TTCT - Tôi mới thấy hoa cải vàng nở ở triền sông Hồng mùa heo may, mới chợt nhớ nao dạ cánh đồng ngờm ngợp hoa cải cũng vàng ở Bodhgaya (Ấn Độ). Trẻ em ở làng Bhojwan Tika - Ảnh: Hoàng Việt Hằng Không ngủ được vì mùa thu và không ngủ được vì nhớ ni sư Từ Tâm ở ngôi trường trung học tình thương làng Bhojwan Tika, bang Bigha. Ni sư ở đó giữ lại bao hương sắc người Việt mà tôi không thể quên... “Họ là những lữ khách có danh, vô danh. Không ai để lại tên trên một tờ công đức nào, họ chỉ có trong trí nhớ tôi kể cho cô nghe. Họ đã chẳng là hương sắc Việt, không lưu dấu tên tuổi mà lặng lẽ góp sức chung tay, vì thương người như thể thương thân còn gì?” Ni sư Từ Tâm Tấm lòng người Việt Chúng tôi có cơ duyên được ở cùng phòng với ni sư Từ Tâm tại nhà chùa Việt trên đất Ấn và cả trên đất Nepal. Một giờ sáng ni sư ngồi thiền đến hơn ba giờ, sau đó bà đọc sách kinh Phật. Ở tuổi 73, với 21 năm tu trên đất Ấn, ni sư Từ Tâm xây được một ngôi trường cho trẻ em nghèo Ấn Độ bằng những đồng tiền của toàn người Việt Nam góp từ thiện. Ni sư nói đã cầm những đồng tiền rất nặng ân nghĩa của người Việt trong tay. Bản sắc của người Việt ta cũng như người tu hành, khi đã làm việc thiện thì không nói ra. Nhưng tôi đã nài nỉ bà kể chuyện xây trường. Ngôi trường trung học tình thương ở bang Bigha vốn là một sự tình cờ. Gặp những đứa trẻ không biết chữ, không có cơm ăn, ni sư Từ Tâm đã dừng chân tại ngôi đền nhỏ dạy học và gọi thầy giáo người Ấn dạy chữ cho trẻ em. Tiền trả cho thầy bắt đầu từ đồng tiền tâm phúc của người Việt góp vào. Năm 2003 trường chỉ có 45 học trò. Ni sư Từ Tâm nhớ có một phụ nữ tên Kim Dung sống ở Anh, rồi sang đất Phật Ấn Độ. Khi ấy bà Kim Dung hi vọng sẽ qua khỏi cơn bệnh ung thư. Bà kể bà nhớ Hà Nội, nhớ cái ngõ ở gần chùa Liên Phái phố Bạch Mai, có một quán bún bung. Bún bung dọc mùng xưa có thịt chân giò thái lát mỏng, có dọc mùng nước màu nghệ, có một miếng đu đủ xanh và mấy hạt lựu mỡ phần trong bát. Lâu lắm rồi mà bà vẫn nhớ từng chi tiết vậy. Bà Kim Dung ấy trước khi chết trên đất Anh đã không ghé về ăn bát bún bung Hà Nội, dành những đồng tiền bảng Anh còn lại gửi cho ni sư Từ Tâm giúp học trò nghèo ở làng Bhojwan Tika. Còn một lữ khách người Việt tại Mỹ, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, nơi có nhà thờ đá Phát Diệm. Ở đấy đàn bà con gái tay ai cũng nhuộm phẩm xanh đỏ còn in trên móng tay chưa phai vì nhuộm phẩm cói, đan làn và đan chiếu quanh năm. Bà Tân Trà đó đã khóc khi sang Ấn thấy phụ nữ, trẻ con bôi cái vệt đỏ trên trán cho may mắn, màu sắc cũng dính đầy tay. Bà Tân Trà nhớ làng quê Thái Bình, khóc mãi. Rồi bà cũng đi hết Lumbini, đi hết các ngọn tháp Chaukhand nơi thờ các xá lợi Phật, rồi tháp Phamek (chuyển luân), đến đâu bà cũng kêu cầu cho kẻ cùng khổ bớt khổ. Bây giờ bà Tân Trà đã là sương khói. Trước khi vào sương khói cũng gửi tiền cho trường mua thêm bàn học, giấy viết cho các em. Ở đâu cũng là con người “Họ có di chúc nhưng không phải cho con họ, cho gia đình họ, mà họ gửi cho tôi đồng tiền cuối cho trẻ em Ấn học chữ” - ni sư Từ Tâm kể. Năm nào cũng có nhiều đoàn phật tử Việt Nam gửi những đồng tiền Việt, đồng euro, đồng bảng Anh, tiền rupi của người Việt ở Ấn cho việc học của trẻ con Ấn. Có người còn gửi tiền trả cho thợ xây ở Huế, họ hi sinh cả những cái tết cổ truyền tại Việt Nam, bỏ bánh chưng dưa hành, bỏ tết để xây trường cho các em ở Ấn. “Quá khứ của tôi từng có một gia đình, các con thành đạt, thành tiến sĩ ở bên Mỹ. Tôi đã cúi đầu xin lỗi người chồng để xuống tóc xuất gia hơn 20 năm, rồi xây trường, xây một đền nhỏ thờ Phật, để tĩnh tâm làm việc thiện mà người Việt Nam gửi lại đất này” - ni sư kể. Nghĩ cách cứu trẻ thơ chi bằng cho chữ, có chữ, hiểu biết sẽ đỡ khổ, mà nhân loại ở đâu cũng là con người trên trái đất cả thôi. Triết lý của ni sư giản đơn như vậy. Ni sư nói tùy duyên nên mới được dừng chân tại làng Bhojwan Tika, làng nghèo nhất, không khác gì mấy ở các bản vùng sâu miền núi phía Bắc nước ta. Ngay cả những người thợ Việt Nam ở Huế, ở Đà Nẵng đặt chân lên đất Phật, nếu không chịu cực khổ thì khó mà dừng lại chốn này. Mùa đông, cái rét cắt da cắt thịt ở miền tây Ấn, thiếu rau xanh phải tự trồng rau, đem đỗ xanh sang đây làm giá đỗ thay rau trong bữa ăn. Ngôi trường có 640 em theo học hôm nay do đồng tiền ủng hộ của bà con kiều bào Việt Nam trên khắp các nước và châu lục đóng góp vào. Khi nhà trường đi vào nề nếp ổn định, cứ mỗi mùa du lịch của các lữ khách Việt Nam sang đất Ấn, ni sư Từ Tâm vẫn hẹn với mình rằng bất cứ đoàn Việt Nam nào sang đây đều tình nguyện đi làm hướng dẫn viên. “Tôi không cần tiền, không lấy tiền đi tour mà từ tâm mình mong muốn để một phần nhớ lại những người Việt Nam ở khắp nơi đã đóng góp vô tư, thiện nguyện để xây lên một ngôi trường dạy chữ cho các em người Ấn bớt khổ” - ni sư nói. Bây giờ, làng đã có nhiều trẻ con đến trường. Nhiều đồng tiền thật nặng cầm trên tay của người Việt Nam xa Tổ quốc, nhân ái và quên thân vì những người cùng khổ. Tags: Ấn Độ
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Bàn giao, di lý nghi phạm nguy hiểm Bùi Đình Khánh ngay trong đêm về Quảng Ninh TIẾN NGUYỄN 19/04/2025 Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao Bùi Đình Khánh - nghi phạm buôn bán ma túy bắn tử vong thiếu tá Công an Nguyễn Đăng Khải - để di lý trong đêm 18-4 về Công an tỉnh Quảng Ninh.
Đã bắt được nghi phạm buôn ma túy Bùi Đình Khánh HÀ ĐỒNG 18/04/2025 Khoảng 22h tối 18-4, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp đã bắt giữ Bùi Đình Khánh, người bị truy nã trong vụ nổ súng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Ninh.
Quang Minh, MC Vân Hugo xin lỗi, nói không quảng cáo sữa giả HOÀI PHƯƠNG 18/04/2025 Một lần nữa biên tập viên Quang Minh xin lỗi đến những người tin tưởng anh đã mua sữa anh quảng cáo. Anh khẳng định không quảng cáo sữa giả. MC Vân Hugo cũng lên tiếng liên quan đến quảng cáo sữa.
Video: Trọng tài gây tranh cãi khi từ chối bàn thắng của Hoàng Anh Gia Lai THANH ĐỊNH 19/04/2025 CLB Hoàng Anh Gia Lai đã phản ứng dữ dội vì bị từ chối bàn thắng trong trận thua tối thiểu trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.