TTCT - Một phát minh khiêm nhường đã giúp bao nhiêu ngành tránh sai sót - từ hàng không đến y khoa, nhưng vẫn có người từ chối sử dụng, đổi lấy hệ quả khôn lường. Ảnh: Adobe StockMột mẩu giấy bất kỳ, liệt kê theo gạch đầu dòng hay đánh số thứ tự các món hàng cần mua, công việc phải làm, thao tác phải thực hiện, vật dụng phải cho vào hành lý… Có lẽ bạn không lạ gì với "phát minh" này: danh mục kiểm tra, hay cách gọi quen thuộc hơn là dùng nguyên tiếng Anh, checklist."Muốn não đỡ phiền thì làm liền checklist" - bác sĩ James Hamblin từng khuyên khi còn viết cho tờ The Atlantic cách đây 10 năm. Muốn biết checklist lợi hại ra sao, cần nhìn lại lịch sử ít biết của nó. Bắt đầu là áp dụng cho phi công để tránh tai nạn máy bay, rồi ứng dụng lan sang giới phi hành gia, bác sĩ phẫu thuật và đủ mọi ngành nghề - thậm chí cả bà nội trợ cần đi chợ cho cả tuần.Tháng 10-1935, tại sân bay quân sự Wright, Ohio (Mỹ), mẫu máy bay ném bom mới Model 299 uy lực của Boeing phát nổ ngay trong buổi trình làng. Kết quả điều tra cho thấy việc điều khiển chiếc máy bay mới quá phức tạp, đòi hỏi phi công phải thao tác cùng lúc bốn động cơ chưa kể còn có cần hạ cánh, cánh phụ, bảng điện tử, bộ phận cân bằng tải, cánh quạt… Giữa mớ bòng bong đó, phi công rốt cuộc quên mở khóa bộ phận kiểm soát độ cao và cánh đuôi lái nên gây ra tai nạn.Không quân Mỹ cuối cùng vẫn chọn mua 13 chiếc Model 299 bởi họ có cách kiểm soát quy trình điều khiển rối rắm của "pháo đài bay" này. Giải pháp không phải tăng cường tập huấn cho phi công, mà là lập ra các checklist khi bay.Tổng cộng có bốn checklist kiểm soát từng bước cất cánh, bay, hạ cánh và chạy trên đường băng. Đây cũng là bốn danh sách kiểm tra tối thiểu phải có trên hầu hết các máy bay thương mại ngày nay. Ngay cả khi gặp trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn một động cơ bị ngưng, phi công sẽ tìm checklist những việc cần làm trong tình huống này, tuần tự thực hiện và đánh dấu "x" vào từng mục."Checklist - một trong những công cụ cơ bản nhất trong "bộ đồ nghề" phi công - được thiết kế để khắc phục những hạn chế về trí nhớ của phi công và đảm bảo rằng các đầu mục thao tác được thực hiện theo trình tự mà không bị bỏ sót" - chuyên trang hàng không Aviation International News viết.Ngoài hàng không, việc đảm bảo an toàn trong y khoa ngày nay cũng cần dùng đến checklist. Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), những sai sót lúc phẫu thuật như nhầm bệnh nhân, sai bên trái phải hoặc bỏ quên dụng cụ y khoa… xảy ra khá phổ biến tại Mỹ.Năm 2009, giáo sư Đại học Harvard kiêm bác sĩ phẫu thuật Atul Gawande kêu gọi các bác sĩ sử dụng checklist ngay cả trong những quy trình cơ bản hay những thủ thuật mà họ đã thuộc nằm lòng sau hàng ngàn lần thực hiện để tránh sai sót y khoa. Nghiên cứu của ông cho thấy áp dụng checklist với 19 mục tưởng cơ bản lại có thể giảm gần một nửa tỉ lệ tử vong trong hoặc sau phẫu thuật.Gawande đã viết hẳn một quyển sách - The Checklist Manifesto (2009) - để phổ biến ý tưởng này. Tuyên ngôn của ông là: ứng dụng checklist trong y tế, xây dựng, đầu tư… có thể mang đến khác biệt to lớn.Vì sao một tờ giấy lại có quyền năng đến vậy? Đó là bởi checklist trợ giúp đúng điểm yếu của bộ não: ghi nhớ và thực hiện nhất quán các quy trình dài, gồm nhiều bước, nhiều phần. Checklist nhắc chúng ta nhớ các bước cần thiết tối thiểu, đồng thời làm cho các bước ấy trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Ngoài ra, theo Gawande, tuân theo checklist còn giúp người thực hiện tuân thủ kỷ luật làm việc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.Nhưng đó là khi ai cũng chịu ứng dụng checklist. Như ông viết trong The Checklist Manifesto: "Chúng ta không thích sử dụng danh mục kiểm tra. Có thể vì chúng đòi hỏi quá chi tiết. Chúng không có gì thú vị. […] Dường như chúng ta có cảm giác bị hạ thấp khi phải sử dụng danh mục ấy".(*)Loài người tinh khôn chúng ta cậy có trí óc và vẫn thường xoay xở được, song sai sót là không tránh khỏi. Sẽ tới lúc ta vì mệt mỏi, chán nản hay vô thức bỏ qua một bước trong quy trình. Phi công có thể quên mở khóa cửa gió hoặc kích hoạt áp suất cabin. Bác sĩ phẫu thuật có thể quên lấy dao, kéo ra khỏi người bệnh… Và tài xế một chiếc xe đưa đón có thể bỏ quên học sinh. Tất cả đều trả giá bằng mạng người.Với checklist, ta không cần phải ghi nhớ mọi thứ. Chỉ cần nhớ khi nào thì cần lấy danh sách ra, và làm theo. Từng mục một.(*) Trích từ bản tiếng Việt, Phút dừng lại của người thông minh (NXB Trẻ, 2012) Tags: Tai nạnChecklistDanh sách kiểm tra
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Quyết định truy thu Thảo cầm viên Sài Gòn gần 800 tỉ được thanh tra kiến nghị từ năm 2022 ÁNH HỒNG 10/12/2024 Quyết định truy thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên Sài Gòn là một câu chuyện dài, được Thanh tra TP.HCM kiến nghị từ năm 2022.
Trao thỏa thuận cấp chính phủ hợp tác với Trung Quốc xây 3 tuyến đường sắt DUY LINH 10/12/2024 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10-12.
Người đàn ông đánh cô gái ở quận 4: 'Các bạn trẻ đừng nóng nảy rồi phải trả giá như tôi' MINH HÒA 10/12/2024 Tại cơ quan công an, Bùi Thanh Khoa có lời hối tiếc 'các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ'.
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.