Nghệ thuật cộng đồng: Hãy tránh những thực hành áp đặt

VĂN BẢY 11/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Trong sự trỗi dậy tuy vẫn còn khá âm thầm của các tác phẩm nghệ thuật trưng bày nơi công cộng, những trục trặc như việc một tác phẩm rực rỡ sắc màu được trưng bày trên bờ Đông của hồ Gươm vừa rồi đã phải dỡ bỏ cần được nhìn xa hơn là một sự cố bất tiện. TTCT trao đổi với giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Như Huy.

Ông Nguyễn Như Huy
Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Như Huy

Anh nhìn nhận chuyện chính quyền quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các nghệ sĩ đã quyết định dỡ bỏ tác phẩm đó ra sao?

- Tôi nghĩ việc trưng bày rồi phải dọn dẹp tác phẩm đó đi phản ánh chính xác không gian xã hội nghệ thuật tại thủ đô. Có lẽ là, một bên là chính quyền cho rằng nghệ thuật để trang trí cho đẹp mắt; còn với công chúng, nghệ thuật là điều gì phải sử dụng được. Éo le là, hồ Gươm lãng mạn lại là địa điểm cho sự xung đột về mặt quan niệm và ý thức này của hai bên.

Xét từ góc độ này, hành xử của chính quyền và các nghệ sĩ là hợp lý trong không gian suy tư và hành động của họ. Khi không còn vui nữa, khi có thể có rắc rối, thì thôi, dẹp cho an toàn. Còn với dân chúng thì sao? Khó mà trách một tầng lớp công chúng thiếu thông tin khi phải đối diện với một tác phẩm quá rắc rối.

Ảnh:
Tác phẩm rực rỡ của nhóm Mai Thu Vân đặt ở khu vực Hồ Gươm đã phải tháo gỡ (Ảnh: nhóm tác giả cung cấp)

Dường như cần có một cách nhìn khác và ứng xử riêng với các tác phẩm tạm gọi là nghệ thuật công cộng phải không anh?

- Tôi nghĩ ở đây cần phân biệt rõ nghệ thuật công cộng và nghệ thuật cộng đồng. Nghệ thuật công cộng có thể hiểu là các tác phẩm đặt trong không gian công. Ở các nước mà đất đai là sở hữu toàn dân, dạng tác phẩm này có rất nhiều bởi nó không vi phạm tới quyền sở hữu tư về đất đai. Đại thể, có thể đặt bất kỳ tác phẩm kiểu gì ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, khi một tác phẩm được đưa vào không gian công, nó nhất định sẽ xung đột với các nhu cầu của các cộng đồng sống trong không gian công đó. Họ được gì và mất gì khi phải sống chung với “vật thể” công cộng đó. Họ có thể làm gì? Họ chẳng thể làm gì cả.

Thực tế là không chỉ dạng nghệ thuật cổ động tuyên truyền tạo ra các xung đột giữa đời sống cộng đồng và tác phẩm nghệ thuật công. Tôi cho rằng về mặt mô hình, kể cả các chương trình trình diễn nhạc cổ điển trong khu dân cư, hay các chương trình đại nhạc hội trong khu dân cư đều gây ra tình trạng xung đột về mặt văn hóa và đời sống này giữa một thực hành kiểu áp đặt và nhịp đời sống thông thường.

Tôi nhớ tới câu chuyện của Immanuel Kant: một trong những nguyên nhân làm cho vị triết gia khả kính này không có chút cảm tình nào với âm nhạc là việc nhà của ông ở cạnh một trại tù. Cứ chiều chiều, các phạm nhân ở đó phải tụ tập lại hát các bài đồng ca ngợi ca Chúa và tôn vinh đạo đức, và dàn đồng ca hàng trăm người đó, dù là với mục đích rất tốt đẹp, chiều nào cũng làm ầm ĩ toàn khu phố và phá đi không gian suy tư riêng tư của triết gia.

Chính vì thế, trên thế giới đã phát triển một dạng thực hành nghệ thuật công khác, đó là nghệ thuật cộng đồng. Có vô số mẫu hình của dạng nghệ thuật này, song tựu trung, về mặt bản chất, nó luôn đưa nhu cầu của cộng đồng vào trong không gian nghiên cứu và thực hành của nó. Cộng đồng ở đây không còn là phe thụ hưởng (hay chịu đựng) thụ động, mà là một phần hữu cơ của tác phẩm. Có thể nói, với dạng nghệ thuật cộng đồng, tính trang trí một chiều đã phải nhường chỗ cho các sự giao tiếp năng động.

Dĩ nhiên không phải tác phẩm cộng đồng nào cũng tốt, và không phải tác phẩm công cộng nào cũng dở, song đó lại là câu chuyện khác. Tôi cho rằng dạng tác phẩm tốt ở không gian công chắc chắn phải là dạng tác phẩm có quan tâm tới cộng đồng ở đó, và thậm chí, xa hơn.

Hãy nghĩ tới tác phẩm tưởng niệm ngày 11 tháng 9 tại Mỹ, khi tòa tháp được quay ngược xuống dưới hố thẳm hư vô của sự thương tiếc vĩnh cửu với nước mắt luôn không ngừng tuôn chảy. Theo tôi, đây là một trong những tác phẩm tuyệt vời về nghệ thuật công cộng. Đơn giản. Trong suốt. Minh bạch. Và mở ra chân lý. Tuyệt đối không có tính trang trí gì ở đây. Nó cũng không rắc rối và hũ nút chút nào.

Công trình tưởng niệm ngày 11- 9 tại Mỹ
Công trình tưởng niệm ngày 11- 9 tại Mỹ

Nhìn từ góc độ này, theo tôi, chính phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đã phát biểu một câu rất chính xác, tóm gọn sự “thất bại” của tác phẩm của nhóm nghệ sĩ Mai Thu Vân - các tác giả của tác phẩm vừa phải tháo dỡ ở hồ Gươm: “Kinh nghiệm là sẽ không sáng tác các tác phẩm kín như vậy để trưng bày nơi công cộng”. Chữ “kín” ở đây, tôi hiểu ở nghĩa rắc rối và hũ nút.

Từ đây, anh thấy sao về nghệ thuật cộng đồng tại Việt Nam?

- Thực tế là nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam đã phát triển. Nó phát triển trong các dự án kể cả của Nhà nước - hướng về nghệ thuật dân gian, lẫn các dự án độc lập của các nghệ sĩ đương đại. Tôi có thể nhớ ngay tới dự án những năm đầu thế kỷ 21 của nhóm G.A.S (graffiti in art school) của nghệ sĩ Phan Hải Bằng tại Trường đại học Nghệ thuật Huế, dùng phương tiện graffiti để trang trí cho các xe chở rác ở thành phố Huế, hay dự án dùng graffiti vẽ mũ bảo hiểm - khi Chính phủ Việt Nam buộc dân phải đội mũ bảo hiểm, và vào lúc khởi đầu thì nhiều người dân không chịu đội mũ vì cho rằng xấu và bất tiện.

Gần đây, dự án của Manzi - Into ThinAir - là một dự án vô cùng thú vị, kết hợp kỹ thuật số thực tế ảo và không gian công Hà Nội, tôi cho rằng nó đã tạo ra được một tiếp cận năng động và khá cấp tiến với chủ đề truyền thống và đương đại, cũ và mới, với phông nền là một đô thị cổ - Thăng Long.

Ở Sài Gòn thì nhóm Sao La Collective cũng có các dự án như Dạo Bước Nghệ Thuật 1, Dạo Bước Nghệ Thuật 2, kết nối công chúng với các studio của nghệ sĩ, hay tổ chức chiếu phim ngắn trong rất nhiều địa điểm công cộng của thành phố, như nhà riêng, xưởng in, quán cà phê, thậm chí khu nhà trọ… Qua đó, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, và đặc biệt là, xóa nhòa đi cái huyền thoại nghệ sĩ như một kẻ tách biệt khỏi xã hội.

Tôi cho rằng dù không nổi đình nổi đám song chính các dự án ấy đã cho thấy tiềm năng lớn và tài năng (nhìn theo nghĩa khả năng suy tư) không nhỏ của các nghệ sĩ đương đại trong khu vực nghệ thuật cộng đồng, nói đúng hơn, trong khu vực không gian công của nghệ thuật.

Cảm ơn anh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận