​Trễ

TRƯƠNG THANH TÙNG 18/11/2014 09:11 GMT+7

TTCT - Gấp tờ báo, tắt tivi, uống vội ly cà phê còn dở, mọi người lại lao nhanh ra đường vì sợ... trễ! Dường như càng vội thì người ta càng trễ.

Minh họa: Salem
Minh họa: Salem

Xe máy trở thành phương tiện hữu dụng nhất trong thời đại “lô cốt”, “hố tử thần”, thi công cầu cống... Xe máy thích hợp cho mọi địa hình leo lề, lách ổ gà, vượt chướng ngại vật. 

Mọi người luôn thiếu thời gian để lo cho mọi việc, vì vậy cố gắng tranh thủ thời giờ trên đường giây nào hay giây nấy. Ai cũng có công việc riêng, cuộc sống riêng nên chẳng bao giờ chung đường. Mọi người cứ lao vào nhau, đan xen nhau trong một mớ hỗn độn, xô bồ. Thế là chẳng ai đi được.

Kẹt xe. Tôi trễ họp, trễ học, trễ thi... Tôi không đến sớm được chỉ vì con đường hôm qua tôi đi thông thoáng thì hôm nay “lô cốt” lại mọc lên đầy. Xe máy, xe buýt, xe hơi chen chúc nhau trong một làn đường nhỏ xíu. Xe nhích từng chút một, thời gian là vô giá mà tôi thì không thể làm gì khác hơn.

Tôi đến trễ, một đôi lần rồi quen. Hình như ai cũng sợ trễ giống tôi nên ra đường sớm hơn. Xe vì vậy mà cũng đông hơn. 

Có lần tôi hẹn với một người bạn đi ăn cưới. Tôi đang ở Phan Thiết làm việc, chiều chạy xe máy về để kịp đi cùng người bạn. Tôi chạy thật nhanh về nhà, chưa kịp nghỉ ngơi đã vội đi mua quà tặng, kịp xối vài gáo nước tắm, ủi vội cái áo sơmi còn nhăn.

Tất cả diễn ra rất nhanh chóng khi mặt trời vừa khuất dạng, thành phố kịp lên đèn. Nhưng tôi lại trễ. Người bạn ấy bỏ tôi đi trước vì sợ không kịp tiệc cưới. Chỉ nhắn lại dòng tin: “Anh ơi em đi trước nhé! Điện thoại em bỏ trong cốp xe nên không nghe máy được...”.

Chuyện cũng rất nhỏ nhưng làm tôi thấy hụt hẫng vì lần nào có việc quan trọng mình cũng tới trễ.

Đây không phải lần đầu tôi trễ hẹn. Tôi rất thất vọng về mình. Tôi bị ám ảnh bởi xe cộ chạy nhanh trên đường, lúc nào cũng vèo vèo ngang trước mặt mà tôi chưa kịp quan sát từ kính chiếu hậu. Mỗi lần như thế tôi đều nổi da gà, sởn gai ốc vì như có ai đang rượt đuổi mình.

Tôi thường đến trễ cũng bởi nguyên do ngày nào ra đường cũng gặp tai nạn giao thông. Lúc thì thấy hai người va quẹt, ẩu đả nhau, máu đổ khắp người; khi thì thấy một người sặc mùi rượu nằm cùng chiếc xe của mình chờ taxi đưa đi cấp cứu.

Có lần tôi dừng lại thật lâu khi gặp phải một người đàn ông nằm lại giữa đường cách chiếc xe container đậu giữa ngã tư không xa, áo còn đóng thùng, mang giày đen đánh bóng. Chiếc mũ bảo hiểm văng đi hơn chục mét, bể tan nát. Người dân chỉ kịp lấy chiếc áo mưa trong cốp xe ra đắp cho anh đỡ lạnh người, thắp vài nén hương cho vong linh siêu thoát. 

Những cảnh đau lòng ấy cứ diễn ra mà phần lớn do người ta đều vội. Vội tới cơ quan làm việc vì sợ lỡ hợp đồng quan trọng, vội đến lớp vì lỡ giờ thi, vội về nhà vì vợ con đang đợi, vì vội nấu buổi cơm chiều...

Người ta có vô số lý do để phóng nhanh, để leo lề, vượt đèn đỏ... nhưng không có lý do nào chính đáng cho việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và người khác. Rồi trả giá cho sự vội vàng ấy bằng cuộc đời mình.

Người ta sống trong chăn ấm nệm êm nhưng đến khi chết đi lại không có nổi một manh chiếu đắp. Có sự tiếc nhớ nào là muộn màng?

Tôi bị ám ảnh bởi những giọt nước mắt của một người phụ nữ khóc lên khóc xuống khi nhìn ông chồng say xỉn của mình nằm lăn cù được đưa đi cấp cứu. Những người mẹ miệng luôn chửi bới những cậu con choai choai ăn chơi đua xe giập đầu mẻ trán rằng: “Con ơi là con, mày giết mẹ mày rồi...” cũng hết nước mắt ở bệnh viện vì đứa con đang truyền nước biển.

Nhưng không phải lúc nào nước mắt cũng có ý nghĩa. Như khi đọc báo thấy chuyện sản phụ trên đường đi sinh bị một xe trộn bêtông hất văng ra lề đường. Người phụ nữ chỉ kịp nhìn đứa con vừa chào đời rồi tắt lịm. Người chồng bị xe cán ngang chân nghẹn ngào trong tiếng nấc nhìn đứa con vừa chào đời đã mồ côi mẹ.

Lúc ấy, nước mắt không còn ý nghĩa gì cho những mất mát quá đột ngột, quá lớn, quá đớn đau...

Ai cũng xót thương cho những số phận không may gặp nạn nhưng phần lớn mọi người đều chỉ có thể để lại một cái nhìn, hoặc tấp xe vào lề, đá chân chống xem chuyện gì rồi... đi tiếp.

Vì nếu có ai đó dừng lại giữa chừng, phương tiện sẽ tiếp tục chồng chéo lên nhau mà chẳng ai đi được. Cuộc sống vội vã khiến người ta không thể dừng lại, không thể quan tâm mọi chuyện vì còn nhiều điều quan trọng hơn (cái chết) phải làm!

Mọi người lại đọc báo, xem đài rồi chậc lưỡi: “Thôi kệ, trời kêu ai nấy dạ”. Gấp tờ báo, tắt tivi, uống vội ly cà phê còn dở, mọi người lại lao nhanh ra đường vì sợ... trễ!

Dường như càng vội thì người ta càng trễ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận