​Trồng rau “du mục”

LÊ NGỌC HẠNH 13/03/2015 02:03 GMT+7

Đầu năm chạy lang thang trên đường, qua mấy con hẻm thưa nhà phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) bắt gặp hình ảnh một bà cụ và một cậu trai trẻ cặm cụi bên mấy thửa rau xanh mởn. Cũng vừa kịp nhận ra đấy là hai mẹ con bà cụ lưng còng và anh khờ thường ngày hay bán rau ở ngôi chợ nhỏ Phú Hòa.

Bà cụ lưng còng và anh con trai “cả đời sống nhờ đất” (ảnh chụp tại phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ảnh:L.N.H.

Rồi nhớ đến chuyện buồn cười năm cũ. Gọi là năm cũ nhưng cũng mới vừa mươi ngày hôm trước tết đây thôi. Ấy là cái hôm bà cụ đang lui cui cân rau cho khách thì bất thình lình anh khờ đưa cái còi lên miệng thổi hoét... hoét... hoét.

Ngay lập tức, mấy cô, mấy chị hàng rong hè nhau bê đồ chạy tán loạn. Xong đâu đấy, định thần lại chẳng thấy bóng dáng mấy chú trật tự thường ngày hay dẹp chợ đâu mà chỉ thấy anh khờ đang cắn cái còi tu huýt trên miệng nhe răng cười!

Giận anh khờ nhưng chẳng ai mắng lấy một câu bởi hai mẹ con bà cụ là “tiểu thương” chuyên cung cấp rau sạch được ưu ái nhất chợ. Họ hay nói với nhau rằng bà cụ có thằng con khờ khờ. Bị khùng nhưng là “khùng hiền”, khùng mà biết hiếu thảo!

Giờ thì hình ảnh anh khờ đeo toòng teng cái tu huýt trên cổ theo mẹ ra chợ bán rau đã quen lắm. Từ sau cái hôm anh khờ “dẹp chợ”, giờ mỗi khi nghe tiếng tu huýt nổi lên là mọi người đưa mắt tìm xem có phải tiếng còi phát ra từ anh khờ không rồi mới bê đồ chạy...

Bà cụ gốc người Nam Định, sắp sửa bước sang tuổi bảy mươi nhưng trông như đã già lắm. Cái lưng còng do hồi còn trẻ bà từng là công nhân cõng đá. Cái xe đạp đẩy rau cũng là “cái gậy” cho bà chèo chống mỗi buổi ra chợ.

Anh con trai thì sắp sang tuổi bốn mươi, nhưng sáng nào hai tay cũng nắm cái baga xe lẽo đẽo theo mẹ ra chợ hệt như trẻ lên ba. Hơn hai mươi năm vào Nam, cả nhà bà vẫn cứ loanh quanh đời trọ. Từ Vũng Tàu, Đồng Nai rồi đến Bình Dương. Hễ “neo” lại nơi nào thì nơi ấy xung quanh phải có mấy đám đất trống.

Bà cụ nhẹ nhàng kể chuyện: “Cả đời bà sống là nhờ đất, không có đất bà sống không nổi đâu cháu à! Anh Bột lớn tuổi rồi nhưng còn khờ lắm! Được cái Bột ngoan và chăm chỉ, chẳng bao giờ chịu ngồi không. Cuốc đất, cắt cỏ khô, tưới rau, chăm bố...

Ngày nào đi bỏ rác Bột đều ghé ngang từng nhà hỏi thăm để mang rác ra đầu đường giúp mọi người. Bột chẳng nề hà chuyện gì. Bột ngoan nhưng khờ vậy nên đâu có xí nghiệp nào dám nhận vào làm. Vậy nên bà mới phải đi tìm chỗ có đất để sinh sống cháu ạ!”.

Mười mấy thửa rau trước và hai bên hông nhà, thửa mới gieo mầm, thửa vừa mới nhú, thửa cao tày gang tay. Vừa nhổ thửa này, bà cụ lại gieo ngay thửa khác để xoay vòng, sao cho ngày nào cũng có rau mang ra chợ. Ông cụ bệnh nằm một chỗ.

Tiền nhà trọ, tiền đong gạo, đủ thứ tiền cần phải chi đều nằm cả trong mấy thửa rau mọc nhờ trên đất của người khác. Những mầm cải xanh non ngoi lên từ những nền đất “đóng băng” hoang hoải, khô cằn qua bàn tay lao động chăm chỉ của bà cụ lưng còng và anh con trai khờ thành thứ rau sạch mỗi ngày hai mẹ con bà mang đến cho đời.

Bên chén trà, dưới bóng cây trứng cá, câu chuyện đầu năm với bà cụ lưng còng là chuyện về tình người với đất. Chuyên sống bằng nghề trồng rau trên những thửa đất bỏ hoang nên có bấy nhiêu nỗi niềm bà đều dành hết cho đất.

“Hơn hai mươi năm bà toàn sống nhờ trên đất của người khác. Cứ đến nơi nào có đất bỏ trống thì bà lại xin người ta khai hoang để gieo trồng. Chừng khi người ta đến xây nhà bà lại dọn đi. Mới vừa bén hơi đó lại phải lìa xa cháu à!”. Nghe bà nói, tôi liên tưởng đến cuộc đời những người du mục. Nhưng khác họ, mẹ con bà là những người “du mục” trong thành phố.

Nên tết cũng như ngày thường, tôi thấy bà cụ và anh khờ cứ lụi hụi bên mấy thửa rau mà chưa biết bao giờ sẽ lại phải lìa xa...

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận