TTCT - Trong bối cảnh nhiều trường phổ thông tại các quốc gia bắt đầu hạn chế điện thoại nói chung và smartphone nói riêng, một thiết bị "smart" khác nhanh chóng lên ngôi: smartwatch (đồng hồ thông minh). Ảnh: 1NewsNhiều phụ huynh vẫn không yên tâm khi gửi con tới trường mà không có thiết bị liên lạc trực tiếp. Smartwatch đang ở vùng xám quản lý của nhà trường, nhưng có thể sớm chung số phận với smartphone.Phổ biến hơn, tiên tiến hơnNăm 2018, khi con trai lớn chuẩn bị vào lớp 5, Jennifer Hill (Mỹ) tự hỏi làm thế nào để liên lạc với con khi có chuyện không may xảy ra ở trường. Thời cô đi học chỉ có điện thoại bàn, nhưng nhờ xóm giềng vẫn còn kết nối chặt chẽ nên những thông tin nóng vẫn được mọi người truyền tai nhanh chóng. "Giờ thì không như vậy nữa. Tôi không thể tưởng tượng nổi cảnh con mình đến nhà ai đó, gõ cửa và nói bạn con bị té xe đạp, muốn mượn điện thoại gọi về nhà" - Hill nói với Wired.Dù vậy, Hill vẫn chưa sẵn sàng sắm smartphone cho con trai 10 tuổi; cô chọn mua smartwatch sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người. Năm 2018, chưa có nhiều lựa chọn, Hill mua một chiếc đồng hồ hiệu Verizon Gizmo với các tính năng cơ bản như lưu được 10 số điện thoại do phụ huynh phê duyệt và gửi tin nhắn có sẵn như "con đang ở đâu?" hay "gọi mẹ". Đồng hồ còn có thể theo dõi vị trí đơn giản.Sang năm nay, đến lượt con gái út lên 10, Hill cũng mua Verizon Gizmo cho bé. Nhưng sau 6 năm, dòng smartwatch này đã đầy đủ các tính năng tiên tiến như chụp ảnh, quay video, gọi video, bàn phím đầy đủ nhắn tin, nhắn thoại, trò chuyện nhóm, định vị GPS và lưu tối đa 20 số liên lạc được phụ huynh phê duyệt.Theo George Koroneos, người phát ngôn của Verizon, đồng hồ thông minh "thực sự là thiết bị thay thế điện thoại đeo trên cổ tay của các em". Phân khúc sản phẩm này đang phát triển mạnh mẽ. Khoảng một thập kỷ trước, chỉ có vài công ty công nghệ sản xuất smartwatch cho trẻ em. Thị trường đã mở rộng với nhiều công ty cạnh tranh nhau, thu hút thị hiếu của những khách hàng nhí. Nhiều chiến dịch marketing cho smartwatch đã chủ động nhắm tới trẻ em từ 5 tuổi."[Smartwatch] đang ngày càng trở nên phổ biến hơn" - Kris Perry, giám đốc điều hành Children and Screens, tổ chức chuyên nghiên cứu những công nghệ số và sự ảnh hưởng tới trẻ em, nhận định. Chỉ cần là phụ huynh như Hill cũng thấy rõ điều đó. Năm 2018, trường con trai cô chỉ lác đác vài em đeo smartwatch; giờ thì chúng phổ biến "như những chiếc bình nước màu sắc mà trẻ em rất ưa chuộng". "Hầu như các bé gái đều có đồng hồ thông minh" - cô nói.Những chiếc "xe ba bánh"Khảo sát về hành vi người tiêu dùng với smartwatch của nhà mạng T-Mobile cho thấy có đến 92% phụ huynh có con từ 4 - 12 tuổi cho rằng "luôn biết con mình đang ở đâu" là rất quan trọng. Đó cũng là động lực lớn nhất để họ sắm smartwatch cho con.Nhìn ở góc độ khác, các công ty nhận ra một tâm lý rằng trẻ em có xu hướng muốn làm theo những gì người lớn làm. Nghĩa là người lớn dùng smartphone thì chúng cũng rất muốn có một thứ tương tự, có thể là một phiên bản cũ hoặc một phiên bản hạn chế tính năng. Nắm bắt điều này, các công ty công nghệ ngày càng đưa ra nhiều mẫu smartwatch dần tiệm cận với smartphone nhưng vẫn có những hạn chế nhất định cho phụ huynh dễ kiểm soát.Hiện tại, giá một chiếc smartwatch cho trẻ em khoảng 150 USD, kèm phí đăng ký hằng tháng từ 10 - 15 USD. Rõ ràng không phải là một món hàng giá rẻ, nhưng cũng không phải quá tầm với, nhất là với những nhà rất cần một công cụ mà theo họ sẽ giúp bảo vệ con. Đồng hồ thông minh là lựa chọn hợp lý, hoặc chí ít nếu đang phân vân giữa smartphone và smartwatch, nhiều phụ huynh vẫn sẽ ưu tiên chọn cái số hai.Thị trường đồng hồ thông minh cho trẻ em tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch và vẫn duy trì đà tăng trưởng, dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỉ USD trong năm nay. Theo lãnh đạo các hãng Verizon, Garmin và T-Mobile, đối tượng mục tiêu cho đồng hồ thông minh là trẻ từ 5 đến 12 tuổi, trong đó khách hàng cốt lõi là phụ huynh của trẻ từ 8 - 10 tuổi.William D. Watkins, CEO của Garmin, tin rằng smartwatch là "một cách an toàn để giao tiếp với trẻ em", trong khi Clint Patterson, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị sản phẩm của T-Mobile, so sánh smartwatch như một chiếc "xe ba bánh" để con nít tập tễnh với công nghệ, còn smartphone hay máy tính bảng là xe đạp. Giống như tập xe ngoài đời, trẻ sẽ dùng "xe ba bánh" smartwatch để làm quen, tới khi đủ cứng cáp sẽ chuyển sang "xe đạp" smartphone.Đồng hồ chỉ nên là đồng hồTrái ngược với sự hào hứng của các công ty sản xuất smartwatch, nhiều trường học của Mỹ bắt đầu nhận ra những ảnh hưởng khi học sinh dùng thiết bị gây phân tâm không kém smartphone này. Người bất bình nhất là lãnh đạo các trường cấm học sinh dùng smartphone, để rồi các em tới trường với smartwatch. "Tất cả chỉ cản trở những gì giáo viên đang cố gắng làm" - Katie Joseph, phó giám đốc một học khu RSU 1 ở thành phố Bath, bang Maine, cho biết.Trong mắt Joseph, về bản chất đồng hồ và điện thoại thông minh không khác nhau. Thậm chí trong nhiều trường phổ thông, ngày càng có nhiều học sinh mang theo cả hai thiết bị vô trường. Smartphone cất vào tủ hay balô còn không gây xao nhãng bằng chiếc đồng hồ cứ rung liên tục vì có thông báo trên cổ tay học sinh.Mùa hè vừa rồi, nhiều học khu tại Maine đã cập nhật quy định về thiết bị trong trường học nhưng hầu hết chỉ tập trung vào điện thoại thông minh. Còn các đồng hồ thông minh vẫn "ngoài vùng phủ sóng" của nội quy trường học. Theo Joseph, điều này đang tạo ra một lỗ hổng trong việc quản lý các thiết bị điện tử này trong nhà trường. Riêng học khu của bà thì không. Ở RSU 1, học sinh từ lớp 6 - 12 phải nghiêm túc chấp hành quy định không mang cả điện thoại thông minh lẫn đồng hồ thông minh đến trường. Các trường sẽ thu tất cả đồng hồ và điện thoại vào đầu ngày học, đặt chúng vào túi Yondr có khóa và trả lại học sinh khi tan học. Nỗ lực này nhằm tăng cường tương tác của học sinh đồng thời cải thiện sức khỏe tinh thần cho các em.Tim Huber, hiệu trưởng trường tiểu học ở North Carolina, cũng đã đưa smartwatch vào danh sách thiết bị số phải tuân thủ nội quy. Đồng hồ thông minh phải được chuyển sang chế độ máy bay và chỉ được hoạt động như một chiếc… đồng hồ, không phải là một thiết bị được kết nối mạng trong giờ học. "Đồng hồ được coi là điện thoại di động nếu chế độ máy bay không được kích hoạt" - nội quy nhà trường ghi rõ.Huber nói có thể sẽ thắt chặt chính sách này hơn nữa nếu cần thiết. Bởi thật ra, chế độ máy bay có thể bị học sinh vô hiệu hóa chỉ bằng một lần chạm. Bản thân ông hiệu trưởng cũng không muốn nhìn thấy những thiết bị này ở trường chút nào. "Tôi chưa từng nghe ai nói rằng rất mừng vì học trò có đồng hồ thông minh. Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ tình huống nào có lợi hết" - ông nói.Cẩn tắc vô ưuĐã có nhiều cảnh báo về việc phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển xã hội, tình cảm và hành vi, sức khỏe tâm thần của trẻ em có thể bị ảnh hưởng vì tiếp cận các thiết bị số, và smartwatch cũng không ngoại lệ.Dù smartwatch có màn hình nhỏ hơn nhiều so với điện thoại và chức năng cũng hạn chế hơn, Perry cảnh báo thiết bị này vẫn ít nhiều có tính "không thể cưỡng lại" như nhiều đồ công nghệ khác.Ngoài ra, khi trẻ được cho thiết bị số như đồng hồ thông minh hay điện thoại thông minh, "cuộc sống số" của các em sẽ chính thức bắt đầu. Dữ liệu của trẻ sẽ được thu thập. Theo tổ chức nghiên cứu Common Sense, smartwatch thu thập hàng ngàn điểm dữ liệu một cách dễ dàng từ người dùng hằng ngày. Các thuật toán được xây dựng xung quanh sở thích và thói quen của trẻ, một hồ sơ dữ liệu về các em sẽ được lập mà chính phụ huynh cũng không hề hay biết."Bạn kết nối con mình với thế giới [dữ liệu và thuật toán] càng sớm thì nguy cơ đối với chúng càng cao. Đó là một bài toán khó cho phụ huynh" - Perry nhận xét. Đầu năm học này, Trường THPT Trường Chinh, Q.12 (TP.HCM) được báo chí quan tâm vì cách làm hay với việc học sinh sử dụng điện thoại di động. Nhà trường không cấm học sinh dùng điện thoại nhưng các em chỉ được dùng ở sân trước, là khu vực để xe lúc tan học. Còn khi bước vào sân bên trong, các em không được dùng điện thoại, trừ những tiết học giáo viên yêu cầu. Ông Trịnh Duy Trọng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết riêng với đồng hồ thông minh, trường chưa có quy định chính thức trong giờ học. Một phần vì đồng hồ thông minh khá mới, phần khác vì cũng không dễ cho giáo viên phát hiện đâu là đồng hồ thông minh, đâu là đồng hồ thường. Nhà trường chỉ có khuyến cáo học sinh sử dụng đồng hồ thông minh trong giờ học làm ảnh hưởng đến việc học. "Riêng trong giờ thi cử, kiểm tra, các em tuyệt đối không được phép mang đồng hồ thông minh vì có thể liên quan đến hành vi gian lận" - ông Trọng nói.Còn tại Trường THCS-THPT Trí Đức, Tân Phú (TP.HCM), học sinh hiện cũng không được phép mang điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh vào lớp học. Ông Nguyễn Thanh Thống, hiệu trưởng nhà trường, cho biết quy định này nhằm tránh ảnh hưởng đến việc giảng dạy cũng như thi cử, kiểm tra trong lớp học. Các quy định được nhắc lại vào đầu năm học này. Ngoài ra trong giờ chơi, trường tổ chức thêm một số trò chơi, hoạt động cho học sinh, chẳng hạn thể dục thể thao, để các em tạm "quên" đi điện thoại và các thiết bị số. Theo ông Thống, một nguyên nhân không nhỏ khiến học sinh lạm dụng thiết bị số là vì không có các hoạt động đủ sức hấp dẫn các em, nhất là trong thời gian nghỉ. Nếu có các hoạt động này, các em không chỉ "cai" được điện thoại mà còn có thể phát triển thể chất cũng như thư giãn tinh thần. Tags: Giáo dụcSmartphoneSmartwatchTrường họcHọc sinh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".