Tổng thống Mỹ thăm châu Á: Điều chỉnh các chính sách khu vực

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 08/11/2009 20:11 GMT+7

TTCT - Tổng thống Mỹ chuẩn bị rất kỹ cho chuyến thăm châu Á từ ngày 12 đến 19-11. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Barack Obama công du sang khu vực đang tạo ra những thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ thăm châu Á: Điều chỉnh các chính sách khu vực

TTCT - Tổng thống Mỹ chuẩn bị rất kỹ cho chuyến thăm châu Á từ ngày 12 đến 19-11. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Barack Obama công du sang khu vực đang tạo ra những thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải điều chỉnh chính sách để đối phó với những thách thức mới từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters

Nước Mỹ có bốn khu vực đối ngoại chính: Bắc Mỹ - Mỹ Latin, Mỹ - châu Âu (còn gọi là quan hệ xuyên Đại Tây Dương), Trung Đông - châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ cuộc chiến giành giật Philippines với Tây Ban Nha năm 1898, Mỹ đã tiến hành năm cuộc chiến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cựu tổng thống George Bush và đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates không ít lần tuyên bố “Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương” và khẳng định “Mỹ có sự cam kết mạnh mẽ nhất tại châu Á”.

Chính sách thương mại tập trung vào châu Á

Tại thời điểm khủng hoảng kinh tế đang tàn phá nhiều trung tâm quyền lực thế giới, tương quan lực lượng ở khu vực quan trọng này đang thay đổi nhanh chóng và không có lợi cho Mỹ. Chính quyền Obama vừa qua đã thực hiện một số sáng kiến cục bộ, nhưng nhìn chung cố gắng duy trì nguyên trạng tình hình. Chuyến thăm châu Á lần này của người đứng đầu nước Mỹ có thể sẽ cho thấy rõ hơn các điều chỉnh chính sách khu vực nhằm đối phó với các thách thức mới, cũng như bảo vệ lợi ích lâu dài của nước Mỹ.

Vài ngày trước đây, Tổng thống Barack Obama đã tiếp cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, vị “trưởng lão” chính trị của châu Á, vì ông Obama “rất muốn biết những quan điểm của ông Lý về diễn tiến trong khu vực”.

Với sự thẳng thắn thường có, cựu thủ tướng Singapore nhận xét giữa “thời điểm của cải cách và thay đổi ở Mỹ và trong giai đoạn chuyển tiếp khi trật tự thế giới đang thay đổi”, châu Á -Thái Bình Dương trở thành tâm điểm kinh tế, nơi Mỹ có nguy cơ đánh mất ưu thế về tay Trung Quốc và điều này sẽ khiến nước Mỹ mất thế vượt trội trên toàn thế giới.

Kinh tế là một trong bốn mục tiêu chủ yếu trong chuyến thăm châu Á của người đứng đầu Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (từ 13 đến 15-11) vào lúc APEC vừa tròn tuổi 20.

Thành tích của tổ chức này khá khiêm tốn khiến không ít thành viên muốn tìm kiếm sự thay thế nó. APEC sắp bước vào thập kỷ thứ ba mà vẫn chưa giải quyết được mục đích đề ra ban đầu là “tránh vạch một đường chia cắt ở giữa Thái Bình Dương”, trong khi hầu hết các nước thành viên chủ chốt đang ưu tiên lấy châu Á làm trung tâm hợp tác kinh tế.

Chính quyền Obama đang tạo ra một chính sách thương mại mới của Mỹ với nhiều dấu hiệu sẽ tập trung vào châu Á, đồng thời tìm kiếm những sáng kiến lớn thúc đẩy quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương khi Mỹ đăng cai APEC 2011. Một số dự án cho APEC thập kỷ tiếp theo có thể được nêu lên tại APEC Singapore lần này.

Nhiều vấn đề kinh tế mà tổng thống Mỹ quan tâm sẽ được giải quyết trong điểm dừng chân Bắc Kinh. Bộ trưởng thương mại và đại diện thương mại Mỹ vừa mới gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong phiên họp Ủy ban Hỗn hợp thương mại Mỹ - Trung tại thành phố Hàng Châu, đề cập nhiều vấn đề tranh cãi kinh tế giữa hai nước và đạt được một số thỏa thuận trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng xanh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bắc Kinh đã cho phép nhập khẩu các động cơ cánh quạt tạo năng lượng gió do Mỹ sản xuất trị giá nhiều tỉ USD. Trung Quốc hẳn rất hài lòng trước việc hai nhân vật gốc Hoa được bổ nhiệm vào nội các Mỹ là Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu và Bộ trưởng Thương mại Gary Locke. Về phía Mỹ, chính quyền có thể cân nhắc quyết định liệu nên công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường trước thời hạn năm 2016 đề ra trong thỏa thuận gia nhập WTO hay chưa.

Với chương trình nghị sự đã được dàn xếp chu đáo, ông Obama có thể tái khẳng định đánh giá “quan hệ Mỹ - Trung sẽ định hình thế kỷ 21”. Điều Trung Quốc mong muốn, như phát biểu của Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, là hai nước sẽ xác định cùng nhau xây dựng quan hệ Trung - Mỹ tích cực, hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21.

Tại Singapore, tổng thống Mỹ sẽ gặp mười nhà lãnh đạo các nước ASEAN. Đây là thời điểm thích hợp cho Mỹ đưa ra những sáng kiến có tiếng vang lớn và ảnh hưởng lâu dài. ASEAN và Mỹ sẽ đề cập về Hiệp định thương mại tự do (FTA) do thượng nghị sĩ Mỹ R. Lugar đề xuất. Washington đã chính thức khai mở quan hệ hợp tác giữa Mỹ với bốn nước lưu vực sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Chính quyền Mỹ đã đề cập việc mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến Washington năm 2010, phản ánh rõ ý định của Mỹ muốn thiết lập những cuộc tiếp xúc đều đặn với giới lãnh đạo ASEAN. Về quan hệ Việt - Mỹ, từ những phát triển tích cực và khá toàn diện 15 năm qua và với tư cách là chủ tịch ASEAN năm tới, 2010 hứa hẹn chứng kiến sự thăng hoa của quan hệ hai nước.

Không liên minh, tránh đổ vỡ quan hệ

“Nhiều vấn đề kinh tế mà tổng thống Mỹ quan tâm sẽ được giải quyết trong điểm dừng chân ở Bắc Kinh”

Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên của tổng thống Mỹ, đang khá lúng túng trong xử lý chính sách truyền thống “dựa vào một mình Mỹ”, cũng như xác định hướng ra trong bàn cờ lớn Trung - Mỹ. Trung Quốc muốn ly gián Nhật - Mỹ, Mỹ ép Nhật không thay đổi lớn kế hoạch di chuyển căn cứ không quân Futenma ở Okinawa.

Nội các Nhật Bản dường như đang bị chia rẽ về phương cách giải quyết vấn đề này. Thủ tướng mới Yukio Hatoyama tuyên bố vẫn coi “quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản”, nhưng Tokyo “sẽ xem xét lại toàn diện hiện trạng mối quan hệ đồng minh này nhân 50 năm ngày sửa đổi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ vào năm 2010”. Dù sao, số phận căn cứ Futenma chưa thể quyết định trong hai ngày ông Obama thăm Tokyo.

Về an ninh, Mỹ - Trung có thể bàn thảo một cơ chế tốt hơn để tránh những sự cố trên biển, trên không. Trung Quốc rất muốn thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ - Trung tương xứng với tầm vóc các quan hệ kinh tế cộng sinh. Nhân dịp này, hai bên có thể đưa ra những tuyên bố đầy thiện ý nhưng đối địch quân sự sẽ gia tăng.

Gần đây, giới quân sự Mỹ rất quan ngại việc Trung Quốc phát triển một loại tên lửa có tầm bắn của một tên lửa đạn đạo và có độ chính xác của một tên lửa tầm thấp, tạo mối đe dọa lớn cho các tàu sân bay Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương. Giữa hai nước lớn này, giới hạn của mặt hợp tác là không đi tới liên minh, giới hạn của mặt đấu tranh là không đi tới xung đột làm đổ vỡ quan hệ.

Quan hệ giữa các nước lớn thường quyết định nhiều nội dung của cục diện và trật tự thế giới, nhưng lại không tồn tại trong “chân không”. Châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chính trị, kinh tế và an ninh rất sôi nổi. Nhân chuyến thăm châu Á quan trọng này, tổng thống Mỹ hẳn sẽ ra sức củng cố các quan hệ đồng minh truyền thống, mở rộng các đối tác chiến lược và kết giao bạn bè mới.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

Tự lưu dụng

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hôm thứ hai (2-11) thổ lộ nếu hiến pháp không giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống là hai lần thì “tôi đã ở lại làm tổng thống đến khi vô hòm hoặc bị đánh bại trong một cuộc bầu cử. Tôi mê công việc đó lắm” - Hãng Reuters trích dẫn. Nhưng ông Clinton cũng bổ sung: “Tôi cũng khoái công việc hiện tại và nhường công chuyện chính trị cho bà xã và Tổng thống Obama”.

Chi tiết “nhường công chuyện chính trị...” của ông Bill Clinton nghe qua thấy phản ánh rất đúng thực tế, nhưng ngẫm nghĩ sẽ thấy: giả sử bà Hillary Clinton hai năm nữa cũng tranh chấp ứng cử đại diện Đảng Dân chủ với ông Obama, và một năm sau đó ra ứng cử tổng thống thì sao?

Còn đúng ba năm nữa mới bầu tổng thống, song cuộc đua đã dợm bắt đầu. Bên phía Đảng Cộng hòa, cựu ứng cử viên phó tổng thống xinh đẹp Pailin đang dẫn đầu trên các bản tin “bầu cử 2018”. Cho đến lúc này, bà Clinton vẫn bảo sẽ không ra tranh cử tổng thống.

Đó là một phát biểu phải có trong vai trò một bộ trưởng của ông Obama, nhất là mới chỉ trong năm đầu nhiệm kỳ bốn năm của ông này. Song không có nghĩa bà Clinton bị ràng buộc bởi một phát biểu không tuyên thệ trước quyển Kinh thánh. Dễ hiểu vì sao Tổng thống Obama cũng đã “phòng thủ từ xa” với cả êkip đặc phái viên cho các điểm nóng Afghanistan, Pakistan... và nhường cho nữ ngoại trưởng những hồ sơ “nguội” để bà đừng ghi điểm.

Trên một bình diện khác, có thể thấy phát biểu của ông Bill Clinton mang tâm sự của một chính khách đầy đủ những đam mê rất con người: chức tước, sắc đẹp... Cần nhớ răng suýt chút nữa ông đã bị truất phế vì chuyện người đẹp, huống hồ là đòi tự lưu dụng mãn đời. Vì thế, vấn đề là những đam mê đó có ở trong một khuôn khổ pháp luật nào không và khuôn khổ đó có đứng trên cá nhân người lãnh đạo, hay là bị cá nhân đó chà đạp hoặc sửa đổi?

DANH ĐỨC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận