Camera quan sát: Những con mắt đô thị

VŨ THÁI HÀ 13/11/2019 21:11 GMT+7

TTCT - Kể từ khi được Hãng Siemens triển khai lần đầu vào năm 1942 để quan sát thử nghiệm vũ khí, sau đó được các thành phố lớn như London đưa vào sử dụng cho mục đích dân sự vào những năm 1960, CCTV đã thật sự trở thành một phần không thể thiếu của không gian sống đô thị.

Ảnh và thông tin: Nghiên cứu “CCTV thông minh và quản lý đô thị

Tự động hóa trong hoạt động quản lý đô thị là một nhu cầu thiết thực, do môi trường của cuộc sống đô thị và hạ tầng phục vụ đô thị ngày càng trở nên phức tạp và đồ sộ khiến cho việc theo dõi các bất thường trên hệ thống đó trở nên khó khăn hơn. 

Các CCTV (hay camera quan sát/giám sát/an ninh) và hệ thống quản lý thông minh đi kèm sẽ giúp giải quyết bài toán đó một cách hiệu quả nhờ khả năng kết nối trên diện rộng, thu thập thông tin hình ảnh nhanh chóng, khả năng phân tích chính xác và đưa ra các cảnh báo sớm khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, có khả năng dẫn đến mất an toàn.

Với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ và kỹ thuật, các hệ thống CCTV hiện nay được thiết kế để xác định và tìm ra những hành vi, biểu hiện bất thường không chỉ của con người mà còn của các sự vật, chẳng hạn như khói, bụi, nước ngập hay rò rỉ.

Nhờ thế mà các đô thị có thể cải thiện hoạt động cung cấp các dịch vụ khác nhau cho người dân, bao gồm đảm bảo an ninh, tiết kiệm và giữ an toàn năng lượng, hỗ trợ chăm sóc và ứng phó với các trường hợp khẩn nguy về sức khỏe, điều tiết giao thông, và phát triển các dịch vụ và ứng dụng khác của đô thị thông minh trong thương mại, giải trí và du lịch.

Chỉ xét về khía cạnh an ninh, một giải pháp an ninh tổng thể cho môi trường sống đô thị phải là một sự phối hợp giữa hoạt động của lực lượng an ninh chuyên trách và đủ năng lực, với hệ thống an ninh ngoại vi, hệ thống kiểm soát ra vào, hệ thống cảnh báo xâm nhập và với hệ thống bảo vệ tại các khu vực ít người qua lại.

Tất cả đều phải hoạt động trong một chỉnh thể, trong đó các thành phần có quan hệ hữu cơ với nhau, cùng phục vụ cho một mục đích chung là đảm bảo an ninh và an toàn cho cư dân. Hệ thống CCTV có khả năng ghi nhận hình ảnh từ hiện trường trên diện rộng, đồng thời phân tích và đưa ra các cảnh báo khi phát hiện bất thường, là một công cụ hữu hiệu phục vụ công tác chỉ huy, phối hợp và điều động.

Từ một góc nhìn khác, theo thống kê gần đây, một người sống ở London - thành phố được cho là có hệ thống CCTV lớn vào bậc nhất trên thế giới và hoạt động giám sát rất chặt chẽ - sẽ bị camera ghi hình khoảng 300 lần trong một ngày, con số đó đối với một công dân Mỹ là 75 lần. Như vậy, câu hỏi lập tức được đặt ra: Liệu quyền riêng tư có bị xâm hại?

Bằng tên gọi nguyên thủy của nó, CCTV là một hệ thống đóng (closed circuit), trong đó hình ảnh từ các camera chỉ được truyền tới một số lượng hạn chế các nơi nhận và người xem có nhiệm vụ được ủy quyền, khác với hệ thống truyền hình đại chúng.

Khi mà ứng dụng của CCTV ngày càng phong phú và phạm vi sử dụng ngày càng rộng, làm thế nào để đảm bảo rằng việc ghi nhận hình ảnh, lưu trữ, luân chuyển, phân tích và cấp quyền truy cập thông tin sẽ không xâm phạm quyền riêng tư của cư dân là một vấn đề các nhà làm luật cần phải quan tâm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận