Những ngôi nhà cũ

NGHIÊM QUỐC THANH 02/04/2019 21:04 GMT+7

Trong những giấc mơ sau này, tôi vẫn thấy mình lần lượt được về với từng ngôi nhà cũ.

 

Đó là một ngôi nhà gỗ rộng lớn, cửa chính xếp thành nhiều cánh, có thanh gác phía trong, những ô cửa sổ trải đều hai bên hông nhà. Phòng của ông nội ở sau cùng, cái bàn ăn rất rộng đặt giữa gian nhà sau.

Ngoài sân, tàng cây vú sữa tỏa bóng đến tận giếng nước giáp ranh lộ chính. Giếng nước có từ lúc nào tôi không rõ, chỉ nghe ông nội kể giếng do lục-tà(*) đứng ra chỉ dẫn người dân trong phum đào. Người Khmer từ trong phum chiều chiều ra giếng lấy nước và tắm giặt rất đông. Khoảnh sân rộn tiếng cười. Đêm xuống, bọn trẻ chúng tôi trải ghế bố ngồi nghe người lớn kể chuyện dưới trời sáng trăng.

Tôi và hai người anh họ ngủ trên bộ ngựa phòng khách. Trước khi đi ngủ, ông nội luôn cầm đèn pin rọi dưới gầm giường, xem có tên trộm nào đột nhập nằm chờ sẵn ở đó không. Ông không gài chốt, mà gác một thanh ngang bằng bắp tay cho chắc. Thanh gác đó cũng là dụng cụ đắc lực hỗ trợ cho vài hình phạt của ông. Chúng tôi không thuộc bài, không ngủ trưa, không biết đùm bọc nhau mà lo gây chuyện... ông bắt chúng tôi đứng hàng dọc, đặt thanh gác lên vai không cho nhúc nhích trong nửa giờ đồng hồ.

Ông nghiêm khắc là thế, nhưng bọn trẻ chúng tôi vẫn phục. Phòng ông lúc nào cũng mở cửa, vậy mà ít có ai dám vào. Từ cửa sổ phòng nhìn ra phía sau, ông có thể quan sát được chúng tôi làm gì, có quên nhiệm vụ cho heo ăn không, hay lo trèo cây hái trái...

Sau ngày ông mất, tôi phải rời xa ngôi nhà mà ông cháu tôi từng gắn bó để về ở với ba mẹ.

***

Ngôi nhà ra riêng của ba mẹ tôi nhìn ra một ngã ba đường. Một ngả dẫn ra huyện lỵ, một ngả đi tắt về nhà ông và một ngả đi qua biên giới. Đường qua xứ chùa tháp nổi danh chỉ cách ngã ba một con kinh và cánh đồng trắng xóa mỗi mùa nước lụt. Ký ức một đứa trẻ con như tôi luôn ám ảnh những trận càn của giặc Pol Pot.

Ngã ba tấp nập giao thương, dân nước láng giềng mỗi ngày thồ hàng sang biên giới bán mua. Mẹ tôi nói họ là dân lành, cùng chung số phận với dân mình, từng bị bọn khát máu giết hại dã man. Họ chất phác, cần cù như bà con trong phum ra lấy nước bên giếng sân nhà ông. Từ đó, tôi thiện cảm hơn với anh Sầm Nang gánh nước thuê, với chị Sóc Thia bán cua đồng xâu từng xâu... rẻ như không hề biết tiếc công sức mình. Mẹ tôi bán tạp hóa, có khi họ chỉ đổi lấy đường, mì gói, xà bông... chứ không lấy tiền. Từ trên gác lửng nhìn xuống, tôi thấy họ cười với mình, những cái cười rất hiền trên làn da sạm màu và hàng mi cong vút. Chị Sóc Thia dắt theo thằng con trai chạc tuổi tôi, tóc xoăn tít và nụ cười trắng lóa. Ngày nào tôi cũng mong chờ họ tới.

Phía trước nhà là con đường chạy dài lên biên giới, phía sau là cánh đồng nối thẳng đến chân trời. Tôi đi học, đi chợ mua đồ cho mẹ hay dắt mấy đứa em thả diều cũng không đi khỏi cánh đồng ôm trọn những cây thốt nốt sừng sững vươn cao. Sáng sớm, sương giăng phía xa xa ngập ngụa. Tôi đi đến đâu, sương tan đến đó. Trưa hơn một chút, nắng phả xuống cánh đồng, từng ngọn rau muống trườn lên mặt đê sau mỗi trận mưa núi sấm chớp vang trời. Cậu con trai hôm tôi gặp trước nhà theo mẹ bắt cua. Tôi vẫy tay chào cậu ấy, tiếp tục đi về phía chợ quê.

***

Và rồi, nhà tôi lại dọn về ở một góc chợ sau một thời gian ba mẹ tôi làm ăn khánh kiệt. Khu chợ giải tỏa, nhà tôi lại phải dời đến một khu dân cư mới. Cô Út đã xây nhà mới bề thế gấp nhiều lần ngôi nhà gỗ mà ông tôi dành dụm cất lên từ khi mới rời xứ nhập cư vùng Bảy Núi vốn còn hoang vu. Mỗi dịp về thăm mộ ông, đi ngang ngã ba, thấy nền nhà cũ nay đã là một cửa tiệm nổi tiếng của một người Hoa giỏi giang buôn bán. Trong những giấc mơ sau này, tôi vẫn thấy mình lần lượt được về với từng ngôi nhà cũ. ■

(*): Tiếng Khmer chỉ người đàn ông lớn tuổi, có uy tín trong phum sóc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận