TTCT - Hôm nay bạn đã copy - paste đoạn chữ nào chưa? Cắt, sao chép và dán - những tính năng đã vượt khỏi trình soạn thảo văn bản trên máy tính và đi vào đời sống, là phát minh cách mạng của một nhà khoa học máy tính người Mỹ vừa qua đời hôm 16-2. Lawrence Tesler, “cha đẻ” của thao tác “cut, copy & paste”. Ảnh: Wikimedia Lawrence Tesler, được xem là “cha đẻ” của thao tác “cut, copy & paste” (cắt, sao chép và dán) khi soạn thảo văn bản, vừa qua đời tại nhà riêng ở bang California ở tuổi 74. Suốt sự nghiệp kéo dài nhiều thập kỷ tại các tên tuổi lớn như Xerox, Apple, Amazon và Yahoo, Tesler được đánh giá là người tiên phong và luôn “ám ảnh” với triết lý đơn giản hóa tương tác giữa người dùng và máy tính. “Ngày làm việc của bạn dễ dàng hơn nhờ các ý tưởng mang tính cách mạng của ông” - trang Twitter của Xerox viết về Tesler sau khi hay tin ông qua đời. Copy & paste chỉ là cái được nhắc đến nhiều nhất trong danh sách dài những di sản cách mạng của Tesler. Đem máy tính đến gần người dùng Tesler từng làm việc ở Apple dưới thời nhà đồng sáng lập quá cố Steve Jobs. Nhưng những sáng kiến để đời của Tesler đến trong thời gian ông còn là một nhà nghiên cứu trẻ tại công ty sản xuất máy in Xerox và Trung tâm nghiên cứu Palo Alto (PARC) do công ty này điều hành vào những năm 1970. Không lâu sau khi đầu quân cho Xerox vào năm 1973, Tesler và đồng nghiệp Tim Mott cùng nghiên cứu phát triển một trình soạn thảo mang tên Gypsy, với mục tiêu loại bỏ các “chế độ” (mode) làm việc làm phức tạp hóa công việc soạn thảo và chỉnh sửa văn bản trên máy tính. Trước Gypsy, phần lớn các phần mềm soạn thảo văn bản có một mode để soạn thảo và một mode riêng biệt để chỉnh sửa, và hai tác vụ không thể thực hiện cùng lúc. Gypsy loại bỏ sự phiền phức đó nhờ tận dụng chuột máy tính (một phát minh tương đối mới vào thời điểm đó) kết hợp với giao diện người dùng đồ họa. Theo New York Times, ý tưởng cho Gypsy đến từ một thí nghiệm nhỏ của Tesler khi ông yêu cầu một nhân viên thư ký mới vào làm ngồi trước màn hình máy tính và miêu tả những gì cô mong muốn ở một trình soạn thảo văn bản. Những ghi chép rút từ thí nghiệm này của Tesler sau đó trở thành tiền đề cho những tính năng đột phá mà ông cùng cộng sự đưa vào Gypsy, trong đó có khả năng “cắt dán” và chọn một đoạn văn bản bằng cách nhấn giữ và rê chuột qua vùng văn bản cần chọn - những thao tác đã quá quen thuộc với dân tin học văn phòng hiện đại nhưng là một cuộc cách mạng trải nghiệm người dùng vào thời điểm đó. Gypsy là thế hệ trình soạn thảo thứ hai của Xerox, sau Bravo, có giao diện “WYSIWYG” (what you see is what you get - những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được), ám chỉ việc những gì nhìn thấy trên trình soạn thảo sẽ là kết quả người dùng nhận được khi in ra mặt giấy. Với Gypsy, Tesler và cộng sự còn trình làng tính năng nhấp chuột vào icon của một tập tin máy tính trên màn hình để mở tập tin ấy, thay vì gõ từng dòng lệnh phức tạp và không dễ nhớ để thao tác trên tập tin như cách làm rườm rà trước đó. Người dùng ngày nay có thể làm hàng trăm thao tác như thế mỗi ngày mà chẳng mảy may nghĩ ngợi gì, đó là nhờ công Tesler. Về sau, Tesler tham gia một nhóm nghiên cứu của nhà khoa học máy tính nổi tiếng Alan Kay, người tiên phong trong ý tưởng về Dynabook - “chiếc máy tính cá nhân cho trẻ em ở mọi lứa tuổi” đã trở thành niềm cảm hứng cho những chiếc laptop ngày nay. Trong thời gian này, Tesler giữ vai trò phát triển một hệ thống tìm kiếm mà ông đặt tên là “browser” (trình duyệt). “Ông xứng đáng được ca ngợi là một trong những người tiên phong thật sự trong nhiều khía cạnh quan trọng của điện toán” - Kay khẳng định. Năm 1975, sau khi tham dự buổi thuyết trình về chiếc máy vi tính Altair, Tesler trở về PARC và đánh động các đồng nghiệp về sự nhen nhóm của những dòng máy tính giá rẻ trên thị trường, nhưng không nhiều người để tâm đến lời cảnh báo của ông. Mặc dù vậy, Tesler vẫn ra sức thúc đẩy nghiên cứu sản xuất máy tính giá rẻ. Năm 1978, Tesler cùng đồng nghiệp thiết kế chiếc máy tính di động tiên phong mang tên NoteTaker, nhưng một lần nữa Xerox từ chối kinh doanh thương mại dòng máy này và chỉ sản xuất vài mẫu thử nghiệm. Digital Solutions for the Corporate Business Art Cơ duyên với Apple Tesler là người được Xerox phân công thuyết minh cho Steve Jobs trong hai chuyến tham quan trung tâm nghiên cứu PARC mà nhà đồng sáng lập Apple thực hiện cuối năm 1979. Những gì Steve Jobs quan sát được đã làm ông choáng ngợp và truyền cảm hứng để Apple phát triển các dòng máy tính cá nhân Lisa và Macintosh sau này. “Những câu hỏi mà những người trong đoàn Apple đặt ra khiến tôi hết sức kinh ngạc - Tesler nhớ lại trong bài phỏng vấn với tạp chí IEEE Spectrum vào năm 2005 - Đó là những câu hỏi mà đáng lẽ những người đứng đầu Xerox phải hỏi nhưng họ lại không”. Tesler cũng thuật lại lời Steve Jobs từng thốt lên sau khi tham quan hệ thống máy tính tại PARC: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Các ông đang ngồi trên một mỏ vàng! Tại sao các ông không làm gì đó với công nghệ này? Các ông có thể thay đổi cả thế giới!”. Một năm sau chuyến tham quan của Steve Jobs, Tesler rời Xerox đến đầu quân cho Apple, nơi mà sau này ông giữ chức phó chủ tịch kiêm giám đốc khoa học. Bên cạnh việc giúp phát triển dòng máy Lisa và Macintosh, Tesler còn thành lập và điều hành phòng nghiên cứu ATG, nơi cho ra đời công nghệ mà sau này được ứng dụng trong chuẩn kết nối không dây WiFi phổ biến đến tận hôm nay. Tesler còn thay Apple điều hành liên danh ARM, đơn vị sáng tạo ra cấu trúc vi xử lý được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Sau khi rời Apple vào năm 1997, Tesler làm việc một thời gian cho một công ty startup trước khi đầu quân cho Amazon rồi đến Yahoo. Ông rời Yahoo năm 2008 và dành nhiều năm làm nghiên cứu sản phẩm tại 23andMe, một công ty nghiên cứu gen và công nghệ sinh học, rồi trở thành nhà tư vấn độc lập trước khi qua đời.■ Tại Xerox, ông ấy đã thúc đẩy rất mạnh mẽ để khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn theo hướng mở rộng phạm vi người dùng máy tính. Ông luôn dành sự tập trung cho những người dùng phổ thông không có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. David Little, một nhà đầu tư mạo hiểm lâu năm ở Thung lũng Silicon đã từng làm việc với Tesler tại PARC, nói với New York Times về người đồng nghiệp quá cố. Tags: Copy & pasteBình dân hóa máy tínhCha đẻLawrence Tesler
Tiếp sức đến trường tại Bến Tre: Nữ SV ĐH Quốc gia TP.HCM khoe ‘học bổng không phải mơ mẹ ơi!’ LAN NGỌC 10/11/2024 Mẹ đơn thân vay mấy chục triệu đồng khi con đậu ĐH Quốc gia TP.HCM. Nay con được Tiếp sức đến trường, khoe với mẹ “Học bổng này không phải mơ mẹ ơi” .
Ông Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới ra sao trong nhiệm kỳ thứ hai? THANH HIỀN 10/11/2024 Các chuyên gia Việt Nam nhận định ông Trump vẫn giữ lối tư duy của một ông trùm làm ăn doanh nghiệp trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Sáng cuối tuần cùng đi đổi rác nhận quà tái chế ở Ngày hội Việt Nam Xanh ĐỨC THIỆN 10/11/2024 Sáng sớm chủ nhật, rất đông người dân từ trẻ em đến người lớn, sinh viên, học sinh đổ về Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM) tham gia các hoạt động tại Ngày hội Việt Nam Xanh 2024.
Đóng phí sổ liên lạc điện tử 100.000 đồng, mỗi năm nhận được... chục tin nhắn NHẤT NGỌC HẠNH 10/11/2024 Cả năm học phụ huynh chỉ nhận được một chục tin nhắn qua sổ liên lạc điện tử, tính ra phụ huynh phải trả 7.000 - 10.000 đồng/tin nhắn.