Trích tiểu thuyết Odsun: Tại sao họ không nhóm lò sưởi?

ALEKSEI VARLAMOV 11/12/2024 13:23 GMT+7

TTCT - "Odsun" trong tiếng Czech có nghĩa là trục xuất. Một phần của cuốn tiểu thuyết được dành cho chủ đề người Đức bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc vào năm 1945.

Bốn rưỡi chiều. Hoặc năm giờ kém hai mươi. Không thể muộn hơn. Điện thoại của tôi đã hết pin, nhưng từ nhỏ tôi đã cảm nhận được thời gian, như thể cây kim giây đang chạy vòng trong lồng ngực. Lúc nhanh, lúc chậm, đôi khi nó gây nhột, đôi khi đau đến mức muốn dừng nó lại. Tôi nhìn người đàn ông đối diện mặc áo ghi lê trắng bằng lông nhân tạo, cố nhớ xem đã gặp ông ta ở đâu trước đây. Ông có khuôn mặt gầy gò, vô cảm, phù hợp với dáng người ốm o, trán nhỏ mịn, mũi nhọn, đôi mắt xanh nhạt, bộ ria mép cứng trên đôi môi hếch, mái tóc nâu thưa thớt và không có râu cằm. Không muốn nuôi hay nó không mọc? Trông ông giống một giáo viên không bằng cấp học thuật, một biên tập viên già hay nhà kinh tế, chỉ không giống một linh mục. Tuy nhiên, người ta gọi ông là Cha Jiri và ông là một linh mục Chính thống giáo.

Tại sao họ không nhóm lò sưởi? - Ảnh 1.

Mùa thu. Trang ấp. Tranh I. Levitan

Đất nước Công giáo, mà ông theo Chính thống giáo. Không phải từ khi lọt lòng, ông chỉ mới cải sang đạo của chúng tôi cách đây vài năm và được thụ phong, như cách nói chính xác của các linh mục. Thực ra, trong trường hợp này nên gọi ông là George, nhưng mọi người đều gọi ông là Cha Jiri. Ông không biết tiếng Nga. Ông hiểu tiếng, nhưng không nói được. Ông từng học ở trường lúc nào đó, rồi quên hoặc giả vờ quên. Nhiều người ở đây đã quên tiếng Nga. Và không thích người Nga. Tuy nhiên, về vị linh mục, tôi không biết ông yêu ai và không yêu ai. Chỉ biết cạnh nhà ông có một nhà thờ hình dáng rất kỳ lạ. Nó được làm một nửa bằng kính và trông giống như một kim tự tháp hay chính xác hơn, như một cái lều da, tôi đã thấy một cái như thế cách đây một tháng ở Yamal. Chỉ có điều trên đỉnh của cái lều này là một cây thánh giá. Khi trời mưa, nước chảy xuống những bức tường dày trong suốt. Bên trong, mọi thứ được sắp đặt như trong một nhà thờ: bàn thờ, những ảnh thánh, chân nến, nhưng có cảm giác như thể bạn không đang ở trong một đền thờ mà là trong một bể cá. Hoặc ngược lại, đột nhiên dường như ở đó, sau những bức tường dày này, đã xảy ra một trận đại hồng thủy và kim tự tháp bằng kính đó giống như con thuyền Nô ê cứu rỗi hoặc chốn trú ẩn ngầm, như trong The abyss of Maracot của Conan Doyle, hồi nhỏ tôi đã cùng Petka xem một phim hình chiếu như vậy. Tôi cũng được biết số tiền xây nhà thờ là do một người giàu có giấu tên tặng cho. Điều này thật kỳ lạ, bởi theo tôi, tất cả các vị tài trợ, nhà hảo tâm hiện nay đều chỉ chờ tên mình được khắc vàng ở vị trí nổi bật nhất. Còn người này lại ẩn tránh. Hẳn ông ta là một tên cướp nào đó mà nhà tù đang khóc thương.

Cạnh nhà thờ có một tháp chuông nhưng trong đó không có chuông. Có cảm tưởng như tháp chuông được xây trước và định cho các mục đích khác. Ngôi nhà của vị cha đạo rất bình thường, còn tốt, chỉ hơi cũ kỹ. Những người Đức đã sống trong những ngôi nhà như vậy nhiều thế kỷ cho đến khi họ bị đuổi khỏi đây. Tôi thấy tiếc cho những người Đức này. Về lý thuyết, tôi không nên thông cảm cho họ, đặc biệt là vì họ mà có Hiệp ước Munich (*), gần đây có rất nhiều bài viết về nó, nhưng tôi đồng cảm với họ. Tôi có thể tưởng tượng họ sợ chiến tranh kết thúc như thế nào, toàn bộ các gia đình phải rời bỏ điền trang, nhà thờ, đất thánh ra sao mà thay họ, những người khác được đưa đến ở.

