TTCT - Chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” có từ hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ thể hiện tính chất “hàng đầu” đó trong chính sách lương dành cho giáo viên. GS Hoàng Tụy - một người thầy tận tụy với ngành giáo dục VN - từng nhận xét: “Có thể nói chính sách đối với người thầy là một trong những điểm khác biệt cơ bản của giáo dục VN so với thế giới và là nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất làm tha hóa giáo dục”.Lương giáo viên có đủ sống?Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô giáo M.T. về dạy học ở một trường THCS nội thành Hà Nội từ năm học 2009-2010. Hiện cô M.T. được hưởng lương hệ số 2,72, ngoài ra được hưởng phụ cấp đứng lớp 30%. Sau khi trừ các loại bảo hiểm và phí, cô có mức thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. “Đồng lương ấy đương nhiên không đủ sống. Chồng tôi cũng là công chức nhà nước nên cũng chỉ có lương. May mà tôi có thể dạy thêm và may nhất là chúng tôi ở chung với bố mẹ, không phải thuê nhà” - cô M.T. chia sẻ.Do đã có 18 năm đi làm nên hệ số lương của cô giáo V.T.N. ở Quán Toan (Hải Phòng) lên được tới bậc 7 (hệ số 4,32). Kể cả 30% phụ cấp đứng lớp và 17% phụ cấp thâm niên, hiện tại tổng thu nhập của cô V.T.N. là hơn 6 triệu đồng/tháng. “Chỗ tôi ở là khu vực ngoại thành nên giá cả sinh hoạt cũng dễ chịu, chỉ tốn nhất là tiền đi học thêm của hai đứa con. Tôi vẫn phải dạy thêm để trả dần khoản nợ vay mua đất và xây một ngôi nhà nhỏ từ lúc mới lập gia đình đến giờ”.Theo một cán bộ Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì lương và các phụ cấp theo lương chỉ được xem là đủ sống với một số giáo viên.“Với giáo viên mới ra trường thì đúng là không đủ sống. Với những người có 15 năm công tác thì mức thu nhập từ lương và các khoản có tính chất lương sẽ khoảng gần 6 triệu đồng, ở vùng có phụ cấp thu hút thì còn cao hơn. Nhưng điều khiến dư luận bức xúc là lương giáo viên còn chưa cao so với nhiều công chức, viên chức ngành nghề khác dù cùng hưởng lương ngân sách, và đặc biệt là còn quá thấp so với mức sống ở thành phố” - vị này nhận xét.Bảy năm trước, khi vừa nhậm chức bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong buổi gặp gỡ những nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và một số giáo sư vừa mới được công nhận chức danh, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra lời hứa: “Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”.Nhưng rồi kế hoạch xây dựng đề án cải cách tiền lương của Bộ GD-ĐT nhanh chóng bị phá sản, thay vào đó là đề xuất khôi phục phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Tuy nhiên, trầy trật đến tháng 7-2011, nghị định 54 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo mới được ban hành. Với nghị định này, lương của những giáo viên như cô V.T.N. sẽ được tăng thêm 1% mỗi năm thâm niên.Nhọc nhằn khôi phục phụ cấp thâm niênTheo nhiều chuyên gia thì phụ cấp thâm niên từng là một chính sách cứu nguy cho hệ thống giáo dục phổ thông những năm 1980, trước hiện tượng hàng loạt giáo viên bỏ nghề.“Theo nghị định số 235-HĐBT mà Hội đồng Bộ trưởng ban hành tháng 9-1985, thang lương giáo viên tốt nghiệp ĐH ngang với thang lương kỹ sư, và đặc biệt nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp. Mỗi nhà giáo dạy đủ 60 tháng được hưởng 5% lương và sau đó cứ mỗi năm có thêm 1% lương cho đến 20% hoặc 25% đối với giáo viên dạy giỏi. Khi nghỉ hưu, phụ cấp thâm niên của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tính để làm cơ sở tính lương hưu cho họ” - ông Nguyễn Hữu Diễn, nguyên quyền cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết.Tuy nhiên, từ năm 1988 chính sách này mới thực thi và giáo giới cũng chỉ được hưởng chính sách phụ cấp thâm niên đến tháng 11-1995.Sau khi bị cắt phụ cấp thâm niên, trong dư luận giáo giới có nhiều tiếng nói bất bình. Vì vậy, mỗi khi có cơ hội, ngành GD-ĐT đều kiên trì đề xuất khôi phục phụ cấp thâm niên cho nhà giáo nhưng bất thành. Đến thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề thu nhập của giáo viên lại tiếp tục được khuấy lên. Sau đó Bộ GD-ĐT tiến hành soạn thảo đề án đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT.Trong quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ quản lý trong toàn ngành, ban soạn thảo đã đưa nội dung thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vào dự thảo đề án. Chính phủ đã trình Quốc hội đề án này và được Quốc hội thông qua tại nghị quyết 35 ngày 19-6-2009.Sau đó, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, với quy định Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.Ngay sau đó Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định về phụ cấp thâm niên với nhà giáo. Trả lời phỏng vấn chúng tôi dịp chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2010, ông Trần Kim Tự, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, phấn khởi thông báo: “Chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để hết tuần này có thể trình Chính phủ dự thảo nghị định. Theo đó, chế độ phụ cấp thâm niên được tính hưởng kể từ ngày 1-1-2011”.Nhưng diễn biến không nhanh như Bộ GD-ĐT tưởng. Tháng 7-2011 nghị định 54 mới được ban hành và gần nửa năm sau mới có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện.Một cán bộ quản lý cấp cục của Bộ GD-ĐT và là thành viên tham gia soạn thảo dự thảo nghị định 54 nhớ lại: “Giáo viên ở các địa phương thì sốt ruột, cứ giục Bộ GD-ĐT nhưng bộ vẫn phải chờ ý kiến phản hồi từ các bộ, ngành liên quan. Có khi dự thảo gửi đi cả tháng mà họ vẫn không trả lời, chúng tôi vẫn phải chờ. Hoặc khi trả lời thì yêu cầu phải sửa chữ này chữ kia, chúng tôi lại sửa, lại gửi đi, lại chờ...”.Không chỉ chờ đợi, Bộ GD-ĐT còn phải chấp nhận “hi sinh” một chút so với nội dung dự thảo ban đầu để nghị định được ban hành. Thoạt tiên, ngành GD-ĐT đề xuất tất cả nhà giáo, bao gồm cả cán bộ quản lý (nhưng đã có thời gian dài đứng lớp) cũng được hưởng phụ cấp thâm niên. Về sau đành “nhượng bộ”, lùi xuống một mức yêu cầu: cho các cán bộ quản lý được hưởng phụ cấp thâm niên khoảng thời gian mà họ từng đứng lớp. Nhưng vẫn không được.Lý lẽ đưa ra là: giáo viên là viên chức, cán bộ quản lý là công chức nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi dành cho viên chức.Vì thế mà trong một hội nghị về chính sách với nhà giáo, ông Phạm Văn Thanh, phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, phàn nàn: “Thường giáo viên giỏi, có kinh nghiệm mới được điều lên phòng, lên sở làm chuyên viên, làm cán bộ quản lý. Nhưng như hiện nay nếu đi thì họ sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm đi rõ rệt. Do đó, điều động giáo viên lên phòng, lên sở rất khó khăn, vì không ai muốn về”.Giáo dục là quốc sách hàng đầu?Trong một hội thảo về đổi mới giáo dục được tổ chức năm ngoái, GS Hoàng Tụy nhận xét: “Có thể nói chính sách đối với người thầy là một trong những điểm khác biệt cơ bản của giáo dục Việt Nam so với thế giới và là nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất làm tha hóa giáo dục”. Quan điểm này được nhiều chuyên gia giáo dục chia sẻ, vì thế trong bất kỳ hội thảo chuyên đề về đổi mới giáo dục nào gần đây, vấn đề chính sách đối với giáo viên lại được xới lên.Trong một đề tài khoa học cấp nhà nước đang trong quá trình nghiệm thu của Quỹ Hòa bình và phát triển do nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng chế độ chính sách cho giáo viên hiện nay chưa đáp ứng theo yêu cầu của Đảng.Nhóm nghiên cứu nhận xét: “Vấn đề nổi cộm về tiền lương giáo viên chính ở chỗ những quy định trong Luật giáo dục và nghị định của Chính phủ chưa thể hiện đầy đủ điều khẳng định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp ghi trong nghị quyết trung ương 2 khóa 8 (1996)”.Nhóm nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng không chỉ có khoảng cách khá xa giữa các quy định của Chính phủ và chủ trương của Đảng về tiền lương giáo viên mà ngay cả trong hệ thống quy định về tiền lương dành cho giáo viên phổ thông cũng còn nhiều điều bất hợp lý.Chẳng hạn giáo viên tiểu học có ba ngạch (giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp) trong khi ở bậc THCS không có ngạch giáo viên cao cấp, THPT không có ngạch giáo viên chính. Hoặc trong một ngạch lương có tới 12 bậc mà khoảng cách giữa các bậc lương liền kề quá nhỏ (chỉ bằng 0,2 lương cơ bản) nên mỗi lần lên lương giáo viên chỉ được tăng khoảng 200.000 đồng. Rất nhiều giáo viên khi về hưu chưa được hưởng đến bậc cuối cùng của ngạch lương.Một bất hợp lý khác là tình trạng “cào bằng” về lương giữa giáo viên ba cấp học mặc dù trình độ đào tạo là khác nhau.Trong mội hội nghị tham vấn các chuyên gia về dự thảo một báo cáo khảo sát của Quốc hội gần đây, TS Vũ Văn Dụ, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT), khi phân tích về các chính sách dành cho nhà giáo đã đặt câu hỏi: “Kể từ khi chúng ta nói giáo dục là quốc sách hàng đầu đến nay đã qua mấy đời bộ trưởng mà vẫn chưa thực hiện được. Quốc sách hàng đầu ấy hiện nay ở đâu và đời bộ trưởng nào sẽ được nhìn thấy nó?”.“Đối với giáo dục phổ thông, thang, bậc lương của nhà giáo chưa phải hoàn toàn là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.Ví dụ: khung lương giáo viên tiểu học được xếp 12 bậc lương và vượt khung 5%, 7%, 9%, 11%, thấp hơn bậc lương 24 chức danh cùng viên chức loại B.Hoặc giáo viên THPT được xếp 9 bậc và vượt khung 5%, 8%, trong 53 chức danh cùng được xếp chung thì không cao hơn bậc lương của chức danh cùng loại nào.Ngạch lương của giáo viên trung học cao cấp được xếp 8 bậc lương và vượt khung 5%, 8%, 11%, có 18 chức danh cùng được xếp chung, thấp hơn bậc lương của 28 chức danh cùng loại công chức, viên chức A2”. Tags: Giáo viênDạy thêmLương giáo viênChính sách lương
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?