Có ai muốn trở thành người lạ giữa cuộc đời …

PHÙNG THỊ HẠ NGUYÊN 01/11/2018 02:10 GMT+7

TTCT - ​Sài Gòn quê mẹ giờ đã xa ngái, An không còn thuộc về nơi đó, nhưng cô cũng không thể hòa nhập được với Thụy Điển hay bất kỳ đất nước phương Tây nào bởi sự khác biệt sâu sắc về văn hóa, quan điểm sống, các hệ giá trị.

Sống trong thời đại mà xê dịch là lẽ sống của giới trẻ và du ký trở thành dòng sách thời thượng, tôi khá dè dặt khi chọn đọc Người lạ của Mai Thảo Yên. Tác giả đang là nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại Thụy Điển, từng sống ở nhiều nước châu Âu và vài lời giới thiệu khiến tôi hình dung ra không khí của một truyện dài lãng mạn từa tựa cuốn Oxford thương yêu (Dương Thụy) từng làm mưa làm gió cả chục năm trước.

Thế nhưng giọng văn mộc mạc và chân thành của cô gái trẻ đã dẫn dắt tôi đến với những suy tư đầy phức tạp và day dứt, khác xa với những suy nghĩ ban đầu.

Câu chuyện của Người lạ bắt đầu vào lúc nửa đêm tại một khách sạn nhỏ ở Trollhättan, Thụy Điển, khi An Lê và Holger Hansson - hai nghiên cứu sinh ngành xã hội học - đang chới với trong cơn say và phải đứng giữa một lựa chọn khó khăn: vượt qua ranh giới để đến với nhau như tình nhân, hay ai về phòng nấy để sáng mai vẫn gặp nhau như những đồng nghiệp cùng khoa.

Nếu như họ sống bằng bản năng và quyết tâm lao vào tình yêu như đa số chúng ta thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Họ lại là những trí thức đã trải qua nhiều gian truân trên con đường học thuật, và biết yêu một đồng nghiệp sẽ khiến con đường đến với chân lý của họ thêm phức tạp và ẩn chứa nhiều bất trắc.

Holger rời đi và buổi khuya hôm đó nhanh chóng trôi đi như một ảo ảnh, họ tiếp tục nhịp sống bận rộn với những lớp học, những bài luận và các mối quan hệ của mình. Nhưng khoảnh khắc chếnh choáng trong cái nắm tay tha thiết của Holger vẫn trở đi trở lại trong suy nghĩ của An, khiến cô day dứt và hẫng hụt cả một khoảng thời gian dài.

Và sau nhiều ngày tháng sống ở châu Âu, An ý thức về sự cô đơn, lạc lõng của mình. Sài Gòn quê mẹ giờ đã xa ngái, An không còn thuộc về nơi đó, nhưng cô cũng không thể hòa nhập được với Thụy Điển hay bất kỳ đất nước phương Tây nào bởi sự khác biệt sâu sắc về văn hóa, quan điểm sống, các hệ giá trị. Để theo đuổi lý tưởng của mình, An đã mãi mãi trở thành một “người lạ” giữa cuộc đời này.

Câu chuyện của Mai Thảo Yên phản ánh chân thực cuộc sống của một bộ phận người trẻ trong thời-đại-không-biên-giới này.

Đất nước hội nhập, công nghệ phát triển cho phép con người thỏa khát vọng xê dịch để được nhìn ngắm trời cao đất rộng, được sống hết những chiều kích của bản thân, nhưng cuộc sống nơi xứ lạ buộc người ta phải đối mặt với những tình huống chẳng hề dễ dàng.

Đó là một buổi sáng, An đứng khuấy nồi cháo yến mạch nhạt nhẽo, ăn vội cho xong bữa và nhớ da diết những âm thanh huyên náo của một khu chợ nhỏ quê nhà, sực nức mùi thơm từ những hàng quán bánh canh, hủ tiếu, cơm tấm... và nhận ra hiện thực đó đã xa rất xa.

An trở thành “người lạ” với Sài Gòn, không thể tìm kiếm sự đồng cảm từ những bạn bè cũ và thành phố đã đổi khác quá nhiều kể từ ngày cô ra đi. An cũng ý thức rất rõ khoảng cách giữa mình với các bạn đồng nghiệp, họ sống lý trí, chừng mực, đầy tỉnh táo; trong khi An dạt dào tình cảm và luôn khao khát được vỗ về.

Những trải nghiệm về sự va đập giữa hai nền văn hóa được Mai Thảo Yên tái hiện đầy sống động qua giọng kể nhiều suy tư, khiến tôi hiểu thêm cuộc sống khó khăn và cô độc của những người xa xứ. Họ mãi mãi là những cái cây bứng mình sang đất khác, vẫn da diết đất mẹ mà chẳng thể trở về.

Chất trí tuệ là điểm hấp dẫn nữa của Người lạ. Đời sống học thuật sôi nổi của giới nghiên cứu xã hội học phương Tây được phản ánh đầy chân thực từ góc nhìn của người trong cuộc hẳn sẽ khiến bạn đọc hứng thú.

Đó là những buổi thuyết trình, những cuộc bàn luận sôi nổi về những vấn đề đầy gai góc; là tình bạn giữa những nghiên cứu sinh khác nhau màu da, tiếng nói nhưng chia sẻ với nhau tình yêu khoa học sâu sắc, không vụ lợi; là những cuối tuần miệt mài ở văn phòng khoa để hoàn thành tiểu luận; niềm vui khi đưa sinh viên đến những vấn đề cốt lõi của bài học.

Theo dõi hành trình học thuật của An Lê, bạn đọc sẽ hiểu vì sao cô chấp nhận bước vào một cuộc sống chông chênh, gói gọn đời mình trong những chiếc vali, những hành trình đơn độc, vì chỉ có cuộc sống vô định đó mới giúp cô thỏa sức bay cao trên bầu trời rộng rãi.

Đọc từng dòng tâm tình của An, mà cũng chính là của Mai Thảo Yên, người đọc cảm nhận rất rõ sự nặng lòng của tác giả với khoa học, với con người.

Hành trình của An cũng chính là hành trình trưởng thành của những người trẻ tuổi, có mất mát, có cô độc, nhưng đến cuối cùng điều ngọt ngào nhất chính là cảm giác chiến thắng chính mình. Người lạ là một câu chuyện thủ thỉ khiêm nhường, nhưng sẽ gợi nhiều dư vị khó quên. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận