Tháng giêng tỉnh táo

TRÚC ANH 24/01/2020 18:01 GMT+7

Minh họa
Minh họa

TTCT - Những ngày này, khi nghị định 100 về mức xử phạt đối với tài xế xe máy và ôtô có nồng độ cồn là từ khóa nóng trên mạng và là chủ đề bàn tán bên các bàn tiệc phủ đầy ly trà đá, chai nước suối và lon nước ngọt mà vắng bóng rượu bia ở Việt Nam, cũng là khi “Tháng giêng tỉnh táo” (Dry January) trở thành đề tài được báo chí nhắc nhiều ở nhiều nước. 

Nếu dân ta bắt đầu e dè khi chén tạc chén thù thì các quốc gia có Dry January, người thích uống tự răn mình thực hành “tân niên giới tửu”, giữ mình không đụng đến chất cồn trong suốt tháng đầu năm mới.

Dry January xuất phát từ Anh, khởi điểm là phong trào do tổ chức từ thiện Alcohol Concern (nay là Alcohol Change UK) thực hiện năm 2013, trước khi lan rộng ra một số nước khác như Úc, Mỹ.

Dry January ngày càng thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều người, trong bối cảnh con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình, trong gần 10 năm qua. Ban đầu chỉ có khoảng 4.000 người tham gia, nhưng đến năm 2018 phong trào đã thu hút đến 4 triệu người, theo trang Bustle.

Không khó để nhận ra vì sao lại khuyến khích người ta giới tửu trong tháng giêng mà không phải tháng nào khác trong năm. Một bài viết trên BBC hồi năm 2016 cho biết chiến dịch được khởi xướng ở Anh vì lượng tiêu thụ rượu bia ở đây tăng mạnh trong khoảng thời gian một tuần trước Giáng sinh cho đến hết đêm giao thừa.

Mùa lễ hội, quán xá đông đúc người đến nâng cốc hội hè, nhưng “xe cứu hỏa và các trung tâm cấp cứu khắp nước Anh cũng ken đặc bệnh nhân” bị tai nạn hay tự làm mình bị thương vì quá chén.

Bên Mỹ, số người tham gia cũng nhiệt thành không kém. Hơn 1/5 dân Mỹ tham gia Dry January 2019, theo số liệu của Nielsen. Theo Đài NPR ngày 6-1, mô hình này nhân rộng thành “trào lưu nhận thức về sự tỉnh táo”, với nhiều câu lạc bộ cho người cai rượu hay các buổi giao lưu họp mặt của người thực hành “Tháng giêng tỉnh táo” diễn ra.

Các hãng bia như Heineken và Budweiser cũng chẳng lấy làm phiền vì lượng khách giảm mạnh trong tháng đầu năm, mà còn nhân Dry January ra mắt hàng loạt thức uống thay thế như bia nồng độ cồn thấp hay không cồn.

Chuyện nói không với đồ uống có cồn hẳn nhiên sẽ tác động tích cực đến an toàn giao thông. Ngoài ra giữ mình không say xỉn trong suốt một tháng liền còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngủ tốt hơn, tập trung hiệu quả hơn, giúp ích cho tiêu hóa, giảm cân và lượng đường trong máu, giảm cảm giác bồn chồn.

Những lợi ích này không chỉ có trong thời gian “tân niên giới tửu” mà còn kéo dài trong 6 tháng kế tiếp, theo NBC News. Một nghiên cứu của Đại học Sussex (Anh) sau đợt “Tháng giêng tỉnh táo” năm 2019 cho thấy trong 857 người tham gia khảo sát, có 71% cho biết ngủ ngon hơn, 67% tràn trề năng lượng hơn, 58% giảm cân và 54% da đẹp hơn sau khi tạm chia tay chất cồn trong một tháng.

Đến hẹn lại lên, các trang tin tức quốc tế mấy tuần qua liên tục đăng bài về lợi ích sức khỏe của Dry January, bí quyết để hoàn thành thử thách “tháng giêng không cồn”... “Tháng giêng tỉnh táo” dẫu sao cũng còn ít khắc nghiệt hơn nghị định 100 ở ta khi chỉ khuyến khích giữ mình, đừng uống đến say sưa, chớ không phải luật định kèm theo hình phạt.

Thêm nữa, phong trào giới tửu ở trời Tây lại diễn ra sau mùa lễ hội (Giáng sinh và năm mới), còn xứ ta thì lại sắp vào “ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”.

Đầu năm là dịp thích hợp để bắt đầu thử thay đổi một thói quen hoặc đặt ra mục tiêu để có cái gì đó mà theo đuổi trong năm. Đó là lý do vì sao nhiều dân mê chất cay ở các nước chọn “hoàn thành thử thách tháng giêng tỉnh táo” là một trong các quyết tâm đầu năm mới.

Vậy thì, “không để khổ về nghị định 100” hay “mỗi tháng trong năm đều là tháng tỉnh táo” hẳn cũng có thể thành “nghị quyết năm mới” (cả dương lịch lẫn âm lịch) ở xứ ta, không chỉ vì túi tiền mà còn là vì sức khỏe của chính chúng ta vậy. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận