Dường như trung úy không mấy thiện cảm với anh cho lắm, sau khi anh trót buông ra câu bông đùa. Cũng có thể anh lầm. Vì đối với mấy chục con người chen chúc nhau trong căn phòng này, trung úy cũng vẫn dùng ánh mắt ấy để nhìn. Tranh: Vũ Đình Giang À, cần phải nói ngay từ đầu, đây chẳng phải là phòng hỏi cung gì cả, chỉ là căn phòng làm giấy chứng minh nhân dân. Và anh cũng chỉ là một trong số ít nhất hai chục con người đang nhấp nha nhấp nhổm trên dãy ghế nhựa kia, chờ gọi đến tên mình. Chỉ nhìn thôi. Thế mà anh cứ ngỡ bao nhiêu ruột gan phèo phổi của mình được bày ra gọn lỏn trên chiếc bàn trước mặt. Phải công nhận là trung úy có khuôn mặt khá xinh xắn. Xinh. Nhưng nghiêm và lạnh đã dựng nên tấm kính trong suốt, chắn giữa những gã như mình. Cần thiết phải như vậy. Anh nghĩ. Bằng chứng là vừa cách ít phút, khi đẩy cửa bước vào anh đã buột miệng: Biết ở đây có người đẹp thì đã sớm đi đổi lại giấy chứng minh từ vài năm trước! Giấy chứng minh của anh được cấp từ thời học năm cuối cấp ba. Bây giờ, mỗi khi nhìn tấm ảnh dán trên giấy, anh không nghĩ người trong ảnh chính là mình. Đó là một cậu học sinh gầy gò, vẻ mặt như người thiếu ngủ hoặc cả vì đói, nước da xanh xao như người ốm mới dậy hoặc cũng có thể do được chụp trong bối cảnh thiếu sáng, người chụp lại kém cỏi ở việc cân chỉnh màu sắc. Còn nhớ, sau khi anh có được tấm giấy chứng minh nhân dân, mẹ anh đã vô cùng lo lắng bởi suốt ngày con trai cứ cặm cụi làm bẩn những ngón tay bằng mực bút bi, rồi lăn lên tờ giấy trắng để so sánh chúng với dấu vân tay in trên giấy chứng minh của mình. Cha anh thì cười xòa, bảo không hề gì, ở tuổi dậy thì người ta thường xuyên lặp đi lặp lại những động tác vớ vẩn. Có lẽ cha anh đúng. Chỉ một thời gian, anh đã cất nó vào trong ngăn tủ, rất lâu sau mới nhớ ra vì có việc dùng đến. Đó là khi kết hôn. Trước khi kết hôn, giữa anh và cô đã có một trận cãi vã đến mức tưởng chừng như cả hai đã đi đến quyết định chia tay. Chỉ vì tấm ảnh trên giấy chứng minh của anh. Cô cho rằng đó không phải là anh hiện tại mà là một ai khác, ngây thơ, trong sáng và đáng yêu hơn. Cô chắc chắn đến mức khiến anh cán bộ tư pháp xã bắt đầu hoài nghi mức độ trung thực của người đàn ông đang hiện hữu trước mặt mình. Cái mụn ruồi dưới mũi phải như trong giấy ghi là đây! Anh nổi cáu vươn người sát mặt anh cán bộ tư pháp. Đó là vết thâm của lần em nặn mụn cho anh! Nàng chen vào. Còn nữa, vân tay trên ngón trỏ trái có một đường chỉ vắt ngang do hồi nhỏ vuốt dọc cạnh miếng tre, bị đứt. Thấy không? Hoàn toàn trùng khớp! Anh thiếu chút nữa đã gào lên tại nơi đăng ký kết hôn. Ối, những vết cắt trên ngón tay như thế này, em cũng chẳng thiếu! Cô bĩu môi, cứ như đang cố tình phủ định mọi nỗ lực lấy lại niềm tin của một kẻ gian trá thực sự. Tội nghiệp anh cán bộ tư pháp, niềm tin của anh vừa lung lay trước lý lẽ của cô gái vừa lại không muốn tin: tấm giấy với đầy đủ chữ ký, dấu đỏ trước mặt mình bỗng trở thành thứ bất hợp pháp, nếu thật như thế thì quả là rắc rối bởi nhiều loại thủ tục phát sinh để xử lý vấn đề. Sau cùng, anh cán bộ tư pháp bỗng nảy ra một sáng kiến tuyệt vời, mà có lẽ sau này nó đã được áp dụng rộng rãi ở các cơ quan hành chính khác cũng nên. Anh gõ nhẹ ngón tay mình vào tấm ảnh trên giấy chứng minh: Có lẽ anh và chị cần thêm thời gian để xác định hai người có nên tiến tới hôn nhân hay không và trong thời gian ấy, chúng tôi sẽ tích cực nghiên cứu mức độ chân thực của tấm giấy chứng minh này. Kết quả sẽ thông báo đến chị trong thời gian sớm nhất! Đương nhiên cái hẹn sớm nhất ấy chẳng bao giờ xảy ra, nhưng cô vẫn nhanh chóng đi đến quyết định, chỉ một tuần sau. Với lý do thật đơn giản, đến mức khó tin: Mình yêu và kết hôn với người đàn ông mà mình đã tường tận bao lâu nay chứ không phải với người trong ảnh của giấy chứng minh kia. Mặc kệ cả các dấu vết với vân tay. Và anh cán bộ tư pháp xã ấy cũng nhanh chóng hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn cho hai người. Chắc anh cũng chẳng nhớ ra mình từng gặp hai kẻ rắc rối này và đương nhiên anh cũng đã quên sạch sẽ lời hứa khi ấy của mình. Nếu trung úy không bất thần gọi tên anh từ giấy giới thiệu của địa phương mà anh đã đặt vào chiếc rổ nhựa trên bàn ban nãy, chắc anh vẫn còn chìm đâu đó giữa tràng giang đại hải những chuyện liên quan đến tấm giấy chứng minh của mình. Ngẩng mặt lên! Trung úy vừa ra lệnh vừa chăm chú lướt mắt trên mặt anh. Sẹo cách 2cm dưới cánh mũi phải, cây bút trên tay trung úy ghi vội vã lên tờ giấy. Mụn ruồi mới đúng chứ trung úy? Anh lại buột miệng, giọng có phần hốt hoảng khi nhìn thấy dòng chữ. Càng hốt hoảng hơn khi anh vừa nhận ra mình vừa thốt ra thành lời hai chữ “trung úy”, vì thông thường chỉ có phe “địch” mới gọi nhau như thế. Nhưng hình như trung úy chẳng bận tâm, mà chỉ nhíu mày nhìn anh giây lát, rồi nói gọn lỏn nhưng dứt khoát: Không, vết sẹo! Nói xong, xua tay ra hiệu cho anh trở về chỗ ngồi chờ gọi tên để sang công đoạn khác. Bộ dạng của anh chắc là thê thảm đến mức ông già ngồi kế bên động lòng ái ngại nên mới đặt tay lên vai an ủi, dù không rõ chuyện gì vừa mới xảy ra: Thôi chú em đừng buồn, chuyện đâu còn có đó, cứ bình tâm từ từ tìm cách giải quyết! Ông lại tiếp tục khi thần sắc của anh cũng chẳng khá hơn sau lời an ủi: Hồi mới tiếp thu mấy năm, có lần tôi làm mất sổ gạo, trong khi đàn con gần chục đứa ở nhà đang nháo nhác chờ đem gạo về nấu cơm chiều. Phải nói cái cảnh ấy tới giờ tôi không bao giờ quên. Giống như đang rớt xuống vực. Vậy mà tới giờ vẫn khỏe re như bò kéo xe! Anh vừa buồn cười vừa tức anh ách nhưng cố nén lại trong bụng cái câu: Ông thì biết cái quái gì, làm sao có thể so sánh cái mụn ruồi với sổ gạo được. Sổ gạo thì dù gì cũng chỉ là vật vô tri vô giác, còn cái mụn ruồi nó gắn chặt trên mặt người ta, có muốn đánh rơi cũng chẳng thể nào đánh rơi cho được. Sổ gạo hay thứ gì khác khi làm mất còn dễ dàng trình bày với cơ quan chức năng, còn mất cái mụn ruồi, chẳng lẽ viết cái đơn như vầy: Tờ tường thuật Kính gửi: Công an XYZ Tôi tên ABC vào lúc...giờ...phút, ngày...tháng...năm... trong khi đi làm giấy chứng minh, trên quãng đường từ nhà đến nơi cấp giấy chứng minh nhân dân, tôi đã đánh rơi (hoặc bị lấy cắp) một cái mụn ruồi trên mặt. Thay vào chỗ mụn ruồi trước kia, bây giờ là một vết sẹo mà theo mô tả của trung úy J thì nó nằm cách cánh mũi phải 2cm. Nay tôi làm tờ tường thuật này khẩn thiết yêu cầu công an XYZ dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để tôi được nhận lại cái mụn ruồi của mình. Sau khi tờ đơn được viết trong đầu, anh lại mường tượng ra khả năng cơ quan công an sẽ thụ lý đơn của anh. Người trực tiếp làm việc với anh sẽ có cấp bậc cỡ thiếu tá, bởi đây là một vụ việc khá phức tạp. Thiếu tá cần tìm hiểu thêm một vài đầu mối quan trọng trong việc tìm lại mụn ruồi của anh: Anh nghi ngờ người nào có khả năng đánh cắp mụn ruồi của mình nhất? Tôi không nghi ngờ một ai cả! Vậy trong công việc hay cuộc sống hằng ngày anh có mâu thuẫn với ai không? Không, tôi không nghĩ cách sống của mình sẽ gây ra mâu thuẫn với bất cứ người nào. Ừm... vậy anh nghĩ xem giả sử có người đánh cắp mụn ruồi của anh, họ sẽ dùng vào việc gì? Sao? Tức là mụn ruồi của anh có giá trị sử dụng hay không? Tôi không nghĩ mọi thứ trên đời này đều bắt buộc phải có giá trị sử dụng, mà quan trọng nhất là nó mang ý nghĩa nào đấy, và kẻ đánh cắp chỉ cần đạt được mục đích hủy hoại ý nghĩa ấy! Hờ, khả năng đánh cắp bị loại bỏ! - thiếu tá ngáp dài chán nản - Chuyển sang khả năng thứ hai, anh đã đánh rơi nó trên đoạn đường từ nhà đến nơi làm giấy chứng minh. Không, không thể nào, trước khi bước vào phòng làm giấy chứng minh tôi còn ngắm mình trong kính chiếu hậu của chiếc xe để chỉnh trang mái tóc của mình. Lúc đó nó vẫn còn yên vị trên mặt! Anh có dám khẳng định? - giọng của thiếu tá trở nên căng thẳng. Lấy danh dự công dân, tôi xin thề! Anh quyết không nhượng bộ. Phức tạp rồi đây. Điều đó có nghĩa là anh đánh rơi hoặc có kẻ nào đó đã đánh cắp mụn ruồi của anh, trong phạm vi của phòng cấp giấy chứng minh? Tôi không nói thế! Anh vô cùng cảnh giác trước những câu hỏi mang tính gài bẫy như thế này. Thiếu tá ngẫm ngợi một lúc rồi tiếp tục hỏi: Quan hệ giữa vợ chồng anh gần đây tốt chứ? Anh đi lạc chủ đề rồi thiếu tá, việc này thì liên quan gì đến vợ tôi? Anh chắc mình vẫn còn tỉnh táo sau cả giờ đồng hồ ngồi trong căn phòng nóng bức để trả lời hàng loạt câu hỏi. Anh không có quyền đặt câu hỏi ngược lại với cơ quan điều tra, mà chỉ có nhiệm vụ trả lời chúng. Anh nên hiểu rằng chúng tôi đang cố gắng hết sức giúp anh tìm lại cái mụn ruồi của mình! Vâng tôi hiểu! Hoàn toàn tốt đẹp! Có lẽ anh nên nhún nhường một chút. Vậy thì dễ dàng rồi! Giọng thiếu tá trở nên hồ hởi. Trở lại giả thiết ban đầu, mụn ruồi của anh bị đánh cắp. E hèm, vậy anh suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời câu hỏi của tôi: Ai là người tiếp xúc với anh trong thời gian gần đây nhất? Đương nhiên loại trừ tôi vì tôi là người tiếp xúc với anh sau khi mụn ruồi trên mặt anh đã biến mất và tôi cũng không có hứng thú với những thứ đại loại như mụn ruồi trên mặt của người cùng giới. Hãy suy nghĩ cho thật kỹ rồi trả lời, tiếp xúc theo nghĩa đen nhé. Tôi phải ra ngoài một chút. Sau khi thiếu tá ra ngoài, anh bắt đầu bình tĩnh hơn trong việc rà soát lại sự việc, với chi tiết quan trọng vừa được gợi ý. Trong thời gian gần nhất, người có cơ hội tiếp xúc với anh, với một lý do chính đáng, và trước hàng chục cặp mắt, người ấy thản nhiên lấy mất cái mụn ruồi mà không ai để ý, kể cả chủ nhân của nó. Hình như ban nãy trung úy có chạm nhẹ vào mặt anh, gọi là “để xác minh có thật là vết sẹo hay không”. Tôi phải làm sao bây giờ hả chú? Ông già ngồi kế bên lặp lại câu hỏi lần thứ hai anh mới thoát khỏi không gian điên rồ trong đầu mình. Làm sao là làm sao? Trong khi cháu cũng chẳng biết phải làm sao lấy lại cái mụn ruồi của mình! Anh lảm nhảm như một kẻ tâm thần. Tôi biết phải trả lời với bà vợ ở nhà ra sao đây! Ông già vò đầu khổ sở, điệu bộ chắc cũng tương tự như anh lúc ban nãy. Đâu đó có tiếng xầm xì vang lên xung quanh, cả tiếng cười bị nén lại khùng khục trong cổ họng. Hóa ra ông già không phải đi làm giấy chứng minh cho mình mà là đi làm cho bà vợ bệnh tai biến đang nằm bất động ở trong quê. Ông đã chuẩn bị đủ các loại giấy tờ cần thiết, kể cả dấu lăn tay của bà vợ trên tờ giấy trắng và tấm ảnh 2x3 theo yêu cầu. Nói chung mọi thứ đều hợp lệ, chỉ trừ... người đi làm giấy chứng minh. Tổ cha thằng nào thất đức đã bày trò đùa cợt ông già tội nghiệp! Ai đó nói với giọng vẻ thương hại. Ở chiếc bàn, trung úy mặt cũng đỏ bừng, chắc là cố nén trận cười đang trào lên. Phải mất vài phút sau, trung úy mới tiến đến chỗ ông già ngồi: Bác thông cảm, làm giấy chứng minh thì phải đích thân đi làm mới được, quy định không cho phép người khác đi làm thay. Nhưng bà vợ của tôi bị liệt thì làm sao đi đứng cho được! Nói đến đây ông già bưng mặt khóc ngon lành. Rồi ông bắt đầu kể lể: Từ lúc sinh ra đến giờ vợ ông vẫn chưa có giấy chứng minh, bởi chẳng khi nào bà bước chân ra khỏi ngôi nhà cùng mảnh vườn của mình, mà cũng không biết dùng giấy chứng minh vào việc gì cả. Đến khi bệnh nằm liệt giường thì chẳng hiểu sao lại tự dưng đòi phải có được tấm giấy chứng minh nhân dân, còn bảo là nguyện vọng cuối đời của mình... Trung úy ái ngại nhìn dòng nước rỉ ra từ khóe mắt nhăn nheo của ông già, có lẽ cũng chẳng biết phải ứng phó với tình huống dở khóc dở cười này bằng cách nào. Bỗng dưng trong đầu anh lại lóe ra một tia sáng, cứ như máy tính đã được lập trình sẵn và thốt ra thành lời, nhanh đến nỗi bản thân cũng không ngờ tới: Thôi, bác cứ yên tâm, cứ để giấy tờ lại đây, cháu biết trong quy định có ghi cụ thể cách giải quyết trường hợp của bác. Tuy nhiên, thời gian thì phải chờ hơi lâu nhưng nhìn chung là khả quan lắm! Ông già ngưng khóc. Ông ngước mắt nhìn trung úy đứng trước mặt mình chờ đợi một lời xác nhận. Trung úy thoáng chút bối rối nhưng cũng nhanh chóng gật đầu, rồi đưa mắt nhìn anh có vẻ trách móc vì đã đưa mình vào tình huống phải nói dối. Anh khẽ đưa mắt như đáp lời: Thế gian này đầy rẫy kẻ nói dối chứ riêng gì chúng ta! Chờ cho tới bà vợ ổng ngủm củ tỏi là cái chắc! Giọng bất hợp tác của kẻ nào đó trong góc phòng vang lên. Cuối cùng anh cũng hoàn tất hàng loạt công đoạn ở phòng cấp giấy chứng minh. Cầm tờ giấy hẹn trên tay, anh đến chỗ cô nhân viên bưu điện ngồi chờ sẵn, nộp cái giấy hẹn và đóng tiền ủy thác cho bưu điện để nhận thay và gửi giấy chứng minh đến tận nhà. Khi ra tới cổng, anh thấy ông già ban nãy đã ngồi lên xe ôm. Anh nghe loáng thoáng tiếng ông già khoe với anh xe ôm rằng: mươi bữa nửa tháng nữa, bà vợ của ông sẽ có được tấm giấy chứng minh nhân dân đầu tiên ở cái tuổi gần tám mươi. Rồi ông lại hỏi anh xe ôm: Ví dụ bả chết trước khi có được tấm giấy chứng minh thì sao? Thì... không phải là nhân dân chớ sao nữa, vậy cũng hỏi! Giọng anh xe ôm gắt gỏng làm ông già chẳng dám hỏi gì thêm nữa. Anh xe ôm rồ ga lăn bánh. Gió thốc ngược từ phía trước, ụp vào mặt dày đặc những vốc âu lo của ông già mà anh chưa kịp quen, dẫu đã ở cùng nhau trong một căn phòng suốt hơn một giờ qua. Tags: Làm chứng minh nhân dânMụn ruồi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.