Những tấm huy chương trên nước mắt, hy sinh và sự quả cảm của nữ giới 

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG 09/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Những hi sinh của các nữ VĐV, những người vợ, người mẹ dành cho thể thao Việt Nam chưa bao giờ là một câu chuyện cũ. SEA Games 2019 tiếp tục là nơi để chúng ta chứng kiến những câu chuyện như thế.

Những giọt nước mắt của Vương Thị Huyền trên bục nhận huy chương. Ảnh: Đồng Đăng
Những giọt nước mắt của Vương Thị Huyền trên bục nhận huy chương. Ảnh: Đồng Đăng

“Xin chị chia sẻ về những giọt nước mắt hạnh phúc ngày hôm nay?”, một nữ phóng viên truyền hình người Philippines nhờ tôi phiên dịch câu hỏi đó cho Vương Thị Huyền sau khi cô gái quê Bắc Giang mang về tấm HCV cử tạ hạng cân 45kg cho đoàn thể thao VN.

Những niềm vui không trọn vẹn

Nhiều người cũng nghĩ như vậy, giọt nước mắt khi chiến thắng ắt hẳn phải là nước mắt hạnh phúc. Nhưng với riêng Vương Thị Huyền, khoảnh khắc cô vỡ òa và rồi khóc nức nở từ lúc lãnh huy chương cho đến khi trả lời phỏng vấn, lại là những giọt nước mắt của nỗi đau. Chỉ hai tuần trước ngày SEA Games khởi tranh, cha cô đột ngột qua đời vì bạo bệnh, giữa lúc Huyền và đội tuyển cử tạ đang đi tập huấn ở Trung Quốc.

“Tôi không hiểu số phận dường như trêu ngươi, bắt tôi phải trả giá cho sự nghiệp hay sao, cả hai lần bố và mẹ mất tôi đều là lúc tôi đang đi tập huấn” - Huyền nức nở tuôn trào với tôi. Sau những giây phút được cánh truyền thông vây kín nhờ tấm huy chương đặc biệt, Huyền lặng lẽ ra góc ngồi để gặm nhấm một sự thật phũ phàng: giờ đây cô không thể chia sẻ niềm vui với cả cha lẫn mẹ. Bảy năm trước, mẹ Huyền cũng qua đời vì bệnh khi cô đang đi tập huấn.

Đó là một trong những nỗi đau nghiệt ngã nhất, tàn nhẫn nhất của cuộc đời VĐV: không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Với những nữ VĐV vốn luôn nhạy cảm hơn các đồng nghiệp nam, phải cắn răng tập luyện giữa cơn đau tinh thần, khép lại trí não, đánh bạt mọi cảm xúc để rồi bước ra sàn đấu, đó là một thách thức khủng khiếp.

Đinh Thị Như Quỳnh, nữ cuarơ mang về tấm HCV đầu tiên cho VN ở SEA Games, đối mặt với một sự hi sinh khác. Suốt ba năm trời qua, cô thường xuyên phải để chồng mình, anh Nguyễn Văn Chính, trong cảnh “gà trống nuôi con”. Đời VĐV vốn đã thường phải tập luyện xa nhà, VĐV xe đạp lại càng như vậy.

Quỳnh lập gia đình, sinh con cách đây đã ba năm. Nhưng nghe theo tiếng gọi của đam mê, cơm áo gạo tiền và cũng là trọng trách mang HCV SEA Games về cho xe đạp, cô không ngại trở lại đường đua xe đạp địa hình (Quỳnh giành HCV xe đạp băng đồng). Xe đạp địa hình là một môn thể thao khổ của tận cùng cái khổ, khi cơ thể người phụ nữ một con ngày ngày chịu đựng những cơn dằn xóc tra tấn.

“Vợ tôi cũng rất nhớ con, nhưng phải kiên cường theo đuổi đam mê của mình. Tôi vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ lo cho con để vợ yên tâm tập luyện. Nhưng tôi nghĩ cái khó của mình chưa thấm gì với cái khổ của cô ấy. Mỗi lần vợ đi thi đấu, hàng đêm gọi điện hỏi thăm con, tôi biết cô ấy khổ sở đến thế nào” - anh Chính kể về sự cảm thông dành cho vợ.

Không chỉ là khổ luyện

Nhà thi đấu Laus Group chiều 2-12 như bùng nổ khi đội kurash VN giành đến 5 HCV. Trong đó trận tranh HCV giữa nữ võ sĩ Trần Thị Thanh Thủy (hạng trên 70kg) với đối thủ Thái Lan thực sự gây ấn tượng khi Thủy chỉ mất 5 giây để chiến thắng và lên ngôi vô địch.

Tấm HCV là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của Trần Thị Thanh Thủy. Ảnh: Đồng Đăng
Tấm HCV là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của Trần Thị Thanh Thủy. Ảnh: Đồng Đăng

Ngoài màn đấu võ chớp nhoáng, Thanh Thủy còn khiến nhiều người “choáng” với thân hình quá khổ lên tới hơn 90kg và chiều cao 1,70m. Ít ai biết rằng để thực hiện mục tiêu giành HCV, Thanh Thủy đã phải khổ công tăng gần 20kg - những chuyển động của cô vẫn toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ của một võ sĩ nhà nghề, và là lời khẳng định rằng cái đẹp không chỉ nằm ở những “yểu điệu thục nữ”.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần sau khi nhận HCV, Thanh Thủy, 23 tuổi, chia sẻ: “Tôi vốn là người cao ráo, khung xương nhỏ chứ không to béo như hiện nay. Thế nhưng để chuẩn bị cho SEA Games 30, tôi đã đôn đến gần 20kg để đánh hạng trên 70kg, vì hạng này cứ trên 70kg là được đánh. HLV nói tôi nên tăng cân để đánh hạng này vì cơ hội giành HCV dễ hơn”.

Đó là sự hi sinh thật sự, dù không phải theo nghĩa xấu đẹp của quan điểm tầm thường và đầy định kiến “da trắng, dáng cao, eo thon, ngực nở”: Suốt sáu tháng trời, Thanh Thủy miệt mài tập luyện và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để lên cân. Cô đã giành được HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp một cách xứng đáng, và chính Thanh Thủy nói cô không chút hối tiếc.

Sinh ra trong gia đình có hai chị em, bố mẹ đã chia tay, Thanh Thủy ở với bố. Cô tập judo từ những năm học cấp II khi được các HLV của Hà Nội về Trường THCS Minh Khai (Hà Nội) để tuyển quân. Nghiệp thể thao theo cô từ đó đến nay và cô cũng yêu nó từ khi nào chẳng hay. Thủy bảo: “Tôi lúc nhỏ nghịch lắm nên bố mẹ cho theo thể thao, cũng may giờ tôi vẫn thích. Tôi thích võ, ngoài ra rảnh thì thích chơi game chứ không có nhu cầu gì nhiều. Tôi là người sống lạc quan nên dù có chuyện gì cũng cười nói suốt chứ ít khi để mình buồn”.

SEA Games 30, Thanh Thủy tăng gần 20kg để giành HCV, một thực tế càng ấn tượng nếu biết rằng cách đây hơn một năm, cô đã phải ép giảm 20kg để tham dự Asiad 18 tại Indonesia. Hồi đó, sau bốn tháng đổ mồ hôi nước mắt, cô đã chưa có vinh quang. Nhưng riêng sự nỗ lực như vậy thôi đã đủ là một bài học lớn rồi.

Thanh Thủy chia sẻ: “Tôi không có lựa chọn vì nếu không ép và đôn cân thì không có hi vọng tranh huy chương. Khi HLV cho đăng ký hạng cân, tôi áp lực vô cùng vì ép vài cân đã khó, còn tôi lên tới 20kg thì khó khăn gấp bội. Những ngày dài tập cực nặng, sau đó còn mặc áo mưa chạy bộ nên tôi vừa chạy vừa khóc suốt. Những cân cuối cùng không làm sao ép xuống được, vì thế tôi vẫn phải ăn nhưng ăn xong lại tập nặng để đến hôm thi phải xuống được cân như mong muốn. Khó khăn thật nhiều nhưng để có HCV tôi sẵn sàng và hài lòng với lựa chọn của mình”.

Là VĐV judo ít thành tích, vì thế trong các đại hội thể thao, Thanh Thủy được chuyển sang chơi kurash. Sau khi đại hội kết thúc, cô lại về tập ở đội judo. Trong sự nghiệp VĐV, Thanh Thủy từng giành HCV Indoor Games 2017, HCV giải trẻ thế giới 2016, HCĐ châu Á 2017 và giờ là HCV SEA Games, tất cả đều ở môn kurash - môn thể thao còn ít người biết đến tại VN.

Những câu chuyện của Vương Thị Huyền hay Như Quỳnh, Thanh Thủy chính là điển hình của sự hi sinh mà nữ giới phải trải qua khi đến với thể thao. Hi sinh về sắc vóc, về bổn phận làm con, về thiên chức làm mẹ. Những câu chuyện về họ cần được kể ra và nâng niu, trân quý - không phải vì thành tích của họ, mà bởi sự hi sinh họ đã trải qua và một tinh thần không lùi bước mà có lẽ chỉ phụ nữ mới làm được.■

Hồng Nhung: “Hoa hậu” trên sàn đấu võ gậy

Đào Thị Hồng Nhung (60kg) là gương mặt nổi bật nhất trong nhà thi đấu võ gậy AUF tại thành phố Angeles những ngày SEA Games 30 diễn ra. Cô gái quê Hải Phòng sở hữu thân hình như người mẫu, khuôn mặt xinh đẹp và đánh võ gậy rất giỏi. Trong trận chung kết ngày 1-12, Hồng Nhung đã giành HCV sau khi đánh bại đối thủ Campuchia.

VĐV Đào Thị Hồng Nhung phấn khích khi được trọng tài công bố chiến thắng trước đối thủ Campuchia trong trận chung kết - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Sinh năm 1999 tại Hải Phòng, Hồng Nhung cho biết cô tập silat từ năm 14 tuổi vì thích võ từ nhỏ. Duyên thể thao đã đưa cô theo nghiệp này từ đó đến nay đã sáu năm, mang đến cho Hồng Nhung nhiều vinh quang và cả những chông gai. Thành tích cao nhất của Nhung là HCB vô địch trẻ thế giới môn silat. 

Các VĐV võ gậy VN đều xuất phát từ VĐV silat chuyển sang và Hồng Nhung cũng không ngoại lệ. Nhiều định kiến đã bị đập tan khi một cô gái xinh đẹp như Hồng Nhung vung những đường gậy điệu nghệ trên sàn thi đấu, ở một môn võ truyền thống được coi là cực kỳ sát phạt và nguy hiểm của Philippines.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận