TTCT - Sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế ở Trung Quốc, nhiều thành phố ở nước đông dân nhất thế giới đã cho phép bán hàng rong trở lại, tạo cơ hội việc làm và mang lại sinh khí sau thời gian dài cách ly xã hội. Đầu tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi người thất nghiệp bán hàng rong để đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo cũ. Kinh tế vỉa hè được bật đèn xanh ở nước này sau bao nhiêu năm bị cấm đoán. Mua đồ ăn sáng ở Thành Đô. Ảnh: Harry Chen Kinh tế vỉa hè nở rộ Thành Đô là thành phố đầu tiên cho phép bán hàng vỉa hè vào tháng 3 năm nay tại những khu vực được quy hoạch trong khu dân cư, điểm bán hàng lưu động, cho phép cửa hàng được bày bán trước cửa tiệm, với điều kiện không chiếm dụng làn đường cho người khiếm thị, hành lang phòng cháy chữa cháy và không xâm hại quyền lợi người khác, thời gian kinh doanh từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Sau 2 tháng hoạt động, thành phố báo cáo đã tạo hơn 100.000 việc làm cho người dân, quy hoạch nhiều khu bán hàng tạm thời. Không lâu sau, Hà Nam, Chiết Giang, Giang Tô đều cho phép người dân sử dụng một phần lòng lề đường để bán hàng rong. Thành phố Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, đến tháng 4 đã có 3.400 quầy bán vỉa hè, chủ yếu tập trung bán đồ ăn sáng hay ở chợ đêm và lề đường, trong đó số quầy hàng mới đăng ký là 1.410 quầy. Thực tế, kinh tế vỉa hè có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Thập niên 1970 và 1980, hàng triệu thanh niên trí thức từ nông thôn quay về thành phố không tìm được việc làm, nhiều người đã chọn bán hàng vỉa hè, bán tạp hóa qua ngày. Đó chính là những hộ cá thể đầu tiên ở các thành phố, đi tiên phong trong quá trình đổi mới kinh tế. Sau năm 1990, cùng làn sóng giảm biên chế khu vực nhà nước, ngày càng nhiều người kiếm sống bằng nghề bán hàng trên vỉa hè. Đến thế kỷ 21, do trong mắt giới chức quản lý bán hàng trên vỉa hè chiếm dụng lòng lề đường, không đảm bảo an toàn thực phẩm, chính quyền nhiều thành phố bắt đầu thực hiện công tác “chấn chỉnh quản lý đô thị”. Từng xảy ra rất nhiều vụ quản lý thị trường mâu thuẫn, đánh nhau với người bán hàng vỉa hè. Cư dân mạng đa phần ủng hộ chính sách kinh tế vỉa hè của chính phủ, vì bán hàng rong không cần đóng thuế, không cần thuê mặt bằng, đó là hai khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Lục Danh, giáo sư ĐH Giao thông Thượng Hải, phân tích: Thành phố là của dân, một đô thị lớn được cấu thành bởi nhiều yếu tố, một mặt phải sạch sẽ văn minh, nhưng mặt khác không thể bỏ qua chức năng tối quan trọng là tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Một thành phố lấy dân làm gốc thì phải cân nhắc đến nhu cầu thực tế đó. “Tôi không cho rằng kinh tế vỉa hè mâu thuẫn với thành phố văn minh, quan trọng là định nghĩa văn minh như thế nào?” - giáo sư Lục bày tỏ quan niệm trên tờ Nam Phương Cuối Tuần. Văn phòng Ủy ban chỉ đạo xây dựng văn minh trung ương hồi giữa tháng 5 đã ra thông báo “Kinh doanh, họp chợ giữa lòng lề đường, bán hàng rong sẽ không đưa vào nội dung đánh giá thành phố văn minh trong năm nay”. Phương thức đánh giá mới của ủy ban được người dân đánh giá cao, xem như một cách bảo đảm nhu cầu dân sinh, khôi phục trật tự kinh tế xã hội, thỏa mãn nhu cầu thực tế cuộc sống, tờ Thanh Niên Bắc Kinh nhận định. Ý kiến trái chiều Ông Trịnh - một người từng bán hàng rong nay hoạt động trong ngành dịch vụ ăn uống ở Ngân Xuyên, Ninh Hạ - cho biết rất vui mừng khi nghe tin được phép bán hàng vỉa hè. Trước đây do suốt ngày phải chơi trò “trốn tìm” với quản lý đô thị nên ông khó kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có chủ cửa hàng ăn uống cho rằng việc cho phép bán hàng vỉa hè vừa có lợi vừa có hại. Người dân tiện lợi hơn khi mua sắm, nhưng đối với những người kinh doanh có thuê cửa hàng, có đóng thuế thì đó là sự cạnh tranh bất bình đẳng, theo nxnews.net. Rất nhiều người đã sống được nhờ kinh tế vỉa hè. Như ông Trương thất nghiệp sau mùa dịch đang cùng vợ bán hàng tại chợ đêm gần công viên Hỏa Long ở khu Bạch Vân, Quảng Châu. Lúc làm nhà máy lương ông khoảng 5.000 tệ/tháng, giờ bán chợ đêm được mấy trăm tệ/ngày, hôm nào bán đắt còn hơn đi làm công. Sơn Đông đã có một cuộc điều tra về ý muốn bán hàng vỉa hè của những người đang tại chức. Theo điều tra của trang tuyển dụng qilurencai.com, 23,53% người có việc làm có ý định kiêm thêm bán hàng vỉa hè; 30,21% đang xem xét; 18,84% đã tham gia bán hàng rong. Nhìn chung, đa số người tại chức ở Sơn Đông ủng hộ bán hàng vỉa hè, chỉ có 27,42% không hứng thú. Lý do là bán hàng vỉa hè cũng không phải việc dễ dàng, vừa tan làm đã phải đi dọn hàng, bán đến đêm, sáng hôm sau lại đi làm, còn phải nhập hàng, tính toán... Bán hàng vỉa hè cũng rất vất vả chứ không dễ kiếm tiền như nhiều người nghĩ. Bắt đầu giảm nhiệt? Sau hơn 1 tháng được thủ tướng khuyến khích phát triển kinh tế vỉa hè, số người bán hàng ở chợ đêm đang giảm, cho thấy chợ đêm quay về bản chất ban đầu, người kinh doanh không bị quấy rầy bởi những người đến tham quan vì tò mò, người tiêu dùng sẽ mua được món hàng cần. Theo trang jrj.com.cn, nguyên nhân giảm nhiệt là do một số đối tượng bán hàng theo phong trào, không trụ lại được vì lợi nhuận không như mong đợi, và Trung Quốc đang vào mùa mưa, ảnh hưởng đến tình hình buôn bán vỉa hè. Chợ đêm và kinh doanh vỉa hè cũng có những vấn đề dân sinh thường gặp, như lừa bịp người tiêu dùng, với các mánh khóe diễn đi diễn lại rút thăm trúng thưởng, hàng hiệu giá rẻ, giải thế cờ tướng, thuốc trị bách bệnh, quét mã QR nhận quà, bán đồ cổ... Hoặc như một chợ đêm ở Đại Liên sau khi đi vào hoạt động gây kẹt xe, không giữ vệ sinh sau kinh doanh, ảnh hưởng trật tự mỹ quan thành phố, ô nhiễm môi trường, nên chỉ mở cửa một thời gian nay đã tạm dừng. Cũng phải thấy kinh tế vỉa hè cạnh tranh cao, lời ít, chủ yếu nhờ số lượng; người tiêu dùng hay so sánh giá cả hàng vỉa hè với mua sắm trên mạng, ưu thế về giá cả của kinh tế vỉa hè do đó không còn mạnh như trước. Trong cơn sốt kinh tế vỉa hè vừa qua, nhiều người đã lấy hàng tồn của các nhà máy trong đợt dịch, để rồi rất nhiều người vỡ mộng, theo trang hexun.com. Dẫu vậy, không thể phủ nhận thực tế rằng kinh tế vỉa hè là một bộ phận cơ hữu của nền kinh tế Trung Quốc. “Từ tháng 1-4 năm nay, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.068 tỉ tệ, trong đó 65% đến từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể. Những chủ thể này chính là bộ phận chính của kinh tế vỉa hè. Do đó, dưới góc độ phát triển lâu dài, việc cho phép bán hàng vỉa hè sẽ trở thành chính sách lâu dài, biện pháp quan trọng để kích thích tiêu dùng tăng trưởng” - Triệu Bình, chuyên viên Viện Nghiên cứu xúc tiến thương mại Trung Quốc, chia sẻ trên CCTV. La Triết, giáo sư Học viện Quản lý công cộng - ĐH Tứ Xuyên, bình luận với Tân Hoa xã: “Kinh tế vỉa hè, chợ đêm vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, nếu muốn trở thành loại hình kinh doanh lâu dài cần phải có hướng phát triển khoa học, đó không phải là công việc của riêng ngành quản lý đô thị”. ■ Vẫn nói không với kinh tế vỉa hè Tính đến cuối tháng 6, đã có 27 thành phố ở Trung Quốc khuyến khích kinh tế vỉa hè, nhưng Bắc Kinh, Thâm Quyến vẫn nói không. Thâm Quyến tuy không chính thức cho phép bán hàng vỉa hè nhưng một số khu vực xa trung tâm đã xuất hiện người bán hàng rong, quản lý đô thị cũng nới lỏng. Người dân đang chờ đợi cách quản lý khoa học, hiệu quả. Riêng Bắc Kinh thì nói không với kinh tế vỉa hè ngay từ đầu. Tờ Bắc Kinh Nhật Báo hồi đầu tháng 6 từng có bài viết cho rằng kinh tế vỉa hè không thích hợp với Bắc Kinh, vốn là thủ đô, cần giữ gìn hình tượng. Còn Thượng Hải mặc dù cho phép kinh tế vỉa hè nhưng quy định nghiêm ngặt, chi tiết. Hiện vẫn có một số người bán hàng rong chui sau 10 giờ đêm. Có tài khoản Weibo cho rằng Thượng Hải không cần kinh tế vỉa hè vì là thành phố mang tầm quốc tế, cần chú trọng giữ gìn hình ảnh. Thượng Hải cũng là đô thị có nhịp sống nhanh, vật giá cao, bán hàng vỉa hè lợi nhuận ít ỏi không thể sống nổi. Thành phố Quảng Châu cũng vậy, cho phép kinh tế vỉa hè thí điểm 2 tháng, nhưng chỉ có hộ cá thể được bán hàng trước cửa tiệm, phố đi bộ, không cho phép bán hàng rong lưu động. Quan điểm của chính quyền nhấn mạnh kinh tế vỉa hè không phải bán hàng rong tùy tiện, phải theo quy hoạch, chấp hành pháp luật, không thể chỉ quan tâm lợi ích cá nhân, xâm hại lợi ích các doanh nghiệp xung quanh, ảnh hưởng trật tự đô thị, theo Hà Trì Nhật Báo. Tags: Trung QuốcCOVID-19Kinh tế vỉa hèThử nghiệm
Đại gia Nguyễn Cao Trí chi tiền để ‘bẻ lái’ kết luận thanh tra, thâu tóm dự án Đại Ninh ra sao? GIANG NAM 03/11/2024 “Tôi kiến nghị thu hồi được thì sẽ tháo gỡ cho gia hạn phục hồi dự án được”, câu nói của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh với đại gia Nguyễn Cao Trí mở đường cho phi vụ “bẻ lái” kết luận sai phạm để thâu tóm dự án Đại Ninh.
Bà Harris vượt lên tại bang Iowa, nơi ông Trump từng thắng dễ dàng DUY LINH 03/11/2024 Thăm dò cử tri trước bầu cử tại bang Iowa cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump, khi nhóm cử tri nữ có xu hướng nghiêng về Đảng Dân chủ.
Đừng để nợ thuế nhỏ, bị truy thu to ÁNH HỒNG 03/11/2024 Nhiều người có các khoản thu nhập vãng lai nhỏ nhận thông báo yêu cầu kê khai thuế bổ sung và truy thu, phạt, tính tiền chậm nộp số tiền khủng.
Dịch vụ thám tử tư 'chui': Biến tướng, loạn giá YẾN TRINH 03/11/2024 Dịch vụ thám tử tư “chui” hiện nay hoạt động gần như công khai, vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập phản ánh mặt trái của nghề đang ăn nên làm ra này.