TTCT - Trong năm 2023 vừa qua, cụm từ "toàn chức nhi nữ" bắt đầu phổ biến rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Về mặt ngữ nghĩa học, "toàn chức" có nghĩa là toàn thời gian, còn "nhi nữ" là con trai, con gái. Ảnh: scmp.comTrên Xiaohongshu (tiểu hồng thư), nền tảng chia sẻ lối sống phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, có hơn 40.000 bài đăng với hashtag "làm con toàn thời gian" tính đến tháng 7-2023. Về mặt xã hội học, cụm từ này chỉ những thanh niên trong độ tuổi lao động, nhưng không kiếm việc làm mà trở về sống với cha mẹ.Đằng sau "những đứa con toàn thời gian" này là tỉ lệ thất nghiệp cao ở Trung Quốc. Số liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy vào tháng 5-2023, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên 20,8%, mức kỷ lục kể từ khi số liệu thống kê được thu thập vào năm 2018. Một tháng sau đó, Trung Quốc quyết định dừng công bố rộng rãi số liệu này.Gen Z bi quan nhấtTăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc thời gian gần đây và tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã khiến thanh niên nước này có cảm giác bất lực. Theo thống kê, hiện có khoảng 280 triệu thanh niên Trung Quốc sinh trong khoảng thời gian 1995-2010. Các cuộc khảo sát cho thấy thế hệ gen Z này là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi trong cả nước. Những từ thông dụng trên Internet Trung Quốc trong những năm qua như "toàn chức nhi nữ" [đứa trẻ toàn thời gian], "thảng bình" [nằm phẳng], "bãi lạn" [cứ để trôi] thể hiện cảm xúc tiêu cực của họ trước áp lực xã hội.Nhiều thanh niên Trung Quốc có học thức không sẵn lòng chấp nhận mức lương thấp, giờ làm việc khắc nghiệt và công việc không được đền đáp. Mà ngay cả những công việc như vậy bây giờ cũng khó tìm được là nguyên nhân chính góp phần thúc đẩy phong trào "làm con toàn thời gian".Jack Trịnh, vừa rời hãng công nghệ Trung Quốc khổng lồ Tencent, cho Hãng tin BBC biết anh phải trả lời gần 7.000 tin nhắn liên quan đến công việc ngoài thời gian làm việc mỗi ngày mà chàng thanh niên 32 tuổi này gọi là "công việc làm thêm vô hình", bởi vì nó sẽ không được trả công. Cuối cùng anh đã nghỉ việc sau khi căng thẳng vì công việc khiến anh mắc một chứng rối loạn da. Hầu hết hàng chục ngàn thanh niên tương tự anh trên mạng xã hội nói họ nghỉ việc về nhà đơn giản vì không thể kiếm được việc làm xứng đáng.Rốt cuộc, ngày càng nhiều thanh niên rời bỏ cuộc cạnh tranh và áp lực công việc ở công ty để quay về nhà với phụ huynh. Họ quyết định không đi làm nữa, từ bỏ công việc truyền thống, từ chối thăng tiến sự nghiệp và "làm con toàn thời gian", theo đúng nghĩa đen: được cha mẹ trả tiền để làm việc nhà. Công việc có thể bao gồm từ chạy việc vặt, làm việc nhà, đến chăm sóc cha mẹ, ông bà. Họ coi đây là giải pháp tạm thời cho một thị trường việc làm khó khăn, ít đền đáp.Tình trạng của những sinh viên tốt nghiệp đại học đặc biệt bi đát. Đại học từng là mục tiêu theo đuổi của giới tinh hoa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến năm 2022, tỉ lệ nhập học đại học đã tăng từ 30% lên 59,6% khi ngày càng nhiều người trẻ coi bằng đại học là tấm vé để có cơ hội tốt hơn trên thị trường việc làm cạnh tranh. Nhưng khát vọng đã nhường chỗ cho thất vọng khi nền kinh tế trục trặc. Theo Trác Hiền, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên đại học cao gấp 1,4 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của thanh niên.Diêm Vân Tường, giáo sư ngành nhân học tại Đại học UCLA (Mỹ), cho biết: "Ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc nhìn xung quanh và thấy hầu như không có ai mà họ có thể dựa vào ngoài cha mẹ mình. Nó phức tạp hơn suy thoái kinh tế, nhưng suy thoái kinh tế chắc chắn là nguyên nhân".Ảnh: The Economist"Bọn ăn thịt người già"Tiến sĩ Chu Vân, hiện đang giảng dạy xã hội học tại Đại học Michigan, cho biết: "Thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua những bất bình đẳng xã hội cứng nhắc, thắt chặt kiểm soát chính trị và triển vọng kinh tế mờ mịt".Theo quan niệm văn hóa truyền thống của Trung Quốc, một đứa trẻ ngoan, hiếu thảo là biết kiếm việc làm, kiếm tiền và hỗ trợ cha mẹ khi trưởng thành. Trên các mạng xã hội Trung Quốc, các "toàn chức nhi nữ" chia sẻ là nhận được những bình luận không mấy thân thiện từ người quen và cả người lạ trên mạng. Những người này cáo buộc họ thuộc "khẳng lão tộc", nghĩa đen là "bọn ăn thịt người già", tiếng lóng của Trung Quốc chỉ những người trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. "Khẳng lão tộc" cũng là một từ mới ở Trung Quốc dùng để chỉ những người trẻ ở nhà cha mẹ miễn phí, ăn đồ ăn của cha mẹ và thường sống thoải mái trong khi cha mẹ già đang phải sinh sống dựa trên một khoản lương hưu hoặc tiền tiết kiệm nhỏ.Khi ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc tuyên bố mình là "toàn chức nhi nữ", một cuộc tranh luận trên mạng xã hội nước này đã nổ ra về việc liệu đó có thực sự là một nghề hay không. Li, một cô gái 21 tuổi, hiện dành thời gian hằng ngày để đi mua hàng tạp hóa cho gia đình ở trung tâm thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam và chăm sóc bà ngoại, người mắc chứng mất trí nhớ. Cha mẹ trả cho cô mức lương 6.000 nhân dân tệ (835 USD) một tháng, được coi là mức lương trung bình ở khu vực của cô.Và Li không đơn độc. Hàng chục ngàn người trên mạng xã hội Douban (Đậu biện) chia sẻ hằng ngày về công việc "toàn chức nhi nữ" của họ. Xu hướng này vừa đáng mừng vừa đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi tăng lên mức cao kỷ lục, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh khía cạnh tích cực của "công việc" này, với kỳ vọng rằng những người trẻ tuổi sẽ dành thời gian và sức lực để chăm sóc cha mẹ thay vì chỉ ở nhà nhàn rỗi.Thậm chí truyền thông nhà nước đã nghĩ ra một từ để giảm nhẹ tình trạng không chịu đi làm của thanh niên Trung Quốc. Họ gọi đó là "mạn tựu nghiệp" (việc làm chậm), mà tiếng Anh dịch là "slow employment". Số liệu thống kê từ Trung Quốc cho biết 18,9% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học năm 2023 chấp nhận "việc làm chậm" so với 15,9% năm ngoái. Truyền thông trong nước cho rằng hiện tượng này không có gì mới, giống như thanh niên phương Tây hay có "gap year" (năm tạm dừng). Bằng cách thay đổi nội hàm của từ ngữ, cuộc khủng hoảng việc làm trong thanh niên Trung Quốc trở nên nhẹ nhàng hơn.Trung Quốc sẽ già trước khi kịp giàu? Ảnh: China MarketingTuy nhiên, George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford và Trường SOAS ở London, cho biết đây không phải là giải pháp khả thi cho vấn đề việc làm ở Trung Quốc. Giáo sư Magnus nói: "Đó có thể là một giải pháp ngắn hạn để họ có nơi ở, công việc để làm và thu nhập gia đình như một sự trao đổi. Nhưng nếu những người trẻ tuổi không tham gia thị trường lao động để tiếp thu các kỹ năng và tìm kiếm cơ hội tốt hơn, họ có thể trở thành người thất nghiệp, vì đã mất việc quá lâu hoặc không thể duy trì được kỹ năng và đào tạo ở mức cao nhất".Song song với đó, một thể loại "văn học oa nang phế" (văn học của "kẻ loser") cũng đã trở nên phổ biến gần đây trên Internet Trung Quốc. "Oa nang phế" là cụm từ dùng để chỉ những người thất bại trong cuộc sống, như cục bông gòn, mặc cho người ta quăng quật, không còn thiết tha gì nữa. Văn học oa nang phế được hiểu là sự thỏa hiệp mang tính phản ứng của giới trẻ trong việc "tự điều chỉnh chính mình và cười nhạo cuộc sống", mang màu sắc tự ti hài hước. Khi đối mặt trực tiếp với áp lực cuộc đời, giới trẻ biến sự xấu hổ hay thất bại thành một chút hài hước, giảm bớt sự khó chịu trong nội tâm và duy trì lòng tự trọng.Cũng giống như các hành động "thảng bình", "bãi lạn" hay tự ti hài hước của "oa nang phế" để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực và căng thẳng của thanh niên Trung Quốc, thì việc trở thành "toàn chức nhi nữ" tạm thời cũng được coi là cách có lợi để giải quyết những căng thẳng trước mắt của xã hội Trung Quốc. ■ Chính sách một con của Trung Quốc, được thực hiện từ năm 1979 đến năm 2015, đã tạo ra một thế hệ cha mẹ coi con cái của họ như những khoản đầu tư quý giá. Một số thậm chí còn sẵn sàng thuê con cái khi còn nhỏ, trả tiền cho chúng để chúng làm việc nhà. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc dang tay chào đón con cái đã trưởng thành trở về. Ya-wen Lei, giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard, cho biết bà hy vọng hiện tượng thanh niên ở nhà sẽ không kéo dài. Lei nói với Hãng tin CNN: "Sự hỗ trợ mà họ nhận được từ cha mẹ trong bối cảnh này không có gì đáng ngạc nhiên, vì nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc hỗ trợ con cái họ nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, chẳng hạn như nhà ở, chi phí kết hôn và chăm sóc cháu". Tags: Giới trẻ Trung QuốcTăng trưởng kinh tếThanh niên Trung QuốcMạng xã hội Trung QuốcCông nghệ trung quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.