Tủi thân các cô gái không đá bóng

HUY THỌ 14/12/2019 21:12 GMT+7

TTCT - Yêu thích là chuyện cá nhân, nhưng tư lệnh một ngành thì phải biết thể hiện điều đó một cách tinh tế và công bằng.

Đội bóng đá nữ với tấm huy chương Vàng SEAGames thứ 6. (Ảnh: Nguyễn Khánh)

“Ngay sau khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành được tấm huy chương vàng tại SEA Games 30, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã quyết định tặng số tiền 1 tỉ đồng”. Đó là câu mở đầu của bản tin đăng trên trang web của bộ vào sáng 9-12.

Khi đọc bản tin này, trong tôi nảy ra mấy câu hỏi: Phải chăng số tiền 1 tỉ đồng này là tiền túi của bộ trưởng? Nếu là tiền túi của bộ trưởng thì quả nhiên là quá tuyệt vời, quá chịu chơi khi chi cả mấy năm lương của mình cho các cô gái đá bóng! Nhưng nếu 1 tỉ đồng đó do bộ trưởng vận động từ các doanh nghiệp quen biết thì sao? Trong trường hợp này, phải nói rõ bộ trưởng đã vận động xã hội và một số doanh nhân thông qua bộ trưởng tặng thưởng 1 tỉ đồng cho đội tuyển nữ.

Đó là những câu hỏi của tôi. Còn các nữ VĐV cũng đoạt HCV, cũng có thành tích đầy bất ngờ thì họ sẽ nghĩ gì khi đọc bản tin đăng trên trang web của Bộ VH-TT&DL?

Tôi lấy ví dụ: Trước giờ khai cuộc SEA Games 30, hầu hết giới bình luận thể thao đều dự đoán nữ hoàng cự ly ngắn Lê Tú Chinh ắt sẽ bị phế ngôi bởi Knott Kristina Marie, người mang hai dòng máu Philippines - Mỹ vừa nhập tịch. Nhưng ngày 8-12, đúng ngày đội bóng đá nữ đoạt HCV, Tú Chinh đã thực hiện pha nước rút thần sầu quỷ khốc đánh bại được Knott.

Ảnh: sports.inquirer.net

Phải nói rằng đó là một cuộc đọ tài kinh điển, và Tú Chinh đã thắng với khoảng cách 0,01 giây (Tú Chinh 11 giây 54, Knott 11 giây 55). Đứng ở góc độ một người bình luận thể thao, tôi cho rằng chiến công của Tú Chinh thật ngoạn mục: cô đã đánh bại một VĐV Mỹ chứ không phải Đông Nam Á. Cho tới giờ, chưa nghe thấy ai thưởng nóng Tú Chinh.

Nếu nhìn nhận những câu chuyện vượt lên chính mình là những bài học lớn cho xã hội thì Tú Chinh, Vương Thị Huyền (nữ lực sĩ hai lần không nhìn được mặt cha mẹ lần cuối vì bận tập huấn xa nhà), Phạm Thị Hồng Lệ (HCĐ marathon, phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện, nhưng hai ngày sau lại tiếp tục tranh tài và đoạt HCB cự ly 10.000m) thật là những tấm gương lớn, cũng lớn không thua gì đội tuyển bóng đá nữ.

Với xã hội, mọi người có quyền thể hiện sự yêu thích cá nhân với từng trường hợp. Thậm chí, các doanh nhân có “đu trend”, tranh thủ dư luận xã hội để thưởng thì cũng là bình thường, vì đó là tiền túi của họ. Nhưng với quan chức nhà nước, mà đặc biệt là tư lệnh của chính ngành thể thao, phải chăng nên tinh tế hơn để không làm tủi thân các cô gái không đá bóng?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận