Đằng sau những câu chữ

DANH ĐỨC 12/08/2017 00:08 GMT+7

TTCT - Cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN (AMM) năm nay, và tiếp theo đó là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), đã diễn ra trong bầu không khí đầy tranh cãi, phản ánh cục diện thế sự ngày nay. Các văn kiện chính, trên bề nổi, phản ánh xu thế đó. Song, trong chiều sâu, lại phản ánh một sự đồng thuận nhất định.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Philstar.com bình luận rằng với Bắc Kinh, COC đi kèm những điều kiện “mơ hồ và không công bằng”.-Ảnh: rappler.com
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Philstar.com bình luận rằng với Bắc Kinh, COC đi kèm những điều kiện “mơ hồ và không công bằng”.-Ảnh: rappler.com

 

Nếu so sánh ARF lần thứ nhất hồi năm 1994 tại Bangkok, mà Việt Nam tham dự với tư cách quan sát viên, với ARF năm nay tại Manila, rõ ràng diễn đàn năm nay quá ư là “gay cấn”. Những biến chuyển của chính trường thế giới đã đặt ra những thách thức mới so với cách đây 23 năm.

Còn nhớ ARF 1994 quy tụ 10 nước ASEAN cùng 10 bên đối tác - đối thoại (Ấn Độ, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Úc và Trung Quốc) đã diễn ra một cách khá êm ả - diễn đàn này sau đó có thêm Papua New Guinea và Mông Cổ tham gia vào năm 1999;

qua năm sau, tới lượt CHDCND Triều Tiên. Sự thu hút của diễn đàn - cùng với nó là vai trò chủ nhà trung tâm của ASEAN - vừa là bởi bên vắng mặt sẽ thua thiệt do không được lên tiếng, vừa bởi mục đích của diễn đàn nhằm “cổ võ việc xây dựng niềm tin và ngoại giao phòng ngừa tại châu Á - Thái Bình Dương”, như tuyên ngôn của ARF.

Có thể đánh giá thành công của ARF năm nay từ các mục tiêu trong tuyên ngôn đó.

Thông cáo chung của các ngoại trưởng

Cuối cùng thì thông cáo chung của hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 cũng được thông qua hôm chủ nhật 6-8-2017, sau những tranh cãi và chỉnh sửa.

Sau “lời nói đầu” khuôn sáo, thông cáo chung, ngay trong đoạn 4 ở trang 2/46, đã đề cập đến vấn đề then chốt đặt ra cho ASEAN lúc này là duy trì nền hòa bình:

Chúng tôi khẳng định lại cam kết chung của chúng tôi là duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao mà không cần đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật quốc tế vốn đã được công nhận rộng rãi, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.

Các ý tưởng trên không phải là mới trong các thông cáo chung của ASEAN, các ý “giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình mà không cần đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” hay “tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao”... lại càng không mới.

Nhưng tại sao ASEAN cứ phải lặp đi lặp lại những điều đó? Rõ ràng, 10 nước ASEAN: (1) không có những tranh chấp nội bộ đến mức phải “sử dụng vũ lực” hay “đe dọa sử dụng vũ lực”;

và (2) càng không muốn động binh với bất cứ ai khác bên ngoài ASEAN. Đoạn kêu gọi hòa bình, như thế, rõ ràng là lời nhắn gửi tới một “đệ tam nhân” mà mấy năm qua đã mấy lần đe dọa sử dụng vũ lực.

Chính đoạn tuyên bố này mới là tâm tư đích thực và sâu thẳm của 10 nước ASEAN.

Sau đoạn 4 “sống còn”, thông cáo chung dành giấy mực cho mọi vấn đề khác “trên đời”, từ việc nội bộ ASEAN cho tới quan hệ với Liên Hiệp Quốc cùng các quan hệ song phương khác, cho tới hết đoạn 190.

Mãi đến đoạn 191 ở trang 41/46, thông cáo chung mới trở lại vấn đề “sinh tử” ban nãy là “các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Biển Đông

Nếu bình thản gạt ra ngoài tai những nhao nhao bình luận cho rằng nước này đã “thắng lợi”, nước kia đã “thua cuộc”, và đọc kỹ thông cáo chung, sẽ thấy đã có sự đồng thuận nhất định mới có thể đề cập tới vấn đề Biển Đông như sau:

191. Chúng tôi đã thảo luận rộng rãi các vấn đề liên quan đến Biển Đông và ghi nhận những lo ngại của một số bộ trưởng về việc bồi đắp đất cùng các hoạt động trong khu vực này, điều đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm căng thẳng tăng lên, và có thể phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

192. Chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển và vùng trời Biển Đông.

193. Chúng tôi tiếp tục khẳng định lại sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và tin tưởng lẫn nhau, tự kiềm chế trong khi tiến hành các hoạt động, và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, cùng sự cần thiết theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình đúng với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

194. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và sự tự kiềm chế trong khi tiến hành tất cả các hoạt động của các bên tranh chấp và tất cả các nước khác, bao gồm những hành động đã được nêu ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vốn có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm căng thẳng leo thang trong Biển Đông.

195. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC. Chúng tôi nồng nhiệt hoan nghênh sự hợp tác tiến bộ hơn giữa ASEAN và Trung Quốc, và thấy việc thông qua văn kiện khung của một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là điều đầy khích lệ, sẽ tạo điều kiện cho việc chốt lại một COC hiệu quả với thời hạn cụ thể được các bên cùng thỏa thuận.

Từ động lực tích cực này, chúng tôi khẳng định lại sự sẵn sàng của chúng tôi bắt đầu việc đàm phán thực chất về COC, và giao nhiệm vụ cho các quan chức cấp cao của chúng tôi bắt đầu đàm phán về COC với Trung Quốc.

Chúng tôi thừa nhận những lợi ích có thể thu được từ việc Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

196. Bằng cách đeo đuổi việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả toàn bộ DOC, trong khi chờ đợi thông qua sớm một COC có hiệu lực, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin cùng các biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường, cùng với các biện pháp khác, sự tin tưởng và niềm tin giữa các bên”.

Có thể thấy qua các đoạn nói về Biển Đông cũng như về một văn kiện khung của COC sắp tới như nêu ở trên:

(1) về câu chữ là một sự thận trọng tuyệt đối, không trực tiếp va chạm;

(2) song vẫn đề cập được đến các vấn đề khúc mắc nhất, từ việc bồi đắp trên biển tới yêu cầu tự do hàng hải và hàng không cũng như phi quân sự hóa, không nói ra nhưng thừa rõ “ai” là chủ sự các hành động đó;

(3) tuy “nồng nàn” chào đón một bộ khung COC “mới ra lò”, song vẫn cứ nhắc lại yêu cầu thực thi trọn vẹn và hiệu quả toàn bộ DOC, ngụ ý rằng DOC đã chưa được thực thi đầy đủ và hiệu quả;

(4) nhắc khéo đàm phán một cách thực chất COC;

(5) nhắc đi nhắc lại việc hành động sao cho “niềm tin được xây dựng”, đừng “làm xói mòn niềm tin”!

“Ngôn ngữ là vị thần Janus hai mặt” - nhà thơ Paul Valéry đã nhận xét vào đầu thế kỷ trước. Thông cáo chung của hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50, tuy chẳng đầy chất thơ, cũng là một áng văn “Janus”!

Có thể thấy rằng trong bối cảnh một vài nước ASEAN bị cho là “chịu ảnh hưởng” của Trung Quốc, mà bản thông cáo chung - với thứ ngôn ngữ chuẩn mực, không khiêu khích - vẫn nêu lên được bản chất vấn đề thì hẳn đã phải có sự đồng thuận trong khối.

Nếu không có sự đồng thuận tối thiểu đó, đã không thể có những câu chữ đầy ám chỉ nhưng vẫn kín kẽ như trên!

Điều kiện sách

Nghe qua tin loan báo “ASEAN và Trung Quốc đã thông qua văn kiện khung COC”, không thể không nghĩ rằng hai bên đã nhất trí được với nhau ở hội nghị Manila lần này.

Thế nhưng, đó chỉ là một động thái được “trình chiếu” vào thời điểm chọn lọc, nhằm “làm PR” cho Bắc Kinh: quả là một bước tiến khai thông, quả là nhường nhịn, quả là yêu hòa bình!

Những tin tức sau đó, bao gồm các điều kiện ngặt nghèo mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra cho thấy hành trình COC sẽ vẫn còn hết sức chông gai.

Trong cuộc họp báo hôm chủ nhật 6-8, ông Vương đã đưa ra “điều kiện sách” rất rõ ràng để có COC:

Nếu các bên ngoài cuộc không gây ra sự gián đoạn lớn nào, đây là điều kiện tiên quyết, thì chúng tôi sẽ xem xét trong cuộc họp cấp cao vào tháng 11 tới việc chúng ta cùng thông báo chính thức khởi sự các cuộc tham vấn về bộ quy tắc ứng xử”.

Báo Philippines philstar.com ngày 7-8 viết trong một bài phân tích rằng các điều kiện này của ông Vương “mơ hồ và bất công”. Trong khi đó, báo Nhật Nikkei nói ông Vương “rõ ràng ám chỉ Mỹ” khi nói về “các bên ngoài cuộc”.

Ngụ ý của Bắc Kinh về luật chơi là vấn đề COC chỉ do các nước trong cuộc với nhau, không chấp nhận bất cứ một bên ngoại cuộc nào.

Từ nay tới đó, cả một vùng biển rìa lục địa, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan, bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km², có tên là Biển Đông, phải được “yên ổn”, không xảy ra bất cứ sự cố gì mà Trung Quốc có thể gọi là “sự gián đoạn lớn”.

Câu hỏi đặt ra là nếu xảy ra va chạm giữa tàu bè Trung Quốc với một nước ngoài cuộc, như Mỹ chẳng hạn, một va chạm không kiềm chế, thậm chí chủ ý, thì “tham vấn COC” sẽ không bao giờ được khởi động hay sao?

Hay phải chăng hải quân và không quân các nước ngoại cuộc sẽ bị “trói tay” - không thể thực thi tự do hàng hải hay hàng không trên Biển Đông - để tránh va chạm dẫn tới “gián đoạn lớn” mà Trung Quốc đã cảnh cáo?

Hứa hẹn tiếp theo của ông Vương: “Trung Quốc và ASEAN có khả năng cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định khu vực, chúng ta sẽ cùng thiết lập các quy tắc của khu vực mà chúng ta đồng thuận...”.

Nghe qua thấy có vẻ bình đẳng. Song, không đồng đẳng, làm sao có thể bình đẳng? Tức sự đồng thuận trong ASEAN, ngay cả đã có, vẫn rất mong manh.

Từ đó có thể đặt câu hỏi các quy tắc của khu vực sẽ thỏa mãn yêu cầu của phía nào, kẻ mạnh hay kẻ yếu, một khi không có sự tham gia của bất cứ một bên ngoại cuộc nào, cho dù là Tòa án quốc tế La Haye mà công ước UNCLOS đã quy định như là công cụ tài phán?

Trong những điều kiện đó, làm sao tránh việc Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc? ■

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận