TTCT - Trong nhiều lý do chọn trường học cho con mình, các bậc cha mẹ thường dẫn ra vài lý do cơ bản: danh tiếng về chất lượng của trường, cơ sở vật chất, vị trí ngôi trường, điều kiện tài chính (học phí)… Nhưng giữa thời buổi của hằng hà sa số loại hình trường hiện nay, chọn trường cho con không đơn giản. Và sau khi chọn trường cho con cũng là rất nhiều điều không hề đơn giản… Khác cách đây vài chục năm khi không ai phải nghĩ nhiều đến việc chọn trường bởi trường công là lựa chọn duy nhất, phụ huynh nay có nhiều lựa chọn hơn khi con vào cấp I. Chọn trường công nào: trường công bình thường, trường thực nghiệm, trường điểm, trường chuyên, chương trình chất lượng cao, những lớp song bằng? Chọn trường tư nào: trường quốc tế, trường song ngữ, trường tư theo chương trình Việt Nam? Đó là chưa kể những trường trực thuộc trường công nhưng lại có nhiều đặc điểm, tính chất chẳng khác gì trường tư, đó là trường quốc tế nằm ngay trong trường công? Rốt cuộc, có thể dựa trên tiêu chí nào để chọn trường cho con? CÁC LOẠI TRƯỜNG và ƯU - NHƯỢC ĐIỂM Chi phí giáo dục là khoản đầu tư quan trọng nhất của đời người, mà sự lựa chọn đúng - sai đôi khi dẫn đến những hệ quả khó lòng sửa chữa được. Nó không chỉ là đầu tư về tiền bạc, mà còn là thời gian và nhất là những cơ hội duy nhất, khó mà làm lại cho con cái chúng ta. Nhìn chung, ở bậc học phổ thông, Việt Nam hiện có mấy loại trường sau đây: * Trường công lập: Học phí thấp, chỉ khoảng 150.000 đồng/tháng. Các chi phí ngoài học phí (tiền học thêm, quà cáp bồi dưỡng thầy cô…) khác nhau, tùy trường, tùy vùng miền, tùy hoàn cảnh. Nhược điểm của các trường công là chương trình học nhồi nhét và cứng nhắc, học thêm gần như không thể tránh, học chủ yếu để thi, nên học sinh học rất vất vả mà vẫn thiếu nhiều kỹ năng thực sự cần sau này trong đời thực. Nhưng ưu điểm của trường công mà ít ai nghĩ tới, ngoài học phí thấp, là giúp học sinh nhận thức thế giới có thực mà các em sẽ phải sống với nó khi lớn lên. Trường công Việt Nam là bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam, cũng đủ kiểu vấn nạn: lạm thu, hình thức, chạy theo thành tích, bạo lực. Và cũng giống như trong đời thực, trong trường công có nhiều thầy cô yêu nghề, nỗ lực làm tốt công việc, cũng có những thầy cô quá khổ vì đời sống chật vật, vì không được đào tạo đến nơi đến chốn, vì không được tôn trọng, vì không có không gian sáng tạo. Cũng không thiếu những ấm ức trút giận lên đầu học trò và chẳng thiếu chuyện sỉ nhục, bạo lực thể chất hay tinh thần. Trong môi trường đó, bọn trẻ học cách nhận thức về cuộc đời đúng như là cuộc đời đang tồn tại. Trẻ sẽ học từ những hình mẫu sống động qua thầy cô và bạn bè chúng, với điều tốt - cái xấu phong phú y như cuộc đời thực. Tùy vào nền tảng giáo dục và sự hỗ trợ dõi theo của gia đình, tùy vào tác động từ xã hội, trẻ có thể thành công hoặc thất bại, có thể trở thành con người vững vàng, tìm được chỗ đứng trong xã hội dựa trên năng lực và khả năng thích ứng của bản thân, cũng có thể trở thành người nổi loạn hoặc bị bẻ gãy mọi cá tính, không tin vào bản thân mình và cũng không tin người khác. Ngoài trường công bình thường nói trên, còn có trường điểm, trường chuyên, lớp chất lượng cao, lớp song bằng… Đây là những nhóm nhỏ được coi là “ưu tú” trong thể loại trường công, được đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất, chứa nhiều yếu tố tích cực về chương trình đào tạo, chất lượng giáo viên, một số trường có thể đạt đến một số mặt gần giống các trường quốc tế. Học phí cao hơn trường công bình thường, nhưng không thấm gì so với trường quốc tế. Học sinh ở các trường này được tuyển chọn chặt chẽ, nhiều em đạt thành tích cao ở các kỳ thi quốc tế, dễ xin học bổng du học hơn. Những trường này đang thuyết phục được nhiều phụ huynh, vì thế cung không đáp ứng đủ cầu, xin hoặc thi tuyển để vào học không hề dễ. * Trường tư: Trường tư tồn tại nhờ học phí, vì thế xu hướng chung là học sinh/phụ huynh được coi như khách hàng, nhà trường là bên cung ứng dịch vụ giáo dục. Cũng như mọi thị trường khác, trường tư bao gồm một dải rộng về học phí, về điều kiện giáo dục/học tập, về chất lượng giáo viên nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng và khả năng chi trả đa dạng của người học. * Trường quốc tế: Những trường tư có yếu tố nước ngoài thường được gọi là trường quốc tế (luật Việt Nam không quy định loại trường nào là trường quốc tế, vì thế chữ “quốc tế” ở đây được hiểu phổ biến là chương trình và bằng cấp được công nhận ở các nước phát triển, giáo viên quốc tế, cơ sở vật chất hiện đại). Học phí từ 300-700 triệu đồng/năm tùy cấp lớp và tùy trường, chưa kể tiền ăn và đưa đón. Tiêu biểu cho loại trường này là CIS, ISHCM (chương trình IB), ABC (chương trình UK), BIS (chương trình IB hoặc UK tùy học sinh chọn), AuIS (chương trình IB, giáo viên Úc), CIS (chương trình bang Ontario, Canada hoặc IB), SISS UNIS, HIS, AIS, TAS hay Concordia (chương trình Mỹ). Loại này cũng có các phân khúc khác nhau. Một số trường lâu năm, có uy tín xin vào không dễ, các trường mới thành lập thì học phí nhẹ hơn và xin học dễ hơn. Trường quốc tế sử dụng hoàn toàn chương trình Canada, Anh, Úc, Mỹ... tùy theo đối tác chính của trường. Một số trường đã được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế có uy tín. Hình thức “du học tại chỗ” này giúp cha mẹ giảm lo âu khi họ không thể gửi con ra nước ngoài một mình lúc chúng còn quá nhỏ. Ưu điểm của loại này là chương trình, thi cử và bằng cấp, cơ sở vật chất, môi trường học tập tương tự các quốc gia đối tác của trường hoặc các trường ở nước ngoài. Giáo viên nước ngoài, có bằng cấp cẩn thận. Ở những trường này, môi trường giáo dục và chương trình học tốt, trẻ được tôn trọng, được chăm sóc và giáo dục toàn diện, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp và làm việc nhóm tốt, thể lực tốt. Trẻ thường vui vẻ, tự tin, được học dưới nhiều hình thức đa dạng. Và do trẻ học chung với học sinh quốc tế khác nên chúng sớm quen với sự đa dạng văn hóa và tạo dựng những mối quan hệ đa quốc gia. Tỉ lệ học sinh ở các trường này thi đậu vào các trường top ở nước ngoài cũng khá cao. Khi đã vào những trường này, học sinh chỉ có một con đường: theo học hết phổ thông rồi du học, rất khó chuyển trường giữa chừng, rất khó thi tốt nghiệp phổ thông để vào ĐH ở VN do chương trình đào tạo và thi cử khác nhau. Và do môi trường học dùng tiếng nước ngoài hoàn toàn, trẻ có thể không rành tiếng Việt. Nhưng quan trọng hơn, môi trường của các trường này, dù rất tốt, vẫn có thể coi là “giả lập”, mô phỏng xã hội phương Tây. Điều đó làm phát sinh câu hỏi: liệu một môi trường mô phỏng như thế có đủ để chuẩn bị cho học sinh bước vào thế giới bên ngoài ấy như một thành viên bình đẳng hay không? Và có một câu hỏi là sự phát triển nửa Tây nửa ta sẽ để lại những nguy cơ và vấn đề tâm lý nào cho những học sinh này? * Các trường tư song ngữ: Ở giữa hai cực này là các trường song ngữ hoặc trường tư có tăng cường tiếng Anh, học phí 100-300 triệu đồng/năm. Các trường này dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, nhưng tăng cường tiếng Anh với giáo viên bản xứ. Tuy nội dung đào tạo giống trường công nhưng cách dạy có thể khác. Vì là trường tư, các nhà đầu tư có quan tâm hơn tới việc cải thiện trong phạm vi được phép nên chương trình thường có thêm phần huấn luyện kỹ năng sống và các hoạt động ngoại khóa. Cách dạy thường cởi mở hơn, đòi hỏi sự tham gia của học sinh nhiều hơn. Tiêu biểu cho loại trường này là BCIS, Đinh Thiện Lý, Vinschool, Á Châu… Ưu điểm của loại trường này là học phí nhẹ hơn so với trường quốc tế, cơ sở vật chất phần nhiều tốt hơn trường công, chương trình học nhẹ hơn trường công và phương pháp giảng dạy có nhiều điểm tốt hơn. Sĩ số ít nên bọn trẻ được quan tâm hơn. Giáo viên được chọn lọc và huấn luyện tốt hơn, và vì người học là “khách hàng” nên không lo bọn trẻ bị ngược đãi. Ưu điểm quan trọng là vì học chương trình VN, bọn trẻ có thể học lên tại VN hoặc thi SAT, ACT để du học. Vì học chương trình VN, những trường này không thể tránh khỏi những nhược điểm nằm sẵn trong chương trình đào tạo, đặc biệt là về nội dung. So với học sinh trường công, bọn trẻ này ít bị nhồi nhét nên khi thi theo lối kiểm tra kiến thức, kết quả có thể không bằng học sinh trường công. So với học sinh trường quốc tế, bọn trẻ này có thể không bằng về khả năng ngoại ngữ, kiến thức tổng quát, nền tảng tư duy, kỹ năng hùng biện… do chương trình có ít thời gian và cơ hội rèn luyện những điều này hơn. * Các trường tư “nội địa” 100%: Là những trường tư học theo chương trình VN, về cơ bản không khác nhiều so với trường công. Học phí thường dưới 10 triệu đồng/tháng. Các trường này chỉ khác trường công ở chỗ học phí cao hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng mục tiêu của hầu hết các trường dạng này là luyện cho các em thi đậu vào những ĐH tốt trong nước. Một số trường tư có những nỗ lực bù đắp những khiếm khuyết của trường công, chẳng hạn linh hoạt bổ sung các hoạt động ngoại khóa hoặc đưa ra quan điểm/triết lý giáo dục riêng; tạo dựng một môi trường học đường thân thiện, dân chủ hơn và đặc biệt cố gắng tuyển chọn đội ngũ giáo viên có chất lượng. Những nhận xét trên đây chỉ là những quan sát chung, tất nhiên không thể đúng cho mọi trường hợp và chỉ có tính chất tham khảo. ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG? Vài nét tóm tắt trên đây cho thấy mỗi loại trường đều có ưu và nhược điểm, vì thế lựa chọn nào cũng có được và mất. Không có lựa chọn nào đúng cho tất cả mọi người, vì thế phải tùy vào hoàn cảnh, khả năng kinh tế và mục tiêu của mỗi gia đình để lựa chọn. Nhưng chắc chắn có hai xu hướng nên tránh: chọn trường chỉ dựa vào mức độ hoành tráng của cơ sở vật chất và nghĩ rằng học phí càng cao thì chất lượng càng tốt. Chất lượng giáo dục trước hết và quan trọng hơn hết phụ thuộc vào phẩm chất của giáo viên, đặc biệt ở cấp lớp dưới. Mà chất lượng giáo viên thì phụ thuộc vào chủ đầu tư, sự hiểu biết và quan điểm về kinh doanh giáo dục của họ. Chủ đầu tư mong muốn điều gì thì sẽ tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ giáo viên nhằm vào mục đích ấy. Tuy vậy, phụ huynh khó có điều kiện để hiểu rõ cách tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ của trường, nên chỉ có thể nhìn “quả” mà đoán “cây”. Dù là trường công hay trường tư, nơi nào thu nhập thực sự của giáo viên quá thấp thì thật khó mà mong đợi các thầy cô giáo toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp. Mức lương thấp cũng khó mà tuyển được người giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao, vì những người như vậy luôn có nhiều cơ hội lựa chọn khác tốt hơn. Chương trình học và phương pháp giảng dạy cũng là một yếu tố quan trọng để cân nhắc. Một số trường đã có nhiều nỗ lực bổ sung cho những bất cập của chương trình hiện tại qua các chương trình ngoại khóa, tăng cường. Nếu có điều kiện tham quan trường trước khi chọn, đừng chỉ nhìn vào bàn ghế, trang trí, thiết bị, mà hãy nhìn gương mặt của học sinh. Những trường tốt, chương trình học không nhồi nhét, nhiều hoạt động phong phú, giáo viên được đào tạo tốt thì gương mặt học sinh sáng sủa, vui vẻ, năng động và tự tin. Ngược lại, ở những trường ép học sinh vào kỷ luật thép, nhồi nhét kiến thức chỉ nhằm thi đậu để vừa lòng phụ huynh, ta sẽ thấy những gương mặt mệt mỏi, thiếu sức sống, chán nản. ĐIỀU GÌ CÓ Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH? Dù học ở loại trường nào thì vai trò của chính học sinh và của gia đình vẫn là yếu tố quyết định. Không hiếm học sinh trường công đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc về điểm SAT, TOEFL, IELTS…, giành được học bổng đi du học, về sau trở thành người thành đạt, nhất là học sinh ở các trường đã nổi tiếng từ lâu như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Phổ thông Năng khiếu, Amsterdam. Học sinh trường quốc tế được đào tạo trong những điều kiện tốt hơn, chương trình hiện đại hơn, giáo viên được tuyển chọn kỹ càng hơn cũng không chắc chắn là ra đời sẽ thành công hơn, đặc biệt khi hoàn cảnh kinh tế của gia đình rủi ro gãy gánh giữa đường. Sống trong môi trường “thượng lưu” với bạn bè cũng cùng hoàn cảnh dư dả, lại được nhà trường chiều chuộng, học sinh có thể thiếu động lực và ý chí vượt khó, có thể xem những gì mình được hưởng là đương nhiên, thậm chí ý thức sai lạc về đặc quyền của mình. Vì thế, gia đình có một vai trò không thể thay thế trong việc bổ khuyết những nhược điểm của từng loại trường. Chỉ cần cha mẹ có ý thức về điều này, sẽ có vô vàn cơ hội để cha mẹ dạy con những thứ mà nhà trường không mang lại được. Nền tảng đó sẽ quyết định việc đứa trẻ lớn lên trở thành con người như thế nào, nhìn cuộc đời ra sao và được trang bị những gì để bước vào cuộc sống thực. Các trường cũng cần có ý thức bổ khuyết những nhược điểm của mình để hoàn thiện hơn. Chọn trường cho con, vì thế, chính là chọn một môi trường mà gia đình có thể đi cùng nhà trường trong việc giúp con phát triển nhân cách hài hòa và những tiềm năng sẵn có. ■ Tags: Trường quốc tếTrường tưTrường côngChọn trườngGiáo dục tự do
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.