Tôi xây tầm nhìn gia đình bằng những cái ôm

NGÔ PHƯƠNG THẢO 03/07/2019 16:07 GMT+7

TTCT - Trong mô hình gia đình “không truyền thống, theo nghĩa chỉ có người cha hoặc người mẹ nuôi dạy các con - một mô hình giờ không mấy hiếm hoi, chuyện nuôi dạy con cái diễn ra theo những cách thức nào, các mối quan hệ trong gia đình liệu có gì khác thường, liệu có phải cần đến những quan điểm và phương cách khác để quản trị một nếp nhà? Chia sẻ của một người mẹ đang nuôi dạy ba con trong số báo này khởi đầu cho những gì chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về những gì diễn ra trong các mô hình gia đình Việt Nam hiện nay.

 

Ngày mang ba con ra khỏi một “gia đình” với một kế hoạch mơ hồ và đôi bàn tay “trắng phớ”, thứ duy nhất neo giữ tôi lại trong toàn bộ quãng đời cheo leo đó là hai chữ “tầm nhìn”. 

Dù biết cuộc sống hiện tại không phải là cuộc sống mà mình mong muốn, con người hiện tại không phải là con người mà mình muốn trở thành, nhưng tôi lúc ấy cũng không biết cuộc sống nào mới là cuộc sống thuộc về mình, con người mình muốn trở thành là ai, gia đình mà mình muốn gầy dựng nên là gia đình nào? Tôi tìm kiếm điều gì với tương lai bất định phía trước? Và tầm nhìn đó là tầm nhìn nào?

Cái giá của việc “xây dựng một tầm nhìn”

Trong cái biết nhỏ nhoi kém cỏi lúc ấy, tôi chỉ nhận thấy một điều rõ ràng: nếu mình không dũng cảm thay đổi một môi trường khác, trang bị cho mình một khung nhận thức khác, chọn cho mình một vùng tri thức khác, chữa lành những thương tổn đang dằn vặt, cào cấu mình mỗi ngày thì cơ hội để trả cho những đứa con một bà mẹ hạnh phúc, tươi tắn, dịu dàng, để chúng có thể trưởng thành bình thường và khỏe mạnh như cần có là khó khăn.

Năm đó, con gái tôi vừa đầy 5 tuổi. Một buổi chiều, con hỏi tôi: “Mẹ có biết “người mẹ hiền hạ” là gì không?” Tôi bật cười trước chữ “hiền hạ” của đứa bé con chưa đủ vốn từ để biết chữ “hiền hậu”, hỏi lại xem cháu hiểu “người mẹ hiền hạ” là gì. Con gái tôi giải thích: người mẹ hiền hạ là người lúc nào cũng dịu dàng và vui vẻ với con mình, không quát mắng con kể cả khi con mình sai và nếu con sai, người mẹ hiền hạ sẽ từ từ giải thích và ôm con nhẹ nhàng.

Không hiểu sao những lời nói ấy của con theo tôi mãi về sau. Trong nhận thức của đứa trẻ 5 tuổi, một khái niệm đã hình thành và dù từ ngữ ấy có non nớt đơn sơ cũng đủ cho tôi biết một nhu cầu đã hiện ra rõ rệt trong lòng đứa trẻ: nhu cầu được tin tưởng, được bao dung rộng lượng, được trân trọng “trước sau như một”. Và tôi cũng thấy rõ hình ảnh của mình qua tấm gương phản chiếu ấy: một người mẹ cáu kỉnh, dễ nổi nóng và tức giận với con của mình.

Chuyện gì đã tạo nên tôi trong hình ảnh dễ cáu giận ấy? Một người mà trước đó đã tự nhận là giàu tình thương, kiên nhẫn và điềm đạm? Có một khối tức giận ở đâu đó chưa được tháo ngòi? Tôi cứ tự hỏi và liên tục tự hỏi đến khi tìm được câu trả lời: tôi đang sống không đúng với tầm nhìn của mình. Tôi đang “nhìn thấy” nhiều hơn những gì tôi có thể làm và những thứ tôi đang làm, ngữ cảnh mà tôi đang đặt mình vào, hầu như đi ngược lại với những gì tôi đã “nhìn thấy”. Chính điều đó đã tạo nên một người mẹ bất lực - nguồn cơn của những cáu giận hắt lên con mình.

Có thể nói, cái giá của việc “hiện thực hóa” bản thân của một người mẹ chính là việc phá vỡ một gia đình bình thường đầy đủ để tái tạo một gia đình mới, một gia đình mà mãi sau này tôi mới định hình và gọi tên được nó: gia đình có khả năng cảm nhận được tình yêu.

Nhưng một gia đình đâu chỉ có tình yêu. Tất cả những vấn đề khác của một gia đình chỉ có mẹ và ba con từ từ hiện lên.

500.000 đồng nhuận bút đầu tiên

Vì có quá nhiều thứ bất ổn trong cùng một thời điểm: kinh tế bấp bênh, tâm lý và sức khỏe con cái khủng hoảng âm thầm, điều kiện sống thiếu thốn..., tôi bắt đầu chia nhỏ những điều có thể cải thiện được, đặt những ưu tiên quan trọng, chấp nhận những điều chưa thể cải thiện ngay. Tôi đặt ra 3 mục tiêu:

- Về kinh tế, tôi muốn sống được bằng nghề của mình và nuôi các con ở mức sống bình thường.

- Về giáo dục: Các con bình an, trở thành những đứa trẻ hiểu chuyện, giàu lòng trắc ẩn và có tư duy mạch lạc, tự tin; mẹ và con cùng phát triển để “bắt kịp” và trở nên chủ động trong dòng chảy tri thức, các con trở thành con người chủ động học tập và có phương pháp riêng trong việc học.

- Về nề nếp gia đình: có một nơi ở gần gũi thiên nhiên, để những người trong gia đình có điều kiện tốt “tự chữa lành” những tổn thương thông qua việc gần gũi thiên nhiên; các con trải nghiệm cảm giác tự phục vụ càng nhiều càng tốt.

Tôi nhìn vào bức tranh thực tế lúc đó: các con còn quá nhỏ, sức khỏe thể chất và tinh thần không ổn định; bản thân mình chẳng có một tài sản lận lưng nào, khả năng tìm được một việc làm ổn định không cao. Khi tôi mang về 500.000 đồng tiền nhuận bút của cái tin báo chí đầu tiên, mẹ tôi đã lặng lẽ rớt nước mắt, bởi bà hiểu con gái bà đã có thể trở lại làm báo và theo đuổi đam mê của nó. Và có lẽ, vào lúc ấy, bà mới tin rằng chúng tôi có thể tự sống. Còn tôi, đưa cho mẹ số tiền xong, tôi nằm trên sàn phòng trọ thuê 16 mét vuông ở Thủ Đức ngủ một giấc ngon lành.

Dần dà, số tiền tôi kiếm được từ nghề của mình bắt đầu đều đặn hơn sau từng năm. Ý thức được là mình thiếu rất nhiều kỹ năng và kiến thức, tôi chú tâm và tận dụng mọi cơ hội để học. Đó là một quãng đường dài nỗ lực học hỏi, nghiêm túc và nhẫn nại. Tôi đặt mục tiêu đầu tư vào tri thức của bản thân mình trở thành quan trọng nhất, bởi đó chính là cách duy nhất giúp gia đình có được những phương tiện sống bình thường ổn định.

Minh họa
 

Những cái ôm chữa lành

Tôi cũng đặt ra mục tiêu chữa lành những thương tổn tâm lý của mình ở mức độ quan trọng kế tiếp bởi nếu không nhận ra và hóa giải được những nỗi đau đè nén, tôi đâu có cơ hội nào trở thành một người mẹ “hiền hạ” cho con ôm ấp, tin cậy. Tôi đã kịp giật mình nhìn lại gương mặt dúm dó của mình trên sự dúm dó sợ hãi của con tôi những lúc tôi quát con vô lý, và đã kịp dừng lại để ôm con và được con ôm lại. Nỗi sợ hãi về tương lai bất định mơ hồ, nỗi mệt mỏi triền miên vì vắt kiệt sức, nỗi buồn, nỗi cô đơn chất chứa nhiều ngày tháng nhờ những cái ôm mà dịu bớt.

Kể từ ấy, triết lý giáo dục của cả gia đình tôi, “sợi dây” nối chúng tôi lại với nhau là những cái ôm lặng lẽ. Có những ngày tả tơi, tôi về nhà nằm yên, để các con ôm mình trong vòng tay rộng mở của chúng, những cái vỗ về, những cái xoa đầu, bóp tay bóp chân, những ly nước của chúng, những câu an ủi hài hước của chúng, cảm thấy những khô hạn trong lòng mình bỗng dưng mềm mại, những vết nứt đang được tự vá lành.

Từ một người dễ cáu giận, tôi thực hành ôm lấy con khi con có biểu hiện bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Những buổi tối mệt nhoài, tôi nắm tay một trong số các con, lặng lẽ đi dạo trên con đường vắng gần nhà, cùng nhau nghe tiếng ếch nhái, dế kêu. Những lời chia sẻ nhẹ nhàng với những lần nắm tay, hôn lên trán, đỉnh đầu nhiều hơn những lần la mắng, mỗi lúc một nhiều hơn. Dần dần, chúng tôi cười nhiều hơn và chọc ghẹo nhau nhiều hơn. Chúng tôi trở thành một gia đình hạnh phúc hồi nào không hay.

Con gái tôi, đến ngày cháu 13 tuổi, nói rằng: “Mẹ đã đúng rồi đấy! Phương pháp dạy con của mẹ là đúng đấy mẹ!”. Con giải thích: nhờ mẹ nghèo mà con tự biết nấu ăn, dọn nhà, tự học. Nhờ mẹ tin con mà con được thoải mái, không phải học hành tối ngày kiệt sức như mấy bạn của con. Nhờ mẹ cho tụi con đọc sách mà bây giờ tụi con biết đọc sách. Nhờ mẹ “tâm lý” mà con không phải khổ sở như các bạn của con!

“Sửa mình” để dạy con

Những ngày yên ổn bình lặng cuối cùng cũng tới, không phải bởi số tiền tôi kiếm được mang về hay những thành công tôi gặt hái được bên ngoài.

Chúng tới bởi trong những ngày bộn bề ngổn ngang của công việc tôi vẫn về ngồi cùng các con ăn bữa cơm do các con nấu, nghe các con kể chuyện và trêu chọc lẫn nhau.

Chúng tới khi các con tự giục nhau: đến giờ học rồi, mở máy tính ra chuẩn bị học nào!

Chúng tới khi học xong, các con lục đục bảo nhau lau nhà, lau bếp, rửa chén, dọn giường tự giác đi ngủ.

Chúng tới khi tôi buồn mà không hề giấu giếm nỗi buồn trên mặt, để được con xoa đầu, hôn lên tóc vỗ về, như cách mà tôi đã làm với chúng mỗi ngày, bấy lâu nay.

Chúng tới khi, từ những đứa trẻ mê game trên điện thoại, máy tính bảng, mê hoạt hình và xem cả ngày không dứt thì giờ đây đã chịu và thích đọc sách, từ vài chục trang của truyện tranh lên cả ngàn trang truyện chữ.

Chúng tới khi ba đứa con tôi chụm đầu vào một cái laptop để cùng thực hiện một bộ phim hoạt hình lồng tiếng, dưới sự trợ giúp của một cuốn sách hướng dẫn lập trình.

Những bước tiến nhỏ nhoi đó thực ra là một chặng đường dài kiên trì với một chuỗi sai, sửa sai, lại sai, lại sửa sai. Trong đó con “chim đầu đàn” là tôi phải tự sửa mình rất nhiều lần, nhiều không đếm xuể. Bởi đó là một hành trình lấy mình làm trung tâm, sửa mình rồi mới sửa con, nói cách khác, mình tự sửa thì con mình sẽ ổn. Muốn nói với con về giáo dục của thời đại mới, tôi phải đọc hàng chục cuốn sách liên quan, gặp hàng chục người liên quan. Muốn con thành thực với mình, tôi phải thành thực với con. Muốn con tin cậy mình, tôi phải học cách tin cậy con. Muốn con tự học, tôi cũng phải tự học mỗi ngày.

Phá vỡ nào cũng mang tới ít nhiều đớn đau, khó khăn, thử thách. Điều lớn nhất mà tôi học được từ hành trình dài vun đắp gia đình hiện nay của mình là chỉ có tình thương và sự thấu hiểu mới giúp ta đi qua những ngổn ngang, thiếu hụt để tạo dựng và duy trì một tổ ấm bình an, hạnh phúc. Trong đó, công thức chữa lành và làm tất cả chúng tôi khỏe mạnh lên chính là những cái ôm. ■

Cùng “những cái ôm” thầm lặng của cha mẹ tôi - ông bà ngoại của mấy nhỏ, những cái ôm của bạn bè thân thiết, đồng nghiệp, đối tác, những cái ôm của tôi dành cho chính mình, dành cho con cái, những cái ôm mà con cái dành cho cha mẹ, ông bà, chúng tôi đi qua những ngày dông bão và vận hành gia đình của mình với lòng biết ơn, sự thành thật, mỗi ngày cố gắng chú tâm trọn vẹn hơn với những việc mình làm, với người mình thương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận