Trò chơi điện tử: Mỏ vàng mới của Hollywood

VĨNH ANH 27/05/2023 06:35 GMT+7

TTCT - Nỗ lực biến trò chơi điện tử (video game) thành phim điện ảnh hoặc phim truyền hình liên tiếp thất bại, cho đến gần đây.

Ngoài Mario và The Last of Us, God of war (phải) cũng sẽ sớm có bản chuyển thể phim.  Ảnh: The Wrap

Ngoài Mario và The Last of Us, God of war (phải) cũng sẽ sớm có bản chuyển thể phim. Ảnh: The Wrap

The Super Mario Bros. Movie đạt mốc 1 tỉ USD tiền vé toàn cầu vào cuối tháng 4, chỉ sau 2 tuần khởi chiếu, và trước đó series phim truyền hình The Last of Us gây sốt trên HBO. 

Cả hai đều là phim chuyển thể từ video game. Chúng khiến giới quan sát tin rằng lời nguyền "thảm họa", vốn đã vận vào không biết bao nhiêu phim muốn khai thác các trò chơi điện tử nổi tiếng, có lẽ đã bị giải.

Lời nguyền "thảm họa"

Bất kể có sự góp mặt của hai tài tử gạo cội Bob Hoskins và John Leguizamo, Super Mario Bros. năm 1993 - bản chuyển thể điện ảnh đầu tiên của trò chơi "ăn nấm" lừng danh - trở thành "bom xịt" và nhiều lần nằm trong danh sách phim dở nhất mọi thời đại. Nguyên nhân thất bại có thể là do hai nam chính say xỉn trong quá trình quay, việc viết lại kịch bản gấp rút trong phút chót, tranh cãi giữa nhà sản xuất và đạo diễn…

Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, đạo diễn Rocky Morton chia sẻ nguyên nhân chính do thiếu sự gắn kết giữa nhà làm phim và đội ngũ sáng tạo game. Dù đã gặp Shigeru Miyamoto - nhà thiết kế game, cha đẻ của Mario - trước quá trình sản xuất phim, Morton đã không đưa ông vào đội ngũ sản xuất của mình, và đó chính là nuối tiếc lớn trước sự thất bại của phim.

Sau đó, hàng loạt phim chuyển thể từ video game ra đời như Double Dragon (1994, từ trò chơi một thời để nhớ mà người Việt quen gọi là "Song long"), Assassin's Creed (2016, từ series game sát thủ cùng tên); 3 phần phim Tomb Raider (2001, 2003, 2018)... Không có phim nào trong đây gọi là thành công. 

Hãy xem Rottentomatoes nói gì về chúng: "Việc xài kỹ xảo tài tình không che đậy được đường dây câu chuyện sơ sài và lời thoại sến súa" (Double Dragon); "Angelina Jolie hoàn hảo cho vai Lara Croft, nhưng ngay cả cô cũng không cứu nổi bộ phim khỏi kịch bản vô tri và các chuỗi hành động không đọng lại cảm xúc gì" (Tomb Raider 2001).

Alicia Vikander trong vai Lara (Tomb Raider, 2018) và bản game năm 2013. Ảnh: Metro -Goldwyn-Mayer, Square Enix

Alicia Vikander trong vai Lara (Tomb Raider, 2018) và bản game năm 2013. Ảnh: Metro -Goldwyn-Mayer, Square Enix

Với những nhà làm phim, việc chuyển thể game thành điện ảnh xuất phát đơn thuần từ việc bản thân họ muốn thử sức đưa trò chơi yêu thích của mình lên màn ảnh, như trường hợp của Rocky Morton với game Mario. 

Việc video game có sẵn những nhân vật ngoại hình độc đáo, cá tính đặc biệt và hành trình bản thân đặc sắc bên cạnh những pha chiến đấu kịch tính cũng khiến việc chuyển thể được trông chờ là hấp dẫn hơn nhiều. Điều này đáp ứng nhu cầu "khát" những câu chuyện cao trào, phiêu lưu của thị trường điện ảnh Hollywood. Và sự thành công của một dòng video game hứa hẹn rằng phiên bản điện ảnh sẽ thu hút nhiều fan của dòng game đến rạp.

Tuy nhiên, việc game lên màn ảnh sao cho thuyết phục lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Không giống với dòng phim chuyển thể từ truyện tranh (comic), vốn có sẵn yếu tố tự sự và phát triển nhân vật, game được sản xuất để phục vụ người chơi và cách kể chuyện khác với truyện và điện ảnh. 

Bất kể chất liệu nhân vật và hình ảnh đủ tốt để phục vụ cho màn ảnh, câu chuyện về nhân vật khi điện ảnh hóa phải được phát triển phong phú và có chiều sâu hơn. Đó là điều mà các phim chuyển thể trước đây còn thiếu.

Một nguyên nhân khác: trước khi khán giả biết đến các phim hoạt hình Angry Birds Movie (2016) hay series Arcane, chuyển từ trò chơi đình đám League of legends, trên Netflix (2021), trong giai đoạn 1990-2000, phim chuyển thể từ video game luôn được quy định phải do người đóng và gán mác PG-13, theo trang Collider. Điều này dẫn đến giới hạn về lượng khán giả, và với live-action, nguy cơ phá hỏng hình ảnh game trong mắt những người từng chơi là rất lớn.

Các nhân vật game trong tầm ngắm chuyển thể thành phim của Netflix.  Ảnh: whats-on-netflix.com

Các nhân vật game trong tầm ngắm chuyển thể thành phim của Netflix. Ảnh: whats-on-netflix.com

Cần sự đồng điệu

Vài năm gần đây, việc đưa game sang phim có vẻ khả quan hơn. Tomb Raider (2018) và Mortal Kombat (2021) cùng được Rottentomatoes chấm trên 53%. Rồi đến thành công rực rỡ của The Super Mario Bros. Movie và The Last of Us. Đâu là điều tạo nên khác biệt?

Trả lời Đài PBS (Mỹ) hồi tháng 4, Geoff Keighley, nhà sản xuất kiêm MC của The Game Awards (sự kiện hằng năm tôn vinh những thành tựu trong ngành công nghiệp video game), cho rằng tín hiệu đáng mừng là những người sáng tạo game đã bắt đầu tham gia với Hollywood hỗ trợ việc biên kịch, đạo diễn và sáng tạo thế giới trong các dự án chuyển thể. 

Điều này giúp sản phẩm cuối cùng chân thật với người đã chơi game, nhưng cũng tạo ra thế giới phong phú, chi tiết với những người chưa chơi, thậm chí không hề biết gì về game gốc.

"Phim ảnh có cách truyền tải khác với video game. Những chuyển thể này không thể chỉ nhắm vào việc phục vụ chu đáo những fan trung thành. Chúng phải kể được câu chuyện hay và gây được tiếng vang trước khán giả đại chúng nữa" - Donna Langley, chủ tịch của Universal Pictures, đơn vị phát hành Super Mario Bros. Movie 2023, nói với tạp chí Variety.

Mario (2013) và Mario (2023)

Mario (2013) và Mario (2023)

Với bản phim 1993, Miyamoto thừa nhận người hâm mộ phẫn nộ và tức giận vì hãng phim đã không đối xử công bằng với sản phẩm gốc. Chính vì vậy, khi bắt tay lại với bản hoạt hình năm nay, Miyamoto và Meledandri - người đứng sau thành công của loạt phim Minions - đã trao đổi kỹ càng.

Meledandri và con trai ông cũng có sự kết nối đặc biệt game Mario vào những năm 1990. Với Miyamoto, bộ phim phải bật lên nỗi đau khổ và niềm vui sướng trong quá trình vượt thử thách khi chơi trò chơi điện tử. Còn với Meledandri, Mario là một dấu mốc ảnh hưởng trong cuộc đời ông khi nhìn thấy gương mặt bừng sáng của cậu con trai trước trò chơi này.

Sự kết nối cảm xúc của nhà làm phim với game, cùng tầm nhìn về trải nghiệm game của nhà sản xuất, đã khiến The Super Mario Bros. Movie trở thành câu chuyện tuyệt vời, xoay quanh chuyện Mario vừa giúp công chúa Peach ngăn âm mưu độc chiếm thế giới của vua rùa Bowser, vừa tìm cách cứu em trai.

Miyamoto cho rằng nếu chăm chăm vào cốt truyện game, bộ phim sẽ không hay. "Chúng tôi nhận ra mỗi fan của game đều có một Mario trong mình, và nhân vật chính là biểu tượng cho mỗi người chơi đấy" - ông giải thích. Chính việc lồng ghép những câu chuyện cảm xúc của người chơi game và những chi tiết vui nhộn đã khiến Super Mario Bros có được hành trình phiêu lưu hấp dẫn không kém.

Điều này cũng lý giải cho thành công của The Last of Us series 9 tập về thế giới hậu tận thế khi loài người bị vi rút bí ẩn biến thành xác sống của HBO, chuyển thể từ game cùng tên phát hành năm 2013 cho hệ máy Playstation.

Last of Us bản phim (trái) và game.

Last of Us bản phim (trái) và game.

Tác phẩm truyền hình là sự đầu tư kỳ công giữa nhà sản xuất phim và người làm game. Lợi thế ban đầu là Craig Mazin, đồng sáng tạo loạt phim, cũng là fan của game này. Khi nhận lời đề nghị của HBO, Craig đắn đo suy nghĩ cách để chuyển thể phim sao cho trung thực nhất với game. 

Bộ phim là sự thành công với khán giả trung thành với game khi có những cảnh phim lấy từ game, vốn là "những khoảnh khắc quan trọng mang tính biểu tượng trong trò chơi", đồng thời thu hút những người chưa bao giờ chơi nhờ lối kể chuyện cuốn hút. 

Sau thành công của phiên bản điện ảnh, tựa game The Last of Us leo lên vị trí nhất bảng doanh thu trên Amazon do nhiều người muốn khám phá nó sau khi mê mẩn bộ phim và bất ngờ khi biết về trò chơi gốc.

Phim từ game thay phim từ comic?

Từ năm 2008 đến năm 2019, phim chuyển thể từ comic từ Marvel, DC, Sony luôn thu hút đông đảo fan, đặc biệt là dòng phim siêu anh hùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này bắt đầu thoái trào. Sự thất bại gần đây của các sản phẩm như Black Adam, Wonder Woman hay Morbius, Shazam là ví dụ.

Dù dư địa phát triển cho mảng này vẫn còn, nhưng khán giả cảm thấy đang bão hòa trước lối kể chuyện nhàm chán, sự hài hước gượng gạo, đầu tư nhiều kỹ xảo nhưng thiếu chất lượng về nội dung. Công thức kể chuyện cũ kỹ - giới thiệu nhân vật chính diện, phản diện, pha hài hước gượng gạo, câu chuyện tình yêu và phần post credit khiến phim dần nhàm chán.

Theo khảo sát của Morning Consult, tỉ lệ người thực sự yêu thích dòng phim siêu anh hùng đã giảm sút so với một năm trước. Số fan của dòng phim Marvel cũng giảm từ 87% xuống 82%. Để tồn tại tốt hơn trong thị trường điện ảnh, nhà làm phim cần có những câu chuyện tốt hơn về hành trình nội tâm của nhân vật - như trường hợp thành công của The Batman và Joker.

Sau thành công của Arcane, Geoff Keighley nhận định, trong vòng 3-4 năm tới, chuyển thể phim từ video game cũng phổ biến như các dòng truyện siêu anh hùng. Amazon và Netflix đang đầu tư rất nhiều vào phim chuyển thể từ trò chơi điện tử.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận