Trung Quốc họp Lưỡng hội: Cải tổ mọi mặt

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG 11/03/2023 10:27 GMT+7

TTCT - Sau kỳ họp Lưỡng hội, Trung Quốc đã cho ra mắt dàn lãnh đạo mới, với nhiều thay đổi chính sách được trông đợi trong tương lai.

Kỳ họp "lưỡng hội" của Trung Quốc năm 2023 bắt đầu vào ngày 4-3 vừa qua với cuộc họp Ủy ban Toàn quốc lần thứ 14 của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC), và một ngày sau đó (5-3) là Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC). 

CPPCC giống như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam, có chức năng tư vấn, bao gồm các đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và giới học giả nhiều lĩnh vực. NPC là cơ quan lập pháp, tức Quốc hội của Trung Quốc, với gần 3.000 đại biểu.

Ảnh: REUTERS

Ảnh: REUTERS

Một trong những mục tiêu quan trọng của kỳ họp "lưỡng hội" năm nay là đánh dấu sự chuyển đổi lãnh đạo, trong đó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người từng giữ vị trí số 2 trong ĐCSTQ, sẽ rời vị trí quản lý nền kinh tế Trung Quốc sau hai nhiệm kỳ liên tiếp. 

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình, 69 tuổi, dự kiến sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đất nước và chính thức bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba cùng dàn lãnh đạo mới sau cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần này ở NPC.

Ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba với nhiều thay đổi quan trọng.

Con người mới

Người được dự kiến thay thế ông Lý Khắc Cường giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ mới là ông Lý Cường, 63 tuổi, hiện là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Ông Lý Cường được đánh giá là thân thiện với doanh nghiệp khi còn làm bí thư Thành ủy Thượng Hải. 

Vị trí thủ tướng ở Trung Quốc có vai trò là người đáng tin cậy nhất với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Mặc dù là gương mặt mới lần đầu tiên góp mặt trong cơ quan quyền lực nhất của ĐCSTQ từ tháng 10 vừa qua, ông Lý Cường, người gốc tỉnh Chiết Giang, từng có thời gian làm chánh văn phòng của ông Tập giai đoạn 2004 - 2007, khi ông Tập là bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.

Trong khi đó, ông Triệu Lạc Tế, bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, cùng ông Vương Hỗ Ninh, bí thư thứ nhất Ban Bí thư, là hai trong ba quan chức (người kia là Tập Cận Bình) trong Thường vụ khóa 19 của Bộ Chính trị được bầu lại vào Ban Chấp hành khóa mới ở Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vào tháng 10-2022, dự kiến sẽ lần lượt trở thành người đứng đầu NPC và CPPCC khóa mới.

Ông Triệu và ông Vương cũng là những nhân vật có quá trình làm việc lâu dài và gắn bó với ông Tập. Ông Triệu quê ở Thiểm Tây, là đồng hương của ông Tập, đồng thời đã đứng đầu cơ quan chống tham nhũng trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" suốt nhiệm kỳ vừa qua. 

Nhiệm kỳ trước nữa, ông Triệu là trưởng Ban Tổ chức Trung ương, giữ vai trò tuyển chọn, cung cấp và giám sát về nhân sự cho Đảng. Ông Vương thì đã vào Thường vụ Bộ Chính trị từ năm 2017 và được coi là lý thuyết gia của Đảng.

Việc thay đổi dàn lãnh đạo mới này hiện thực hóa sự chuyên chính lãnh đạo và tuân theo kim chỉ nam của ĐCSTQ "lấy đồng chí Tập Cận Bình làm lãnh đạo hạt nhân": cả ba ông Lý, Triệu và Vương đều có thời gian công tác chung tương đối lâu, gần gũi và thân tín với ông Tập. 

Điều này nhấn mạnh sự thống nhất cao trong ĐCSTQ trong công tác quản lý trước tình hình mới đầy thách thức cả trong nước và đầy biến động ở bối cảnh quốc tế khi nhiều thay đổi mang tính thể chế cũng sẽ được giới thiệu trong kỳ họp "lưỡng hội".

Chính sách mới

Về phương hướng phát triển kinh tế, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức "khoảng 5%" cho năm 2023, được coi là khá khiêm tốn và thực tế, sau khi nước này không đạt mục tiêu đặt ra năm ngoái là khoảng 5,5% do chính sách "zero Covid". 

Việc hạ tỉ lệ tăng trưởng thể hiện Bắc Kinh quan tâm tới ổn định hơn là phát triển nhanh kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa chấm dứt hoàn toàn, xung đột Ukraine vẫn dữ dội, và căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Căng thẳng địa chính trị rõ ràng chi phối mạnh mẽ chính sách kinh tế của Trung Quốc năm 2023. Có thể thấy qua các báo cáo ở "lưỡng hội" là phần lớn kế hoạch tăng trưởng năm nay hướng vào bên trong, thúc đẩy nhu cầu nội địa, tập trung kích thích chi tiêu tiêu dùng, tăng đầu tư công thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng mạng và các trung tâm dữ liệu quốc gia.

Theo một kế hoạch được đệ trình lên NPC, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường giám sát với ngân hàng, bảo hiểm và tài chính qua một cơ quan thành lập mới: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFRC). Đây được coi là một "siêu bộ" có mục đích giám sát khối tài sản trị giá 400 nghìn tỉ nhân dân tệ của Trung Quốc. 

Qua NFRC, chính quyền hy vọng sẽ tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro và giảm thiểu bất ổn trong tương lai khi Trung Quốc phải xử lý những vấn đề liên quan đến bong bóng bất động sản, công nghệ tài chính (fintech), ngân hàng và những lĩnh vực kinh tế có hiệu ứng sóng lan mạnh khác.

Trung Quốc dự kiến cũng sẽ cải tổ lớn về quản lý dữ liệu và công nghệ. Một Cục Dữ liệu quốc gia sẽ được thành lập để giải quyết cụ thể các vấn đề về quyền riêng tư và lưu trữ dữ liệu, và phát triển kinh tế số. Những việc này trước đây thuộc thẩm quyền Cục Quản lý không gian mạng (CAC). 

Những cải cách đó thuộc về kế hoạch tái cơ cấu rộng lớn hơn, bao gồm việc Bộ Khoa học và Công nghệ được trao quyền lớn hơn để chống lại sự ngăn chặn công nghệ của Mỹ. Những cải tổ mang tính thể chế này cho thấy phản ứng mang tính chủ động của Trung Quốc trước việc Mỹ áp các lệnh cấm đoán ngặt nghèo với linh kiện bán dẫn và phần mềm quan trọng của chip xuất sang Trung Quốc.

Trong bài phát biểu ở "lưỡng hội", ông Tập đã không ngần ngại chỉ đích danh Mỹ là tác nhân chính dẫn tới sự thay đổi chính sách của Trung Quốc: "Các nước phương Tây do Mỹ lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và áp chế toàn diện đối với chúng ta, mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có với sự phát triển của đất nước chúng ta".

Ông nhấn mạnh: "Là một quốc gia vĩ đại với 1,4 tỉ dân, chúng ta phải dựa vào chính mình. Chúng ta không thể phụ thuộc vào thị trường quốc tế để cứu chúng ta". 

Phát biểu của ông Tập nhất quán với những nỗ lực trong thời gian qua của chính quyền nhằm củng cố sức mạnh nội tại của Trung Quốc trước những gì mà ông Tập coi là bất ổn bên ngoài ngày càng tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. 

Việc tự chủ sản xuất công nghiệp và công nghệ quan trọng trở nên quan trọng đối với Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Có thể thấy, Trung Quốc trong năm 2023 sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ từ bên trong nhưng lại có tác động lớn tới bối cảnh khu vực và quốc tế, đặc biệt là cặp quan hệ Trung - Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. ■

Chính sách đối ngoại mạnh mẽ cũng được thể hiện trong bài phát biểu lần đầu tiên tại NPC của bộ trưởng ngoại giao mới, ông Tần Cương, kể từ khi được bổ nhiệm. Ông Tần cảnh báo Mỹ rằng bất kỳ hành vi sai lầm nào liên quan đến Đài Loan sẽ làm lung lay nền tảng quan hệ Trung - Mỹ. Tại cuộc họp báo bên lề "lưỡng hội", ông Tần tiếp tục nhắc lại quan điểm của Trung Quốc: "Việc giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của riêng người dân Trung Quốc và không quốc gia nước ngoài nào có quyền can thiệp". Trung Quốc cũng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng 7,2% trong năm 2023, đánh dấu mức tăng nhẹ so với mức tăng năm trước. Điều này cũng dễ hiểu khi khu vực Đông Bắc Á, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, đang đẩy mạnh tăng cường an ninh và chi phí quốc phòng.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận