TTCT - Như một yếu tố thay đổi cuộc chơi, COVID-19 khiến dòng chảy thương mại và đầu tư thế giới gián đoạn, đồng thời làm cho xu thế toàn cầu hóa phải được nhìn nhận lại dưới lăng kính mới. Ảnh: smerconish.com Hàng loạt các kệ hàng giấy vệ sinh tại Mỹ hay Úc nhanh chóng bị vơ vét sạch khi hàng nghìn người đổ xô đến siêu thị và giành giật những mặt hàng thiết yếu nhất. Thậm chí một tờ báo ở Úc đã cho in thêm một số trang trắng với mục đích hỗ trợ khách hàng trong trường hợp nhà của họ không còn cuộn giấy nào khi bị phong tỏa bởi Covid-19. Chưa bao giờ mà nhiều quốc gia phát triển khốn khổ đến thế, đồng thời kéo theo mô hình toàn cầu hóa vốn được cổ xúy từ đầu thập niên 1990 ra sát bờ vực nguy hiểm. Những trục trặc được phơi bày Nỗi hoảng sợ của người dân các nước phát triển tuy khó tin nhưng dễ hiểu. Đơn cử theo ABC News, 40% giấy vệ sinh của nước này được nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% từ các nước khác và trong nước chỉ tự sản xuất chừng 20% thôi. Chưa kể bao bì và một số nguyên vật liệu khác cũng nhập từ nước ngoài để cho ra thành phẩm tại Úc, thì 20% nội địa đó có cũng như không. Giấy toilet tại Úc đến cả tháng nay vẫn không thấy cuộn nào trên kệ siêu thị. Nó cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ cần một hai mắt xích bị gãy là toàn bộ hệ thống bị đe dọa và gây ra rủi ro khủng hoảng cho các quốc gia phụ thuộc ra sao, thậm chí bắt đầu từ các nhu yếu phẩm thiết yếu và cơ bản nhất. Nhưng không chỉ có những mặt hàng cấp thấp lâm vào cảnh khủng hoảng, các mặt hàng cao cấp đến xa xỉ như điện thoại thông minh, ôtô của các tập đoàn đa quốc gia cũng rơi vào tình cảnh thiếu hụt khi các dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc, Hàn Quốc đóng cửa hàng loạt mấy tháng qua. Ngay cả ở Việt Nam, nhiều xưởng dệt may đã phải tạm dừng hoạt động khi nguồn nguyên liệu vải sợi đứt đoạn từ các nhà cung ứng Trung Quốc. Sự phụ thuộc quá lớn vào công xưởng Trung Quốc dường như đang khiến cả thế giới phải trả một cái giá cực đắt. “Mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu với Trung Quốc là trung tâm mà nhiều công ty phương Tây gầy dựng đang đối mặt với rủi ro lớn”, tạp chí Foreign Policy nhận định. Tính ra cái lý thuyết “thế giới phẳng” từng là mốt thời thượng ngày nào nay đang lung lay dữ dội. Trong trường hợp khủng hoảng xảy ra, càng phẳng càng chết. Thậm chí, nếu thế giới dành cho con người phẳng một, thì thế giới dành cho con virus SARS-CoV-2 còn phẳng mười. Nó mặc tình tự tung tự tác, di chuyển, lan truyền xuyên biên giới dễ dàng và nhanh chóng. Lượng du học sinh, lao động nước ngoài ùn ùn trở về nước trong những ngày qua trở thành thách thức lớn nhất với chiến dịch chống dịch ở Việt Nam và là nguyên nhân quan trọng khiến cuộc chiến phải bước qua một giai đoạn khó khăn mới. Ngay cả trong một thị trường tự do và không có rào cản như Liên minh châu Âu (EU), hai quốc gia lớn nhất là Pháp và Đức đã cấm xuất khẩu khẩu trang sang các nước khác. Điều gây sốc hơn nữa là không ai trong 26 chính phủ EU phản ứng với lời kêu gọi khẩn cấp y tế của Ý. Hầu hết đều đóng cửa biên giới và ưu tiên lo cho bản thân mình trước. Sự nghi kỵ giữa các quốc gia đang gia tăng, thậm chí vượt ngoài khuôn khổ kinh tế. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dịch Covid-19 đã làm dấy lên một làn sóng chủ nghĩa quốc gia mới. Với một số người Mỹ, nguồn gốc căn bệnh từ Trung Quốc đơn giản tái khẳng định quan điểm cho rằng Trung Quốc là hiểm họa với thế giới. Ngược lại, nhiều người Trung Quốc có thể sẽ thấy một số biện pháp của Hoa Kỳ để chống lại đại dịch là phân biệt chủng tộc và có ý định ngăn chặn sự tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới. Thậm chí một bài trên phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân nhật báo còn chỉ ra rằng Trung Quốc đang sản xuất 90% chế phẩm cho thuốc của Mỹ và nếu Mỹ quá thù địch, Trung Quốc có thể ngừng cung cấp các loại tá dược đó. “Thuyết âm mưu về việc Cục Tình báo trung ương Hoa Kỳ tạo ra virus đã được phát tán rộng rãi. Trong một thế giới tràn ngập thông tin sai lệch, Covid-19 hứa hẹn sẽ mang tới nhiều thông tin gây sốc hơn nữa”, WEF lo ngại. Sức hút không còn Quá trình toàn cầu hóa thời gian qua đã thúc đẩy kinh tế thế giới nhờ gỡ bỏ biên giới và sự kết nối thị trường tài chính, cải thiện dòng chảy vốn nhờ hạ thấp các giới hạn giao dịch. Tuy nhiên theo Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, hành xử của các quốc gia khi ra lệnh đóng cửa biên giới đã làm tổn thất nặng nề về mặt tổng thể, đồng thời việc tháo chạy của dòng vốn trở về các tài sản an toàn đã nhấn chìm thị trường chứng khoán toàn cầu. “Tác động của đại dịch trên thế giới chắc chắn tàn khốc hơn dịch SARS 2002-2003 và MERS 2012-2015. Từ Trung Quốc tới châu Âu và Mỹ, cuộc khủng hoảng nguồn cung đang chuyển sang khủng hoảng nhu cầu”, báo cáo của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhận định. Nhưng trong thời đại hội nhập toàn cầu về thương mại và đầu tư, không ai có thể miễn nhiễm với tác động tiêu cực mà Covid-19 tạo ra. Theo ước tính của hai giáo sư kinh tế người Úc là Warwick McKibbin và Roshen Fernando, đại dịch lần này sẽ ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Anh, ước tính làm giảm tăng trưởng GDP của nhóm các nước trên lần lượt 2%, 1,6%, 2,2%, 2,5% và 1,5%. Đó cũng là lý do vì sao hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp giảm lãi suất hay tung ra gói kích thích lên tới hàng nghìn tỉ USD. Nhưng vấn đề là trong tương lai, liệu các công cụ kích thích ngắn hạn này có mang thế giới tới một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt và đậm màu quốc gia chủ nghĩa hơn nữa: chiến tranh tiền tệ? Theo tạp chí Foreign Policy, cuộc khủng hoảng virus corona có nguy cơ tạo ra một thế giới ít toàn cầu hóa hơn. Một khi đại dịch và hoảng loạn đã giảm bớt và dần được kiểm soát, những người tin rằng sự mở cửa với nước ngoài và du nhập các sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới là điều khôn ngoan buộc phải xem lại và cần tìm thêm các lý do thuyết phục hơn. Phần lớn sự gián đoạn sản xuất hiện nay có thể là tạm thời. Nhưng cũng không loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng lần này có thể có tác động lâu dài, đặc biệt là khi nó ủng hộ thêm các xu hướng khác vốn đã làm suy yếu toàn cầu hóa. Nó có thể giáng một đòn mạnh vào các chuỗi cung ứng quốc tế vốn đang rất phân tán, làm giảm tính cơ động của khách du lịch toàn cầu và cung cấp thêm bằng chứng cho những người theo chủ nghĩa quốc gia vốn thích kiểm soát nhập cư và gia tăng chính sách bảo hộ thương mại. Theo tờ The Australian, trên khắp thế giới, chính trị trung hữu đang dần có xu hướng chuyển đổi từ chủ nghĩa tự do thị trường kiểu cũ sang chủ nghĩa quốc gia thực dụng, như có thể thấy ở Mỹ với Donald Trump, Nhật Bản với Abe Shinzo, Ấn Độ với Narendra Modi, và nhiều người khác nữa. “Virus corona sẽ biến đổi xu thế toàn cầu hóa như chúng ta đã biết và tăng cường sức mạnh của các chính quyền quốc gia chủ nghĩa”, The Australia nhận định. Covid-19 còn có thể là chất xúc tác đẩy dòng vốn đầu tư chuyển đổi hình thái mạnh mẽ. Trước biến cố này khoảng 7 năm, khá nhiều công ty đã nói về mô hình “Trung Quốc + 1”. Theo ông Chris Ong, giám đốc điều hành của DHL Express tại Singapore, điều đó có nghĩa là họ vẫn tập trung nhiều hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nhưng để tránh rủi ro, các tập đoàn toàn cầu sẽ chọn thêm một quốc gia khác để đầu tư, nhằm tránh bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Từ trước đại dịch, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chi phí nhân công tăng vọt tại Trung Quốc đã là các yếu tố khiến giới đầu tư suy nghĩ về chiến lược mới. Giờ thì họ lại càng có lý do để đẩy mạnh hơn nữa đường hướng đó. Các quốc gia lân cận Trung Quốc hẳn nhiên đều muốn nắm bắt cơ hội đấy. Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Bangladesh bắt đầu nâng cao vị thế với vai trò các trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực qua đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển các đặc khu kinh tế. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi đáng kể từ việc các công ty rời khỏi Trung Quốc, khi từ Việt Nam, các nhà sản xuất có thể dễ dàng tiếp cận thị trường ASEAN cũng như nhiều thị trường lớn khác mà Việt Nam có hiệp định thương mại. Đồng thời, đại dịch cũng thúc đẩy các tập đoàn tăng đầu tư vào mô hình sản xuất linh hoạt. Họ có thể theo đuổi chiến lược rút ngắn chuỗi cung ứng, ví dụ như các công ty Hoa Kỳ chuyển sản xuất sang Mexico hay các quốc gia châu Âu lựa chọn Đông Âu hoặc Thổ Nhĩ Kỳ; hoặc tự động hóa nhiều hơn, đầu tư vào robot và công nghệ in 3D, giúp sản xuất gần hơn với người tiêu dùng. Nhìn chung, đại dịch dù thảm khốc đến đâu cũng phải đi đến thời điểm kết thúc. Sau đó, câu chuyện cấu trúc nền kinh tế thế giới dứt khoát phải được nói đến. Với những trục trặc được phơi bày rõ ràng, có thể thấy xu thế toàn cầu hóa sẽ không chấm dứt ngay, nhưng sức mạnh của cơn sóng “thế giới phẳng” sẽ suy yếu đi nhiều. ■ Đi cùng với đó là chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở nhiều quốc gia có cơ hội ngóc đầu dậy. Đó là nguy cơ đóng cửa biên giới, hạn chế du lịch và thương mại. Sự đảo ngược dòng vốn đầu tư khi chảy ngược về thị trường phát triển có thể khiến một số quốc gia có thu nhập trung bình thấp đối mặt với nguy cơ bị gạt khỏi kế hoạch của tập đoàn đa quốc gia, gây ra nạn thiếu việc làm và bất ổn xã hội gia tăng.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.