Trên đường chạy vì tương lai

TRẦN NGUYÊN 22/01/2016 03:01 GMT+7

TTCT - Buổi sáng một ngày cuối năm 2015, gần 4.000 người trẻ đã tham gia cuộc chạy việt dã mang tên “Chạy vì tương lai” do JCI - một tổ chức của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ - tổ chức. Mặt trời chưa mọc, họ đã hồ hởi đến, hồ hởi tham gia các trò chơi, hồ hởi nhảy tập thể. Tất cả làm bừng lên sức sống, sức bật và nguồn năng lượng mới...

Khởi đầu thế nào đây? -Pininterest
Khởi đầu thế nào đây? -Pininterest

Nhóm đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, vốn cũng còn trẻ, bỗng dưng trở thành những người “già” trong đám đông đang cùng chạy để gây quỹ hướng nghiệp cho thanh niên, sinh viên này. Đường chạy không dài nhưng cũng đủ để nghe nhiều câu chuyện...

1. Đường chạy đi ngang qua một cây cầu, phía dưới còn nhiều bùn đất và mớ dừa nước mọc hoang. Một bạn trẻ ở đại học luật nói: “Ngày xưa nguyên cái Phú Mỹ Hưng này đều hoang sơ như vậy, không có gì hết. Nhờ những người... có đầu óc thiệt là đột phá mới cải tạo thành một khu dân cư hoành tráng như bây giờ...”.

Nhóm bạn đang chạy cùng bắt đầu góp chuyện. Người kể về những người đầu tiên đến lập nghiệp ở vùng đất này, giờ đã thành đại gia lừng danh. Người lại bày tỏ sự hâm mộ đối với những doanh nhân trẻ đã nghĩ ra cuộc chạy bộ gây quỹ này. Có bạn thấy tôi đeo thiết bị đo cường độ vận động của Misfit thì hỏi thăm về công ty khởi nghiệp này của hai vợ chồng người Việt vừa bán được hơn 200 triệu đôla không...

Rất nhanh, đề tài lại xoay quanh chuyện khởi nghiệp. Ai cũng có một câu chuyện của riêng mình. Người thì đang tham gia một phần, dù rất nhỏ, của một công ty khởi nghiệp có tên gọi 3S “để quan sát và học hỏi là chủ yếu”, người thì mỗi ngày dành ít nhất 20 phút lên YouTube để nghe các bài thuyết trình của các công ty khởi nghiệp.

Bạn nói: “Phải dính dáng chút đỉnh với những người đang thay đổi thế giới, mình cũng sẽ từ từ nhiễm được cách nghĩ, cách làm của họ...”. Tôi cười: “Các bạn có nghe tinh thần khởi nghiệp chính là tinh thần chiến binh chưa?”, cả nhóm hồ hởi, cùng nhau tăng tốc trên đường chạy...

2. Một buổi trưa cuối năm, ngồi ăn cơm với ông Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương. Ông Khương chuẩn bị 60 tuổi, tức là chuẩn bị về hưu. Và Đà Nẵng vừa tổ chức lễ ra mắt “Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp” mà ông là chủ tịch.

Tham vọng của cả Đà Nẵng, chứ không chỉ riêng ông Khương, là có thể từng bước xây dựng mảnh đất của mình trở thành “thành phố khởi nghiệp”. Ông Khương bảo cũng nhiều người khuyên thôi đừng dấn thân vô lĩnh vực khó khăn vô cùng này, chọn gì đó an nhàn hơn...

Nhưng ông cảm thấy mình mắc nợ một lời hứa với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, mắc nợ một tầm nhìn: “Lấy gì để Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng mà không phải là bất động sản? Chỉ có tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng khởi nghiệp là tốt nhất!”.

Cuộc trò chuyện thú vị ở chỗ ông Khương rành rẽ các mô hình khởi nghiệp, các công ty khởi nghiệp lớn trên cả nước, rành rẽ cả câu chuyện của bà đại sứ Israel. Thậm chí, một ý tưởng còn lóe lên: “Hay là mình mời Nguyễn Hà Đông về Đà Nẵng để tiếp tục khởi nghiệp...”.

Tôi nhớ hoài cái cách ông bắt tay thật chặt từng người, lấy điện thoại ra lưu số từng người và dặn dò: “Nhớ hỗ trợ Đà Nẵng, mọi thứ về khởi nghiệp ở đây còn quá sơ khai”. Tôi không tin hai chữ “sơ khai” này mấy, vì lần đầu tiên ở Việt Nam mới thấy có một công ty đầu tư khởi nghiệp được thành lập theo hình thức cổ phần, trong đó vốn nhà nước góp một ít, vốn tư nhân, vốn của các lãnh đạo hội doanh nhân trẻ góp một ít.

“Sơ khai” nhưng họ đang mỗi ngày hoàn thiện hóa cái hệ sinh thái khởi nghiệp - một thuật ngữ thời thượng mà ít có lãnh đạo chính quyền nào đủ quan tâm để dành cho những hạt giống còn... sơ khai này.

3. Nhắc chuyện Nguyễn Hà Đông lại nhớ bức ảnh đang lan truyền nhiều nhất trên Facebook mấy ngày cuối năm, miêu tả cuộc nói chuyện thân tình giữa chàng lập trình viên trẻ tuổi này với tổng giám đốc của Google ở một quán trà đá vỉa hè Hà Nội.

Ông tổng giám đốc của công ty khởi nghiệp bậc nhất thế giới này đến Việt Nam thật sự tạo ra một dư chấn không nhỏ đối với những người trẻ. Tại sao lại là quán trà đá vỉa hè? Tại sao lại là Nguyễn Hà Đông? Tại sao lại Việt Nam?

Bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra, được bàn luận ở mọi nơi. Nhưng có một điều chắc chắn, Google chỉ là một trong số rất nhiều những “cao thủ” đang dạo quanh thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội cho mình ở mảnh đất đang được định nghĩa là “vùng đất của cơ hội khởi nghiệp” Việt Nam này. Còn có một điều chắc chắn hơn là chuyện trà đá vỉa hè này chính là tinh thần của khởi nghiệp: ăn khởi nghiệp, ngủ khởi nghiệp, làm gì cũng thấy khởi nghiệp...

4. Quay lại đường chạy bộ sáng chủ nhật cuối cùng của năm, hỏi thăm những câu chuyện của các bạn sinh viên năm cuối thấy lòng rất hồ hởi.

Lâu lắm rồi, trò chuyện cùng các bạn không còn bị nghe những lo lắng làm thế nào để tìm được việc làm, những nhọc nhằn cơm áo gạo tiền dường như đang lùi dần trong suy nghĩ của một thế hệ người trẻ mới, nhường chỗ cho những nghĩ suy xa hơn, “ngầu” hơn, độc đáo hơn vì họ tin vào bản thân, vào sức trẻ, vào khả năng đóng góp của mình cho nền kinh tế.

Cảm giác rằng họ đang thật sự bước chân vào một tương lai với tư thế của người biết mặc cả cho bản thân mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận