Du xuân con đường huyền thoại 279

PHẠM QUANG VINH 18/02/2017 21:02 GMT+7

TTCT - Đó là quốc lộ duy nhất ở VN có ba chữ số để định danh (các quốc lộ khác đều chỉ có hai chữ số), và là con đường chiến tranh thứ hai ở VN, nhưng không nhiều người biết đến con đường huyền thoại này.

Cảnh đẹp như tranh vẽ ở Văn Bàn (Lào Cai) trên cung đường 279 -P.Q.V.
Cảnh đẹp như tranh vẽ ở Văn Bàn (Lào Cai) trên cung đường 279 -P.Q.V.


Quốc lộ (QL) 279 có lẽ cũng là con đường có số phận “khúc khuỷu” nhất ở VN, từ tuyến đường chiến lược N2 sau chiến tranh biên giới phía Bắc để thay thế đường số 4 sát biên giới, trở thành QL dài thứ tư ở VN, tổng chiều dài từ điểm đầu đến điểm cuối, kể cả phần trùng với các con đường khác, khoảng hơn 900km.

Từ điểm đầu Giếng Đáy, Hạ Long (Quảng Ninh), con đường này chạy dọc và cách biên giới khoảng 100km, qua hầu hết các tỉnh biên giới, và chỉ mới thông toàn tuyến từ vài năm trước.

Địa hình phức tạp của vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc cũng khiến nhiều đoạn xuống cấp nhanh chóng, không hề dễ dàng với những tay lái chưa quen với các cung đường khó khăn vùng núi.

Nhưng 279 chắc chắn là một cung đường đầy thú vị cho một chuyến du xuân, không chỉ bởi những câu chuyện thời chiến, mà bởi cả sự hấp dẫn của hành trình và những điểm đến mê hoặc bất kỳ kẻ thích xê dịch nào.

Đi qua những địa danh lịch sử

Chúng tôi rời Hạ Long vào một buổi sáng, khi mùa xuân đã qua quá nửa, và hoa gạo bắt đầu tưng bừng dọc những triền núi từ Việt Bắc sang Tây Bắc.

Nếu không thật để ý, bạn sẽ không nhận ra được điểm mốc nơi 279 bắt đầu ở ngã ba Giếng Đáy, và chúng tôi đã chọn Trới, thị trấn huyện lỵ của Hoành Bồ, để chụp tấm ảnh làm mốc cho hành trình 279.

Ra khỏi Trới, đường hơi khó khăn, chúng tôi lạc vào một con đường đẹp hơn dẫn đi Ba Chẽ, và chỉ nhận ra điều ấy khi hỏi một người thợ rừng đang xuống dốc. Con đường từ Quảng Ninh sang Bắc Giang dù vậy không quá khó khăn cho những chiếc xe SUV và bán tải.

Qua An Châu, thị trấn từng nổi danh thời chống Pháp, chúng tôi vượt qua dãy núi bên phải ải Chi Lăng lịch sử dọc QL1A, xuống thị trấn Đồng Mỏ. Dù đoạn đường từ Bãi Cháy đến Tu Đồn (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), nơi 279 gặp QL1B chỉ hơn 160km, nhưng cũng phải quá trưa chúng tôi mới đến nơi.

QL1B từ Thái Nguyên lên cửa khẩu Đồng Đăng, trong đó đường 279 “mượn” gần 30km từ Văn Quan đi Bình Gia.

Quốc lộ 279 trên bản đồ
Quốc lộ 279 trên bản đồ

 

Từ thủ phủ của Việt Bắc - thành phố Thái Nguyên - con đường này chạy qua quê hương Nà Kháo của tướng quân, bộ trưởng quốc phòng đầu tiên Chu Văn Tấn, đến Bắc Sơn, nơi ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lịch sử gắn với sự ra đời của đội Cứu quốc quân, tiền thân của các lực lượng vũ trang, nơi có thung lũng Bắc Sơn huyền thoại.

Qua Bình Gia, rồi chạy dọc sông Tu Đồn lên biên giới. Cũng từ Bình Gia, đường 279 rẽ phải đi lên Bắc Kạn. Từ đây bắt đầu hấp dẫn hơn nhiều, với những đoạn chạy dọc suối, qua những bản người Tày, Nùng hai bên đường, và những cây gạo đúng mùa đang bung sắc.

Hơn 200km, đường vắng vẻ nhưng chúng tôi không thể kịp đến Ba Bể trước khi trời tối, bởi luôn bị phân tâm bởi những cảnh vật hai bên, cả đoàn đua nhau dừng lại chụp ảnh ở cột mốc đánh dấu kilômet 279 của con đường huyền thoại.

Đêm đầu tiên của hành trình dọc 279 thật tĩnh mịch với không gian của Vườn quốc gia Ba Bể, nơi có hồ nước ngọt lớn nhất VN ở độ cao 145m so với mực nước biển.

Dù không còn những con thuyền độc mộc dọc sông Năng, nhưng bạn có thể dành vài ngày ở lại đây, thuê một phòng homestay trong bản Bó Lù hay Pắc Ngòi, thưởng thức những món ăn của người Tày địa phương, và thuê một chiếc kayak chèo dọc theo những vách đá sừng sững hai bên hồ ra đến đầu sông Năng, nơi có một bản nhỏ mấy nóc nhà dựa lưng vào núi...

Đoạn đường 279 qua Ba Bể mới chỉ hoàn thành hơn năm nay. Vài năm trước, chúng tôi đã có những vĩ thanh đầy thú vị khi ý định vượt qua đoạn đường 279 vòng qua dãy núi phía sau hồ Ba Bể bị phá sản.

Trong bữa sáng trước khi lên đường, Chiến - người phụ trách thi công đoạn đường này - gọi điện thông báo máy xúc bị hỏng nên đoạn đường mới phá đá chiều hôm trước không thể thông xe. Chúng tôi không còn lựa chọn khác, bèn quyết định đi sâu vào vườn quốc gia, tìm đường sang Nà Hang, nơi một đoạn khác của 279 bắt đầu.

Sự thú vị bắt đầu khi chúng tôi quyết định rẽ vào một con đường nhỏ theo lời khuyên của một cậu thanh niên ở trạm xăng. Con đường ấy đã dẫn chúng tôi qua một khu rừng cực kỳ yên tĩnh và đẹp đẽ, trước khi rẽ lên đèo Kéo Mác.

Con đèo nhỏ nằm giữa Bắc Kạn và Tuyên Quang này đã sửa xong và mở rộng từ cuối năm 2015, nhưng vài năm trước là cả một thử thách lớn với con đường nhỏ, luồn lách qua những ổ voi, những đoạn sạt lở lớn.

Chúng tôi đã đi qua Bản Thi và không biết rằng chỉ leo lên một con đèo nhỏ mấy kilômet sẽ đến đỉnh Phia Khao, nơi còn nguyên cả những đường hầm khai thác và mỏ kẽm, và là nơi cụ Trần Đại Nghĩa cùng các kỹ sư đầu tiên đã lập ra nha quân giới, chế tạo ra những vũ khí đầu tiên cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.

Phia Khao cũng là nơi các thiếu sinh quân trẻ một thời đã dạy chữ và tập các bài hát đầu tiên cho những nhà cách mạng sau này, khi đó mới là những cô bé, cậu bé bảy, tám tuổi. Ở đây cũng vẫn còn nguyên một đường goòng chở quặng từ Phia Khao xuống Đầm Hồng...

Đường tránh đoạn ngang hồ Ba Bể -P.Q.V.
Đường tránh đoạn ngang hồ Ba Bể -P.Q.V.

 

Trải nghiệm cho những người yêu xê dịch

Bên kia đèo Kéo Mác là một con đường đẹp mê hồn khác kéo dài đến ngã ba Đầm Hồng, rồi ngược lên thị trấn Nà Hang.

Ở đây, sông Chảy sau khi nhập dòng với Nho Quế, sông Năng đã bị chặn lại, làm nên hồ thủy điện Tuyên Quang kéo dài lên gần Cao Bằng và tạo ra thú vui mới cho người dân miền núi: đi săn cá trên hồ. Nà Hang theo tiếng Tày có nghĩa là thửa ruộng cuối cùng, có lẽ bởi thế đất của nó, kéo dài đến những mảnh thung lũng nhỏ ở huyện mới Lâm Bình vừa tách từ Nà Hang ra, dọc theo sông Chảy.

Nhưng hôm nay, khi đường 279 đã hoàn toàn thông tuyến từ Ba Bể đi Việt Quang sẽ đưa bạn lên đỉnh núi yên ngựa, nơi có thể dừng xe, trải tầm mắt theo những dãy núi dài.

Nếu trời trong bạn sẽ được ngắm Ba Bể từ trên cao, và sau đó mấy chục kilômet, đường 279 sẽ chạy dọc sông Chảy đến hồ thủy điện Tuyên Quang, rồi vắt qua bên kia, xuyên qua những cánh rừng già...

Sự trắc trở khiến chúng tôi đến Việt Quang khi đã hoàng hôn và tối mịt mới kịp vượt qua đoạn đường 279 khá khó khăn qua Lâm Bình để đến Phố Ràng ăn tối, rồi lại vượt thêm hơn 20km để nghỉ đêm ở Bảo Hà.

Qua lâu rồi thời Lào Cai nổi tiếng với “cọp Bảo Hà - ma Trái Hút” nhưng Bảo Hà vẫn là một nơi được biết đến nhiều bởi đền thờ ông Hoàng Bảy, một trong số những vị thần trong tín ngưỡng VN.

Cung đường của ngày thứ ba, từ Bảo Hà qua Văn Bàn, sang Sơn La và Điện Biên, có lẽ là phần hấp dẫn nhất của đường 279. Qua cầu Bắc Hà vượt sông Hồng và những đoạn đường khá khó khăn đến huyện Văn Bàn, chúng tôi đến với con đèo đẹp nhất trên đường 279 - đèo Khau Cọ.

Những thửa ruộng bậc thang trải dài dọc theo con đường và cảnh sắc kỳ vĩ sau khi vượt qua cổng trời có thể khiến người ta quên đi những hi sinh to lớn của bộ đội binh đoàn Trường Sơn khi mở tuyến cho con đèo không mấy nổi tiếng này.

Sự hiểm trở, đường xấu làm cho Khau Cọ ít được biết đến, nhưng chắc chắn nó có thể đặt bên cạnh những Khau Phạ và Pha Đin khi nói về những con đèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Vượt qua cánh đồng Than Uyên, nơi đường 279 sẽ “mượn” một đoạn QL32 xuống đến Bản Kim, bạn sẽ đi vào đoạn đẹp nhất của đường 279, sau khi qua thủy điện Bản Chát. Con đường gần 200km qua những dãy núi chạy dài, những con suối lấp lánh, uốn lượn và vắng vẻ, bởi từ Quỳnh Nhai sang Than Uyên vốn không có mấy người đi.

Con đường từ Quỳnh Nhai đến Tây Trang là 150km cuối cùng của đường 279 huyền thoại, kết thúc ở đỉnh đèo Tây Trang, nơi có cửa khẩu sang tỉnh Phong Sa Lỳ của Lào.

Nhưng sẽ thú vị hơn nếu chúng ta nói về đường trở về Hà Nội, bởi bạn sẽ có một cơ hội khác là trải nghiệm một trong bốn con đèo lớn của Tây Bắc và Việt Bắc: đèo Pha Đin. Đường về cũng sẽ còn nhiều thú vị khác: là cao nguyên Mộc Châu và QL6 cũ bên sông Đà, là Mai Châu hiền lành dưới chân đèo Thung Khe, là lấp lánh hồ Hòa Bình...■

Tháng 2-1979

Trong những hành trình lên biên giới phía Bắc, chúng ta thường đi theo những tuyến dọc hình rẻ quạt, ít khi để ý đến các tuyến ngang. Từ thời Pháp, các địa phương gần biên giới chủ yếu nối với nhau bằng hệ thống các đường QL số 4 (4A, 4B, 4C, 4D, 4E…) chạy sát biên giới Việt - Trung.

Trong và sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, tháng 2-1979 tuyến đường này đã bị chia cắt khiến sự kết nối giữa các tỉnh biên giới gặp khó khăn, nên quân đội đã quyết định xây dựng các tuyến đường chiến lược dã chiến N1 và N2, trong đó tuyến N1 sát với đường số 4, tuyến N2 cách biên giới khoảng 100km.

Tuyến đường N2 sau đó đã được quân đội và Bộ GTVT quyết định xây dựng thành QL 279 (tức tháng 2-1979).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận