Trời cho một nghiệp chơi với đất…

LÊ THIẾT CƯƠNG 23/10/2018 04:10 GMT+7

TTCT - ​Cùng là gốm nhưng mỗi người có một duyên nợ gốm riêng của mình: Nguyễn Trọng Đoan là gốm sành và điêu khắc bằng chất liệu sành. Nguyễn Bảo Toàn là gốm và gốm/điêu khắc. Họ là những gương mặt tiêu biểu của gốm mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là những nghệ sĩ gốm cuối cùng của thế hệ đầu làm gốm.

Tác phẩm của Trọng Đoan
Tác phẩm của Trọng Đoan

 Dấu ấn của Nguyễn Trọng Đoan trong gốm mỹ thuật Việt Nam hiện đại là gốm sành và điêu khắc gốm. Không có con đường nào đi đến hiện đại đẹp bằng con đường đi từ truyền thống và không bao giờ có đường tắt đi đến hiện đại.

Nguyễn Trọng Đoan hiểu rằng đi đến tận cùng của truyền thống thì sẽ gặp hiện đại. Khởi từ những cái ga - làng gốm cổ truyền ở vùng châu thổ sông Hồng như Hương Canh, Phù Lãng, Thổ Hà, Cậy... để đi đến bến hiện đại, có cảm giác ông không thêm bớt gì nhiều về mặt tạo dáng.

Vẫn những lu, chum, vại, thạp, ang mang dáng dấp của những đồ dùng văn minh nông nghiệp gợi đến cái hom, cái giỏ, bồ thóc, nơm cá... Vẫn nguyên các sắc nâu đặc trưng ấy của đất nung, của sành, của “gốm không men” nhưng chả hiểu sao gốm - sành của ông lại hiện đại thế, mê dụ thế. Một nhà quê sang trọng, một nhà quê qua bàn tay của Nguyễn Trọng Đoan đã thành hiện đại.

Đặc trưng trong các tác phẩm gốm của Nguyễn Trọng Đoan là phần hình vẽ trên bề mặt gốm, khi là vẽ, khi khắc vạch, khi đắp nổi... song hành cùng gốm chứ không phải là thêm vào, không phải là phần minh họa cho gốm.

Khối hình trong điêu khắc của Nguyễn Trọng Đoan chắc khỏe, xù xì, gân guốc, thô tháp, vạm vỡ và nặng. Kỹ lưỡng, chắt lọc, súc tích nhưng không tỉ mẩn. Dù là mảng điêu khắc về những con vật như hổ, gà, rắn... hay những tác phẩm có tên chung là bố cục thì vẫn chỉ là gợi ý, gợi khối chứ không phải loại điêu khắc tả kể.

Tác phẩm của Trọng Đoan
Tác phẩm của Trọng Đoan

 Cách điêu khắc bằng chất liệu gốm khác hẳn với Nguyễn Bảo Toàn là gốm điêu khắc. Trời sinh tạng tính của Nguyễn Bảo Toàn là người ưa mộc mạc, thô phác, giản dị, dân dã... Người sao gốm vậy, gốm Bảo Toàn là vẻ đẹp của thô nhám, dầy dặn, của vẹo vọ, méo mó, nôm na quê mùa, hồn hậu, chất phác.

Tác phẩm Hổ của Bảo Toàn
Tác phẩm Hổ của Bảo Toàn

Điểm khác biệt nhất của Nguyễn Bảo Toàn là cách tạo hình gốm bằng kỹ thuật vuốt tay trên bàn xoay. Muốn làm gì thì vẫn phải trên cái “thân” ấy, rồi sau đó mới thêm bớt “cành” để thành tác phẩm. Ví dụ: sau khi đã vuốt tay một khối trụ làm gốc, Bảo Toàn có thể bóp, nặn, đắp, khắc vạch, cắt để thành cái ấm, cái đèn, cái điếu, chầy cối hoặc con hổ, con ngựa...

Ngựa - Bảo Toàn
Ngựa - Bảo Toàn

 Nguyễn Bảo Toàn đặt cược đời gốm của mình vào quan niệm này. Ông như nhất với nó từ ngày đầu đến hôm nay. Những niêu đất thổi cơm được xếp chồng lên nhau để tạo thành con cóc trong tác phẩm gốm “Cậu”, những đèn dầu được tổ hợp lại thành một kiểu đèn treo ngũ sắc (1993) đến những con chó, ngựa, hổ (2018)...

Cái gọi là tay nghề, là kỹ thuật, kỹ năng vuốt nặn, củi lửa, men thuốc đã nhuyễn vào tác phẩm, không còn thấy cố tình, cố ý. Vì vậy, gốm của Bảo Toàn gần tự nhiên, như thể nó vốn vậy, vẫn ở đấy như hoa nở, như mây trôi, như ngọn gió, như một cơn mưa. Không cần phải hiểu, không cần lý giải.

Nguyễn Trọng Đoan và Nguyễn Bảo Toàn, vì thế, là những cây cầu nối truyền thống gốm hơn ngàn tuổi của người Việt với nghệ thuật hiện đại, nối gốm mỹ thuật Việt Nam hiện đại với thế giới. ■

Ngựa - Bảo Toàn
Ngựa - Bảo Toàn
Ngựa - Bảo Toàn
Ngựa - Bảo Toàn
Trọng Đoan
Trọng Đoan
Trọng Đoan
Trọng Đoan

 Triển lãm GỐM ĐOAN - BẢO TOÀN của hai tác giả Nguyễn Bảo Toàn và Nguyễn Trọng Đoan trưng bày hơn 120 tác phẩm (Bảo Toàn có khoảng 50 tác phẩm gốm, 9 tranh giấy xuyến chỉ 35x137cm, Trọng Đoan có khoảng 70 tác phẩm gốm), diễn ra từ ngày 19 đến 26-10-2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận