TTCT - Chẳng biết có nên đặt thành những câu hỏi kiểu như “Tại sao không dạy cho trẻ con nghe nhạc, xem tranh, thưởng thức những tác phẩm văn thơ tuyệt đỉnh của nhân loại?”. Hỏi thế hẳn là có người hỏi lại ngay lập tức: “Vậy các trường sư phạm đang dạy giáo sinh những gì?”. Tranh: Lê Thiết Cương Có nhiều đứa trẻ là thần đồng của vài bộ môn nghệ thuật vẽ vời, đàn hát, múa may, thơ phú... Phần lớn do gia đình tự phát hiện và bồi dưỡng. Có đứa thành nghệ sĩ, có đứa không, chẳng lấy gì làm chắc chắn cả. Vài thần đồng thơ hồi những năm 1960 giờ có người đi đào đất, người cầm vôlăng, người làm bác sĩ khám bệnh, người ký cót linh tinh những giấy tờ hành chính... Đại khái làm rất nhiều nghề, trừ thơ. Chả sao cả. Họ vẫn lao động lương thiện bằng sức lực của mình. Không biết chuyện dạy dỗ bọn trẻ con về nghệ thuật ở trường phổ thông có từ bao giờ, chỉ thấy không có gì thay đổi trong hơn 60 năm qua. Nhạc thì dạy hát, dạy ký xướng âm. Họa thì dạy tô màu, dạy vẽ. Văn thơ thì học những bài mẫu từ thời anh Nguyễn Văn Thạc. Lớn lên thì đổ xô vào học các trường nghệ thuật. Và kết quả thì như ngày nay chúng ta đã thấy. Một năm trên cả nước có đến nhiều nghìn nhạc sĩ, họa sĩ ra đời. Nhạc, nhất là cổ điển, thì không có người nghe. Tranh không có người xem. Đơn giản vì thưởng thức những loại hình nghệ thuật bậc cao này đòi hỏi phải có một trình độ hiểu biết và thẩm thấu nhất định. Về một nghĩa nào đó, chuyện này cũng như nghệ thuật ẩm thực. Cái cần là nhiều người biết ăn chứ không phải toàn dân nấu cỗ. Sách dạy nấu ăn bán chạy như tôm tươi nhưng rất hiếm khi xuất hiện một đầu bếp tên tuổi. Phần lớn sách ấy chỉ có tác dụng “khủng bố” khẩu vị gia đình bằng những bài thực tập của các bà nội tướng. Tương tự, cái cần là người biết xem tranh và nghe nhạc. Nhưng đã chẳng có ai dạy dỗ chúng ta điều đó cả. Và ta thì cũng chẳng có gì để dạy lại bọn trẻ. Lịch sử nghệ thuật hiếm khi thấy có gia đình nhiều đời thành đạt dù ao ước luôn là như thế. Cũng còn may con cái các gia đình làm nghệ thuật không đến nỗi mù tịt về bộ môn phụ huynh mình theo đuổi. Cũng chỉ trong phạm vi hẹp bộ môn của phụ huynh. T hế nhưng chỉ vài nghệ sĩ biết rất rõ con cái mình có nên theo nghề hay không. Số còn lại hầu như chấp nhận từ vô thức cho con cái nối nghiệp nhà. Chẳng khác ông bán phở là mấy. Vài năm nay ở Hà Nội người ta đã bắt đầu tháo những tấm biển quảng cáo “Phở gia truyền” xuống rồi. Người Hà Nội nhìn tấm biển ấy có ngay kết luận “Phở con chẳng bao giờ ngon bằng phở bố!”. Ế hàng là điều tất nhiên. Họa sĩ vẽ ra tranh không có người xem nói gì đến chuyện bán. Nhạc sĩ tốt nghiệp nhạc viện ra lăn lóc chán chê ở các phòng trà, quán nhậu, nhường “trận địa” cho các ca sĩ vườn, kể cả Lệ Rơi một nốt bổ đôi không biết. Mấy năm nay báo chí lên tiếng rất nhiều về cái gọi là “thị trường mỹ thuật Việt Nam đang hồi ảm đạm”. Đến muốn cười lăn. Việt Nam chưa bao giờ có cái gì tương tự như thế. Gọi mấy ông Tây du lịch bụi mua tranh 10$ là hẳn một “thị trường” e có thể viết bài đăng lên Tuổi Trẻ Cười mà không sợ nhạt. Cũng vì thế mới rộ lên tranh luận về một bìa sách vẽ cô Kiều bán khỏa thân. Ý kiến chia làm hai phe vừa mập mờ, vừa hăng say. Bên chê bôi thì nói đó là tranh khiêu dâm. Bên bênh vực chẳng có cách nào thanh minh cho bên kia hiểu, bởi nói cho cặn kẽ thì đụng phải cái khoảng trống huơ trống hoác kiến thức tối thiểu về nghệ thuật tạo hình. Lại thêm căng thẳng mông lung với áp dụng những lập luận đạo đức để nói chuyện về tác phẩm hội họa. Giống như cứ khăng khăng cãi một mét dài hơn một cân vậy! Chẳng biết có nên đặt thành những câu hỏi kiểu như “Tại sao không dạy cho trẻ con nghe nhạc, xem tranh, thưởng thức những tác phẩm văn thơ tuyệt đỉnh của nhân loại?”. Hỏi thế hẳn là có người hỏi lại ngay lập tức: “Vậy các trường sư phạm đang dạy giáo sinh những gì?”. Tiếc thay, tất cả các trường sư phạm, kể cả sư phạm nhạc họa, đều đang chủ yếu dạy người ta làm nghệ sĩ. Đến chính các thầy cô giáo ấy ra trường cũng ít người biết nghe và phân tích một bản nhạc, biết xem và phân tích một bức tranh. Cơn khủng hoảng thừa nghệ sĩ, thiếu người thưởng thức xem ra còn tiếp tục kéo dài chẳng biết đến bao giờ.■ Tags: Phiếm đàmĐỖ PHẤNTrẻ con với nghệ thuật
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.