TTCT - Trong kỳ bầu cử tới tôi sẽ không bỏ phiếu cho một hội đồng thành phố khốn kiếp như thế này nữa. Việc gì phải bầu ra một lũ nửa người nửa ngợm, chuyên ngồi nghĩ ra những tên phố quái đản như… như… như gì nhỉ…■ Lẽ ra không thể xảy ra cái vụ chết tiệt này, nếu Sulzbaum không khăng khăng tin rằng tôi là người lý tưởng để đảm đương chức vụ ấy. Lâu nay Sulzbaum vẫn ngóng tìm một người có chất xám, một người thực sự có đầu óc để ông ta có thể thực sự tin tưởng. Giờ thì sau một thời gian thương lượng, ông bóng gió tung ra một ý không thể hiểu sai, đó là ông đã nghiêm túc cân nhắc trao trọng trách vào tay tôi. Vào buổi tối định mệnh mà tôi gọi điện cho ông, ông cho biết là ông không muốn trì hoãn hồi kết của các cuộc thương lượng giữa hai chúng tôi nữa, và ông đề nghị tôi đến nhà ông ngay. Không lời nào tả xiết niềm vui của tôi. Khỏi phải vòng vèo, tôi hỏi luôn địa chỉ của ông. “Helsingfors - ông nói - Số 5 phố Helsingfors”. “Ô kê - tôi đáp - Năm phút nữa tôi tới”. “Tốt” - ông nói. Tôi lên đường luôn. Nhưng sau vài bước thì tôi vấp phải một vấn đề nan giải: tôi quên khuấy tên phố. Chỉ còn nhớ chữ cái đầu tiên là P. Lập tức tôi quyết định vào bốt điện thoại để tìm địa chỉ của Sulzbaum trong danh bạ điện thoại. Nhưng không có Sulzbaum nào trong đó. Cho chắc ăn, tôi tìm chữ cái Z. Cũng chẳng có Zulzbaum nào. Có thể ông ta mới đặt số điện thoại mới. May mà tôi đã ghi lại số. “Buồn cười quá - tôi kể - Tôi quên mất tên phố nhà ông”. “Helsingfors - Sulzbaum nói - Số 5 phố Helsingfors”. “Rất cảm ơn ông!”. Đã dại một lần thì phải khôn lên, tôi liên tục lẩm nhẩm “Helsingfors… Helsingfors…” cho đến khi lên tận khu Bắc thành phố và hỏi một người qua đường: “Xin lỗi, tôi đi tìm phố…” “Rất tiếc - người lạ ngắt lời tôi - Tôi cũng tới đây lần đầu. Tôi đang tìm phố Uziel”. “Ồ, phố Uziel thì tôi tình cờ có biết. Ông cứ đi thẳng, đến ngã tư thứ hai rẽ phải”. “Cảm ơn ông, may cho tôi quá. À mà ông tìm phố nào nhỉ?”. “Tôi á? Tôi tìm phố… bực quá… phố nào nhỉ?”. Quả thực cái tên Uziel khốn kiếp làm tôi quên tiệt tên phố đang tìm. Tôi chỉ nhớ nó bắt đầu bằng chữ K. Số nhà là 9 hay 19, không rõ nữa. Tôi ngần ngừ khi định gọi Sulzbaum lần nữa. Rất có thể ông sẽ xếp tôi vào hạng có trí nhớ kém, không nhớ nổi tên phố đã được nhắc cho hai lần. Tôi nát óc suy nghĩ. Nhưng ở đây có một kinh nghiệm cũ, đó là tôi - như mọi đầu óc sáng láng có tổ chức - không thể giải quyết một vấn đề bị áp đặt đột ngột. Những lúc như thế, tôi có cách xử lý duy nhất: tôi vào một tiệm cà phê và đợi tia chớp trí tuệ lóe lên. Nó không lóe. Cái tên phố duy nhất mà tôi nhớ ra là Shmarjahu Levin (cũng là cái tên mà cho đến lúc ấy tôi không tài nào nhớ nổi, có trời biết vì sao). Ít nhất thì tôi biết cái tên tôi đang tìm không phải là Shmarjahu Levin. Nó là một cái tên nước ngoài, chắc chắn rồi, và bắt đầu bằng chữ L. Nhưng đến đó là tắc tị. Vậy thì phải gọi cho Sulzbaum cú nữa. “A lô, tôi đang trên đường tới nhà ông. Đi thế nào tiện nhất nhỉ?”. “Anh đến đâu rồi?”. “Phố Ben Jehuda”. “Thế thì sắp tới rồi. Anh nhờ người nào qua đường chỉ cho”. “Vâng. Nhưng cái tên phố ấy viết thế nào ạ?”. “Đọc thế nào thì viết thế, sao anh lại hỏi?”. “Tôi có cảm giác là dân ở đây không quen cái tên đó. Có lẽ là phố mới”. “Không mới đâu”. “Dù sao thì tên cũng dài…”. “Dài đâu mà dài, có khối tên dài hơn, như phố Akiba Kolnomicerko, hay…”. “Tất nhiên, tất nhiên, nhưng cái tên phố ông đọc muốn trẹo lưỡi”. “Tôi thấy dễ đọc mà. Vài bữa rồi cũng quen. Mà tại sao anh suy tư cho lắm về tên phố cho khổ? Tôi đang đợi đây, anh có đến không?”. “Có chứ ạ, năm phút nữa”. “Được”. Sulzbaum cúp máy, còn tôi đứng thừ ra trong bốt điện thoại. Giờ thì cái tên Akiba Kolnomicerko khắc sâu vào trí óc tôi, không sao xóa nổi, dù tôi không biết dùng nó làm gì. Mất một hồi lâu, tôi mới đủ can đảm nhấc ống nghe lên và thọc ngón tay vào đĩa quay số. “Ông Sulzbaum - tôi thì thào - Ông Sulzbaum thân mến. Tên phố nhà ông là gì?”. “Helsingfors. Có lẽ anh nên chép lại!”. Tôi thọc tay vào túi tìm bút bi nhưng không có. Và trước khi tôi kịp báo cho Sulzbaum là năm phút nữa tôi đến nơi thì ông đã đặt máy xuống. Lần này tôi sẽ không lặp lại lỗi cũ nữa. Lần này tôi áp dụng một thủ thuật ghi nhớ là Art of memory. Nửa đầu gợi nhớ tên thủ đô Phần Lan hôm nay là Helsinki. Phần sau gần giống Ford, một thương hiệu ôtô quen thuộc của Mỹ, và hai phần được nối bởi chữ g là chữ cái thứ bảy trong bảng chữ cái. Vậy đó là số 5 phố Helsin(ki)-g-for(d)-s. Vừa vặn một xe taxi lướt đến. Tôi khinh khỉnh nói: “Số 5 phố Helsingfors”. “Số 5 phố Helsingfors” - gã nhắc lại và nhấn ga. Tôi thả người vào lưng ghế và ngẫm ngợi về sự hi hữu khi một người với trí lực phi phàm cỡ tôi, vốn có thể nhớ ra đáp án của bài thi cấp hai lòng vòng nhất hồi xưa, ví dụ như “thủ phủ của Dacia Traiana là Sarmisegetuza”, vậy mà người ấy, với bộ óc điện tử, lại có thể quên bẵng đi một cái tên phố ngớ ngẩn như... như… như gì nhỉ? “Xin lỗi - tài xế quay lại hỏi - Bác vừa nói phố nào nhỉ?”. Mắt tôi hoa lên. Tất cả những gì tôi nhớ nổi chỉ là Sarmisegetuza, nhưng chắc chắn không phải là tên phố định tới. Tôi mắng gã lái xe, còn gã thề sống thề chết là ở ngã tư trước gã còn nhớ tên phố. “Thôi được - tôi đã lấy lại được sự bình tâm khả dĩ tương xứng với ưu thế tri thức của mình - Ta hãy thử phục dựng cái tên đó nhé. Bằng cách đi theo một quy trình có tính hệ thống. Cậu nhớ được chi tiết nào?”. “Cháu chẳng nhớ gì”, đó là câu trả lời của tên cướp đường cướp chợ được cơ giới hóa. “May ra thì nhớ được số nhà là 173”. “Tập trung tinh thần đi, ông con giời kia! Suy nghĩ đi!”. “Phố Seeligberg… hay là Salmanovski… đại khái thế”. Đột nhiên tôi nhớ ra mẹo Art of memory. Cứu tinh đây rồi! Thủ đô Na Uy là Oslo, ở giữa nối tiếp chữ g, rồi đến thương hiệu ôtô nổi tiếng của Anh. “Phố Oslogrolls, đồ bại não” - tôi nói như tát vào mặt. Gã tài xế gật đầu hàm ơn, quay đầu ở khúc cua tay áo và phóng về phía nam. Đến góc phố, gã dừng xe: “Xin lỗi bác, làm gì có phố Oslogrolls ạ!”. Thú thực, tôi cũng ngờ ngợ là không có phố đó. Thậm chí tôi còn biết mình nhầm ở đâu: ở giữa không có chữ g! Oslorolls… Osloroyce… “Giờ thì làm sao ạ?” - gã lái xe hỏi. Tôi lẳng lặng khinh bỉ quăng tờ bạc vào mặt gã, nhảy khỏi xe, chạy tới bốt điện thoại gần nhất và gọi cho Sulzbaum. “Tôi tới gần cửa nhà ông rồi - tôi trấn an ông - Nhưng vừa có chuyện không thể tin nổi xảy ra. Tôi…”. “Helsingfors! - Sulzbaum gào to đến nỗi bốt điện thoại rung lên - Helsingfors!!! Và anh cũng không cần đến đây nữa!!!”. Rầm! Sulzbaum quăng máy. Thôi được. Càng tốt. Việc gì phải cộng tác với một người có tính khí thô lậu như thế. Tôi rời bốt điện thoại. Nó đứng sát cột mang biển tên phố. Phố Helsingfors. Nhưng giờ thì tôi chẳng thèm bận tâm nữa. Mọi sự Chúa đã an bài. Số tôi là không được làm việc cho Sulzbaum. Nhưng trong kỳ bầu cử tới tôi sẽ không bỏ phiếu cho một hội đồng thành phố khốn kiếp như thế này nữa. Việc gì phải bầu ra một lũ nửa người nửa ngợm, chuyên ngồi nghĩ ra những tên phố quái đản như… như… như gì nhỉ…■ Lê Quang (dịch) Tags: Truyện ngắn TTCTDịch giả Lê QuangEphrainm Kishon
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.