Vì sao Trung Quốc ráo riết pháp điển hóa y học cổ truyền?

CẢNH CHÁNH 25/06/2020 17:06 GMT+7

TTCT - Y học cổ truyền ở Trung Quốc có hơn 5.000 năm lịch sử, được xem là báu vật của dân tộc và quốc gia. Thời gian gần đây, chính quyền nước này đã luật hóa việc kế thừa phát triển đông y.

 

Bản dự thảo Quy định y học cổ truyền Trung Quốc của Bắc Kinh đưa ra lấy ý kiến người dân thủ đô vào tháng 5 vừa qua đang gây xôn xao.

Cấm phỉ báng, bôi nhọ đông y

Quy định y học cổ truyền Trung Quốc của Bắc Kinh gồm 7 chương, 55 điều. Trong đó đáng chú ý là điều 36 quy định cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tuyên bố sai lạc hoặc phóng đại về đông y; không được lấy danh nghĩa đông y trục lợi bất chính, tổn hại lợi ích công cộng; không được có hành vi phỉ báng, bôi nhọ đông y với bất kỳ hình thức nào.

Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, Cục Quản lý đông y Bắc Kinh soạn thảo quy định này từ năm 2010, cuối năm 2019 bắt đầu trưng cầu ý kiến nhiều cơ quan hữu quan và đến nay mới lấy ý kiến đại trà người dân.

Bản dự thảo gặp phải sự phản ứng của nhiều cư dân mạng cho rằng nhiều cấm đoán là bất hợp lý. “Y học là khoa học, không ngừng phát triển từ sự phủ nhận, không tồn tại sự phỉ báng hay bôi nhọ. Nếu đông y là khoa học thì phải tiếp nhận phê bình và phủ nhận”, “Danh tiếng và giá trị đông y không thể hình thành qua việc cấm bàn tán, xử phạt”, “Quy định liệu có phải là cấm người dân không được phản đối, hoài nghi đông y, người nghi ngờ sẽ bị xử phạt?”, “Sau này ai nói đông y vô hiệu liệu có bị bắt?”…, Tân Kinh Báo dẫn một số phản ứng.

Sau đó Cục Quản lý đông y Bắc Kinh đã phải lên tiếng giải thích, nói dự thảo đang trong giai đoạn tham khảo ý kiến, sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp có thể còn sửa đổi hoặc xóa bỏ những điều khoản không hợp lý. Theo kế hoạch, quy định sẽ được ban hành vào tháng 9 năm nay.

Ngụy khoa học?

Đông y mặc dù có hàng ngàn năm lịch sử ở nước này, nhưng ngay trong xã hội Trung Quốc vẫn tồn tại những hoài nghi về hiệu quả của cách chữa trị này, thậm chí có không ít tuyên bố mang tính bôi nhọ, theo Quang Minh Nhật Báo.

Trên Weibo chẳng hạn, từng có bài viết “Thái độ đối với đông y phản ảnh tố chất một con người” cho rằng nếu tây y không thâm nhập vào Trung Quốc thì không biết đã có bao nhiêu người chết vì bệnh truyền nhiễm; chỉ có y học được thế giới công nhận mới gọi là y học, đông y chưa được các nước công nhận là y học, do đó chỉ có thể gọi là y thuật hay y dân gian.

Đông y cũng được cho là che giấu khả năng tự khỏi của con người để trục lợi, hoặc khoác lác, thiếu cơ sở khoa học. Phim truyền hình cổ trang thì bị cho là phóng đại sự thần thông quảng đại của ngự y nơi cung đình, trong khi thực tế các hoàng đế Trung Quốc chẳng mấy người sống được lâu. Đông y không thể chẩn đoán bệnh chính xác, nên không thể kê toa trị đúng bệnh. Thuốc đông y chủ yếu là từ động thực vật hoang dã, khiến cho nhiều loài bị săn lùng, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Bài viết cũng khẳng định tây y nói một là một, hai là hai, không giống đông y lấp lửng nước đôi để lừa dối người bệnh. Vị thế đông y đi xuống có liên quan đến phổ cập khoa học y tế và sự lụn bại của đông y là điều tất yếu của lịch sử.

Năm 2006, Trương Công Diệu - giáo sư Đại học Trung Nam (Hồ Nam) - từng công khai chỉ trích đông y là ngụy khoa học, cần phải phế bỏ. Quan điểm của ông như một quả bom nguyên tử đối với ngành y học Trung Quốc, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong giới y học cổ truyền, dù cũng có những người bênh vực ông, như Hà Tộ Ma - viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, Tư Mã Nam và Phương Châu Tử - những người đấu tranh với ngụy khoa học.

Tự nhìn lại mình

Ông Đặng Dũng - phó giáo sư khoa luật, Đại học Đông y Bắc Kinh - từng có bài viết về nguyên nhân đông y bị tẩy chay, trên tờ Quang Minh Nhật Báo. Theo ông thì ngay từ đời Minh, chịu sự ảnh hưởng của tây y, từ quan lại đến bá tánh đều xuất hiện ý kiến phế bỏ đông y.

Theo ông, nguyên nhân đầu tiên là do hiện nay hệ thống đào tạo thầy thuốc chỉ chú trọng kỹ thuật hiện đại, dùng cách nhìn nhận của tây y để xem xét đông y, cho rằng thuốc đông y là phong kiến mê tín, “huyền học”, lừa dối bá tánh.

Chất lượng đào tạo thầy thuốc đông y ảnh hưởng đến nhận thức về đông y của người dân. Một số trường đông y giảng dạy theo mô hình trường tây y, trong đó môn tây y chiếm 50% chương trình học. Chưa kể sự xuất hiện tràn lan của thầy lang dỏm làm ảnh hưởng danh tiếng nền đông y. Còn trên mạng thì đầy rẫy thông tin dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe, thực tế do những công ty sản xuất thuốc đứng đằng sau thao túng, khiến các trang dưỡng sinh trở thành trang tiếp thị sản phẩm.

Thậm chí có đài truyền hình còn mời cả thầy lang dỏm lên giao lưu với khán giả. Những kiến thức sai lệch khiến người dân không chỉ không khỏe hơn mà còn mắc thêm bệnh. Trong khi bác sĩ đông y chân chính thì im hơi lặng tiếng, không kịp thời lên tiếng bảo vệ hình ảnh của nền đông y.

Ngoài ra, một số thuốc đông y kém chất lượng, gia công không đúng cách, nhuộm màu trái phép, vận chuyển bảo quản không đúng quy định… ảnh hưởng đến hiệu quả đông dược; cho nên dù là thầy thuốc đông y chính hiệu kê toa thì người bệnh uống vào cũng không thấy hiệu quả.

Theo Sách trắng phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc công bố gần đây, đông y đã phát huy ưu thế đặc sắc trong đại dịch vừa qua. Một số bệnh viện dã chiến do đội ngũ bác sĩ đông y tiếp quản, đông dược được dùng điều trị cho bệnh nhân ngay từ đầu, kết hợp cả đông tây y, người cách ly được cho sử dụng thuốc đông y nhằm nâng cao sức đề kháng, ca bệnh xuất viện theo dõi y tế cũng được sử dụng thuốc đông y để hồi phục sức khỏe.

Số liệu thống kê cho thấy đông y đã được sử dụng trên hơn 74.000 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Trung Quốc với tỉ lệ hiệu quả hơn 90%. Các loại thuốc sử dụng chủ yếu là thuốc giải cảm, viên nang ổn nhiệt, thuốc thải độc phổi, dùng cả thuốc chích (tiêm), có hiệu quả rõ ràng: giảm cả số ca nhiễm bệnh, bệnh chuyển nặng, và tử vong; nâng tỉ lệ khỏi bệnh; đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Luật đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe và y tế cơ bản Trung Quốc được thông qua cuối năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-6-2020 cũng quy định chính quyền đẩy mạnh phát triển nền đông y, kiên trì chú trọng cả đông tây y, kế thừa và sáng tạo, phát huy tác dụng đặc biệt của thuốc đông y trong hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế.

Sau khi luật đi vào hiệu lực, nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương ban hành các quy định liên quan phát triển kế thừa đông y trong hệ thống y tế địa phương.

Còn năm 2016 Trung Quốc đã ban hành Luật đông y, đi vào thực thi từ năm 2017, đánh dấu bước phát triển quan trọng của nền đông y nước này. Vị thế và giá trị của ngành đông y đang dần thay đổi. Nhiều chuyên gia cũng hi vọng sau đại dịch COVID-19, ngành đông y sẽ có bước tiến thần tốc, theo tờ Kinh Tế Tham Khảo.

Ảnh: Dragon Images
Ảnh: Dragon Images

Bước tiến của nền đông y

Nếu như trước đây đông y chỉ chẩn đoán qua bắt mạch, thì nay đông y ở Trung Quốc cũng không ngần ngại sử dụng các tiến bộ khoa học hiện đại khác để hỗ trợ.

“Điểm then chốt của đông y là dĩ bất biến ứng vạn biến. Bất biến là triết lý đông y, nhưng đông y cũng tiến bước cùng thời đại. Kỹ thuật chụp CT không phải do tây y phát minh, mà là do ngành vật lý, ngành điện, công nghiệp chế tạo mà ra. Do đó đông y không chỉ học kiến thức đông y còn phải học kiến thức tây y, học kiến thức khoa học hiện đại” - viện sĩ Trương Bá Lễ chia sẻ trên trang Chinanews.

Thành phố Hào Châu, tỉnh An Huy được mệnh danh là thủ phủ đông dược Trung Quốc, với hơn 100.000 doanh nghiệp trong ngành và hàng triệu người trồng thuốc. Quý 1-2020, thành phố xuất khẩu 371 lô hàng, tăng 8,8% so với cùng kỳ, chiếm 78,3% kim ngạch xuất khẩu đông dược toàn tỉnh, chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á và Âu Mỹ.

Nếu trước đây chỉ tập trung vào khách hàng Hoa kiều thì trong mùa dịch vừa qua, họ nhận được nhiều đơn hàng từ bệnh viện các nước châu Âu, theo Giải Phóng Nhật Báo.

Việc sản xuất đông dược cũng đang thay đổi, với nhiều hướng đi mới mở ra, bao gồm đông dược không chỉ dùng cho người. Một ví dụ là nông dân trồng lúa mạch ở Hà Nam không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà dùng thuốc bào chế từ đông dược, thành phần chủ yếu là thảo dược thanh nhiệt, độc tố thấp, hàm lượng dinh dưỡng thực vật cao, vừa ngăn ngừa sâu bọ, diệt khuẩn vừa thúc đẩy cây tăng trưởng. Sản phẩm đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành khác, mang lại hiệu quả cao, nay đang được mở rộng sử dụng cho các cây trồng khác.■

Các thầy thuốc đông y ngày nay cũng tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại để quảng bá ngành của mình. 

Thầy thuốc đông y Từ Văn Binh (sinh năm 1966) hiện khá nổi tiếng ở Trung Quốc, nhiều lần làm khách mời trên Đài truyền hình Bắc Kinh trong các chương trình sức khỏe. Ông bắt đầu nổi tiếng khi cùng thầy thuốc Lương Đông tham gia chương trình trò chuyện về văn hóa đông y trên Đài phát thanh nhân dân Trung ương, Đài du lịch Quảng Đông năm 2008. 

Hai thầy thuốc giảng giải từng câu trong bộ Hoàng đế nội kinh, nói đến các vấn đề thiên văn địa lý, ăn uống, đi lại, quần áo, chỗ ở và các hiện tượng xã hội. Nhiều thính giả cho biết chương trình của họ rất hấp dẫn, biến những kiến thức uyên bác của nền đông y thành những điều dễ hiểu, dễ tiếp thu. 

Nay trên tài khoản WeChat của ông còn mở lớp dạy kiến thức bồi bổ đông y mỗi ngày, thu hút khá nhiều cư dân mạng theo dõi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận