“Bong bóng du lịch”: Manh nha hi vọng, thận trọng dò đường

NGỌC ĐÔNG 24/06/2020 02:06 GMT+7

TTCT - Cùng là “bong bóng” nhưng “bong bóng du lịch” không mong manh, chực chờ đổ vỡ như “bong bóng bất động sản” hay “bong bóng dot-com”, mà lại là hi vọng để ngành du lịch dần gượng dậy sau khi bị đại dịch COVID-19 đánh gục.

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Theo Bangkok Post ngày 15-6, 1.000 khách quốc tế dự kiến được phép vào Thái Lan mỗi ngày và quy định cách ly 14 ngày sau nhập cảnh cũng sẽ được bãi bỏ theo kế hoạch triển khai “bong bóng du lịch” sẽ được trình lên Trung tâm quản lý tình huống COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái trong tuần này.

Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết những khách ngoại này sẽ đến từ các quốc gia kiểm soát tốt COVID-19 được chọn theo thỏa thuận song phương về du lịch với Thái Lan. Số đầu tiên trong 1.000 khách nước ngoài này sẽ là người cần đến Thái để làm ăn, chữa bệnh. Khách du lịch nước ngoài nói chung sau đó sẽ được phép đến Thái Lan nếu chương trình thúc đẩy du lịch này thành công về mặt kiểm soát dịch bệnh, bà Traisuree Taisaranakul nói thêm.

1.000 người là con số quá ít (năm 2019 Thái Lan đón trên 39 triệu khách quốc tế), nhưng chính phủ kỳ vọng từ mô hình “bong bóng du lịch” này, ngành công nghiệp không khói của họ có thể sớm gượng dậy.

Hi vọng từ những chiếc bong bóng

Theo tạp chí Smithsonian, “bong bóng du lịch” (travel bubble), còn gọi là “chiếc cầu du lịch” hoặc “hành lang corona”, là cơ chế cho phép du khách đến từ một số quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt không phải trải qua 14 ngày cách ly trước khi được nhập cảnh. Mỗi quốc gia tham gia sẽ đưa ra các chuẩn kiểm tra y tế đối với du khách đến nước mình.

Hình tượng bong bóng được chọn do lẽ theo cơ chế này, một số nước đồng ý mở cửa biên giới với nhau nhưng vẫn đóng biên với tất cả các nước còn lại, và vì thế “người ta có thể dịch chuyển tự do bên trong bong bóng, nhưng người ở ngoài thì không thể vào được” - Per Block, nhà nghiên cứu về di động xã hội Đại học Oxford, giải thích. Theo Block, ý tưởng chính của “bong bóng du lịch” là “cho phép người ta có thể tự do đi lại nhưng không gây ra thêm tổn hại gì”. Mô hình này là phần mở rộng trong nghiên cứu của Block về “bong bóng xã hội”, khi một người thu hẹp “phạm vi cách ly” của mình với những người mà họ cho là an toàn.

Để tạo nên một “bong bóng du lịch” cần phải có sự tin tưởng cao độ giữa các quốc gia đối tác với nhau, cũng như niềm tin về khả năng kiểm soát virus tại các quốc gia đó, bao gồm cả việc xét nghiệm trên diện rộng, truy vết và cách ly hiệu quả. Đó cũng là lý do mà nhà nghiên cứu Per Block nhấn mạnh rằng thời điểm dễ nhất để tạo “bong bóng du lịch” là “khi hai quốc gia không có thêm ca nào nữa” và nguy cơ lây nhiễm khi cho phép công dân nước khác đến còn rất thấp. “Một bong bóng du lịch cũng sẽ có ý nghĩa khi các quốc gia láng giềng có số ca nhiễm tương đương và có cách ứng phó đại dịch như nhau” - Block nói thêm.

“Bong bóng” khắp các châu lục

Úc và New Zealand, hai quốc gia láng giềng ở châu Đại Dương, là những đất nước bàn về “bong bóng du lịch” sớm nhất, từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, đến ngày 16-6, Úc và New Zealand vẫn đang tính toán thời điểm thích hợp để bắt đầu cho phép công dân hai nước qua lại mà không phải trải qua giai đoạn cách ly.

“Bong bóng du lịch” Úc và New Zealand. Ảnh: 7NEWS.com.au
“Bong bóng du lịch” Úc và New Zealand. Ảnh: 7NEWS.com.au

Trong khi đó, từ giữa tháng 5, Estonia, Latvia và Lithuania, thuộc nhóm các nước Baltic, đã mở cửa biên giới với nhau, “khai trương” bong bóng du lịch đầu tiên của châu Âu. Đây là động thái mà Thủ tướng Latvia Saulius Skvernelis gọi là “một tia hi vọng cho người dân thấy rằng cuộc sống đang trở lại bình thường”, theo BBC.

“Đây là sự khích lệ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch trong khu vực. Mô hình này sẽ không đưa chúng ta trở lại được như trước kia, nhưng sẽ cứu được rất nhiều người khỏi cảnh thất nghiệp” - Reuters ngày 6-5 trích lời Zydre Gaveliene, người đứng đầu một nhóm vận động hành lang ở Lithuania.

Hai nước Baltic khác là Croatia và Slovenia cũng đã ký thỏa thuận lập “bong bóng du lịch” miễn cách ly cho công dân hai nước từ tháng 5, theo AsiaOne. Giải pháp này là điều đáng mong đợi, đặc biệt với Croatia bởi ngành du lịch của Croatia chiếm khoảng 20% tổng GDP cả nước.

Mới đây nhất, hai nước Áo và Đức đã mở lại biên giới vào ngày 15-6. Trước đó, Áo đã mở cửa cho Đức và nhiều nước láng giềng hồi đầu tháng 6, nhưng vẫn cấm người dân du lịch đến Đức. Áo cũng đang xem xét mở cửa lại với Ý, đất nước từng có ổ dịch COVID-19.

Đan Mạch và Na Uy cũng đã đi đến thỏa thuận thiết lập “bong bóng du lịch” và mở lại du lịch giữa hai nước Scandinavia này, tuy nhiên vẫn chọn đóng cửa với Thụy Điển, đất nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực.

Ở châu Á, Trung Quốc đã và đang kết hợp với Hàn Quốc và Singapore để tạo ra “bong bóng du lịch” với các nước láng giềng này. Cụ thể, bong bóng Trung - Hàn thành lập hồi tháng 5, song chỉ được áp dụng và kiểm soát chặt chẽ đối với một số thành phố nhất định ở cả hai nước, trong đó có Seoul và Thượng Hải, còn bong bóng Trung - Sing vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Bước đi thận trọng

Theo nhận định của AsiaOne, mặc dù “bong bóng du lịch” không phải là giải pháp lý tưởng nhưng chắc chắn đây là một bước đi đúng hướng. Có thêm nhiều “hành lang corona” cho du lịch xuất hiện đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều quốc gia làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Với doanh nghiệp, đây là con đường để cứu lấy kinh tế, còn với những kẻ mê lãng du, đây là tín hiệu cho thấy những ngày tháng được lang thang khám phá thế giới đang dần quay trở lại.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các nước bất chấp thành lập “bong bóng du lịch”. Thái độ thận trọng của chính quyền các nước là điều có thể thấy. Đơn cử như chiến lược bong bóng Úc - New Zealand dù đã được mang ra bàn bạc từ rất sớm nhưng đến nay vẫn chưa có ngày triển khai chính thức. Cả thủ tướng Úc và New Zealand đều khẳng định sẽ không mở cửa biên giới cho đến khi nhận thấy tình hình an toàn để làm vậy.

Smithsonian nhận định thời gian chờ có khi phải mất đến hàng tháng trời. AsiaOne cũng dự đoán “bong bóng du lịch” Úc - New Zealand phải đến đầu tháng 9 mới xuất hiện. Cũng phải kể đến thách thức khi một số bang ở Úc vẫn còn cấm du khách từ bang khác, huống hồ mở cửa cho dân xứ láng giềng.

Các đảo quốc Thái Bình Dương đang kêu gọi Úc và New Zealand cho họ tham gia “bong bóng du lịch” khi các chuyến bay trong khu vực đã được nối lại. Tính đến ngày 16-5, Fiji ghi nhận 18 ca nhiễm COVID-19 và đã chữa khỏi toàn bộ, không có ai tử vong, trong khi các quốc gia Thái Bình Dương khác như Vanuatu, quần đảo Solomon và Tonga đều đã ngăn chặn thành công virus khỏi bờ biển của họ, theo The Guardian.

“Một bong bóng du lịch có cả Fiji cùng Úc và New Zealand sẽ tốt hơn nhiều so với bất cứ khoản viện trợ hay trợ giúp nào, chúng tôi muốn được nằm trong bong bóng ấy” - Bộ trưởng kinh tế Fiji Aiyaz Sayed-Khaiyum phát biểu hồi cuối tháng 5, sau khi nêu chi tiết về việc hạn chế đi lại trong đại dịch có thể khiến thu ngân sách giảm một nửa trong năm tới.

Song Úc và New Zealand vẫn có vẻ thận trọng. Úc nói rằng lao động từ các nước Thái Bình Dương có thể đến Úc để làm việc nhưng du lịch hai chiều hiện chưa được xem xét. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thì cho biết nước này cần hành động hết sức thận trọng khi chọn đối tác tham gia “bong bóng du lịch”.

“Điều chúng tôi cần thấy đối với bất cứ một quốc gia nào trước khi đưa ra quyết định là một bộ tiêu chí để đảm bảo cả hai bên đều không có nguy cơ xuất khẩu bất kỳ ca nào cả, cũng như không có nguy cơ nhập khẩu bất cứ ca nào về nước mình” - Newshub dẫn lời bà Ardern phát biểu trong chương trình The AM Show ngày 15-6. “Nếu chúng tôi hành động quá nhanh mà không phân tích đầy đủ, chúng tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tất cả. Đó là lý do mà chúng tôi sẽ rất thận trọng trong chuyện này” - bà cho biết.■

Vậy “bong bóng du lịch” có thực sự mang lại lợi ích kinh tế như nó được kỳ vọng? Với trường hợp New Zealand, đây là một mối hợp tác có cơ sở sinh lợi, bởi dân Úc chiếm tới gần 40% tỉ lệ khách ngoại đến New Zealand cũng như chiếm khoảng 24% chi tiêu của khách quốc tế ở nước này vào năm 2019, theo CNN.

Trong khi đó, dù du khách người New Zealand chỉ đóng góp gần 15% trong tổng số du khách quốc tế Úc, nhưng phải thừa nhận “bong bóng du lịch” là cách duy nhất để đưa khách quốc tế đến Úc trong tương lai gần, như lời giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp du lịch Úc Simon Westaway nói với CNN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận