TTCT - Những sự kiện quan trọng trong cuộc đời doanh nhân - nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ toàn gắn với ngày 2-9. Doanh nhân - nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ. Ảnh: QUANG ĐỊNHÔng sinh ngày 2-9-1955. Ngày ông rời Việt Nam là 2-9-1979. Ông trở lại giảng đường đại học ở Canada ngày 2-9-1983. Và ngày ông khởi nghiệp với sự kiện khai sinh Công ty AmericanDye Source Inc (ADS) cũng là 2-9, khi vừa tròn 42 tuổi… "Khi bắt tay vào viết cuốn sách Người ngoài khung - Nghĩ khác và làm khác để bền vững dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, tôi mới nhận ra những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mình toàn gắn với ngày 2-9", doanh nhân - nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ cười khi kể về đời mình.Sáng 21-7-2023, ông tới dự hội thảo về con tôm do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Bạc Liêu. Ông mở đầu bằng một câu hỏi thẳng thừng: "Ở đây có nhiều đại gia trong ngành nuôi tôm, có cả các bác nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ, tôi xin hỏi mọi người có ai tin vào cái giấy chứng nhận tôm giống không bị bệnh do các chi cục thú y cấp không?".Sau lưng ông, trên màn hình hiện lên một loạt giấy chứng nhận hàng triệu con tôm giống ông vừa mua. Khán phòng im phăng phắc. Ông cười khà khà bảo "Thấy chưa, chả ai tin cả. Nhưng chúng ta vẫn cứ phải tốn tiền cho cái giấy chứng nhận này".Ngay sau đó là nỗi trăn trở lớn về thủy sản Việt Nam. Giọng ông tha thiết nói với đại diện đến từ những cơ quan quản lý con tôm "Quý vị phải thay đổi ngay, chứ nếu vẫn cứ làm việc thiếu khoa học như thế này thì mãi mãi chúng ta không bắt kịp ai hết".Nhưng lòng tin của ông về tiềm năng của Việt Nam là rất lớn. Dẫu dẫn ra hàng loạt chuyện trái khoáy trong thực tế, những chuyện khiến giới quản lý phải sốc, ông vẫn kết luận: "Tôi có nhiều bạn bè nuôi tôm ở Ecuador, quốc gia số 1 thế giới trong ngành tôm. Tôi bảo họ may cho mấy ông đấy, Việt Nam tôi mà làm ăn bài bản là mấy ông không có cửa đứng đầu. Tụi tôi mới làm lung tung mà nằm trong tốp 4 thế giới rồi đấy". Phát biểu này là trải nghiệm thực tế sống động của một người từng là chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2013 (nhiệm kỳ thứ 2, sau tỉ phú Phạm Nhật Vượng) và hiện là chủ tịch CLB doanh nghiệp dẫn đầu do ông Phạm Phú Ngọc Trai thành lập.Tuổi thơ dữ dộiÔng Nguyễn Thanh Mỹ chào đời ở làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (xưa là Vĩnh Bình). Mẹ ông làm nghề đỡ đẻ trong làng. Ba ông bỏ đi, để lại cho người vợ nghèo một nách năm con thơ. Thuở nhỏ, ông vừa đi học vừa đi bán cà rem để phụ mẹ nuôi bốn người em.Lớn lên một chút, sợ bị bắt lính, năm 1972 ông vào chùa tu một năm, vừa khai sụt một tuổi thành sinh 1956, vừa kiếm cái giấy chứng nhận tu sĩ. Ông học một mạch xong tú tài, rồi bước chân vào Trường kỹ sư Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TP.HCM)."Nhiều người hỏi tôi là khi đi học thì có ước mơ gì, tôi nói thật, tôi đi học cho mẹ vui lòng vì câu nói thường xuyên của mẹ tôi với các con là "Mẹ để tiền trong trong đầu các con, nhưng mẹ không biết cách chỉ các con lấy ra xài, mà chỉ có các thầy cô mới biết đường chỉ được" - ông kể. Nhưng với người thanh niên mới lớn ấy, những ngày đi học thật ra chưa phải vì nghĩ tới chuyện để đổi đời, học chủ yếu vừa để cho mẹ vui vừa để khỏi đi lính. Thậm chí khi vào đại học, ông cũng thật lòng chia sẻ "Khi ấy cũng chưa chí thú học cho lắm. Cái bụng đói quá mà (cười lớn). Tôi đá banh khá giỏi, hồi nhỏ trong đội tuyển Trường Vĩnh Bình. Lên Sài Gòn, tôi chơi thân với người em vợ của nghệ sĩ Bảo Quốc, nhờ đó hay được kêu đi đá banh cho đội nghệ sĩ. Đá xong được ăn nhậu miễn phí, được cho chút tiền. Sau này một số nhân viên của tôi học ở ĐH Bách khoa, gặp mấy thầy ngày xưa dạy tôi, có hỏi "chú Mỹ hồi sinh viên học giỏi lắm phải không thầy, mấy thầy trả lời "thằng Mỹ nó thông minh nhưng có chịu học gì đâu". Mấy đứa trợn tròn mắt không tin, nhưng đó là sự thật". Năm 1979, ông tốt nghiệp khoa hóa ĐH Bách khoa nhưng không tìm được việc làm, đơn giản bởi về quê thì không có hộ khẩu, trường thì không phân công. Số phận đưa đẩy ông. Tối 1-9-1979, người cậu ruột nhờ ông chở ra bến sông. Chở ra rồi thì mới biết cậu tổ chức đi vượt biên. 4h sáng 2-9, tàu xuất phát. Chuyến đi định mệnh ấy đưa ông đến đất nước Canada.Ban đầu, ông chưa nghĩ đến chuyện học lại, mà cắm cúi đi làm phụ bếp nhà hàng để kiếm tiền gởi về phụ mẹ nuôi các em. "Ai mà gặp chị Tâm (chị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) chủ nhà hàng Tib hỏi về tôi thì biết, tôi làm cho nhà hàng của chị ấy bên Canada, tôi làm bếp giỏi lắm á!" - ông cười kể lại.Trong nhà hàng có một cô gái gốc Thái Bình, nhà ở khu Ông Tạ, cùng gia đình sang Canada năm 1982 theo diện đoàn tụ. Cô vừa đi học vừa đi làm thêm. Cô kém ông 9 tuổi. Khi cô gái ấy - Bùi Thị Nhàn - đưa anh phụ bếp về ra mắt, gia đình người yêu toàn dân trí thức đã "thách cưới": Khi nào lấy bằng đại học ở Canada thì cho cưới!Thế là ông quay lại giảng đường. Vừa đi học vừa làm phụ bếp để kiếm tiền, mỗi ngày ông chỉ ngủ bốn tiếng. Thấy ý chí của ông, bà ngoại của cô Nhàn quyết định cho cưới luôn mà không cần có bằng đại học. Nhưng ông thực hiện còn hơn cả cam kết ban đầu của mình, ông lấy bằng cử nhân hóa học phân tích năm 1986, bằng thạc sĩ về chất xúc tác dị thể vào năm 1988 tại đại học Concordia, Montreal. Năm 1990, ông nhận bằng tiến sĩ về khoa học năng lượng và vật liệu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về năng lượng, vật liệu và viễn thông Canada.Ông Nguyễn Thanh Mỹ nhận bằng TS danh dự ĐH Concordia Chủ nhân của hơn 700 bằng sở hữu trí tuệÔng Nguyễn Thanh Mỹ có 667 bằng sở hữu trí tuệ do ông là tác giả. Con số có lúc lên đến trên 700, tuy nhiên một số đã hết hạn bản quyền, ví dụ hai sáng chế vô cùng quan trọng trong lĩnh vực in có thời hạn bảo hộ trên toàn cầu trong 20 năm, nay đã hết thời gian. Trong tổng số 667 bằng đang có giá trị, được đăng ký qua WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) cùng hàng chục quốc gia trên thế giới, có nhiều sáng chế quan trọng như: Mô thức Tomgoxy (Thiết bị đa chức năng dùng cho nuôi tôm thâm canh); Mạng lưới quan trắc nước; Mạng lưới tưới tiêu ngập khô xen kẽ; Mạng lưới giám sát côn trùng; Hệ thống và phương pháp kiểm soát côn trùng; Phân đạm và NPK thông minh; Hệ thống và phương pháp truy xuất nguồn gốc… "Anh còn nhớ ước mơ của mình không?"Tháng 6-2024, ông đến dự và phát biểu tại hội thảo về tín chỉ carbon trong nông nghiệp (do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP.HCM). Xế chiều, ông vội vã lên xe về Trà Vinh. "Khuya tôi cũng phải về, vì bà xã ở nhà một mình, sợ bả buồn" - ông nói.Với ông, bà còn lớn hơn cả chữ "tình". Bởi trong một lần rảnh tay lúc phụ bếp thuở hàn vi, khi họ vẫn còn "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", bà hỏi ông "Ước mơ của anh sau này là gì?". Ông đáp, anh sẽ về giúp cho quê anh, ở đó nghèo lắm.Nhiều năm sau, khi ba người con ông bà đã lớn khôn, ông đã nổi như cồn và tiền thì không thiếu sau cuộc khởi nghiệp thành công rực rỡ, bà lại hỏi ông "Anh còn nhớ ước mơ của mình khi ở trong bếp không?". Ông bảo nhớ chứ. Bà nói "Vậy đã đến lúc anh về để thực hiện rồi đó".Vợ chồng ông Mỹ hôm ra mắt sách “ Người ngoài khung…”Năm 2004, sau 25 năm xa quê hương, ông về Trà Vinh đầu tư và sáng lập Công ty công nghệ cao Mỹ Lan Group (Mỹ Lan là tên con gái ông), chuyên sản xuất các loại vật liệu hấp thụ tia hồng ngoại gần, chất dẻo phát sáng, mực in phun, máy in phun, bản in offset CTP nhiệt…Khó khăn lớn nhất với ông trong những ngày đầu này là nguồn nhân lực. "Đã bảo là về giúp cho quê mình, giúp cho mấy đứa nhỏ mà toàn phải đi thuê kỹ sư ở Sài Gòn xuống thì còn gì mà nói. Chưa kể làm sao mà dụ cho được kỹ sư từ Sài Gòn về làm việc ở Trà Vinh?" - ông kể. Ông đến gõ cửa lãnh đạo Trà Vinh, gõ cửa ông Phạm Tiết Khánh - hiệu trưởng ĐH Trà Vinh - trình bày ý tưởng mở khoa hóa học ứng dụng tại trường này. Tất cả đều ủng hộ ông và ông trở thành vị trưởng khoa đầu tiên của ngành đào tạo này tại ĐH Trà Vinh.Ông làm hẳn một giảng đường ngay trong tập đoàn. Ở đó, thầy và trò cùng đứng cho bình đẳng. Ở đó, các sinh viên vừa học xong lý thuyết là thực hành trong phòng thí nghiệm, trong xưởng sản xuất của tập đoàn. Đồng thời, ông sáng lập và tài trợ luôn cho chương trình sinh viên vừa học vừa làm (Co-Operative Education, CO-OP). Từ khi CO-OP ra đời đến nay, ông đã tài trợ cho chương trình này hơn 60 tỉ đồng. Và đó là lý do ông có đến 320 kỹ sư là người Trà Vinh chính gốc. Ghi tên vào lịch sử ngành inSau khi nhận bằng tiến sĩ, ông qua Mỹ làm việc cho nhiều công ty danh tiếng. Trên đất Mỹ, ông ghi tên vào lịch sử phát triển ngành in của thế giới từ tháng 6-1994 tại Công ty Kodak Polychrome Graphics, New Jersey.Trong cuốn sách Người ngoài khung - Nghĩ khác và làm khác để bền vững, ông kể: "Công ty tôi lúc đó đang đứng thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 24% thị phần sản xuất và thương mại bản in offset, có văn phòng đại diện ở rất nhiều quốc gia. Ngày đầu tiên đi làm, tôi được giám đốc bộ phận nghiên cứu & phát triển phân công nhiệm vụ tăng tốc độ tạo hình, từ 3 phút còn 2,5 phút; in được nhiều tờ hơn, từ 250.000 tờ lên 300.000; giảm 15% giá thành sản xuất bản in…". Sau hai tuần tìm hiểu, ông nhận thấy chi phí sản xuất bản in chỉ chiếm khoảng 35%, còn chi phí cho phim (sau đó là vứt bỏ) chiếm đến 65%. "Trong đầu tôi lóe lên ý tưởng, nếu tôi tạo ra được một bản in có thể tạo hình mà không cần phim thì sao?" - ông kể.Gần sáu tháng sau, khi nhìn thấy bản in mà ông tạo nên, sếp ông đã cười tươi và nói "My T., chúng ta đào trúng mỏ vàng rồi!".Ổng Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu những việc đang làm về kiểm soát khí thải trong nông nghiệp tại hội thảo về tín dụng carbon do Tuổi Trẻ to chức. Ảnh: Quang ĐịnhNhưng, dù có nhận lương cao đến mấy thì người làm thuê vẫn cứ là người làm thuê, miếng to vẫn thuộc về ông chủ, nên ông nung nấu chuyện khởi nghiệp. Ông quay về Canada, vay mượn tiền bạc, mặt bằng… Sau ngày nghỉ lễ lao động ở Canada 1-9-1997, hôm sau Công ty American Dye Source Inc ra đời (tên công ty nghĩa là Bột màu của Mỹ ). Ông giải thích ý nghĩa tên công ty "Tên này bắt đầu từ chữ A - chữ luôn đứng đầu trong các danh sách Alphabet. Bột màu của Mỹ là do Mỹ làm, luôn được hiểu là có chất lượng cao. Hơn nữa, Mỹ là tên của tôi"!Những sáng chế và khởi nghiệp quan trọng đó trong ngành in đã mang về cho ông vài trăm triệu USD. Nhờ đó, ông hào hứng về Trà Vinh khởi nghiệp lần hai, khi tròm trèm tuổi 50.Tôi còn ráng kiếm 10 triệu đô la xây một ngôi trườngNăm 60 tuổi, ông định "rửa tay gác kiếm", rời ghế tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan để hưởng tuổi già cùng vợ trong một căn nhà trên cù lao Long Trị, nhưng rồi ông bảo mình nghỉ làm việc năm ngày là chịu không nổi. Nghe lời con, ông thành lập Công ty Rynan Technology trong lĩnh vực công nghệ. Đấy là sự khởi đầu cho những gắn bó và thành quả mới của ông với nông nghiệp và nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ hoàn tất việc chuyển đổi số nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp; giải bài toán nước ngọt cho tỉnh Trà Vinh vào mùa hạn mặn; cùng Bộ NN&PTNT thực hiện dự án 1 triệu ha lúa công nghệ cao đến hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật cho việc nuôi tôm, sản xuất phân bón thông minh…Các sản phẩm như Trạm kiểm soát côn trùng trên các cánh đồng lúa của ông không chỉ ở Việt Nam mà đã được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh mua.Hiện tại, dự án lớn nhất ông đang đeo đuổi là cùng Bộ NN&PTNT thực hiện trồng lúa giảm phát thải - chất lượng cao. Đây là dự án 48 triệu đô la do USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) tài trợ cho Việt Nam để thực hiện bảy mô hình trồng lúa giảm phát thải - chất lượng cao ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng. Nhiệm vụ của ông là sản xuất các thiết bị đo lường phát thải khí methane trên các cánh đồng.Ông Mỹ tại Hội thảo về môi trường cho con tôm phát triển bền vững do Tuổi Trẻ tổ chức tại Bạc LiêuNhững lần chuyện trò với ông, đều thấy ông nhắc đến một mối trăn trở: người Việt Nam giỏi, thông minh nhưng tại sao vẫn nhiều người nghèo đến thế. Ông hỏi và tự lý giải: "Nhiều người bảo với tôi là giáo dục Việt Nam không tốt nên người trẻ Việt Nam còn phải làm nhiều việc không mang lại giá trị cao cho xã hội. Tôi không tin vào điều đó. Có thể giáo dục trong nhà trường chưa thật tốt, nhưng các doanh nghiệp có thể tham gia. Vấn đề lớn, theo tôi, là doanh nghiệp tư nhân chưa thật được thoải mái. Nếu doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh sẽ tạo được nhiều việc làm, lực lượng này cũng sẽ tham gia hỗ trợ tốt cho việc giáo dục nghề nghiệp. Có lần tiếp một vị lãnh đạo khá cao cấp, vị ấy hỏi tôi cần giúp gì không, tôi trả lời cái tôi cần nhất ở phía Nhà nước là đừng "thăm hỏi" gì cả, cứ để doanh nghiệp thoải mái thì mới phát triển. Tôi làm ăn ở Canada, đến chuyện thuế nhà nước cũng giao cho công ty tư nhân đi kiểm tra, chẳng thấy bóng dáng cán bộ nhà nước nào. Ở mình, cán bộ đi "thăm hỏi" nhiều quá. Cán bộ lương thì thấp, nhưng ai cũng đảm bảo cuộc sống đủ 1, 2, 3, 4 cả (1 vợ, 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 bánh) thì phải hiểu chuyện gì đã xảy ra trong các cuộc "thăm hỏi" ấy". Nhưng, vừa hết chuyện không vui, ông lại hồ hởi "Hôm nào xuống đây đi với tui kiểm tra các trạm đo đếm khí thải CH4. Xung quanh chuyện tín chỉ carbon còn lắm điều thú vị".Ngày 2-9 năm nay ông tròn 69 tuổi, tính tuổi kiểu người Việt thì đã bước vào thất thập cổ lai hy. Nhưng khi nghe tôi hỏi khi nào ông nghỉ dưỡng già, ông bảo "Ráng làm để bỏ vào Quỹ Nguyễn Thanh Mỹ 10 triệu đô la. Ước mơ cuối cùng của tôi là xây một ngôi trường cho trẻ em nghèo Trà Vinh". Ông Mỹ và Bộ trưởng Lê Minh Hoan.Tôi có hân hạnh được kết giao với anh Nguyễn Thanh Mỹ, "Người ngoài khung" như anh tự nhận trong một quyển sách anh đã viết. Chắc có lẽ đâu đó mười năm rồi, kể từ khi anh về với Đồng Tháp mở đầu cho hành trình chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh. Từ làng quê nghèo ở Trà Vinh quê hương anh, cho đến hành trình đi ra thế giới, rồi trở về cống hiến cho quê hương đất nước, là cả một câu chuyện ẩn chứa nhiều cảm xúc.Anh thường chia sẻ mọi vấn đề đều có giải pháp, nếu có cách nghĩ khác, cách làm khác. Và quả thật, những giải pháp công nghệ của anh trở thành những phát minh sáng chế đều đi vào cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Anh thường tâm sự những giải pháp thông minh trong nông nghiệp đều hướng tới mục tiêu làm sao cho bà con làm nông đỡ vất vả hơn nhưng tạo ra thu nhập cao hơn, khi người nông dân tiếp cận những giải pháp công nghệ thông minh cũng chính làm cho người nông dân thông minh hơn.Anh thường tự cho mình khởi nghiệp ở tuổi 60. Với tuổi đó và những gì anh đã gầy dựng với Tập đoàn Mỹ Lan, anh còn trở thành một trong những biểu tượng, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi còn ở địa phương, tôi thường mời anh đến nói chuyện với các bạn trẻ đang mong muốn khởi nghiệp.Bằng trải nghiệm của mình, anh định nghĩa khởi nghiệp là: "Làm tốt hơn những gì đang tốt. Làm đúng cái đang bị sai. Làm có cái chưa có. Tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội". Anh cũng phân tích cái bẫy dẫn đến vì sao người Việt chúng ta vốn dĩ thông minh nhưng hạn chế về đổi mới sáng tạo, mà không đổi mới sáng tạo thì không thể tạo ra những sản phẩm khởi nghiệp vượt trội.Không lý thuyết hàn lâm, những chia sẻ của anh luôn gợi mở những vấn đề mới mẻ, đôi khi cũng "gây sốc" nhưng làm cho nhiều người, trong đó có cá nhân tôi, tỉnh thức để nhìn ra giới hạn tư duy của mình. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ là người truyền đam mê, là người truyền cảm hứng, là người truyền năng lượng cho những người chỉ cần một lần được gặp gỡ.Cứ mỗi khi nghĩ đến anh, tôi lại nhớ đến câu "Không gì là không thể"!LÊ MINH HOAN (bộ trưởng Bộ NN&PTNT) "Chú Mỹ không chỉ mang lại công ăn việc làm cho tụi con…"Phan Thị Diễm Phương sinh năm 1990, ở ấp Rạch Đập, xã Nhị Long, huyện Càng Long, cách TP Trà Vinh khoảng 20km. Cha mẹ cô là nông dân, nuôi bốn con bằng trồng lúa, dừa. Mà nông dân thì mấy ai khá giả, nên chỉ có một con đường học hành mới mong đổi đời.Năm 2008, Diễm Phương đặt chân vào Đại học Trà Vinh, cô chọn khoa hóa học ứng dụng - một lĩnh vực mà giáo dục Việt Nam nói chung còn rất yếu, chứ không riêng gì Đại học Trà Vinh. Khoa hóa học ứng dụng mà Phương thi vào chỉ mới được lập trước đó một năm.Nhưng điểm chuẩn để vào khoa hóa học ứng dụng lúc ấy vào loại cao nhất của ĐH Trà Vinh, 15 điểm. Và vị trưởng khoa là một tiến sĩ, Việt kiều Canada trở về đảm trách. Việc học và hành được tổ chức ngay tại Tập đoàn Mỹ Lan của vị trưởng khoa này. Các sinh viên từ năm 2 đã có thể vừa học vừa làm cho Mỹ Lan để có thu nhập, việc có được một chỗ làm sau khi tốt nghiệp là điều trong tầm tay, miễn phải tốt nghiệp.Phạm Thị Diễm Phương (sinh viên ĐH Trà Vinh niên khoá 2008-2012) hôm nay đã là kỹ sư phụ trách kế hoạch sản xuất mực inBước sang năm 2 đại học, Phương đã có đồng lương vừa học vừa làm. Ngày cô tốt nghiệp, năm 2012, cũng là ngày cô trở thành kỹ sư chính thức của tập đoàn này, làm ở bộ phận sản xuất mực in. 12 năm sau, giờ đây Phương là người xây dựng kế hoạch cho nhà máy sản xuất mực in của tập đoàn. Vài năm sau, cô và người bạn đời (cũng là đồng nghiệp của cô tại Mỹ Lan) xây được ngôi nhà ở phường 7, TP Trà Vinh. "Khóa em có khoảng 30 bạn, hơn phân nửa đang làm việc cho chú Mỹ - Phương kể - Chú Mỹ không chỉ tạo cho tụi em một cuộc sống ổn định, được làm việc đúng với chuyên môn của mình, mà quan trọng hơn chú làm được điều mà chú từng nói với tụi em, "chú không mang được hết tụi con sang Canada để làm quen với cuộc sống văn minh của họ, nhưng chú sẽ đem Canada về Trà Vinh cho tụi con". Tụi em thay đổi mọi thứ, từ việc nhỏ là chăm sóc cái toilet đến những chuyện lớn là lời ăn tiếng nói khi giao tiếp…".Con số từ phòng nhân sự Tập đoàn Mỹ Lan tự nó đã nói lên một câu chuyện: Trong 780 nhân viên, có 450 kỹ sư. Trong số 450 kỹ sư có 320 người là dân sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh. Bốn năm nay, HTX bưởi da xanh Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) của chúng tôi hết sức cảm ơn những gì mà ông Nguyễn Thanh Mỹ cùng đội ngũ kỹ sư đã giúp bà con. HTX có 63 thành viên, canh tác 52ha bưởi da xanh theo chuẩn chất lượng cao. Trước kia chúng tôi điêu đứng với hạn mặn, rồi theo dõi sâu rầy bằng mắt, nay nhờ hệ thống quan trắc nước ngọt, hệ thống theo dõi sâu rầy, bà con vừa khỏe công vừa hiệu quả trong canh tác. Tất cả cứ nhìn vào app trên điện thoại, mùa hạn mặn biết lúc nào có nước ngọt và cứ thế, máy bơm tự động đưa nước ngoài sông vào. Nhìn qua app cũng biết được sâu rầy loại nào xuất hiện, mật độ bao nhiêu để kịp thời ứng phó. Thích nhất là cứ có gì trục trặc, gọi một tiếng là các kỹ sư của ông Mỹ có mặt để sửa chữa, khắc phục lỗi ngay. Tôi năm nay 64 tuổi và chỉ mới bốn năm nay mới biết thế nào là làm nông thông minh. Thật sự là vui lắm.Ông Nguyễn Văn Bảy (giám đốc HTX bưởi da xanh Giồng Trôm) Tags: Nguyễn Thanh MỹDoanh nhânNhà sáng chếNhà khoa học
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Quảng Ninh: 3 người chết, 13 người mất tích do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Đến 16h chiều 7-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 13 người mất tích.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.