Tuy nhiên, vị linh mục chẳng liên quan gì ở đây. Ông ta mới chuyển cư tới làng cách đây không lâu, mà điền trang bị bỏ trống nhiều năm trước rồi.

Chủ nhân cũ của điền trang là một thẩm phán. Khi người ta trục xuất ông vào năm 1945, ông đã lên gác mái treo cổ tự tử, sau đó bắt đầu hiện ra trước tất cả những ai cố sống trong ngôi nhà này. Rõ là vị linh mục đang sợ hãi. Hoặc không sợ bất cứ điều gì.

Tôi biết được tất cả những điều này từ một người Hy Lạp mà tôi gặp ở quán rượu địa phương "Cóc Xanh" khi đi tìm việc.

- Việc gì cũng được. Rửa bát, chẻ củi, gánh nước, lau dọn.

Quầy bar được bao quanh bởi những chiếc ghế ngộ nghĩnh: trên mỗi lưng ghế đều chạm khắc một khuôn mặt, những chiếc dầm cũ được sơn bằng máu bò đực, trên các bức tường treo những con thú nhồi bông, da và đầu của những con thú bị giết.

- Tôi không cần tiền. Chỉ cần một mái che trên đầu và thức ăn.

- Không thể cư ngụ mà không có giấy phép - Odysseus không đồng ý.

Tôi cũng biết vậy, nhưng phải làm sao nếu bị người ta lừa và không làm những gì họ hứa.

- Tôi là một giáo sư xuất sắc tại Đại học Palacky ở Olomouts, tôi nói một cách thiếu thuyết phục nhưng đầy nghiêm túc - Tôi đến để giảng về lịch sử của chủ nghĩa hậu hiện đại hậu Xô viết. Tôi có một giấy mời, một bằng tốt nghiệp của Đại học Moscow và hai thư giới thiệu.

Thốt lên những lời quan trọng này, tôi chợt nhận ra rằng một người đồng ý với công việc dọn rửa ở Cóc Xanh khó có thể trở thành một giáo sư xuất chúng, mà vẻ ngoài của tôi thì còn lâu mới hàn lâm.

- Chẳng ai quan tâm chuyện này, người Hy Lạp thậm chí không buồn nhìn vào giấy tờ của tôi - Nhưng nếu anh muốn, linh mục có thể giúp.

- Tại sao ông ta lại giúp nếu tôi không liên quan gì đến nhà thờ?

- Tức là chẳng cần liên quan đâu, Ulysses phản đối, rót bia cho một người có khuôn mặt rộng, sưng húp với bộ ria mép dày giống một khuôn mặt gỗ trên lưng ghế - Ở đất nước này, không ai liên quan gì đến nhà thờ cả. Czech là quốc gia phi tôn giáo nhất châu Âu, ông nói thêm đầy ngụ ý, và tôi không hiểu điều gì được trọng vọng hơn trong giọng nói của ông ta - niềm tự hào hay sự tiếc nuối.

Hay thật, ở đâu ra người Hy Lạp trong đất nước Czech lọt thỏm trên cạn này, và ông ta là ai: tín đồ Chính thống giáo, Công giáo, người vô thần, kẻ bất khả tri? Nhưng rõ là không nên hỏi về điều này, và tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đến gặp vị linh mục. Cảnh sát đang lùng sục tôi. Bà chủ khách sạn Slovakia đã thấy hộ chiếu của tôi và có lẽ đã báo cáo rồi. Tôi không phải là dân tị nạn, tôi là người chạy trốn với thị thực đã hết hạn, và cả người này lẫn người kia đều không được chào đón ở đây. Tốt nhất, tôi sẽ bị phạt, tệ nhất - và điều này rất có thể xảy ra - tôi sẽ bị trục xuất về đất nước mà từ đó tôi đã đến đây và là nơi người yêu vĩnh cửu của tôi sinh sống, mà tình yêu của tôi dành cho nàng là đơn phương, tai hại và liều lĩnh. Đó là lý do tại sao tôi đang ngồi trong một ngôi nhà mà bạn không được phép nói về dây thừng, nhìn vị linh mục đáng ngờ, khuôn mặt gầy gò của ông ta và tự hỏi liệu ông ta sẽ xuống tay với tôi ngay hay sau chút nữa.

Còn hiện tại thì chủ nhà, dường như đã chắc rằng tôi sẽ không đi đâu cả, mời tôi hoặc ăn trưa hoặc ăn tối. Điều này quá là may. Tôi không nhớ lần cuối mình được ăn uống đàng hoàng là khi nào. Hay ông ta muốn đầu độc tôi? Vì sao đó mà gần đây tôi hay ngờ vực. Dẫu sao đầu độc vẫn là quá mức. Sẽ dễ dàng hơn nếu tống tôi khỏi cửa. Tuy nhiên, linh mục đã xót thương, khoan hòa, ăn cùng tôi, chỉ còn chưa rửa chân cho tôi - rõ ràng, lòng từ tâm của ông nằm ở chỗ trước khi đuổi kẻ lang thang đi, nên cho hắn ăn cái đã. Thực lòng thì một sự đã cố xảy ra. Tôi đang định vồ lấy thức ăn thì đột nhiên ông đứng dậy, quay về phía ảnh thánh và bắt đầu cầu nguyện. Không quen với việc này, tôi càng cảm thấy xấu hổ, nhưng tôi cũng đặt thìa xuống, đứng dậy và vụng về lặp lại theo ông động tác đưa tay phải từ trán xuống bụng rồi xa hơn sang hai vai, mặc dù điều này hoàn toàn ngu ngốc. Nhất là tính đến việc tôi chưa rửa tội.

Mang thức ăn đến cho chúng tôi là bà vợ linh mục, một phụ nữ rất xinh đẹp, chỉn chu, trẻ hơn chồng rất nhiều. Trông bà như một vưu vật thủ đô bị đẩy vào vùng hoang dã Silesian ở biên giới Ba Lan. Trên gương mặt bà có nét khổ sở. Rõ là viên thẩm phán đã hiện hồn và đứng sau lưng mỗi khi bà rửa bát đĩa cổ, đặt chúng vào chiếc tủ chén bằng gỗ sồi thế kỷ 16.

Rất có thể, chính vì bà vợ mà ngài Jiri cải sang Chính thống giáo. Có lẽ ông đã cảm nhận một ơn gọi nào đó, một thiên chức trở thành linh mục, nhưng linh mục Công giáo không thể sống cùng gia đình. Mà không có gia đình thì thật buồn nếu bạn không phải là tu sĩ. Khi đó đủ loại ham muốn sẽ nảy nòi. Theo nghĩa này, tôi không hiểu mấy ông cha chút nào, mặc dù bản thân đã sống đơn chiếc mười năm và không nhớ khi nào là lần cuối mình ở gần phụ nữ. Nhưng loại suy nghĩ nào hiện lên trong đầu tôi vậy? Thật không phải phép và vô ơn. Trong khi đó, vợ cha đạo lại mang ra những món ăn mới, và tôi thấy mình giống một chiếc ô tô được đổ đầy xăng đắt tiền trước khi lại lao vút trên đường. Chỉ có điều phía trước không có đường, còn lốp xe bị thủng... Bà vợ xinh đẹp của cha đạo nhìn tôi không chút nhiệt thành, cái nhìn buồn rầu trong đôi mắt sâu đen của bà có thể hiểu không cần nói: ăn nhanh rồi cút, đây không phải nhà hàng hoặc lữ quán cho ngươi. Nhưng lúc này ở ngoài đường thật tởm lợm, còn trong phòng thì ấm cúng và mọi thứ trên bàn đều rất ngon, nhà làm... Chỉ thiếu một cái ly, hoặc tốt hơn là một bình rượu toát hơi lạnh. Nhưng tôi rất xấu hổ phải hỏi cha Jiri, còn ông cũng chẳng đoán ra. Lẽ ra tôi nên đứng phắt dậy, nói cảm ơn ông rồi rời đi trong khi ông còn chưa yêu cầu tôi kể về mình, lúc đó tôi sẽ không biết nên nói gì và không nên nói gì. Mà tại sao tôi lại kéo một người xa lạ vào hoàn cảnh u ám của mình?

- Có thể, ông muốn uống bia, vang?

Ông hỏi câu đó bằng tiếng Czech, nhưng tôi hiểu ông. Tôi có thể hiểu câu này kể cả khi ông ta nói bằng tiếng Trung Quốc đi nữa.

- Vang.

- Vang nào?

- Đỏ.

- Frankovka Modra có hợp với ông không? Loại đó cũng được, của Slovakia - Vị linh mục nói thêm với giọng hối lỗi.

- Xin cho loại Slovakia đó (mặc dù từ này mang lại cho tôi cảm giác khó chịu trong bụng).

Đã gần bảy giờ. Thiếu mười hay mười hai phút. Tôi nên cầm cự thêm bốn mươi lăm phút nữa. Tôi chuyển sang ngồi vào chiếc ghế bành lớn gần lò sưởi, uống thứ vang chua - chứ nó còn có thể thế nào? - mắt tôi sụp xuống, ngoài cửa sổ trời tối dần, nghe rõ tiếng gió phương bắc lạnh lẽo hú. Nó đuổi đám mây nặng nề, ẩm ướt từ biển xa vào, mang theo cơn mưa dai dẳng, còn tôi không biết bắt đầu từ đâu, không hiểu liệu có thật là tôi đang kể cho vị linh mục về phiêu lưu ký buồn bã của mình, hay tôi đang nằm mơ. Chai rượu nhanh chóng cạn, vị linh mục mở chai tiếp theo, nhưng ông không uống, còn bên ngoài trời đã tối hẳn, mưa đập vào cửa sổ, đầu tiên là mưa đá, sau biến thành băng mịn, còn tôi tưởng tượng một cơn lốc xoáy khổng lồ ở Scandinavia đã vượt qua biển Baltic và bao trùm một nửa châu Âu, cảm ơn Chúa vì nó. Cảnh sát đang mắc kẹt trên núi, đèn trong toàn bộ nhà đột ngột tắt, bà vợ cha đạo thốt lên từ "Krkonoše" mà tôi không hiểu, cam chịu mang ra những ngọn nến trắng cao. Bà không nhìn tôi nữa, và tôi thấy dễ chịu, điều lâu rồi tôi chưa cảm nhận. "Tivi sắp có phim và họ sẽ không đuổi mình ra ngoài đâu - Tôi nghĩ với lòng biết ơn - Nếu muốn đuổi mình ra ngoài, họ đã làm sớm hơn rồi". Sau tám giờ họ sẽ không đuổi bạn ra ngoài, họ sẽ không dám. Sau tám giờ, theo luật bạn không thể đuổi bất cứ ai ra đường. Ở đây thật ấm cúng làm sao! Chỉ cần họ đốt lò sưởi… Tại sao họ không nhóm lò sưởi nhỉ?"■

Phan Xuân Loan

(trích dịch tiểu thuyết Odsun)

(*) Hiệp ước Munich năm 1938 được Thủ tướng Đức Adolf Hitler, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, Thủ tướng Pháp Edouard Daladier và Thủ tướng Ý Benito Mussolini ký vào đêm 29 và 30-9. Thỏa thuận quy định Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech) sẽ nhượng Sudetenland cho Đức, nơi có hơn 3 triệu người, chủ yếu gốc Đức, sinh sống. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, vào những năm 1945-1946, người Đức đã bị trục xuất khỏi Czech.

Tại sao họ không nhóm lò sưởi? - Ảnh 2.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã đặt giới văn nghệ sĩ Nga trước một lựa chọn: Liệu họ có thể tiếp tục sáng tác "vị nghệ thuật", bỏ qua cuộc chiến đang khiến mỗi ngày hàng chục, hàng trăm binh sĩ Nga lẫn Ukraine bỏ mạng; hay phải "vị nhân sinh", và nếu chọn con đường này, họ nên làm cách nào?

Aleksei Varlamov đã chọn cách đứng về phía những con người lâm vào tình cảnh khó khăn, không lối thoát, do chiến tranh đưa đẩy, bất luận đó là những người Đức bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc sau Thế chiến thứ hai, hay những người Nga bị dọa trục xuất khỏi các quốc gia từng là liên minh với Liên Xô cũ, thậm chí cả những người Ukraine bị vướng vào cuộc đảo chính 2014. Những con người với số phận riêng đã hòa quyện với số phận lịch sử của đất nước họ ra sao? Những tình thế oái oăm, bao bi kịch không lối thoát. Nhưng bên cạnh đó là những vấn đề của người Nga, người Ukraine và người Slav nói chung, trong bối cảnh địa chính trị châu Âu hiện nay.

"Odsun" trong tiếng Czech có nghĩa là trục xuất. Một phần của cuốn tiểu thuyết được dành cho chủ đề người Đức bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc vào năm 1945, và tác giả, không ngừng khái quát một cách đáng báo động và bằng cách nào đó, dần đi đến kết luận rằng cuộc đời của nhiều dân tộc là "odsun". Cuốn sách của Aleksei Varlamov vừa đoạt giải thưởng Sách của năm 2024 ở Nga, hạng mục "Văn xuôi hay nhất".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận