn chặn các protein của virus xâm nhập tế bào còn có phương án kích hoạt hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể càng nhanh và càng nhiều càng tốt. Đó có thể là tạo ra bản sao protein của virus dưới dạng dữ liệu di truyền, tức không phải con virus thật mà chỉ là các đoạn mã gen chứa thông tin y như protein của virus.

Khi đưa loại protein “sao chép” này vào cơ thể, vì nó không phải là virus nên nó không gây bệnh nhưng lại kích thích cơ thể sản sinh kháng thể y như khi bị virus tấn công. Đó là cách tiếp cận của một số loại vaccine đang được thử nghiệm.

Một cách khác là dùng plasma của người từng nhiễm Covid-19 nay đã lành bệnh. Plasma của những người này có sẵn kháng thể nên khi truyền cho người bệnh, kháng thể sẽ chống chọi với protein của virus như nó từng chống chọi.

Hiện nay các nhóm nghiên cứu và các hãng công nghệ sinh học đang nghiên cứu plasma của người lành bệnh để xem thử có thể sản xuất kháng thể trên quy mô lớn nhằm sử dụng làm một loại thuốc điều trị hiệu quả cao.

Nhờ con SARS-CoV-2 gần giống con SARS từng gây dịch bệnh năm 2003 nên các nghiên cứu về kháng thể chống SARS giúp các nhà nghiên cứu rút ngắn thời gian khi nghiên cứu kháng thể chống SARS-CoV-2.

Người ta cũng phát hiện ở giai đoạn này các protein của virus không chỉ tìm cách bám vào các thụ thể trên tế bào người, nó còn sử dụng một enzyme của cơ thể người để tách làm đôi. Nói cách khác, virus đánh lừa enzyme để nó hỗ trợ virus kích hoạt các protein nên nếu ngăn không cho enzyme tiếp tay cho virus thì virus cũng bị trói tay, không xâm nhập tế bào được. Chính đây là cơ chế mà loại thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine được cho là phát huy tác dụng.

Ngăn chặn virus sinh sôi

Bản thân virus corona không thể sinh sôi được. Một khi nó xâm nhập tế bào, virus sao chép mã di truyền của nó ra lệnh cho tế bào sản sinh một bản sao y đúc. Lúc này tế bào như một chú lính nhận lệnh mới, cứ thế thi hành đúng theo lệnh, tức lấy các đoạn mã của SARS-CoV-2 để sản sinh các protein mới, tạo ra các virus mới.

Đây chính là đích nhắm của nhiều loại thuốc kháng virus nhằm ngăn chặn quá trình sinh sôi này như thuốc remdesivir của Hãng Gilead, Mỹ hay favipiravir (thuốc trị cảm cúm Avigan) của Hãng Fujifilm, Nhật Bản. Mục đích của thuốc là làm rối loạn quá trình sao chép, quá trình thực hiện lệnh mới mà virus truyền cho tế bào. Bởi có nhiều loại protein nên mỗi thuốc nhắm vào một protein cụ thể nào đó.

Ngoài các protein có chức năng giúp virus sinh sôi nhanh, con SARS-CoV-2 còn có các protein đặc trưng mà chức năng là gì thì người ta chưa hiểu hết. Tìm hiểu cặn kẽ về các protein này để nắm được vai trò của chúng có thể giúp tìm ra loại thuốc nhắm thẳng vào các loại protein này.

Ví dụ, nếu phát hiện có các protein đặc trưng cho virus corona giúp nó thoát khỏi sự tấn công của hệ thống miễn dịch thì nếu có thuốc vô hiệu hóa loại protein này sẽ gián tiếp hỗ trợ cơ thể tự chống lại virus hiệu quả hơn.

Ở giai đoạn này, cách thức hoạt động của thuốc khác với các loại kháng sinh thông thường. Kháng sinh thông thường tiêu diệt vi khuẩn còn thuốc điều trị Covid-19 nhắm đến các tế bào đã bị lây nhiễm.

Đây là một thử thách rất lớn cho các loại thuốc này vì buộc thuốc phân biệt giữa tế bào người và vi khuẩn thì dễ, bảo nó phân biệt giữa tế bào khỏe mạnh và tế bào đã bị xâm nhập thì khó hơn bội phần. Đây cũng là cách tiếp cận của nhiều loại thuốc trị ung thư.

Ngăn chặn hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức

Thuốc kháng virus hiệu quả nhất ở giai đoạn mới bị lây nhiễm vì khi đó số lượng tế bào bị virus xâm nhập còn ít, virus chưa sinh sôi nhiều. Đến khi bệnh nhân trở nặng, có một rủi ro rất cao là hệ thống miễn dịch được huy động tổng lực để chống chọi các đợt tấn công của virus nên phản ứng quá mức.

Đó là khi hệ thống miễn dịch “nổi khùng” lên tiêu diệt hết cả virus lẫn các cơ quan nội tạng của con người. Cơ thể trải qua giai đoạn này, gọi là “cơn bão cytokine”, có thể làm tổn thương phổi dẫn đến suy hô hấp nặng. Vì thế chiến lược thứ ba trong nỗ lực tìm thuốc trị Covid-19 là giải quyết hội chứng hệ miễn dịch phản ứng thái quá chứ không nhắm đến con virus corona.

“Cơn bão cytokine” từng xảy ra với các bệnh nhân có những rối loạn về di truyền hay khi được ghép tủy. Vì thế các loại thuốc được bào chế để trị hội chứng này ở các trường hợp trước đây nay được xem xét để dùng cho bệnh nhân Covid-19 gặp vấn đề tương tự. Đó là lý do vì sao đang có những thử nghiệm nghiên cứu các thuốc trị viêm khớp như Anakinra - một loại thuốc ức chế miễn dịch.

Các loại thuốc đã được phê duyệt để trị các bệnh khác như tocilizumab hay ruxolitinib cũng đang được nghiên cứu để giải quyết tình trạng hệ thống miễn dịch không phân biệt được địch - ta. Riêng Hãng Mesoblast thì dùng liệu pháp tế bào gốc do liệu pháp này đã thành công trên bệnh nhân ghép tủy bị hội chứng giải phóng cytokine. Tuy nhiên, tìm cách điều trị một bệnh do virus gây ra mà lại làm suy giảm hệ thống miễn dịch là một điều rất khó cân đong vì cơ thể vẫn cần hệ miễn dịch tiêu diệt virus.

Hiện nay các nghiên cứu tập trung chủ yếu vào những loại thuốc đã tồn tại để trị bệnh khác nay tìm hiểu xem thử chúng có tác dụng ngăn chặn virus corona theo ba con đường nói trên. Lý do là thuốc đã có dễ sản xuất, dễ phê duyệt và dễ triển khai để dùng cho nhiều bệnh nhân ngay. Người ta cũng đã biết rõ về các phản ứng phụ cũng như liều lượng nên dùng.

Tuy nhiên, trừ phi loài người may mắn chứ các thuốc đã có không thể nào trị dứt Covid-19 được. Người ta chỉ hi vọng chúng giảm nhẹ căn bệnh, làm những ca ở thể trung bình không chuyển nặng, dẫn đến tử vong. Chỉ cần chừng đó cũng đủ cho nhân loại có thời gian tìm ra một phương thuốc mới trị dứt hẳn Covid-19 hay một vaccine hữu hiệu trói tay con virus corona tai quái. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận