Trăm năm danh tiếng tủ thờ

TRUNG AN 01/02/2004 03:01 GMT+7

TTCN - Cuối năm, bạn tôi dời nhà mới. Việc đầu tiên là anh thuê xe xuống tận "xóm tủ thờ" Gò Công mua một cái tủ thờ trị giá bằng một chiếc xe gắn máy xịn về đặt trang trọng giữa nhà. Chiếc tủ gỗ bóng dợn, sáng lóng lánh như một tác phẩm nghệ thuật.


Lão nghệ nhân Ngô Tấn Đức đang kiểm tra lần cuối chiếc tủ thờ chuẩn bị xuất xưởng

Đó chỉ là một xóm nhỏ chừng vài chục nóc nhà nằm ngay cạnh quốc lộ 50 (Mỹ Tho, Gò Công, TP.HCM) thuộc địa phận xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Cái tên xóm cũng lạ lùng: xóm Ông Non. Chẳng ai còn nhớ rõ vì sao nơi này có tên đó và ông Non là ai. Dọc hai bên quốc lộ 50 nhiều trại đóng tủ mọc lên san sát.

Chú Ngô Tấn Đức, một lão làng ở xóm, cho tôi biết mấy năm trước ngoài quốc lộ chẳng có một trại tủ nào mà tất cả đều nằm trong một con đường đá đỏ sâu hút. 

Bây giờ kinh tế thị trường nên các cơ sở sản xuất tủ thờ thi nhau dời ra mặt tiền quốc lộ để tiện bề làm ăn. Chú Đức là một tay thợ đóng tủ thờ chân truyền cừ khôi nhất vùng và hiện có trong tay bảy trại sản xuất tủ.

“Chính ông nội tôi là người đóng chiếc tủ thờ đầu tiên, khai sinh ra làng nghề. Bây giờ chiếc tủ đó vẫn còn, nó hơn 100 năm tuổi và được tặng cho ngôi chùa trong vùng lưu giữ”. Ông nội chú Đức chí thú nghề nông nhưng biết đôi chút nghề mộc. 

“Hồi đó cây gỗ không có, ông “hi sinh” mấy bộ ván gõ (tài sản quí giá nhất trong nhà) để đóng hai chiếc tủ, mặc cho gia đình can ngăn thế nào cũng không được. Hai chiếc tủ thờ đầu tiên nhỏ xíu và hết sức đơn giản, chẳng có chạm, cẩn, đánh vecni sáng choang như hiện nay nhưng từ đó làng đóng tủ thờ xóm Ông Non ra đời và truyền hết đời này đến đời nọ, truyền từ trong nhà ra hàng xóm, gầy dựng nên danh tiếng tủ thờ Gò Công”.

Chú Đức mãn nguyện: “Tôi năm nay 64 tuổi, tự mình đóng hoàn chỉnh chiếc tủ đầu tiên lúc 19 tuổi, cho đến bây giờ không thể nhớ nổi đã tự tay đóng được bao nhiêu chiếc tủ thờ. 

Điều làm tôi ưng ý nhất hiện nay là nghề đóng tủ thờ của xóm Ông Non đã nức tiếng gần xa, cả xóm có đến 25 gia đình chuyên đóng tủ thờ với mấy chục cơ sở sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho 300-400 lao động và thành lập được một nghiệp đoàn của làng nghề. 

Càng ngày lớp trẻ càng cải tiến kỹ thuật đóng tủ khiến chiếc tủ thờ bây giờ nhìn vào giống như một tác phẩm đậm chất văn hóa”.

Một bộ tủ thờ Gò Công hoàn chỉnh trị giá gần 20 triệu đồng

Kiệt tác từ gỗ - xà cừ

Theo chân chú Đức vào xưởng sản xuất tủ thờ, tôi được chiêm ngưỡng những chiếc tủ đóng bằng các loại danh mộc như gõ, mun, cẩm lai… bóng lộn, lấp lánh hình ảnh tứ linh (long, lân, qui, phụng), các tích xưa ( nhị thập tứ hiếu, bát tiên quá hải...), phong cảnh non sông, tứ quí (mai, lan, cúc, trúc), song long tranh châu, long - phụng... được cẩn, khảm bằng vỏ ốc và xà cừ.

Ngô Tấn Ngọc, con trai chú Đức, 35 tuổi, giảng giải: chiếc tủ thờ Gò Công bao gồm 16 chi tiết và phải mất năm kíp thợ riêng biệt (cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn) ráp thành. 

Hồi trước một người đóng một chiếc tủ hoàn chỉnh mất ba tháng. Bây giờ nhờ máy móc và sản xuất theo dây chuyền nên chỉ 10 ngày là xong một chiếc tủ. 

Điều đặc biệt nhất của chiếc tủ thờ Gò Công so với tủ của những vùng khác là các mối nối đều sử dụng mộng, chốt để ráp lại vừa khít chứ không hề có cây đinh sắt nào. Giá trị của tủ thờ nằm ở các chi tiết như trụ (những thanh trang trí thẳng đứng được làm hoàn toàn bằng gỗ mun, chạm cẩn tinh vi), ốc, xà cừ và chất liệu gỗ. 

Theo Ngọc, chiếc tủ thờ càng có nhiều trụ thì giá trị càng cao bởi các kíp thợ phải sử dụng nhiều gỗ quí và xà cừ. Một chiếc tủ hoàn chỉnh có 21 trụ toàn gỗ quí (thân tủ bằng gõ, trụ bằng mun, chân quì bằng cẩm lai cẩn ốc - xà cừ sáng lóng lánh) giá 27 triệu đồng. 

Tủ rẻ nhất giá 3,5 triệu đồng nhưng chất liệu đóng tủ là loại thường. 

Ngoài những loại tủ thường thường bậc trung 5-10 triệu đồng/chiếc sản xuất đại trà, những chiếc tủ danh giá nhất làng nghề đều được sản xuất theo đơn đặt hàng riêng. Khách hàng lớn nhất của xóm tủ thờ Ông Non là Đông Nam bộ, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. 

Sản phẩm tủ thờ Gò Công bây giờ không còn nằm khiêm tốn trong những căn nhà ngói của mấy anh hai lúa mà đã nghiễm nhiên “ngự” trong những phòng khách sang trọng của những danh gia, vọng tộc ở các đô thị lớn. 

Nhiều năm trước, tủ thờ Gò Công đã từng được mang ra tham dự hội chợ ở Hà Nội và hiện nay tại Sở Công nghiệp Tiền Giang chiếc tủ thờ Gò Công vẫn được trưng bày ở gian triển lãm. 

Chính vì vậy, để bảo vệ danh tiếng đặc sản quê hương, thợ cẩn ốc - xà cừ vẫn kỳ công ngồi hàng giờ để chỉnh sửa từng chi tiết, o bế từng nét vẽ phác thảo, từng đường đục, cưa lộng, cẩn, mài… cho đến khi nào thật sự ưng ý mới thôi.

Khảm ốc xà cừ, một công đoạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mẩn và hết sức chính xác của người thợ

Thăng trầm làng tủ

Đi suốt dọc xóm Ông Non, tới đâu tôi cũng nghe tiếng máy cưa, máy tiện chạy ro ro, mùi sơn, mùi vecni thơm nồng. Bên những chiếc tủ thờ thành phẩm đủ mọi “thứ hạng” đang chờ xuất xưởng, anh Ngô Tấn Ngọc cho tôi biết hiện nay mỗi cơ sở sản xuất tủ thờ có thể tung ra thị trường 120 chiếc/năm và hàng làm không kịp bán.

Riêng chú Đức mấy ngày nay xách xe chạy ngược chạy xuôi hết huyện đến tỉnh để làm thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa “tủ thờ Gò Công - Ba Đức”.

Bây giờ ở xứ Gò Công ai cũng nói rằng xóm tủ thờ Ông Non đang được thời làm ăn khấm khá mặc dù các loại nguyên liệu ngày càng hiếm hoi và đắt đỏ. Mấy năm nay xóm tủ thờ phải nhờ “đường dây” mua gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia để hoạt động bởi nguồn gỗ quí trong nước hầu như cạn kiệt. 

Căng thẳng và lao đao nhất đối với làng nghề này là hồi thập niên 1980 - 1990 dù nguồn gỗ nguyên liệu, ốc - xà cừ hết sức dồi dào, giá rẻ. Hồi ấy tủ làm ra không ai thèm mua, thợ thầy bỏ nghề, bỏ xứ đi kiếm ăn tứ tán. 

Cuối cùng tỉnh Tiền Giang cũng nhận ra đây là một “đặc sản văn hóa” của xứ Gò Công nên tạo mọi điều kiện cho dân xóm Ông Non khôi phục làng nghề. Xóm Ông Non hồi sinh, thợ thầy lục tục kéo về. 

Cuối năm 1999, Công đoàn tủ thờ ra đời như một “nhãn hiệu cầu chứng” cho những người thợ tủ. Sau đó không lâu, nghiệp đoàn của những người thợ đóng tủ thờ được thành lập tiếp và mới đây lại có thông tin rằng UBND tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức thành lập “làng nghề tủ thờ Gò Công”. 

Lão nghệ nhân Ngô Tấn Đức không giấu niềm vui: “Bao nhiêu năm nay những người thợ đóng tủ chúng tôi chỉ mong chờ có bấy nhiêu đó. Được công nhận làng nghề, tay nghề là mãn nguyện rồi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận