Trái cây cũng tuyệt chủng chứ

TRÚC ANH 24/07/2024 05:02 GMT+7

TTCT - Thiên nhiên ban cây trái cho loài người tinh khôn nhưng khẩu vị, thói quen ăn uống và cách họ gieo trồng có thể khiến nhiều giống cây biến mất.

“Dưa hấu, đào, lê và các loại quả khác” - tranh sơn dầu trên toan, khoảng nửa cuối thế kỷ 17 của Giovanni Stanchi (1608-1672). Nguồn: CHRISTIE’S

“Dưa hấu, đào, lê và các loại quả khác” - tranh sơn dầu trên toan, khoảng nửa cuối thế kỷ 17 của Giovanni Stanchi (1608-1672). Nguồn: CHRISTIE’S

Thiên nhiên ban cây trái cho loài người tinh khôn nhưng khẩu vị, thói quen ăn uống và cách họ gieo trồng có thể khiến nhiều giống cây biến mất.

Hãy tưởng tượng bạn xoa xoa một quả lê trong lòng bàn tay, rồi lại chà nhẹ nó trên vạt áo, để phần bụng màu vàng xanh sáng bóng lên. Rồi bạn đưa nó lên miệng, cắn một miếng khẽ khàng, cảm giác không phải ăn lê mà là một mẩu bánh giòn rụm, hương bơ sữa rơi trên lưỡi. Và kìa, vài giọt trong mẩu lê mọng nước kịp thoát ra ngoài, bạn phải ngả lưng, thu chân về sau để tránh chúng nhỏ vào giày.

Đây là mô tả "nghe thấy thèm" của nhà thơ kiêm giáo sư Anh ngữ Đại học Knox (Illinois, Mỹ) Beth Ann Fennelly về một giống lê đã mất: lê Ansault. 

Trong chuyên khảo The Pears of New York (Những quả lê thành Nữu Ước) năm 1917, nhà thực vật học và chuyên gia làm vườn người Mỹ Ulysses Prentiss Hedrick mô tả lê Ansault là thứ lê cực phẩm, nhờ phần thịt có "vị đậm ngọt, hương thơm như nước hoa, đặc trưng và tinh tế, đưa chất lượng của nó lên hàng cực phẩm".

Tưởng của báu như thế phải được nhân giống, giữ gìn nhưng lê Ansault gần như là cái tên phải có trong mọi bài viết, nghiên cứu về các giống quả đã mất tăm mất tích trên hành tinh này.

Thế nào là trái cây biến mất

Nói trái cây biến mất hay một loại quả nào đó tuyệt chủng, là nói về giống (variety), chứ hiếm khi cả loài (species) cây ăn trái diệt vong. Chẳng hạn, lê Ansault chỉ còn là dĩ vãng nhưng vẫn còn bao nhiêu giống lê khác - lê Hàn Quốc (Pyrus pyrifolia), tuyết lê (Pyrus nivalis), lê rừng (Pyrus Pashia)…

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), hơn 90% giống cây trồng và một nửa số giống vật nuôi đã bị biến mất trong 100 năm qua. 

Một bài viết trên tạp chí Outside năm ngoái cho biết riêng về táo, tính tới đầu thế kỷ 20 có khoảng 20.000 giống táo khác nhau được trồng khắp Bắc Mỹ và hiện tại chỉ còn chưa đầy một nửa con số này.

Nhân nói tới táo, một giống táo nổi tiếng đã biến mất là táo Taliaferro, loại quả ưa thích của Thomas Jefferson (1743-1826). Trong một lá thư năm 1814, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ từng khen ngợi đây là loại táo ngọt lành nhất ông từng ăn, và nó lại còn cho ra cider (nước ép táo) đỉnh nhất.

Không rõ vì sao táo Taliaferro biệt tăm biệt tích, nhưng giả thuyết hợp lý nhất là nhu cầu trồng giảm trong thời kỳ cấm rượu ở Hoa Kỳ (1920-1933), do lẽ cider cũng nằm trong "phạm vi điều chỉnh" của luật cấm say sưa.

Nhiều loại trái cây chưa thực sự tuyệt chủng, nhưng sau quá trình nhân giống và lai tạo chọn lọc của con người trong hàng thế kỷ, chúng đã thay đổi đến mức không thể nhận ra so với nguyên bản. Cái này chỉ cần ngắm tranh tĩnh vật, hoa quả hồi thế kỷ 16, 17 là biết.

Chuyện lê cực phẩm

Hãy trở lại chuyện lê Ansault - quả to, thơm ngon lại giòn tan nhưng không may vắn số. Trong quyển Lost Feast: Culinary Extinction and the Future of Food (2019) Lenore Newman dành hẳn một chương cho quả lê này.

Theo đó, lê Ansault được trồng đầu tiên trong vườn ươm của nhà làm vườn André Leroy ở Angers, Pháp. Năm 1863, khi cây lê dị hình dị dạng ra trái, với linh cảm của một chuyên gia, Leroy biết mình đã "trúng quả": thịt nó ngon diệu kỳ. André nhân giống cây này vào năm 1865 và Hiệp hội Trồng cây ăn quả Hoa Kỳ cho nó vào danh mục giống năm 1877.

Mọi thứ đều có vẻ hoàn hảo thế mà ngày nay người ta không còn được thưởng thức thứ lê cực phẩm này. Vậy chuyện gì đã xảy ra? 

Newman cho biết ngay từ thời đó, Ulysses Prentiss Hedrick đã lưu ý rằng dáng hình bất thường của cây lê Ansault khiến nó không phù hợp để trồng theo mô hình vườn cây thông thường. 

Và nông dân cũng không mặn mà gìn giữ giống quý, họ còn bận chuyển đổi sản xuất sang mô hình vườn cây thương mại thời thượng lúc bấy giờ.

Lê Ansault, bản in màu trong sách gốc Pears of New York (1921). Nguồn: ETSY

Lê Ansault, bản in màu trong sách gốc Pears of New York (1921). Nguồn: ETSY

Chuyển biến xã hội lúc đó cũng khiến lê Ansault lùi dần vào quên lãng: đường sắt phát triển, chuyên chở cây giống của loại lê mới tới các vùng trồng trọt; trái cây đóng lon ra đời - từ chỗ tận dụng sản lượng thừa cuối cùng lại thay đổi cách người Mỹ ăn hoa quả. 

"Một biểu tượng của thời đại này là cocktail trái cây gồm lê, đào và anh đào của Del Monte, ra mắt năm 1938. [Trái cây đóng lon] không hấp dẫn bằng trái cây tươi nhưng mở nắp lon là có ngay, mùa nào cũng được" - Newman viết trong sách.

Điều gì đến cũng đến. Nông dân ngưng trồng lê Ansault, nhà vườn dừng ươm. "Những cây còn sót lại chết trong những vườn cây ăn quả bị lãng quên, hoặc bị đốn hạ khi các thành phố mở rộng sang vùng nông thôn. Cây lê không tồn tại lâu như người bà con của chúng là cây táo…" - Newman khép lại chương sách về giống lê ngon hơn mọi loại lê.

Chuyện của lê Ansault cho thấy những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều giống hoa quả biến mất: bản thân chúng khó trồng, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, hiệu quả kinh tế không bằng. Nói chung là không qua được "chọn lọc" cả tự nhiên lẫn thị trường.

Và dưa đắt như thịt bò

Chừng một thế kỷ trước, những cư dân Manhattan rủng rỉnh có thể diện chiếc áo choàng đẹp nhất, đặt bàn tại một nhà hàng trải khăn trắng muốt và gọi một lát dưa Montreal ngon ngọt cho thỏa đam mê tráng miệng sang chảnh. 

Giá rất phải chăng: 1 USD cho lát dưa xanh, bằng một suất bít tết lúc bấy giờ và tương đương khoảng 30 USD theo thời giá ngày nay.

Theo Atlas Obscura, dưa Montreal - một giống dưa lưới (Cucumis melo) - là vua của các loại dưa thời ấy. Một tờ báo năm 1885 cho biết nó to và có hương vị thơm ngon nhất trong họ nhà dưa, cùng mô tả: "hơi tròn, dẹt ở cả hai đầu, vỏ màu xanh lục và có lưới, thịt rất dày". Có trái nặng hơn 18kg và Nữ hoàng Anh mỗi năm được cung tiến một quả, gói cẩn thận trong một chiếc giỏ gỗ vì là "hàng dễ vỡ". 

Vậy mà cũng như quả lê nọ, cái thứ dưa lưới thần thánh này cũng không ở lại được tới thế kỷ 21.

Dưa Montreal, tranh năm 1887.  Ảnh: WIKIMEDIA

Dưa Montreal, tranh năm 1887. Ảnh: WIKIMEDIA

Trong một bài báo trên tờ The Montreal Gazette năm 1991, nhà báo Barry Lazar - người đầu tiên lật lại lịch sử giống dưa này - cho rằng dưa Montreal có chuyện đời phi thường hơn mọi loại rau củ quả khác.

 Khu dân cư Notre Dame de Grâce ở Montreal, nơi Lazar sống, từng là ruộng dưa bạt ngàn, nhờ địa hình thuận lợi - đất dốc, trời đầy nắng, hệ thống thoát nước hoàn hảo và đất màu mỡ được bón phân ngựa thâu gom từ bốn đường đua của thành phố. Nhưng khi đô thị phát triển, nhà cửa thay thế đất nông nghiệp, dưa Montréal cũng mất đất sống màu mỡ.

"Chuyện đời phi thường" của dưa Montreal đâu thể đơn giản thế. Sau khi đọc bài viết trên, một đồng nghiệp của Lazar ở tờ Gazette, Mark Abley quyết đi tìm hạt giống dưa Montreal và đã thành công: kho giống của Bộ Nông nghiệp Mỹ ở Ames, Iowa có lưu vài hạt. 

Abley lập tức liên hệ và phía Mỹ tử tế gửi phong bì hạt giống cho ông qua đường bưu điện. Cầm hạt giống trên tay, Abley biết phải tìm tới ai để mang dưa Montreal trở lại - nông dân "organic" Ken Taylor, một cựu giáo sư đại học ngành hóa chuyên ươm trồng cây độc lạ.

Những năm cuối thế kỷ 20, Ken ươm trồng thành công dưa Montreal - có quả nặng hơn 11kg. Nhờ nỗ lực của đồng nghiệp và lão nông Ken, Lazar cuối cùng cũng được nếm thử món dưa "huyền thoại". Ông thuật lại: "Tôi nghĩ nó thật tuyệt vời… vị giống như dưa cantaloupe kết hợp với dưa lê" và làm mứt cũng ngon.

Ken trồng dưa thêm 4-5 năm nữa, bán chúng cho một công ty bách hóa địa phương và ai xin hạt giống ông đều vui vẻ tặng. Nhưng không phải năm nào cũng thu hoạch khả quan. Đúng ra dưa Montreal rất khó chiều. Phải trồng chúng sớm hơn các loại dưa khác, đặt chúng ở nơi thoáng mát và không chạm đất. 

Chiều tới cỡ đó rồi thì chúng vẫn cần thời tiết hoàn hảo. Các công ty hạt giống không muốn gắn bó với giống dưa này và Ken cũng không quan tâm đến việc trồng chúng lâu dài. Dưa Montreal chính thức biến mất.

Không cần níu kéo?

Ken Taylor cho rằng thà bảo tồn những giống trái cây phát triển tốt và có hương vị thơm ngon còn hơn. Ông dẫn một trường hợp khác: MacIntosh, từng là "quốc táo" của Canada nhưng cũng đang dần biến mất vì trồng không lời bằng các giống táo khác. Theo Taylor, MacIntosh chả đáng giữ gì vì ngoài kia có những lựa chọn ngon hơn và "thẳng thắn mà nói thì việc bảo tồn dưa Montreal cũng vậy".

Đa dạng là lời giải

Không bàn đến sự lựa chọn của thị trường, khẩu vị con người, hai nguyên nhân có thể khiến cây trái "tuyệt chủng" cần quan tâm lúc này là môi trường và dịch bệnh.

Cách đây tròn một năm, bang Georgia (Mỹ), còn gọi là "bang trái đào" vì sản lượng mỗi năm lên tới hơn 58 triệu tấn, lên ruột vì 90% vùng trồng thiệt hại vì thời tiết cực đoan. Năm nay nông dân đang hy vọng sẽ gỡ lại. Xem như đào chưa "tuyệt chủng" ngay nhưng tương lai thì không biết được.

Hồi tháng 6, một chuyên gia ở Việt Nam từng cảnh báo sầu riêng, chôm chôm, nhiều giống lúa sẽ sớm biến mất khỏi Đồng bằng sông Cửu Long vì hạn mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền. Đấy cũng là đe dọa về mặt môi trường.

Trong khi đó, từ năm ngoái bỗng rộ tin chuối cũng sắp tuyệt chủng vì một loại bệnh nấm. Có hơn 1.000 giống chuối khác nhau được ghi nhận nhưng cả thế giới hầu như chỉ ăn một giống duy nhất, Cavendish. 

Không giống như chuối hoang mọc lên từ hạt, mỗi cây chuối Cavendish đều là một bản sao, sinh sản vô tính từ củ chuối hoặc chồi. Vì thế mà chuối cơ bản là không thể tiến hóa và không thể thích nghi với các mối đe dọa mới phát sinh trong môi trường, từ sâu bệnh đến điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay cụ thể là bệnh nấm (hay vàng lá) Panama đang lây lan qua các vùng độc canh chuối Cavendish ở châu Á, châu Úc, châu Phi và gần đây nhất là ở châu Mỹ Latin và Caribe, nguồn cung cấp 80% chuối được buôn bán trên thế giới.

Cây bút chuyên về lương thực Dan Saladino, tác giả quyển Eating to Extinction: The World's Rarest Foods and Why We Need to Save Them (2021), cho rằng lời giải chung cho chuối và nhiều loại nông sản khác là đa dạng giống và tăng sức chống chịu của chúng.

Đây là điều khoa học đang làm. 

Chẳng hạn các nhà thực vật học ở Vườn bách thảo Kew (Anh) đã nghiên cứu 120 giống cà phê trên khắp thế giới để tìm ra các lựa chọn thay thế khả thi, khi hai loại phổ biến là arabica và robusta ngày càng bị biến đổi khí hậu đe dọa. Ứng viên thay thế tiềm năng nhất là Coffea stenophylla, giống cà phê ở Sierra Leone suýt tuyệt chủng vào những năm 1950, Saladino viết trên The Guardian.

Trong quyển sách Bread, Wine, Chocolate: The Slow Loss of Foods We Love năm 2015, tác giả Simran Sethi nhấn mạnh thực phẩm đang từ từ biến mất và đó là quá trình không tránh khỏi. 

Nhưng con người luôn có thể chuẩn bị cho tương lai bằng cách duy trì các nguồn giống đa dạng với các tính trạng cần thiết trong tương lai: khả năng miễn dịch với bệnh tật, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, cho năng suất, giá trị dinh dưỡng cao hơn và hương vị thơm ngon hơn.

Chừng nào còn làm được thế, thì chúng ta vẫn sẽ ổn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận