Đồ bay cá nhân: bao giờ mới hết…diễn?

HOÀNG THI 20/11/2020 03:11 GMT+7

TTCT - Con người có vẻ đến gần hơn với giấc mơ muôn thuở là tự do bay lượn mà không cần ngồi lên phương tiện gì. Nhưng bộ đồ bay thần thánh tên jetpack dù liên tục có các bước tiến ấn tượng, song chỉ mới dừng lại ở trình diễn thay vì khả năng ứng dụng thực tế.

Tháng 9-2020, Hãng hàng không American Airlines cho biết một máy bay của hãng đã bay ngang vật thể nghi là một người đang “bay” với bộ đồ bay phản lực jetpack khi đang tiến về sân bay quốc tế Los Angeles. 

Ngày 14-10, tại vị trí cách sân bay này khoảng 11km, đến lượt tổ bay của Hãng China Airlines thông báo phát hiện một “người bay” khác. Trong cả hai tình huống, jetpack đều được phi công phát hiện ở cao độ đáng kể: 900m trong vụ American Airlines và 1.800m với China Airlines.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu cơ quan chức năng địa phương và Cục Điều tra liên bang (FBI) vào cuộc. Nếu quả thật là jetpack, đây sẽ là bước ngoặt lớn khi chỉ với bộ đồ bay mà con người có thể nâng cơ thể lên không trung đến 1.800m.

Giấc mơ nửa thế kỷ

Theo Los Angeles Times, jetpack gồm một bộ thiết bị đeo trên lưng và tay, có khả năng phát ra các luồng khí hoặc chất lỏng để tạo phản lực, nâng cơ thể người lên không. Phần lớn jetpack sử dụng các tuôcbin khí siêu nhỏ, nén không khí ở vận tốc cực cao rồi đốt cháy với nhiên liệu để tạo lực đẩy.

Ngược về quá khứ, vào những năm 1960, Wendell Moore - kỹ sư của Công ty hàng không Bell Aerosystems - đã phát triển dây đai tên lửa có thể đeo vào lưng đưa người bay lên không. Thiết bị được cấp năng lượng nhờ tên lửa chạy bằng hydrogen peroxide cùng các tuôcbin phản lực. Tuy nhiên, hệ thống quá nặng nề, phi công không mang nổi lượng hydrogen peroxide để bay hơn 30 giây.

Quan trọng hơn, lúc bấy giờ, không ai hình dung dây đai này sẽ dùng làm gì. Vì thế, Bell Aerosystems và nhiều công ty tiên phong khác lần lượt từ bỏ các dự án jetpack trong thập niên 1970. Một số ít vẫn còn bám trụ nhưng vấp phải nhiều ngờ vực cho rằng đây chỉ là một trò chơi không có tương lai.

Những năm 2010, sức hút của jetback bắt đầu nóng trở lại nhờ những bước tiến mới về công nghệ. Một trong những tên tuổi đi đầu là Gravity. Công ty chuyên sản xuất và vận hành jetpack này đã thay hệ thống chuyển động nặng nề bằng các tuôcbin khí nhỏ.

Nhiên liệu được phân bố đều ở hai bên tay qua hệ thống ống dẫn, đủ để thực hiện một chuyến bay trung bình 4 phút. Màn hình hiển thị cũng được tích hợp trong mũ bảo hiểm, cho phép hiển thị độ cao, tình trạng động cơ, nhiên liệu và tốc độ của jetpack.

Theo CEO Richard Browning, chỉ cần một động cơ có kích thước như chai Coca-Cola 2 lít, nặng 1,9kg là đã có thể tạo lực đẩy cho khối lượng 22kg. Năm 2018, Richard Browning chế tạo được jetpack với 5 động cơ phản lực, nặng 45kg, đạt tốc độ tối đa hơn 50km/h.

Vì an toàn, công ty ưu tiên cho phi công bay trên mặt nước, phòng trường hợp té ngã. Browning ước tính người mang bộ đồ bay của ông có thể bay tới 1.800m, nhưng thực tế phi công thường hạn chế bay cao quá 10m.

Browning không phải là người duy nhất cố gắng hồi sinh jetpack. Năm 2008, Yves Rossy - phi công Thụy Sĩ - băng qua eo biển Anh với một chiếc cánh bay, gần giống như cánh diều, chạy bằng các tuôcbin siêu nhỏ. Rossy từ đó nổi tiếng với biệt hiệu “Người phản lực”, thường biểu diễn tại các triển lãm hàng không. Ông cũng ký hợp đồng với chính quyền Dubai để nghiên cứu và trình diễn.

Năm 2015, doanh nhân người Úc tên David Mayman mang chiếc jetpack JB-9 do chính công ty của ông - JetPack Aviation - thiết kế đã bay quanh tượng Nữ thần Tự do sau 10 năm nghiên cứu. Công ty JetPack Aviation hiện có trụ sở tại California và được David Mayman tự hào giới thiệu là thương hiệu jetpack tốt nhất khu vực.

Nhìn chung, mỗi thiết kế của các công ty trên đều có ưu - khuyết điểm riêng. Thiết bị của Rossy rất đẹp mắt, có thể uốn lượn trên không nhưng muốn dùng cần được phóng từ… máy bay. Ngoài ra, chỉ có các phi công được đào tạo chuyên sâu mới điều khiển được.

Đường vào thực tế còn xa

Năm 2019, Rossy thôi hợp tác với chính quyền Dubai sau khi gặp những bất đồng về tài chính. Mặc dù đã rời đi, Rossy cho rằng Dubai vẫn giữ giấy phép thiết kế cánh bay của mình và đang thuê hai học trò của Rossy tiếp tục chương trình. Ông hiện đang “lận đận” tìm kiếm nguồn tài trợ để thiết kế một mẫu cánh mới.

JetPack Aviation hiện sở hữu 5 jetpack. Công ty duy trì hoạt động bằng các show diễn và giảng dạy bay. Mức giá không rẻ, 4.950 USD cho một lần trải nghiệm. Công ty cũng thực hiện những buổi bay trình diễn tại các sự kiện lớn, mức phí tới 130.000 USD mỗi show. Mayman cho biết nếu JetPack Aviation bán cho cá nhân, mỗi chiếc jetpack có giá ít nhất 300.000 USD.

Tuy nhiên, việc thương mại hóa đang gặp nhiều rào cản pháp lý. FAA chưa cấp giấy phép vận hành jetpack, thay vào đó xếp chúng vào danh sách phương tiện siêu nhẹ. Với những loại jetpack lạ, muốn bay phải được cấp chứng chỉ thí nghiệm đặc biệt.

Để lấy được chứng chỉ này, người điều khiển trước hết phải có bằng cấp phi công cho máy bay thông dụng. Ngoài ra, nếu không có sự chấp thuận của FAA, jetpack chỉ có thể bay vào ban ngày và bị cấm bay qua các khu vực đông dân cư hoặc khu gần sân bay.

Chính các công ty sản xuất như JetPack Aviation cũng sợ trách nhiệm nếu người dùng sử dụng sai mục đích. “Không ai muốn chịu trách nhiệm nếu khách hàng lái jetpack của mình lao vào ôtô hoặc tòa nhà” - Mayman nói.

Franky Zapata và ván bay Flyboard Air. -Ảnh: Zapata
Franky Zapata và ván bay Flyboard Air. -Ảnh: Zapata

Người bay để làm gì?

Trước muôn vàn thách thức, các công ty phát triển jetpack một lần nữa phải đối mặt với câu hỏi tương tự như các tiền bối đã gặp vào những năm 1960: “Dùng jetpack để làm gì?”. Đây là một trong những nút thắt cho sự phát triển, bởi không thể đầu tư hay thương mại hóa chỉ để dạy bay hay đi trình diễn. Kỳ vọng về jetpack lớn hơn thế.

Hướng đi khả dĩ nhất cho các ông lớn vẫn là dùng jetpack cho các ứng dụng trong quân sự. Browning nhận được sự quan tâm từ các lực lượng vũ trang Anh, từng tham gia thử nghiệm tại các bài tập huấn luyện như hạ cánh trên xe hay tàu sân bay. Máy bay được kỳ vọng sẽ dùng để đưa bộ đội thủy quân lục chiến từ tàu sân bay vào đất liền hoặc vận chuyển trang thiết bị chiến tranh trên khắp chiến trường. Dù vậy, tiếng ồn quá lớn và tầm hoạt động ngắn của những chiếc jetpack cho thấy tiềm năng thực địa của chúng còn hạn chế.

Theo Browning, trong tương lai có thể phát triển jetpack như một môn thể thao. Năm ngoái, Gravity thực hiện nhiều cuộc đua quốc tế, lấy cảm hứng từ những chặng đua F1. Các đội đua sẽ đeo jetpack và di chuyển trên không, vượt qua các vật cản để tìm người về nhất. Năm 2020, một cuộc đua quy mô dự kiến tổ chức ở Bermuda vào tháng 3 nhưng không may lại vướng phải đại dịch COVID-19.

Tháng 9-2020, một lực lượng cứu thương ở miền bắc Anh cho thử nghiệm jetpack trong việc cứu người tại những nơi khó tiếp cận bằng đường bộ. Browning là người bay thử nghiệm tại vùng Lake District - địa điểm leo núi nổi tiếng dù có địa hình hiểm trở với gần 600 vụ tai nạn trong năm 2019.

Browning nhanh chóng bay đến địa điểm giả định có nạn nhân bị thương với tốc độ 51km/h chỉ trong vòng 90 giây để sơ cứu cho nạn nhân. Nếu đi bộ, đoàn cứu thương phải mất 25 phút. Dịch vụ cứu thương trên không Great North (GNAAS) kết hợp với Công ty Gravity để được cung cấp các loại jetpack và huấn luyện phi công.

“Hầu hết các doanh nhân jetpack mà tôi đã nói chuyện đều hi vọng rằng một ngày nào đó thiết bị này sẽ có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên từ giờ đến khi đó, thách thức của họ giống nhau mà mọi doanh nhân phải đối mặt không gì khác là thị trường để jetpack vẫn luôn được cất cánh” - Browning nói.■

Ngoài thiết kế bộ đồ để mặc vào người hay đeo trên lưng, nhà phát minh người Pháp Franky Zapata chọn cách hiện thực hóa giấc mơ người bay bằng Flyboard Air - một chiếc ván bay dùng công nghệ phản lực.

Tháng 8-2019, Zapata đã dùng thiết bị này để “bay” vượt qua eo biển Manche. Từ thị trấn Sangatte, Pas-de-Calais (Pháp), sau 22 phút bay ở độ cao 15-20m, Zapata vượt hơn 35km để đáp an toàn xuống vịnh Saint Margaret, Dover (Anh).

Flyboard Air tiếp nối dự án Flyboard, thiết bị bay cá nhân sử dụng lực đẩy của nước được dùng như một môn thể thao mạo hiểm trên biển rất thành công của Công ty Zapata Racing vào năm 2011. “Lướt Flyboard Air trên không gần giống như lái môtô nước, ngoại trừ việc không thể nhìn thấy những con sóng” - Zapata nói.

Tuy nhiên, dù Flyboard Air nhanh hơn và có phạm vi hoạt động lớn hơn các thiết kế jetpack khác, lực cản không khí khi bay có thể làm mất cân bằng cho phi công trên tấm ván. Đến lúc này, gần như chỉ có một người có thể bay được loại jetpack này, đó chính người phát minh ra nó: ông Zapata.

Zapata cũng gặp khó về tài chính. Hoạt động của Flyboard Air chỉ mang tính cầm chừng và chủ yếu bù lỗ nhờ tiền kinh doanh môtô nước Flyboard.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận