Tin ở một thiên tài văn học

TTCT - Umberto Eco - triết gia, nhà văn, một trong những học giả lỗi lạc nhất nước Ý - vừa qua đời ở tuổi 84. Là nhà nghiên cứu thời Trung cổ, nhà ngôn ngữ học và nhà báo, ông được nhà nước Ý vinh danh Hiệp sĩ vì những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, trong khi Pháp trao cho ông Bắc đẩu bội tinh.

Nhà văn Umberto Eco -theguardian.com
Nhà văn Umberto Eco -theguardian.com

Ở Việt Nam, một số tác phẩm nổi tiếng của ông đã được chuyển ngữ: Tên của đóa hồng, Nghĩa địa Praha, Luận văn Umberto Eco, Đừng mơ từ bỏ sách giấy (viết cùng Jean Claude Carriere).

Umberto Eco sinh ngày 3-1-1932 tại Alessandria, miền bắc nước Ý. Thời sinh viên, ông đã làm trái ý cha, từ bỏ khoa luật để chuyển sang nghiên cứu triết học và văn học Trung cổ tại Đại học Turin, sau đó ông đi sâu nghiên cứu và bảo vệ luận văn về nhà thần học nổi tiếng nhất thời Trung cổ Aquino St. Thomas.

T.T.D.
T.T.D.

 Trong thời gian đó, Umberto Eco đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin, ông từ bỏ giáo hội Công giáo và trở thành người vô thần. Tuy nhiên, vô thần đối với ông không có nghĩa là báng bổ.

Tôi đã nhiều lần nói rằng không ai có thể kiêu ngạo tới mức đi rao giảng sự không tồn tại của Chúa. Còn về đức tin, đó là một câu hỏi phức tạp, cả một cuốn sách cũng chưa đủ để tôi trình bày hết những quan điểm của mình. Trong đó tôi đã làm sáng tỏ với Hồng y Giáo chủ Carlo Martini rằng người không tin Chúa tất nhiên vẫn có thể tin vào tất cả những giá trị mà những người tin coi là của họ” - có lần ông nói.

Trở thành tiến sĩ triết tại Đại học Turin, năm 39 tuổi ông được phong hàm giáo sư sémiotique (ký hiệu học) và trưởng bộ môn của Đại học Bologne. Ông đã nhiều năm giảng dạy về mỹ học và văn hóa tại các trường đại học ở Milan, Turin và Florence, là tiến sĩ danh dự và giảng dạy ở nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như Yale và Columbia ở Mỹ.

 Các tác phẩm của Umberto Eco phản ánh sự tìm kiếm bản sắc văn hóa của các thế hệ sau Đệ nhị thế chiến.

(Tổng thống Ý Sergio Mattarella)

Trước khi trở thành một nhà văn lớn, Umberto Eco đã là tác giả của nhiều tiểu luận, nghiên cứu về truyền thông và văn hóa hiện đại.

Các công trình Vấn đề mỹ học của Thomas d’Aquin, Nghệ thuật và cái đẹp của mỹ thuật trung đại, đặc biệt hai công trình Tác phẩm mở viết năm 1967 và Cấu trúc rỗng viết năm 1968 của ông phân tích quan hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và các công cụ của truyền thông, cũng như sự đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật, đã đánh dấu bước phát triển đột biến trong nghiên cứu phê bình văn học.

Các tác phẩm Sự sản sinh của tín hiệuKý hiệu học và triết học của ngôn ngữ của ông đã xây dựng một hệ thống lý thuyết khá hoàn hảo về ký hiệu học.

Những bài thuyết giảng của ông ở các trường đại học châu Âu, cùng việc xuất bản các công trình nổi tiếng về ký hiệu học, đã làm chấn động giới học thuật những năm 1970. Lý thuyết ký hiệu học của ông được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, nghệ thuật, trở thành một môn học chính thống trong nhiều trường đại học ở châu Âu.

Tiểu thuyết đầu tay của ông Tên của đóa hồng in lần đầu năm 1980, khi ông 58 tuổi, gây một cú sốc lớn trong văn học đương đại, khiến ông được coi là một trong hai tiểu thuyết gia kiêm lý thuyết gia lớn nhất, có ảnh hưởng quan trọng nhất châu Âu hiện nay, bên cạnh Milan Kundera.

Ngay từ đầu tôi đã biết cuốn tiểu thuyết của mình là một sáng tác đa tầng ý nghĩa, trong đó có chính trị, có thần học, có một câu chuyện trinh thám và ai mà biết được còn những tầng ý nghĩa gì khác nữa, để đi đến tận cùng phải mất nhiều thời gian” - ông nói.

Sau Tên của đóa hồng, Umberto Eco lần lượt cho ra đời các tiểu thuyết nổi tiếng khác như Con lắc Facault (1988), Hòn đảo của hôm qua (1994), Baudolino (2000), Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana (2005), Nghĩa địa Praha (2010) và Numero Zero (2015).


Barna Imre, người dịch các tác phẩm của Umberto Eco ra tiếng Hung, bày tỏ: Cũng giống các văn tài lớn như Johann Wolfgang von Goethéhez, Thomas Mannhoz hay Jean-Paul Sartre, Umberto Eco là đại diện của một kiểu trí thức có uy tín lớn không ai tranh cãi ở tổ quốc mình và trên khắp thế giới.

Kiểu người như thế trước đây không nhiều, ngày nay hãn hữu lắm mới có một vài. Umberto Eco là người uyên bác, đa tài, nhưng không chỉ trong các tiểu thuyết của mình mà ngay cả trong các tác phẩm triết học, ông cũng có khả năng diễn giải dễ hiểu và khai triển đề tài từ nhiều giác độ.

Khi đã trở thành nhà văn được yêu chuộng khắp thế giới, Umberto Eco vẫn giữ thái độ làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ và hết sức cầu thị. Ông thường liên hệ với các dịch giả, sẵn lòng trả lời các vấn đề họ nêu.

Trước khi có Internet, ông hay viết thư chung cho các dịch giả, trong thư có khi ông dùng cả hình vẽ để làm rõ vấn đề, lưu ý tới nhận xét và phát hiện của họ và sửa chữa nhiều chỗ quan trọng. Nhờ vậy, “cộng đồng các dịch giả Umberto Eco” đã thật sự trở thành một “gia đình lớn”, thường trao đổi, giúp đỡ nhau trong học thuật để việc dịch các tác phẩm phức tạp, đa tầng ý nghĩa của nhà văn được hoàn hảo hơn.■


Tang lễ Umberto được tổ chức vào ngày 23-2-2016 tại Milan, thành phố nơi ông đã sống và sáng tạo trong gần suốt cuộc đời. Lễ viếng nhà văn, triết gia, nhà khoa học lớn của nước Ý và châu Âu sẽ diễn ra trong lâu đài Sforza, theo lối mở và không theo thể thức tôn giáo. Để tưởng nhớ người con ưu tú của mình, thành phố Alessandria vùng Piemonte quê hương ông sẽ treo cờ rủ trong ngày tang lễ.

 

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận