Trên Đồi Đất Đỏ

TTCT - Cuối cùng Út Bình cũng tìm được người lên bãi coi hàng hóa trong mười hai ngày nghỉ tết. Thật là mừng thiếu điều hết lớn luôn.

Minh họa: Trương Tiến Trà

Ở lại đỉnh Đồi Đất Đỏ, trong những ngày mà có đói thiên hạ trên đất nước nầy, quan cho chí dân, giàu chi đến nghèo đều quăng hết mọi sự qua một bên để vui vầy là trên cả tuyệt. Tết mà, cày bừa làm chi nữa?

Người chịu quay trở lại rừng là Trình. Một vợ ba con. Hai con lớn gửi phía ngoại trông nom giúp. Còn út vào rừng cùng cha mẹ. Út của cặp vợ chồng nầy bạn với rừng hồi mới ba tháng tuổi. Thảm lắm. Đi làm mẹ địu con sau lưng, về sau đem luôn con gái lớn vào trông em. Nghèo khổ quá người ta mới vậy chứ ai chả biết rừng sâu là quái ác. Sốt rét quật cả mẹ lẫn con ngã ngựa.

Trình phải về kiếm nơi cư ngụ. Nơi ở cũng cực kỳ tạm bợ. Đó là một chòi lá, đằng sau một lò heo. Chủ lò cho vợ chồng Trình ngụ tạm. Chừng nào em xây lại chuồng rồi tính, còn bây giờ anh cứ ở. Chủ lò nói vậy. Cuộc sống vợ chồng con cái Trình không thể nào lay lắt hơn.

Tết của gia đình Trình buồn đến nát ruột nát gan. Làm sao mà không nát khi chả có chi kể cả gạo trong ba ngày tết. Chòm xóm láng giềng toàn lấy rừng làm mạch sống, ai cũng khó. Mấy tay buôn bán có tí máu ở chợ thì vái vợ chồng Trình cả tơi lẫn nón. Chủ hiệu tạp phẩm Lệ đã chặn Trình ngoài lộ, đe:

- Ông coi thanh toán trước tết nghe, không có tui dỡ nhà ông à.

Trình phải cúi mặt mà bước.

Phía bên vợ cũng có tí chút, nhưng họ lại ghét Trình. Nói:

- Thứ gì chả biết tính toán mà làm ăn. Đói ráng chịu...

- Đẻ cho cố... - bà chị vợ lửng lơ.

- Mà còn rượu với chè - anh vợ nối lời.

Tết đến. Ở chợ cũng chả ai mướn chi để làm. Trình buồn rầu nâng ly ực một cái. Dân rừng mà, cái gì cũng có thể thiếu, nhưng rượu thì không. Lang thang mong kiếm việc chi đó ra gạo cho vợ con. May quá, Út Bình gọi:

- Ê, Trình... Vô làm mấy ly coi cha nội.

Bình than không một ai chịu ở lại coi giùm mớ thành phẩm trong rừng. Ba ngày tết nắng như đổ lửa, mấy tay đi thăm bẫy cò ke, ưng lên cho mồi lửa là vác bị đi ăn mày... Mày coi giúp tao được không?

- Bao nhiêu? - Trình hỏi sau một cái xây chừng.

Giá được ngã là hai chục ký gạo, năm đòn bánh tét, can rượu mười lít. Bánh trái đủ cho một cái tết. Có cả một cây thuốc rê một ký rưỡi loại lá vàng nhỏ hẳn hoi. Thêm khoản tiền mà vợ con Trình tạm qua một cái tết tương đối gọi là.

- Chừng nào anh đi? - vợ hỏi.

- Mai. Út Bình cho Zin ba cầu vô bốc chuyến cuối. Anh ở đến mồng chín thì ra. Em coi mua mấy bộ đồ mới cho ba đứa nhỏ có cái mà mừng.

- Dạ - vợ rất dịu dàng.

Hai mươi tám tết Trình lên xe với lương đủ ăn, rượu đủ uống, mồi đủ đưa cay cho mười hai ngày đêm một mình trong thâm, sâu và cao, có tên Đồi Đất Đỏ.

Ủa, chớ hàng hóa gì mà sợ cháy vậy? Sao không đưa về xuôi mà lại để trong rừng? Một mình trong rừng lỡ có gì thì sao? Tay Trình nầy cũng gan thiệt à...

Ồ, Trình thì khỏi nói rồi. Gan cùng mình luôn. Gã kể hồi chưa vợ cũng yêng hùng ghê gớm lắm. Dân chơi bốn vùng chiến thuật chứ không vừa. Nào buôn lậu bị quản lý thị trường hốt cốt, cải tạo vì vượt biên, chẳng biết có hay không chuyện gã bị dân cảng cá đánh bằng mái chèo, may mà có thuốc võ của ông thầy bằng không khó mà hồi phục. Chuyện Trình kiếm sống bằng nhảy tàu nghe như xinê. Mà xinê thì khó tin lắm, vậy nên hỏi:

- Ông nhảy cái gì, nhảy làm sao mà làm sao phải nhảy?

Trình kể gã buôn lậu than từ Diêu Trì ra Quảng Ngãi, bị hốt sạch. Chả biết làm chi có tiền nên tham gia băng nhảy rượu và đường từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng. Nhảy tàu thứ nhất là phải gan từ kẽ tóc tới chân tơ, thứ hai phải biết tí chút võ nghệ.

- Ý là ông nói ông biết võ chớ gì? Bữa nào biểu diễn vài bài thảo cho anh em coi chơi.

Trình là thành viên của Châu Huế. Thuở mà ai nấu rượu là tịch thu luôn cả nồi. Rượu ở ba cái cửa hàng ăn uống quốc doanh không mì cũng bắp, có câu: “Đế quốc từ Pháp tới Mỹ cả Nhật dân nhậu không sợ thằng nào, chỉ sợ đế quốc... doanh”. Dân nấu lậu đào lò tuốt trong rừng chưng cất. Châu Huế đặt hàng toàn rượu gạo. Rượu được dân nhảy tập trung ở ga Quảng Ngãi, và nhảy tại Nông Sơn. Mỗi em chịu trách nhiệm một can rượu mười lít và một cục đường muỗng cũng mười ký.

Sao lại có đường dính vô đây?

Thuở ngăn sông cấm chợ mà. Nghĩa là hàng hóa làm ra từ nông sản đến lâm sản đều được đặt dưới sự thu mua của nhà nước. Mua xong nhà nước sẽ bán đối lưu ba cái cần dùng lại cho anh. Thêm vụ cấm vận của ông liên hiệp chi đó nên thiếu thốn cực kỳ. Để giải quyết cái thiếu, dân chơi cỡ Châu Huế làm lậu kiếm sống.

Hàng hóa chất trên tàu đâu có qua mắt được mấy anh kiểm soát. Không biết điều là mấy ảnh tịch thu. Nếu ta biết chung chi thì cái khoản tiền cước xem như bỏ. Quan trọng khi đến Nông Sơn tàu đang vù vù xé gió, em út anh Châu phải làm cảm tử quân. Phải nhảy, vì vô ga Đà Nẵng là bị bắt từ A đến Z.

Nơi nhảy là một bãi cát dài, chả biết là do thiên nhiên hay con người tự tạo. Khi tàu bắt đầu rời ga Nông Sơn, tứ chiếng giành nhau cái cửa sổ để mục kích, cả đàn bà con gái cũng cố mà chen. Cửa lên xuống dành cho cảm tử quân. Trên mui tàu, bọn buôn bán hàng rong cũng dẹp lại để xem cho bằng được cái gọi là nhảy tàu. Lênh đênh trên tàu chợ mà không cặn kẽ vụ nầy thì chả khác nào ăn bánh mì không kẹp thịt.

Cảm tử sẽ quăng muỗng đường xuống trước, quăng cho hết tầm tay, để khi xuống ta không gãy cũng lọi bánh chè nếu đá phải. Sau đó giang hồ tay nắm can rượu, tay nắm thành tàu và... hấp... nhảy... lao theo lực kéo của tàu. Từng anh, từng anh một, trên dưới chục anh quăng, nhảy, quăng, nhảy... đẹp như trong phim hành động của Hong Kong. Phim thì xảo thuật chứ ở đây là người thật việc thật, ngoạn mục không thể chê.

Xách can rượu giấu vào những lùm cây ven đường rồi quay lại lấy thỏi đường. Xe đạp ôm túc trực sẵn để đưa anh trai vô chợ Cồn Đà Nẵng. Cả hai thứ rượu và đường sẽ giao tận tay anh Châu, và tiền công được trả, ai làm mất hàng, bể rượu thì phải đền. Có ràng buộc vậy thì hàng hóa mới đến nơi an toàn. Trình nói:

- Bà mẹ nó. Chuyến đầu tao cũng bị đền hết can rượu.

- Sao vậy? Bị bể hả?

- Đâu có. Sợ lắm mày ơi, không quen là không dám. Tao quăng cục đường xong là ôm luôn thành tàu không dám nhảy. Xách can rượu vô ga Đà Nẵng bị quản lý thị trường hốt cốt luôn... Nhảy tàu chả thua chi đàn bà vượt cạn một mình. Sợ chết bà luôn. Một mình đối diện với hiểm nguy... Tao nhảy suốt mấy tháng ròng mà vẫn cứ sợ mỗi khi ôm thành tàu.

Nghe Trình nói có thằng không tin, làm chi có chuyện nhảy nhót ớn lạnh vậy. Gã nói chuyện trên trời để anh em lác mắt chớ chi. Thây kệ đi. Nhưng hàng gì không kéo ra trước tết để phải nhờ người trông coi. Hàng chi vậy?

À, đó là niền.

Niền là cái khỉ mẹ gì?

Vụ niền nầy thì trong cuốn Bãi vàng. Đá quý. Trầm hương (*). Tác giả đã nói rất rõ trong truyện Tiền rừng, muốn biết thì kiếm mà đọc. Đây chỉ nói sơ cho biết, niền là sản phẩm từ lồ ô. Người ta lấy đoạn lồ ô dài 40 phân không mắt, chẻ ra làm bốn rồi xếp vô bó. Mỗi bó đường kính cũng 40 phân. Người thợ trung bình làm mỗi ngày được năm cục. Niền sẽ được về phố lớn để dân ở đó ra tăm nhang xuất khẩu. Nghề nầy dân không đất đai sống cũng được. Út Bình là chủ, hàng kéo ra không hết, tồn trong rừng cả nghìn cục niền, tròm trèm cả ba cây vàng, không sợ mất mát nhưng sợ cháy vì thế phải có người coi.

Ở một mình trong rừng không gan dạ là bái cả hai tay. Còn lỡ có chuyện chi thì cũng phải ráng chịu. Chuyện chi trong rừng thì nhiều lắm, rắn rít là chuyện nhỏ xíu. Rồi lỡ trúng gió hoặc đau bụng thì sao? Thì ráng chịu luôn chớ sao. Từ bãi niền ra lộ lớn trên chục cây đường ổ voi... Có vậy mới năn nỉ anh với giá trên trời, chứ ở phố ai cần.

Đúng không?

Và mấy thằng nghèo cùng đường mạt vận như Trình luôn lấy câu sống chết có số để đối phó với cuộc sống.

Trình mua cho vợ con cái tết tàm tạm bằng một mình trên thâm u.

Đường vào rừng thì làm ơn đừng nói đến hai tiếng bằng phẳng nhé. Zin ba cầu ậm ạch nghiêng ngả tiến. Từ chợ đến ngã ba Lô Năm thì còn tạm, nhưng khi qua ngã ba thì tài xế đánh vật với chiếc xe suốt một đoạn cả năm cây số đầy những ổ voi được lấp lại bằng đá núi. Trên cái đoạn ấy phải qua hai chiếc cầu được gác bằng những súc be cỡ hai người ôm. Bụi đất đỏ bay mịt mù trời đất.

Để lên đồi xe phải về số vừa rú vừa bò. Cả hai tiếng đồng hồ nó mới vượt qua ngọn đồi dài khoảng ba cây số. Lên đến đỉnh tất cả xuống xe để thắp hương cho một ngôi miếu nhỏ bên đường. Ngôi miếu thờ một tài xế chết vì lật xe ở đây. Tết đến nên người chết được hưởng thêm bánh trái ngoài hương hoa. Tàn điếu thuốc xe lại tiếp tục, đến đây nó được quyền rong ruổi, đường tuy nhỏ nhưng bằng. Trong rừng nguyên sinh, bóng nắng cố lắm mới xuyên được từng sợi màu vàng qua kẽ lá. Thêm một tiếng và xe dừng lại bên suối Môn.

Trình cho đồ đạc của mình vào một trong những căn chòi được dựng bằng cây rừng lót lồ ô bổ sịa. Khoảng mười lăm cái chòi của thợ rừng dọc bên suối. Thường thì nó luôn đông vui. Tết đến thợ đã bỏ về xuôi nên trông buồn bã và ảm đạm. Tài xế nói:

- Mười hai ngày đêm cũng nát ruột nghe anh Trình.

- Chuyện thường thôi.

Xe vào bãi để bốc chuyến cuối của năm. Một trăm năm mươi cục niền được ba tay vai u thịt bắp cùng sự góp sức của Trình nhanh chóng rời trận địa. Họ ghé suối và uống với Trình vài ly tạm biệt. Và cũng rất nhanh là những cái bắt tay, chúc bình yên cho người ở lại giữ rừng. Những ánh mắt mà tia nhìn ái ngại rất rõ dành cho Trình. Máy xe ình ình nổ sau vòng quay manuel. Và nó chuyển động.

Xe hậm hực lên dốc suối Môn. Lơ và bốc xếp vẫy tay chào. Trình ngồi yên trên sạp lồ ô nghe tiếng xe xa dần. Tiếng của nó ì ì, ù ù rồi u u. Giây lâu hực lên, có lẽ đang bò lên một con dốc nào đó. Toàn bộ tâm trí của Trình hướng về tiếng động lớn nhất mà rừng vẳng lại. Trình bất động cho đến khi tiếng xe mất hẳn vào hư không.

Róc rách là tiếng suối Môn đang chảy. Buồn vô hạn. Trình nghe lòng mình chùng xuống. Ngay lập tức anh hoang mang và nhớ kinh khủng tiếng thị thành. Tiếng vợ và con, tiếng ồn ào bên bàn nhậu, tiếng hát... Sự yên lặng đến vô cùng của rừng làm người ta nhớ tiếng động chăng? Anh nốc một ly rượu và khà, nghe trong tiếng khà ấy có hơi thở của niềm cô quạnh. Ngay lúc ấy Trình hoảng hốt khi nghĩ đến mười hai ngày đêm anh sẽ yên với cái yên lặng đến kỳ bí của thâm sâu.

Nắng chiều rọc một đường màu vàng qua khoảng trống. Vùng nắng hiếm hoi rơi xuống mái chòi. Trình đăm đăm ngắm... Bỗng anh giật mình vì tiếng động vang lên, bên bờ suối có một con sóc nhỏ, nó nhìn Trình, hai con mắt tròn, trong veo và nhỏ xíu. Soạt. Con sóc phóng nhanh vào bụi rậm. Trình quay lại và phát giác ra bóng nắng đã biến mất. Chiều ở rừng xuống rất nhanh nghĩa là bóng tối đã cận kề. Trình bước ra khỏi chòi, anh gom một đống củi. Khói lam bay lên và lửa bập bùng cháy.

Nằm trên võng nghe tiếng suối nỉ non. Tiếng nỉ non hòa cùng gió chạy xuyên qua ngàn cây. Tiếng giun dế cùng tiếng đập cánh êm đềm của loài chim bắt muỗi. Trong cái êm êm, giây lâu có tiếng soạt mạnh mẽ của một con chồn bay đi kiếm ăn đêm. Trình yên lặng lắng nghe. Lần đầu tiên anh cảm nhận được yên lặng không thể làm người ta ngủ. Anh cầm chai ba xị và tu một hơi. Uống cho tới để cầu mong giấc ngủ đến chăng? Chắc là vậy.

Nhưng muốn ngủ vì rượu ta phải chén chú chén anh với bằng hữu. Phải hứng chí vỗ bàn mà hát bài hội ngộ hay biệt ly. Rồi cùng hò ra tới Huế, chí ít cũng đến bến Ninh Kiều. Khi ấy rượu sẽ làm tê liệt hệ thần kinh trung ương và kẻ say lăn ra đất. Còn ở đây anh đâu một mình mà say được. Tiêu sầu nhưng sầu lại càng sầu, rượu chỉ ngấm sơ để anh nghe mình thật sự đơn côi. Trình nhắm mắt, nhưng tiếng động mơ hồ của cơn gió thoảng qua, tiếng sột soạt và róc rách khiến Trình bừng hai con mắt. Và anh nhìn thấy vô vàn ánh lập lòe của loài đom đóm, thêm vào đó là màu xanh leo lẻo của ánh sáng lân tinh rải rác trong rừng đêm.

Bỗng trong thinh lặng là tiếng hú thăm thẳm vang lên, nghe âm u như tiếng gọi oan hồn từ đâu đó. Trình giật mình rợn gai ốc... mãi một lúc anh mới định lại thần. Gật gật ra cái vẻ chả có chi lạ. Xưa, lúc băng ngàn lội suối tìm trầm, anh đã từng nghe những con vượn cô đơn réo gọi bạn tình. Tiếng hú đơn độc bay khắp rừng xanh làm Trình não lòng muốn khóc.

Rồi tiếng boong boong boong, khỏi khỏi khỏi của con chim lệnh vang lên. Đồn rằng con chim nầy chuyên đi theo ông ba mươi, có tiếng nó là có ông thầy. Lại một lần Trình nghe lạnh sống lưng. Cái lạnh truyền đi khắp cơ thể. Bất giác anh lại nâng chai rượu lên và chìm vào chập chờn của giấc năm tỉnh năm mê.

Tiếng chim buổi sáng làm Trình thức giấc. Chả biết là mấy giờ. Thuở lấy rừng làm nguồn sống, chủ cả cỡ Út Bình còn chưa có nổi chiếc đồng hồ, nói chi điện thoại. Và trong rừng sâu nơi mặt trời không thể ghé, khó mà định được thời gian. Ừ thì cứ tỉnh giấc sau một đêm thì đó là buổi sáng. Chim hót làm Trình bất giác nhớ đến hai câu thơ: Tiếng lích chích chim sâu trong lá, con chìa vôi vừa hót vừa bay. Rừng thì đủ các loài.

Trình xuống suối làm vệ sinh. Nổi lửa nấu nước pha cho mình tách cà phê sáng. Không nghe đói và để xua buồn đi, Trình vác rựa lên vai, tham quan một vòng rừng. Đường có từ thời chiến tranh, chỉ đủ cho một chiếc xe tới hoặc lùi. Trình đi ra bãi tập trung niền. Cụm nầy toàn lồ ô, dân rừng khai thác trắng nên cả một khoảng rừng trống trải. Nắng ở đây tự do trải trên những đọt lồ ô úa một màu vàng. Buổi sáng ở rừng dịu dàng và thanh thoát.

Cứ thế Trình đi trong lặng yên, nghe rõ gót giày lê trên nền đường. Đứng lại nhìn một con rắn to bằng cổ tay nhẹ nhàng lướt qua và mất hút trong rậm, Trình nhìn theo cho đến khi những búi cỏ không còn động đậy. Thêm cây số đường lại một bầy cà héc cả hai mươi con chạy qua đường. Con đầu đàn nhe bộ răng trắng ợt ra vẻ hù dọa. Nhìn bầy khỉ đi bằng hai tay và hai chân Trình cười thú vị, vài con cũng khẹc khẹc theo. Thú vị hơn là loài voọc xám với cái đuôi dài, trên cành cao chúng chuyền theo Trình làm đủ trò kỳ dị.

Đến ngã ba Cây Xé. Trình sững người vì tiếng hú lanh lảnh vang lên. Một cây sao cổ thụ bị xé đôi bởi sét đánh. Một bên khô cháy, còn một bên vẫn sum sê cành lá. Trên cành khô là một con vượn, tay nó nắm cành cây, tay kia che miệng và hú. Tiếng hú rền vang ngay trên đỉnh đầu làm Trình rợn hết tóc gáy. Anh đứng như chết cho đến khi chú vượn phóng mình biến đi trong thăm thẳm đại ngàn.

Trình quay lại suối Môn nhìn dòng chảy, chợt thấy bơ vơ và cô quạnh. Lại xách chai rượu và uống, nhưng chả có chi buồn hơn uống rượu một mình. Ngả người ra đất, nhưng cả trời xanh Trình cũng không thấy bởi cây rừng che khuất. Anh nhắm mắt và lặng lẽ hát ca, lặng lẽ nhớ...

Cứ yên như vậy cho đến khi có tiếng cú rúc lên báo hiệu ngày đã tàn. Trình lại gom củi thành đống để nhìn đụn khói màu lam và lửa bập bùng. Lại yên lặng nghe róc rách tiếng suối chảy, tiếng gió thổi xuyên qua đại ngàn, tiếng con chồn bay sột soạt trên một cành cao nào đó... Lặng yên nghe tiếng chim lệnh dẫn đường. Tiếng con vượn cô đơn hú gọi bạn tình...

Yên lặng nhìn bầy đom đóm lập lòe trên những đốm lân tinh ma trơi và lặng yên nghe tiếng chim hót mừng ngày mới. Lặng yên vác rựa trên vai dọc theo những con đường mà có hôm Trình nhận ra dấu chân hổ. Nghe tiếng hoẵng kêu đâu đó xa xa và heo rừng hộc lên như chiến đấu chống lại kẻ thù... Và yên lặng nâng chai rượu lên môi tu một hơi dài cầu giấc ngủ đến...

Ngắn hay dài với mười hai ngày Trình ở lại rừng? Ai mà biết. Nhưng chắc chắn là nó phải qua, vì ngày tháng nào mà chẳng qua. Và một hôm kia Trình lắng tai nghe có tiếng u u, ù ù, rồi ì ì. Anh vẫn lặng yên lắng nghe... Nhưng rõ nhất là tiếng của lòng anh.

Nó thổn thức rồi nức nở.
Nhưng Trình đâu có khóc.

(*): Tập truyện của Nguyễn Trí - NXB Trẻ phát hành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận