Sự cố Facebook: Một cái hắt xì, tỉ người lao đao

TRƯỜNG SƠN 06/04/2019 01:04 GMT+7

Một nhà bình luận công nghệ đã đùa rằng hôm 14-3 vừa qua, nếu ai chịu khó lắng tai nghe thì đã có thể nghe được tiếng khóc than ai oán của người dùng Facebook và hai ứng dụng “chị em” là Instagram và WhatsApp khi cả ba đều gặp sự cố, hoạt động không ổn định.

Minh họa
 

Sự cố gián đoạn hoạt động lâu nhất trong lịch sử Facebook vừa qua cho thấy vấn đề không chỉ ở chỗ không “lên phây” được mà còn có cả thiệt hại về kinh tế, khi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào Facebook cho mọi hoạt động của mình, từ giải trí, giữ liên lạc cho đến làm ăn, kinh doanh.

Khi Facebook “hắt hơi”

Ngày 14-3, người dùng Facebook tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới không thể tải lại trang chủ (newsfeed) để nhận tin mới hoặc đăng nội dung lên được trang nhà, trong khi người dùng Instagram không thể xem ảnh trên trang người khác và WhatsApp gặp sự cố không gửi tin nhắn được. Instagram và WhatsApp đều thuộc sở hữu của Facebook, và cả ba đều là một phần không thể thiếu trong thời mạng xã hội khi có hàng tỉ người dùng.

Đây không phải lần đầu tiên người dùng “phát hoảng” vì không vào được Facebook, song sự cố lần này đáng chú ý bởi nó kéo dài từ 8 - 14 tiếng (tùy khu vực). Trang Downdetector, một dịch vụ chuyên theo dõi “sức khỏe” các nền tảng trên Internet, đã ghi nhận khoảng 7,5 triệu phản hồi về việc không “vào phây” được trong thời điểm Facebool “cúp điện”. “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự cố dừng hoạt động quy mô lớn đến thế” - Tom Sanders, đồng sáng lập Downdetector, nói trong một thông cáo.

Như những lần trước, người dùng tìm đến Twitter để bàn về chuyện Facebook gặp vấn đề. Sự cố kéo dài đến mức lượng người dùng Telegram, một ứng dụng nhắn tin tương tự WhatsApp, đã tăng 3 triệu người dùng chỉ trong 24 tiếng.

Báo chí, đặc biệt là các trang công nghệ, vẫn thường nhân những dịp này để châm chích sự “ghiền Facebook” của thiên hạ. Người quản lý trang Facebook của tạp chí Wired cũng thể hiện sự hóm hỉnh khi đăng thông báo: “Alô, thử mic... Vào Facebook lại được rồi phải không?”, sau một thời gian chật vật không post được gì lên phây.

Tờ báo Anh The Guardian còn giật tít: “Quý vị có chịu được chuyện Facebook gặp sự cố mà không cần báo cảnh sát không?”. Bài báo mô tả việc rõ ràng chuyện không vào được Facebook, Instagram và WhatsApp đâu phải là tận thế, nhưng nhiều người vẫn hoảng loạn, đến mức một đơn vị cảnh sát ở Úc đã đùa trên Twitter rằng gì thì gì, cũng đừng báo chính quyền chỉ vì Facebook không vào được. Chương trình chào buổi sáng Sunrise trên truyền hình Úc, không rõ muốn đùa theo hay tưởng cảnh sát nói thật, đã lặp lại cảnh báo trên trong bản tin của mình.

Vì biết rõ Facebook trục trặc chẳng phải là tận thế, người ta thỏa sức nói đùa về khoảng thời gian hiếm hoi mà mạng xã hội lớn nhất thế giới hắt hơi sổ mũi. Một trang mạng châm biếm rằng 14-3 là “ngày làm việc năng suất hiệu quả nhất trong cả thế kỷ” vì không còn Facebook để phân tâm và người ta có dịp bỏ smartphone xuống và tận hưởng cuộc sống “phi công nghệ”. Một người còn kể với với USA Today chuyện Facebook trục trặc đã cho cô này món quà sinh nhật quý nhất, vì bạn bè không gửi chúc mừng qua mạng được đã thực sự gọi điện cho cô.

Kinh tế Facebook lao đao

Đùa vui một chút là thế, chứ thật ra, Facebook hay Instagram đâu chỉ là chuyện chơi vui. Ngày Facebook gặp sự cố, đâu chỉ có tiếng than vãn của những người không khoe được ảnh chụp chuyến đi mới nhất trên Facebook hay đăng ảnh bữa ăn tối lên Instagram, mà còn có những tiếng kêu trời tha thiết từ những nhà quảng cáo, giới marketing qua mạng xã hội, và cả KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, được thuê để quảng cáo). Là bởi có cả một nền kinh tế đang vận hành trên Facebook và Instagram.

Facebook và Instagram gặp sự cố nghĩa là các quảng cáo chạy trên hai nền tảng này cũng ảnh hưởng. Các KOL được trả tiền để đăng bài viết, hình ảnh kiểu “vô tình” nhắc đến một sản phẩm dịch vụ nào đó giờ phải ngậm ngùi vì có khi vẫn post được nhưng lượng người đọc chẳng bao nhiêu.

Trong bài viết “Khi Facebook “sập”, một nền kinh tế cũng “sụp” theo”, The Verge kể ví dụ Công ty Wonghaus Ventures vừa nhập lô hàng lông mi giả mới và quyết định chạy quảng cáo trên Facebook và Instagram, đồng thời thuê KOL quảng bá giúp sản phẩm. Xui cho họ là chiến dịch quảng cáo diễn ra đúng ngày Facebook gặp sự cố.

Cơ chế quảng cáo của Facebook cho phép khi chạy chiến dịch quảng cáo, khách hàng sẽ được chọn chỉ trả tiền khi người dùng thấy quảng cáo của họ, hoặc khi click vào đường link. Vì thế thiệt hại do sự cố gây ra không phải là mất tiền trực tiếp, mà là mất khách hàng tiềm năng và doanh thu không đạt kỳ vọng vì quá ít người thấy bài quảng cáo.

Jason Wong, đại diện Wonghaus Ventures, cho biết công ty bị thiệt hại 10.000 USD vì Facebook trở chứng. Con số này dựa trên so sánh doanh thu từ 7-8 ngày trước với số tiền thu được trong ngày 14-3. Ngoài lông mi giả, công ty này còn có các ngành hàng khác, và doanh thu từ kênh Facebook và Instagram trong ngày “sập mạng” là con số 0 tròn trĩnh.

Theo The Verge, hàng triệu công ty có chạy quảng cáo hoặc nhờ KOL tiếp thị trên Facebook đều bị thiệt hại theo cách gián tiếp như thế. “Sự cố Facebook giống như khi tất cả các bảng quảng cáo ngoài trời trong một thành phố biến mất và không ai có thể tìm được cửa hàng bán các thứ đồ đang được quảng cáo” - The Verge phân tích.

Các đơn vị muốn quảng bá việc sắp diễn ra một sự kiện nào đó trên Facebook cũng chịu thiệt hại không nhỏ. Giả sử một trung tâm ngoại ngữ có chạy quảng cáo Facebook cho buổi hội thảo tuyển sinh vào đúng ngày gặp sự cố, họ sẽ hụt mất một lượng lớn học viên tiềm năng vì quảng cáo không đến được với người cần đọc.

Nhiều người đã không thể sống thiếu Facebook nên mỗi sự cố với mạng xã hội này đều khiến họ chao đảo bất an. (Ảnh: Pinterest Illusatrtion)

Mong manh Người khổng lồ

Còn một đối tượng ảnh hưởng của sự cố Facebook vừa qua: các công ty, đơn vị có liên lạc nội bộ thông qua mạng xã hội này. Các nhóm và nhóm chat Facebook đã trở thành kênh liên lạc tiện lợi và phổ biến với nhiều công ty, tổ chức, vì ai cũng sẵn có Facebook và giữ kết nối gần như 24/24 giờ. “Facebook cá nhân thì có sự cố cũng không sao, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng tôi phải phụ thuộc vào Facebook để làm ăn?” - Rebecca Brooker, một nhà thiết kế sống ở Buenos Aires (Argentina), nói với BBC.

Theo Brooker, chuyện Facebook nghẽn mạng đã ảnh hưởng rất lớn đến công ty vì tất cả nhân viên, trú tại nhiều nước khác nhau, chỉ liên lạc qua kênh Facebook Workplace (phiên bản Facebook dành riêng cho doanh nghiệp, cũng bị sự cố hôm 14-3). Công ty phải quay lại dùng email trong khi chờ Facebook khắc phục sự cố, và đương nhiên, việc trao đổi “thư đi mail lại” chẳng dễ chịu gì.

Năm 2015, Facebook từng gặp sự cố trong 51 phút, nhưng đó là khi mạng này chỉ có 150 triệu người dùng thường xuyên, so với 2,2 tỉ hiện nay. Facebook hiện đang gánh sứ mạng quá lớn, phải phục vụ trên 2 tỉ người với đủ mục đích, giải trí, kết nối, liên lạc công việc, làm ăn, kiếm tiền. Đúng như tít báo trên New York Times hôm 14-3, “Chuyện Facebook trục trặc cả ngày là lời nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của Internet”.

Theo hai tác giả Mike Isaac và Kate Conger, sự cố nghiêm trọng này cho thấy “ngay cả những công ty Internet mạnh mẽ nhất, thuê những nhà khoa học máy tính giỏi nhất và ứng dụng các công nghệ tối tân nhất” cũng có thể “tèo” vì lỗi con người. Con số hơn 2 tỉ người dùng (chưa kể Instagram và WhatsApp) có nghĩa bất kỳ sai sót nào từ kỹ sư Facebook cũng dẫn đến hậu quả quy mô lớn.

“Tất cả các công ty trên nền web đều có nhiều lớp phòng thủ để tránh sự cố, song đôi khi một lỗi lập trình do một kỹ sư gây ra cũng có thể lan ra hàng ngàn máy tính trong hệ thống và dẫn đến lỗi” - Alex Stamos, cựu giám đốc bảo mật Facebook, nói với New York Times.

Nếu máy tính cá nhân của ta bị hỏng thì chỉ việc thử khởi động lại có khi là xong, trong khi “chuyện khởi động lại một hệ thống phức tạp như Facebook là vô cùng khó” - Stamos nói, ngụ ý các kỹ sư Facebook đã vất vả thế nào để khắc phục sự cố. Facebook đã chính thức thông báo “thay đổi trong cấu hình máy chủ” là nguyên nhân sự cố. Một nguồn tin nội bộ Facebook nói với New York Times chỉ từ một lỗi đó mà dẫn đến phản ứng dây chuyền khắp hệ thống và không thể khắc phục ngay.

Và nguy cơ cuối cùng quan sát được trong vụ việc vừa qua chính là chúng ta thực sự quá phụ thuộc vào Facebook, thứ suy cho cùng chỉ là một công ty điều hành một nền tảng trên Internet. Ấy vậy mà khi nó trục trặc một chút thì thật sự gây ra hỗn loạn trong đời sống thật. “Hãy xem chuyện gì đã xảy ra khi chúng ta để một và chỉ một công ty quản lý mọi thứ” - Brooker viết trên Twitter.

Chúng ta đã nói rất nhiều về tác hại của mạng xã hội, về việc không thể rời mắt khỏi smartphone. Chúng ta đã bàn cách ít lên Facebook hay “cai phây” - ngưng hẳn việc dùng Facebook. Để rồi khi Facebook gặp vấn đề, chúng ta hoảng hốt và không biết phải làm gì.

Đây mới là cái đáng lo nhất trong sự cố “hắt hơi” của Facebook.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận