Trong đám đông tôi nhìn thấy người tốt nhiều hơn 

LÊ NGỌC HẠNH 17/06/2015 21:06 GMT+7

Mỗi ngày tôi vẫn nhìn thấy điều tốt đẹp diễn ra xung quanh mình nhiều hơn là những chuyện xấu. Những điều tốt đẹp mà không có những video clip vô tình ghi lại nên mọi người không có dịp để gọi đó là “sự kiện hiếm hoi”...

Ông Isao Hayashi và công nhân tại cơ sở. Ảnh:Lê Ngọc Hạnh

1. Tôi muốn kể câu chuyện về một người đàn ông Nhật tên Isao Hayashi, 62 tuổi, sang Việt Nam làm ăn đã hơn 20 năm, mở công ty kinh doanh mấy bận đều bị thua lỗ đến phá sản. Một vài cộng sự người Việt đã cơ hội, lợi dụng lòng tốt và sự tin tưởng của ông. Người luật sư riêng khuyên ông không nên ở lại Việt Nam mà về nước cho “an toàn”.

Thế nhưng chẳng những không chịu về nước mà ông còn chuyển hướng sang làm... công tác xã hội. Gom số vốn liếng ít ỏi còn lại, ông thuê mặt bằng lập một cơ sở tạo việc làm cho người khuyết tật. Từ một doanh nhân, đi ôtô, ông “xuống” thành ông chủ cơ sở cưỡi chiếc xe máy cà tàng. Hằng ngày ông đến bệnh viện xin cơm từ thiện về cho những “đứa con khuyết tật” người Việt Nam.

Cơ sở còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh vậy mà khi những người bạn Nhật đến thăm cơ sở có nhã ý muốn giúp đỡ, ông lại giới thiệu bạn bè của ông sang những cơ sở nhân đạo khác. Ông bảo: “Nhiều cơ sở nhân đạo nuôi trẻ mồ côi còn khổ hơn chỗ tôi. Hãy đến đó giúp đỡ họ!”.

Tôi “thông tin” một số tiêu cực của cơ sở nhân đạo X, ngụ ý muốn khuyên ông đừng đặt niềm tin nhầm chỗ. Không ngờ bị ông phản ứng không vui, rằng người Nhật không thích nói xấu người khác. Nếu nói xấu người khác thì chính người đó cũng là người không tốt...

Có một lần tôi đã hỏi ông rằng: Tại sao bị những người Việt Nam “chơi xấu” vậy ông không giận mà còn giúp đỡ lại người Việt Nam? Rằng tại sao ông không về nước cho yên thân mà phải ở lại “đèo bồng” những mảnh đời bất hạnh này cho khổ thân?

Ông đã chậm rãi từng lời với tôi rằng: “Ở bất kỳ một đất nước, một xã hội nào cũng có người tốt, người xấu. Tôi đã có 60 năm sống cho bản thân mình rồi, nên quãng đời còn lại tôi muốn cống hiến cho cộng đồng, cho những mảnh đời bất hạnh trên đất nước của các bạn!”.

Hàng hóa công nhân làm ra ông tiêu thụ bằng cách đi ký gửi ở những ngôi chùa. Người bán bán được bao nhiêu thì trả tiền cho ông bấy nhiêu. Tôi giúp ông đi chào mẫu, xin ký gửi hàng bán ở nhiều nơi nhưng đến nơi nào hầu như cũng đều nhận được cái lắc đầu, thờ ơ của những người chủ cửa hàng.

Đến nỗi ông đã thốt lên một cách kinh ngạc rằng: “Tại sao? Tại sao họ lại không nhận? Tôi chỉ xin gửi hàng ở đấy! Tại sao người Việt Nam lại không thể giúp đỡ người Việt Nam?”. Tôi chỉ biết... ngậm tăm! Chẳng biết giải thích với ông như thế nào. Nhìn ông tỏ ra thất vọng trước sự thờ ơ, vô cảm của một số chủ cửa hàng khi nghe tôi giới thiệu về sản phẩm, về những phận người làm việc tại cơ sở nhân đạo của ông mà tôi cũng chẳng biết làm gì hơn!

Khổ nỗi, khó khăn chồng chất khó khăn vậy mà ông không bỏ cuộc. Ông vẫn cố gắng duy trì cơ sở được gần ba năm nay. Ngày ngày ông vẫn đi xin cơm, rồi đi tìm mối bán hàng chỉ vì: “Bỏ tụi nhỏ không đành!”.

Ông còn một ước mơ ở thì tương lai gần là “mong tụi nhỏ có việc làm và thu nhập ổn định”, để mỗi cuối tuần ông được thảnh thơi đến những ngôi chùa trên khắp đất nước Việt Nam nấu những bữa ăn phục vụ cho người nghèo và một tương lai hơi xa rằng ông mong muốn khi cuối đời được “nằm lại” ở Việt Nam!

Khi thực hiện bài viết này cũng là lúc tôi nhận được thông tin từ người trợ lý P.T.T.T. của ông rằng ông mới vừa nhờ cô ấy bán đi món đồ kỷ niệm 20 năm là một sợi dây chuyền vàng để xoay xở tiền lương cho công nhân!

2. Ba má tôi sống ở quê. Thi thoảng về nhà tôi hay nghe má tôi kể những câu chuyện thường ngày. Hôm thì bà kể bữa nay đi xe buýt được cậu thanh niên nhường ghế. Hôm khác thì bà khoe: “Bữa nay má được đi xe hơi”. Rằng má tôi đứng đón xe buýt thì được một người tốt bụng đi ôtô cho quá giang.

Có hôm thì má tôi kể chuyện ba tôi đi ăn giỗ. Trời mưa xe máy bị lún lầy, may nhờ có người tốt bụng trên đường đưa giúp cả người và xe về nhà... Hằng ngày, cuộc sống diễn ra mọi buồn vui, chuyện tốt xấu gì má tôi cũng chờ tôi về mang ra kể. Chuyện tốt thì má tôi kể giọng hớn hở, chuyện không vui kể xong má tôi thở dài.

Cũng có bữa tôi nghe bà than phiền: “Bữa nay lên xe buýt, có cậu thanh niên thấy bà già lên xe mà ngồi trơ trơ, không thèm nhường ghế”. Hoặc: “Cái quân ác ôn. Bà già nghèo khổ đi bán vé số vậy mà cũng cướp vé số cho được...”.

Tôi sống và làm việc ở phố. Những chuyện thường ngày trên đường tôi đi qua và hay nhìn thấy như những bình trà đá miễn phí hai bên đường, anh xe ôm chở giúp bà cụ đi lạc về nhà, người bán tạp hóa đưa giúp chị bán vé số mù sang đường, những người chủ cửa hàng không bán ve chai mà để dành giấy vụn cho bà cụ sống bằng nghề lượm rác, cậu sinh viên phục vụ bàn trả lại điện thoại cho khách bỏ quên, anh thanh niên giúp đưa người bị tai nạn đến bệnh viện, chị bán cơm mỗi ngày tặng bà cụ bán vé số một đĩa cơm, cô thợ may nhiều năm may đồng phục tặng các em học sinh nghèo...

Mỗi ngày tôi vẫn nhìn thấy điều tốt đẹp diễn ra xung quanh mình nhiều hơn là những chuyện xấu. Những điều tốt đẹp mà không có những video clip vô tình ghi lại nên mọi người không có dịp để gọi đó là “sự kiện hiếm hoi”...

Tôi chia sẻ những câu chuyện này để mong mọi người có niềm tin rằng xã hội còn rất nhiều người sống tốt. Những người sống tốt một cách lặng lẽ mà không cần vinh danh, không màng đến thiên hạ nói gì về mình.

Đừng nhìn cuộc sống một cách bi quan. Hãy mở lòng và chia sẻ với cộng đồng để xã hội được thay đổi ngày càng tốt hơn. Như vụ những người “hôi bia” xấu hổ ở Đồng Nai hôm nào. Sau khi bị dư luận ào ào “ném đá”, đến nay có nhiều vụ tương tự như xe lật đổ bia, xe nghiêng đổ sữa xảy ra... nhưng đâu còn một ai màng đến chuyện hôi của nữa, mỗi người một tay cùng giúp đỡ tài xế thu lượm...

 

3. Một chặng đường dài trong suốt hành trình của cuộc đời, ít nhiều gì ai cũng từng có lần nhận được sự giúp đỡ của người khác. Tôi cũng không là ngoại lệ. Cho nên tôi nhìn đám đông và hình dung ở đó có nhiều người tốt hơn là người xấu để tự tin mà sống và làm việc.

Bản thân tôi cũng chưa phải là một cá nhân hoàn hảo. Nhưng một ngày trôi qua mà không làm được việc gì có ích tôi luôn cảm thấy ngày đó nhạt nhẽo. Tôi cố gắng sống tốt để có thể cảm nhận giá trị của bản thân, để hoàn thiện mình hơn.

Chia sẻ với mọi người dù là những điều nhỏ nhặt cũng là cách tôi cảm ơn những người tốt bụng đã giúp đỡ người thân của mình mà tôi chưa hề biết mặt. Sống tốt là cách tôi trả ơn cuộc đời này và cũng là để những ngày trôi qua của mình không vô nghĩa, để cuộc sống của mình được trọn vẹn hơn.

“Ném đá” những điều tốt đẹp chính là làm mất đi cơ hội hoàn thiện bản thân. Nói theo nhà Phật là mất cơ hội để “tạo phước”...

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận