Bảo tồn di sản văn hóa đô thị: Ta cần tới những công cụ nào?

NGUYỄN THỊ HẬU 24/05/2018 19:05 GMT+7

Một di sản đô thị cần được đánh giá giá trị trong cái nhìn tổng thể về quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, giá trị của hệ thống các công trình kiến trúc chứ không nên bị nhìn như một công trình cụ thể riêng lẻ. Bởi cái nhìn cục bộ, đơn lẻ và hạn chế đã từng khiến nhiều di sản có giá trị văn hóa lịch sử khác bị phá hủy.

Một góc tòa án nhân dân TPHCM - công trình đang được trùng tu, bảo tồn. (Ảnh: KTS Cao Thành Nghiệp)

https://Bé nhỏ trao truyền văn hóa

https://Nghĩ về một tổng thể di sản tuyệt đẹp

Khi chuẩn bị cho cuộc kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM (1698 - 1998), bảo tồn di sản văn hóa (trong đó có cảnh quan đô thị) đã được chính quyền TP.HCM lúc đó xác định là một trong những việc quan trọng và có ý nghĩa để xây dựng TP văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhưng không lâu sau đó, từ đầu những năm 2000, trong “cơn lốc” hiện đại hóa, nhất là ở trung tâm TP, công tác bảo tồn di tích và cảnh quan đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ở một số khu vực, công tác này đã “thất bại” trước cơn lốc xây dựng mới các công trình như “đô thị mới”, trung tâm thương mại, khách sạn... và các công trình hạ tầng như metro, cầu, mở rộng đường...

Ban hành chậm, thực hành chậm

Tới tận năm 2014, TP.HCM mới ban hành được “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” (quyết định số 2751/QĐ-UBND). Trong đó, xác định “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là một vấn đề thiết yếu trong việc quản lý, phát triển đô thị, đặc biệt là đối với TP.HCM có quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ với những đặc điểm đa dạng về kiến trúc đô thị”. Mục tiêu của chương trình hành động này nhằm xác định các yêu cầu, đối tượng và quan điểm định hướng trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP. Rất tiếc là, việc triển khai thực hiện đã chậm hơn thực tế di sản đô thị bị phá hủy và biến dạng từng ngày.

Họa tiết sắt uốn trên cổng dinh Thượng Thơ. Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng chụp tháng 5-2018
Họa tiết sắt uốn trên cổng dinh Thượng Thơ. Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng chụp tháng 5-2018

Chuyện dinh Thượng Thơ hơn 150 tuổi - công trình công sở hiện diện sớm nhất tại Sài Gòn - có thể sẽ bị phá để xây dựng công trình mới một lần nữa làm dư luận quan ngại chuyện bảo tồn di sản đô thị. Cũng thế, giới chuyên môn (kiến trúc, lịch sử, văn hóa) và quản lý văn hóa một lần nữa phải đối diện câu hỏi: Sau công trình đã bị phá thì đến lượt công trình nào? Và làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Nghiên cứu và khảo sát hệ thống di sản văn hóa đô thị Sài Gòn - TP.HCM cần coi đô thị là một đối tượng có thể tiếp cận và là tổng hợp của các cách tiếp cận từ các khía cạnh sau: không gian vật thể (từ một ngành cụ thể như khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch...), khía cạnh kinh tế (trị giá của bản thân các công trình và giá trị phát sinh từ đó), khía cạnh chính trị - chính sách (ứng xử với quá khứ, với sự đa dạng của xã hội dân sự) và khía cạnh văn hóa - xã hội (ký ức cộng đồng, truyền thống sinh hoạt cộng đồng). Chỉ khi tiếp cận đa chiều như vậy mới có thể nhận biết và ứng dụng hệ thống những “công cụ” cũng đa chiều vào việc bảo tồn di sản đô thị.

Công cụ pháp lý

Là điều quan trọng đầu tiên để thực hiện nghiêm ngặt việc khoanh vùng di sản, hạn chế mật độ xây dựng, chiều cao và quy mô công trình, hạn chế mật độ dân số, lưu lượng giao thông... từ đó giảm tác động xấu đến cảnh quan chung và các di sản. Công cụ này cũng cần cho việc thường xuyên kiểm kê, xếp hạng các danh mục cần được bảo tồn. Đây là biện pháp đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng di tích bị phá hủy hoặc sửa chữa làm biến dạng, là căn cứ để đưa ra phương thức và thực thi trùng tu một cách phù hợp.

Luật di sản văn hóa và những luật khác áp dụng cho đô thị đã có, nhưng cần áp dụng công bằng cho cả người dân, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước..., không để chỉ có người dân bị kiểm soát còn các đối tượng khác thì không. Luật còn có cả điều khoản khen thưởng cho người phát hiện di tích, di vật quý, nếu có những giải thưởng hay hình thức khen thưởng, ghi nhận sự bảo vệ, bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa đô thị đó sẽ là cách “xã hội hóa” làm cho ý thức cộng đồng ngày càng cao hơn.

Công cụ hỗ trợ về tài chính

Ngân sách nhà nước dành cho việc bảo tồn di sản không nhiều nên cần có thêm nguồn kinh phí khác của xã hội - những bên muốn tham gia và có nghĩa vụ tham gia: các nhà đầu tư bất động sản vào khu vực di sản, cơ quan nhà nước sử dụng công trình di sản. Việc thực hiện nghĩa vụ về tài chính, đóng góp bảo tồn cảnh quan và công trình di sản là quan trọng, bởi khu vực di sản mang lại giá trị tinh thần cho cộng đồng nói chung, thứ mà nhà đầu tư có thể khai thác và “chuyển hóa” thành giá trị kinh tế.

Chúng ta nên khích lệ các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa dưới sự hướng dẫn kiểm soát về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan khoa học, bằng ưu đãi chính sách thuế hoặc nguồn thu dịch vụ có từ di sản văn hóa... như Campuchia và Thái Lan đã thực hiện rất thành công. Chính quyền TP.HCM cần đưa chiến lược bảo vệ di sản đô thị vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bởi di sản cũng tạo ra nhiều giá trị kinh tế, không phải chỉ là những hiện vật nằm trong tủ kính viện bảo tàng.

Công cụ thông tin

Bạch hóa và quảng bá cho cộng đồng và du khách những thông tin cụ thể về di sản văn hóa đô thị Sài Gòn - TP.HCM là cách tạo ra hiểu biết chung, ký ức chung, mối quan tâm chung. Từ đó sẽ tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng tham gia các chính sách và giám sát công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhận thức và ứng xử với di sản văn hóa cũng sẽ được đổi mới. Hiện nay, chưa có chiến lược nào nhằm làm cho người dân và thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, đúng hơn về giá trị di sản văn hóa của địa phương cũng như cả nước. Chưa kể, những chương trình có tính quảng bá vẫn còn nặng về “khai thác” du lịch mà chưa chú ý đến cách làm tăng giá trị cho di sản, đó là yếu tố tri thức, nhận thức của con người...

Một di sản đô thị cần được đánh giá giá trị trong cái nhìn tổng thể về quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, giá trị của hệ thống các công trình kiến trúc chứ không nên bị nhìn như một công trình cụ thể riêng lẻ. Chính cái nhìn cục bộ, đơn lẻ và hạn chế đó đã từng khiến nhiều di sản có giá trị văn hóa lịch sử khác bị phá hủy.

Trước năm 2000, TP.HCM đưa ra khá nhiều thông tin quy hoạch nhưng công chúng gần như không biết, hoặc có biết thì cũng chưa đủ hiểu biết và sự quan tâm, thời gian tìm hiểu để có ý kiến. Nhưng sau này, nhất là từ năm 2010 đến nay, công chúng đã có sự quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về di sản văn hóa, lịch sử đô thị. Nhiều người dân có kiến thức và hiểu biết về bảo tồn, kiến trúc, lịch sử, văn hóa... nên họ có thể đóng góp với chính quyền những ý kiến xác đáng và sáng kiến hữu ích, họ chỉ cần được tôn trọng lắng nghe và tiếp nhận cởi mở. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận