Truyền hình và phim cùng "chậm"

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 13/04/2014 05:04 GMT+7

TTCT - Năm 2014, trong khi tại Việt Nam bùng nổ những show truyền hình thực tế thì phương Tây lại ghi nhận sự phát triển của thể loại “truyền hình chậm” (slow TV).

Đường sắt Nordland từng phút một dài 10 tiếng - Ảnh: Thor News

Trang web về giải trí www.grantland.com của Mỹ đã gọi đây là “một cuộc cách mạng trong truyền hình” khi show Đường sắt Nordland từng phút một, do kênh NRK2 của Đài truyền hình quốc gia Na Uy thực hiện, được chiếu lại trên hơn 100 kênh truyền hình Mỹ dưới tên Cuộc hành trình qua các mùa sau Tết dương lịch 2014.

Truyền hình “thật sự thực tế”

Cuối năm 2013, phim Cả nước đan len của NRK2 đã thu hút 1,3 triệu khán giả, tức một phần tư dân số vương quốc này trong 13 tiếng đồng hồ. Sau những cảnh xén lông cừu, xe lông cừu thành sợi trên guồng quay kiểu xưa là một số phụ nữ ngồi đan áo len và trao đổi về kỹ thuật đan trong tám tiếng rưỡi! Buổi đan len marathon này tất nhiên không nhằm lập kỷ lục Guinness hay quảng cáo cho công nghệ len, mà là slow TV hoặc “sakte TV” theo tiếng Na Uy.

Slow TV cũng tương tự phim tài liệu về một sự kiện nào đó nhưng có tiết tấu chậm, vì ghi lại toàn bộ diễn tiến của sự kiện qua một hay nhiều camera được gắn cố định, không có kịch bản chi tiết, không biên tập nội dung, cũng không giới hạn về thời lượng, khi nào hết thì hết. Nói như ông Rune Moeklebust - người chịu trách nhiệm sản xuất “sakte TV” cho NRK2, đây là thể loại truyền hình thực tế “thật sự thực tế” (1).

Slow TV được phát sóng lần đầu tại Na Uy ngày 27-11-2009 với show Tuyến đường sắt Bergen dài 7 tiếng rưỡi, ghi lại quang cảnh hai bên đường khi xe lửa đi từ Bergen tới thủ đô Oslo. Được sự chú ý của khán giả, NRK thực hiện tiếp phim về câu cá hồi dài 18 tiếng, Na Uy cháy đêm nay về cách bổ củi, trữ củi, nhóm lửa ngoài trời... trong 12 tiếng.

Đường sắt Nordland từng phút một, dài 10 tiếng, tuy được chiếu vào mùa Giáng sinh 2013 - thời điểm bận rộn nhất trong năm tại phương Tây - nhưng vẫn thu hút 1,1 triệu người dõi theo chuyến xe lửa trên tuyến đường sắt dài nhất Na Uy 729km nối hai thành phố Trondheim và Bodoe, ngắm thiên nhiên cùng thời tiết thay đổi qua bốn mùa. Show này được Đan Mạch, Anh, Đức, Mỹ chiếu lại nhưng được cắt xuống còn một tiếng rưỡi!

Kỷ lục về show slow TV dài hơi nhất tới nay thuộc về Hurtigruten từng phút một. 11 camera gắn trên tàu MS Nordnorge giúp 3,9 triệu khán giả Na Uy theo dõi chuyến hải hành 134 tiếng, bắt đầu từ ngày 16-6-2011, từ Bergen trên bờ biển phía tây tới Kirkenes gần địa cực. Kế hoạch tiếp theo của NRK là thực hiện bộ phim Một ngày trong đời con ốc sên.

Slow TV đáp ứng nhu cầu được thư giãn của nhiều người sau những thời khắc căng thẳng - Ảnh: NRK2

Vì sao có “truyền hình chậm”?

Slow TV được phát triển trên ý tưởng của phim Ngủ do nghệ sĩ pop nổi tiếng của Mỹ Andy Warhol (1928-1987) thực hiện năm 1963. Toàn bộ phim này là cảnh thi sĩ John Giorno ngủ trong 5 tiếng 20 phút. Bộ “anti-film” này đã gợi sự hứng thú cho kênh truyền hình WPIX của New York City thực hiện đoạn phim Khúc gỗ Giáng sinh năm 1966 với cảnh củi cháy trong lò sưởi trên nhạc nền Giáng sinh.

Trong hồi ký Popism, Warhol cho biết đối với ông thì những bộ phim hành động trên truyền hình mới nhàm chán vì chúng cơ bản giống nhau từ cốt truyện, các cú lia máy đến cách biên tập, chỉ khác chi tiết!

Kênh Bahn TV tại Berlin cũng từng ghi hình những chuyến xe lửa chạy ngang nước Đức từ năm 2003-2008, nhưng slow TV chỉ trở thành một hiện tượng khi Na Uy bắt đầu sản xuất chúng năm 2009.

Theo NRK, một số đài truyền hình Mỹ, Anh, Đức rất quan tâm tới sakte TV của họ và LMNO, một nhà sản xuất chương trình TV tại Hollywood, đã mua lại bản quyền một số format của NRK (2) để thực hiện và phát sóng tại Mỹ trong mùa hè năm nay. Một số nhà sản xuất tại Úc cũng có ý định thực hiện những phim như Đường sắt Nordland từng phút một để quảng cáo du lịch.

Riêng Đan Mạch cũng đã sản xuất slow TV năm 2011 nhưng khán giả không quan tâm lắm. Tuy vậy thỉnh thoảng vào sáng sớm, kênh DR1 vẫn chiếu cảnh tàu điện Copenhagen Metro đi lại giữa các nhà ga.

Tuy nhiên, vẫn có không ít người hoài nghi sự thành công của thể loại này. Một nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế tại Hollywood gọi slow TV là “sự điên khùng của công nghệ truyền hình” và ví slow TV như “ngồi đợi sơn khô”.

Nhà báo Gerald Gilbert trên The Independent ngày 11-2 đã thử lý giải nguyên nhân vì sao người Na Uy ưa thích truyền hình chậm: phải chăng những người xem đang “tìm sự trú ẩn trước những tốc độ không ngừng nghỉ và sự kết nối văn hóa toàn cầu trực tuyến. Hay tất cả chỉ đơn giản là trò vui, như ngắm những chú mèo nhảy nhót trên YouTube?” (3).

Theo Rune Moeklebust, sức thu hút của slow TV là “sự khác biệt” vì không giống với những chương trình TV nào khác. Nhà bình luận người Na Uy Oystein David Johansen so sánh sự lôi cuốn của slow TV với chuyện xem đua xe thể thức 1 “người ta ngồi chờ xem điều gì sẽ xảy ra”. Riêng bà Lori Rothschild Ansaldi, phụ trách Phát triển chương trình của LMNO, cho rằng thể loại này cho phép khán giả “ngồi xuống xem và thư giãn” và “cho chúng ta thở”.

Có lẽ lý giải của bà Ansaldi là hợp lý hơn cả vì đối với nhiều người, chuyện ngồi nhìn đám lửa bập bùng hay quang cảnh bên đường chạy giật lùi ngoài cửa sổ xe lửa hàng giờ thật nhàm chán, nhưng nhìn dưới góc độ xả stress - một vấn đề nghiêm trọng tại các nước phát triển - thì lại khác.

Truyền hình chậm và phim chậm

Không chỉ có truyền hình chậm, những năm gần đây khán giả phương Tây chứng kiến sự trở lại của thể loại phim nghệ thuật thường được gọi là “phim chậm”, “slow cinema”.

Thể loại này còn được gọi là “điện ảnh chiêm nghiệm” hay “điện ảnh suy tư” (contemplative cinema), chỉ chung những bộ phim có những cú máy dài, cấu trúc tinh giản, có tính quan sát và rất ít hoặc không có tính trần thuật. Tiêu biểu cho dòng phim này là các tác phẩm của đạo diễn Ý Michelangelo Antonioni (*) trong thập niên 1960.

Trong tháng 3-2012, tại Anh đã diễn ra liên hoan phim AV 12 ở nhiều nơi như Newcastle, Gateshead, Sunderland và Middlesborough. AV là viết tắt của cụm từ “As Slow As Possible”. “Chậm tới mức có thể”, chiếu những phim của Lav Diaz (Philippines), Lisandro Alonso và Fred Kelemen. Riêng Melancholia của Lav Diaz dài những 8 tiếng!

Nhà phê bình điện ảnh Sukhudev Sandhu của báo The Guardian đã ví slow cinema là “sự đối chọi với những bộ phim hành động của Hollywood, như Bourne supremacy, khi hình ảnh chưa tới hai giây đã đổi”. Theo Sandhu, thập niên 1960 nước Mỹ đã bị tràn ngập bởi tốc độ, từ xe hơi, thức ăn nhanh, máy hát tự động, truyền hình đa kênh, đã “máy móc hóa xã hội và biến những công dân thành người tiêu dùng”.

Ngày nay là thời đại của cáp quang, tốc độ của hình ảnh chuyển động thậm chí còn nhanh hơn trước, với YouTube, điện thoại di động có thể quay phim... nên những phim như Người tốt ở Tam Hiệp của Giả Chương Kha (giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice 2007), Chú Boonmee có thể nhớ lại những kiếp trước của Apichatpong Weerasethakul (Cành cọ vàng Cannes 2010) được xem như một sự “phản kháng có tổ chức” tương tự như phong trào “thức ăn chậm” (**).

Trong một thời gian khá dài người ta ít nghe thấy từ “slow cinema”, một phần vì sự lấn át của các “bom tấn” sản xuất tại Hollywood hay theo phong cách Hollywood trước những nền điện ảnh khác, kể cả Pháp, Ý, Thụy Điển..., phần vì những phim thuộc thể loại này thường bị xem là nhàm chán hoặc đánh đố khán giả, phải nghiền ngẫm xem tác giả muốn nói điều gì.

Còn những tác phẩm kinh điển như Dấu ấn thứ bảy của đạo diễn bậc thầy Ingmar Bergman (1957), Cuộc du hành vũ trụ năm 2001 của Stanley Kubrik (1968) tuy không hẳn là “slow cinema” nhưng nay được xếp vào loại này đơn giản vì có tiết tấu tương đối chậm hơn những bộ phim cùng thời.

Tuy vậy vẫn có những đạo diễn kiên trì thực hiện những bộ phim nghệ thuật theo phong cách slow cinema như Chantal Akerman của Bỉ hay Lars von Trier (Đan Mạch) làm phim Dogville với Nicole Kidman năm 2003. Tại châu Á thì có những tên tuổi lớn như Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng, Giả Chương Kha.

Người xem cũng có thể thấy dấu ấn của slow cinema trong There will be blood của đạo diễn Paul Thomas Anderson với Daniel Day Lewis. Suy cho cùng, dẫu chậm hay nhanh thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng nghệ thuật.

Trên các kênh truyền hình phương Tây hiện nay tràn ngập những bộ phim trinh thám hình sự tuy hấp dẫn nhưng lại khiến đầu óc khán giả căng thẳng theo những diễn tiến dồn dập, những hình ảnh máu me và bạo lực, những show truyền hình thực tế kiểu Big brother, Khách sạn Thiên đường, chủ yếu là nam nữ khoe thân, quan hệ tình dục bừa bãi và vô số trò gây sốc thô thiển khác. Do vậy slow TV đáp ứng nhu cầu được thư giãn của nhiều người sau những thời khắc căng thẳng vì đủ thứ áp lực trong cuộc sống, cho dù không ít người chọn cách xem ngắt quãng thay vì ngồi hàng giờ chờ xem khi nào củi được chất thêm vào lò. Trong mức độ nào đó, slow TV giúp người ta sống chậm lại, có cảm giác được hoàn toàn “xả” và tìm được sự bình yên trong tâm hồn qua những điều rất đơn giản và bình thường quanh mình.

(*) Michelangelo Antonioni (1928-1987), đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Ý, một số phim tiêu biểu: L’avventura (1960) với Monica Vitti, La Notte (The night) (1961) với Jeanne Moreau và Marcello Mastroianni - giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin thứ 11, L’eclisse (Eclipse) (1962) với Alain Delon và Monica Vitti - giải đặc biệt của ban giám khảo Cannes 1962, Blow up (1966).

(**) Slow food: một phong trào được khởi xướng tại Ý năm 1986 để đối lại với fast food, cổ vũ việc gìn giữ nghệ thuật ẩm thực truyền thống và đặc sản địa phương.

(1): http://www.dr.dk/Nyheder/Kultur/Oevrig_kultur/2013/11/072804.htm.

(2): http://mediawatch.dk/Medienyt/TV/article6363985.ece).

(3): http://www.independent.co.uk/arts-entertainment/tv/features/slow-television-the-latest-nordic-trend-9122367.html.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận