Truyện ngắn Katherine Mansfield: Một gia đình lý tưởng

KATHERINE MANSFIELD 17/09/2023 05:32 GMT+7

TTCT - Truyện ngắn "Một gia đình lý tưởng" nằm trong tập truyện ngắn cuối cùng của Katherine Mansfield, "The Garden Party and Other Stories", khi bà chạy đua với tử thần để viết.

Tranh: Trần Trung Lĩnh

Tranh: Trần Trung Lĩnh

Chiều tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, khi đẩy cánh cửa xoay bước qua và đi xuống ba bậc thang rộng để xuống vỉa hè, già Neave thấy tuổi mình đã không còn hợp với mùa xuân. Xuân - ấm áp, háo hức, nhấp nhổm - đã ở đó, đợi ông trong ánh đèn vàng, đứng trước tất cả mọi người sẵn sàng chạy đến, thổi vào bộ râu bạc trắng của ông, ngọt ngào kéo tay ông. Mà ông không thể gặp gỡ nàng xuân, không; ông không thể lại ưỡn ngực một lần nữa và sải bước, hoạt bát như một chàng trai trẻ. Ông mệt mỏi và, dù mặt trời muộn vẫn còn sáng, ông thấy lạnh là lạ làm sao, khắp người tê dại đi. Đột nhiên ông không còn nghị lực, ông chẳng còn lòng dạ nào mà chịu đựng sự vui vẻ và chuyển động tươi sáng này nữa; nó khiến ông bối rối. Ông muốn đứng yên, dùng gậy xua nó đi, muốn nói: "Cút đi!". Đột nhiên, chào hỏi như thường lệ - tỉnh như sáo mà khua gậy - tất cả những người ông biết, bạn bè, người quen, chủ cửa hàng, người đưa thư, tài xế, cũng phải nỗ lực ghê gớm. Nhưng cái nhìn vui vẻ cùng với cử chỉ, cái nháy mắt ân cần dường như muốn nói: "Ta ngang ngửa và còn hơn tất thảy các người" - những thứ đó già Neave không làm nổi. Ông loạng choạng bước đi, nhấc cao đầu gối như thể đang đi trong không khí bằng cách nào đó trở nên nặng và đặc như nước. Và đám đông đang về nhà hối hả đi qua, xe điện leng keng, xe ngựa lộc cộc, những chiếc taxi lớn lắc lư cùng với sự thờ ơ liều lĩnh, thách thức mà ta chỉ biết trong mơ...

Đó là một ngày như bao ngày khác tại văn phòng. Chẳng có gì đặc biệt xảy ra. Harold không quay về sau bữa trưa cho đến gần bốn giờ. Nó đã ở đâu? Nó đã làm gì? Nó không định để ba nó biết. Già Neave tình cờ đang ở tiền sảnh, chào tạm biệt một vị khách, khi Harold thong thả bước vào, hóa ra vẫn hoàn hảo như thường lệ, điềm tĩnh, lịch thiệp, cười kiểu nửa miệng đặc biệt mà phụ nữ thấy rất hấp dẫn.

Ah, Harold quá đẹp trai, quá đẹp trai; đó chính là rắc rối nào giờ. Không người đàn ông nào có quyền có đôi mắt như vậy, hàng mi như vậy và đôi môi như vậy; thật kỳ lạ. Với mẹ, các chị em gái và đám người hầu, không quá khi nói rằng họ coi nó là một vị thần trẻ tuổi; họ tôn thờ Harold, họ tha thứ cho nó mọi việc; và nó đã cần một chút tha thứ từ hồi mười ba tuổi nó đánh cắp ví của mẹ, lấy tiền rồi giấu chiếc ví trong phòng ngủ của đầu bếp. Già Neave lấy gậy đập mạnh vào mép hè. Nhưng không chỉ gia đình ông chiều chuộng Harold, ông nghĩ, mà tất cả mọi người; nó chỉ cần nhìn và mỉm cười, là họ quỳ xuống trước mặt nó. Vì vậy, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi nó mong đợi văn phòng phải tiếp tục truyền thống. Hừm, hừm! Nhưng sao thế được. Không có công việc kinh doanh nào - chứ đừng nói là một công ty thành công, có uy tín, lợi nhuận cao - mà lại đùa được. Ta hoặc phải đặt hết tâm trí vào đó, hoặc tất cả sẽ tan thành từng mảnh trước mắt ta...

Mà Charlotte và bọn con gái cứ lèo nhèo bảo ông nhường mọi việc cho Harold, nghỉ hưu và dành thời gian tận hưởng. Tận hưởng! Già Neave chết đứng dưới khóm cọ sabal cổ thụ bên ngoài tòa nhà chính phủ! Tận hưởng! Gió chiều lay động những chiếc lá sẫm màu xào xạc. Ngồi không ở nhà, xoay ngón tay cái, ông luôn ý thức rằng công trình của đời mình đang trôi đi, tan biến, biến mất qua những ngón tay đẹp đẽ của Harold, trong khi Harold mỉm cười ...

"Sao ba vô lý thế? Ba hoàn toàn không cần đến văn phòng. Ba cứ thế khiến chúng con rất khó xử trong khi mọi người ai cũng bảo trông ba mệt lắm rồi. Nhà vườn rộng lớn thế này. Chỉ cần thay đổi thôi ba sẽ thấy hạnh phúc mà xem. Hoặc ba có thể bắt đầu làm gì ba thích mà".

Và con bé Lola đã cao giọng hùa theo: "Tất cả đàn ông đều phải có sở thích. Nếu không có sở thích thì làm sao sống được".

Vâng, phải! Ông không thể không rặn ra một nụ cười nhăn nhó khi bắt đầu đau đớn leo lên ngọn đồi dẫn đến đại lộ Harcourt. Lola và các con chị và Charlotte sẽ ở đâu nếu ông chạy theo sở thích, ông muốn biết chứ? Sở thích không thể chi trả cho ngôi nhà trong phố và căn nhà gỗ bên bờ biển, ngựa của họ, sân gôn của họ và chiếc máy hát sáu mươi ghi-nê trong phòng nhạc để họ khiêu vũ. Không phải ông ác cảm với họ những chuyện này. Không, họ là những cô gái thông minh, xinh đẹp và Charlotte là một phụ nữ phi thường; hiện tại đang có là quá hiển nhiên. Thực ra, không nhà nào trong phố nổi tiếng như nhà họ; không gia đình nào giải trí nhiều như vậy. Và đã bao lần ông Neave, đẩy hộp xì gà qua bàn phòng hút thuốc, nghe được những lời khen ngợi về vợ ông, các cô con gái của ông, thậm chí về chính ông.

"Ngài có một gia đình lý tưởng, thưa ngài, một gia đình lý tưởng. Lý tưởng như người ta đọc trong sách hay thấy trên sân khấu".

"Được thôi, con trai - ông Neave già đáp - Thử tán một đứa xem; tôi nghĩ cậu sẽ thích chúng. Mà nếu cậu muốn hút thuốc trong vườn, cậu sẽ thấy bọn con gái trên bãi cỏ đấy, tôi dám chắc".

Đó là lý do tại sao các cô gái không bao giờ kết hôn, như mọi người vẫn nói. Họ có thể kết hôn với bất cứ ai. Nhưng họ ở nhà đã quá mãn nguyện. Họ quá hạnh phúc bên nhau, các cô con gái và Charlotte. Hừm, hừm! Phải, tốt. Có lẽ vậy...

Lúc này ông đã đi hết đại lộ Harcourt thời thượng; ông đã đến ngôi nhà trong góc phố, nhà họ. Cổng cho xe ngựa đã bị đẩy lùi; có vết xe mới trên lối đi. Và rồi ông đối diện với ngôi nhà lớn sơn trắng, với những ô cửa sổ mở toang, những tấm rèm bằng vải tuyn bồng bềnh hướng ra ngoài, những lọ lục bình màu xanh lam trên những bậu cửa rộng. Ở hai bên hiên trước, hoa cẩm tú cầu của họ - nức tiếng cả phố - đang nở hoa; những chùm hoa hơi hồng, hơi xanh nằm như ánh sáng giữa những chiếc lá xòe rộng. Và thế nào đó ông Neave già tưởng như ngôi nhà và những bông hoa, thậm chí cả những vết mới trên lối đi, đang nói: "Ở đây có một đời sống tươi trẻ. Có những đứa con gái…".

Sảnh, như mọi khi, tối om với khăn trải, dù che nắng, găng tay chất đống trên những chiếc rương gỗ sồi. Từ phòng nhạc vang lên tiếng piano nhanh, to và nôn nóng. Qua cánh cửa phòng khách đang hé mở, những giọng nói vang lên.

"Thế có đá không?" đến từ Charlotte. Sau đó là tiếng cọt kẹt từ chiếc ghế bập bênh của bà.

"Đá! - Ethel kêu lên - Mẹ yêu của con, mẹ chưa bao giờ nhìn thấy những viên đá như vậy. Chỉ có hai loại thôi. Và một là đá dâu tây nhỏ thông thường ở cửa hàng, trong một lớp diềm ướt sũng".

"Đồ ăn kinh quá," đến từ Marion.

"Cơ mà giờ uống đá thì hơi sớm" Charlotte dễ dàng nói.

"Nhưng sao lại cần tới đá cơ chứ..." Ethel bắt đầu.

"Ồ, vậy đó, con yêu" Charlotte ngân nga.

Thình lình cửa phòng nhạc mở và Lola lao ra. Cô bé giật mình, suýt hét lên khi nhìn thấy ông Neave già.

"Ôi ba! Ba làm con sợ quá! Ba vừa mới về à? Sao Charles không ở đây giúp ba cởi áo khoác?".

Hai má đỏ bừng vì chơi đùa, mắt long lanh, tóc lòa xòa trước trán. Và cô bé thở như thể vừa chạy xuyên qua bóng tối và sợ hãi. Già Neave nhìn chằm chằm vào đứa con gái út; ông thấy mình như chưa từng gặp con bé trước đây. Vậy đó là Lola phải không? Nhưng cô dường như đã quên cha mình; cô không ở đó đợi ông. Bây giờ cô bé cho góc chiếc khăn tay nhàu nát của mình vào giữa hai hàm răng rồi giận dữ giật mạnh. Điện thoại reo. A-à! Lola kêu lên như một tiếng nức nở và chạy vụt qua ông. Cánh cửa phòng điện thoại đóng sầm lại, và cùng lúc đó Charlotte gọi: "Có phải ba nó đó không?".

"Anh lại mệt rồi," Charlotte trách móc, rồi bà dừng bập bênh ghế và chìa ra đôi má nóng như quả mận chín của mình. Ethel tóc sáng mổ bộ râu của ông, đôi môi của Marion lướt qua tai ông.

"Ba nó đi bộ về đấy à?" Charlotte hỏi.

"Ừ, tôi đi bộ" ông già Neave nói và ông ngồi xuống một trong những chiếc ghế rộng mênh mông trong phòng khách.

"Nhưng sao ba không đi taxi? - Ethel nói - Lúc ấy có hàng trăm chiếc taxi".

"Ethel thân mến" Marion kêu lên, "nếu ba thích tự làm mình mệt mỏi hơn, thì thực sự không can hệ gì đến chúng ta".

"Nào các con, các con?" Charlotte dỗ dành.

Nhưng Marion không dừng lại. "Không, mẹ à, mẹ chiều ba như vậy là không đúng. Mẹ phải nghiêm khắc hơn với ba. Ba hư lắm". Nó cười ngặt nghẽo, tiếng cười rạng rỡ và vuốt tóc mình trong gương. Lạ lùng! Khi còn là một cô bé, Marion có giọng nhỏ nhẹ, ngập ngừng; thậm chí còn nói lắp, và bây giờ, bất cứ điều gì con bé nói - ngay cả khi đó chỉ là "Mứt, ba ơi, làm ơn" - giọng nó vang lên như thể đang trên sân khấu.

"Harold rời văn phòng trước anh à?" Charlotte hỏi, bắt đầu đung đưa trở lại.

"Tôi không chắc - già Neave nói - Tôi không chắc. Tôi không thấy nó sau bốn giờ".

"Nó bảo…" Charlotte bắt đầu.

Nhưng ngay lúc đó Ethel, vốn đang lật mấy trang của tờ báo nào đó, đã chạy đến bên mẹ và ngồi thụp xuống bên cạnh ghế bà.

"Đấy, mẹ thấy đấy - cô kêu lên - Ý con là thế đó mẹ. Màu vàng, có điểm bạc. Mẹ có đồng ý không?".

"Đưa cho mẹ, con yêu" Charlotte nói. Bà sờ soạng tìm chiếc kính mai đồi mồi và đeo vào, chấm nhẹ trang giấy bằng những ngón tay nhỏ nhắn mũm mĩm và mím môi. "Rất điệu!" bà mơ hồ ngâm nga; bà nhìn Ethel qua cặp kính. "Nhưng chắc không nên dùng đuôi váy".

"Không đuôi váy á! - Ethel rên rỉ thảm thiết - Nhưng đuôi váy mới là trọng tâm mà".

"Đây, mẹ, để con quyết định". Marion tinh nghịch giật lấy tờ báo từ Charlotte. "Con đồng ý với mẹ" nó kêu lên đắc thắng. "Đuôi váy nặng lắm".

Già Neave, bị lãng quên, chìm vào lòng rộng của chiếc ghế và gật gù, nghe họ nói như thể ông đang mơ. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông mệt rồi; ông đã mất chỗ. Ngay cả Charlotte và các cô con gái cũng quá đỗi với ông đêm nay. Họ quá... quá... Nhưng tất cả những gì bộ não đang lơ mơ của ông có thể nghĩ đến là - quá phong lưu với ông. Và ở đâu đó phía sau mọi thứ, ông đang thấy một ông già gầy gò nhỏ bé leo lên những bậc cầu thang dài vô tận. Ông ta là ai?

"Tối nay tôi không lên đồ đâu" ông lẩm bẩm.

"Ba nói sao?".

"Ơ, cái gì, cái gì?" già Neave giật mình thức dậy và nhìn chằm chằm vào họ. "Tối nay tôi không lên đồ đâu" ông nhắc lại.

"Nhưng ba ơi, Lucile, Henry Davenport và cả bà Teddie Walker sắp tới".

"Trông sẽ thật lạc quẻ".

"Mình không khỏe sao, anh yêu?".

"Ba không cần cố gắng. Charles để làm gì?".

"Nhưng nếu mình thực sự không đủ sức" Charlotte ngập ngừng.

"Được rồi! Được rồi!" già Neave đứng dậy và đi theo ông già nhỏ bé đang lên cầu thang cho đến tận phòng thay đồ của mình...

Charles trẻ tuổi đang đợi ông ở đó. Cẩn thận, như thể mọi thứ đều phụ thuộc vào việc này, anh ta quấn khăn tắm quanh bình nước nóng. Charles trẻ tuổi là đứa ông rất cưng từ khi nó còn là một cậu bé mặt đỏ gay đến nhà ông để trông coi lửa sưởi. Già Neave ngồi xuống chiếc ghế dài bằng mây bên cửa sổ, duỗi chân ra và đùa chút câu pha trò buổi tối: "Mặc quần áo cho ông, Charles!". Và Charles, thở dồn dập và cau mày, cúi xuống để tháo ghim khỏi cà vạt.

Hừm, hừm! Phải, tốt! Thật dễ chịu bên khung cửa sổ mở, rất dễ chịu - một buổi tối dịu nhẹ. Người ta đang cắt cỏ trên sân quần vợt bên dưới; ông nghe thấy tiếng kêu nhẹ của máy cắt cỏ. Chẳng mấy chốc, mấy đứa con gái sẽ lại bắt đầu bữa tiệc quần vợt của chúng nó. Và đúng lúc đang nghĩ thế, dường như ông nghe thấy giọng Marion vang lên, "Được đó... Ồ, chơi rồi... Ồ, rất tuyệt". Sau đó, Charlotte gọi từ hàng hiên "Harold đâu?" Và Ethel, "Anh ấy chắc chắn không có ở đây, mẹ ạ". Và Charlotte mơ hồ, "Nó bảo…".

Già Neave thở dài, đứng dậy và đặt một tay dưới bộ râu của mình, ông lấy chiếc lược từ tay Charles trẻ tuổi, và cẩn thận chải bộ râu trắng. Charles đưa cho ông khăn tay đã gấp, đồng hồ đeo tay, con dấu và hộp đựng kính.

"Được rồi, con trai ạ". Cánh cửa đóng lại, ông ngồi thụp xuống, một mình...

Và giờ thì người bạn già nhỏ bé đó đang leo xuống những nấc thang vô tận dẫn đến một phòng ăn vui nhộn, lấp lánh. Ôi nhìn đôi chân của ông ấy! Chúng giống như chân một con nhện - gầy gò, khô héo.

"Ngài có một gia đình lý tưởng, thưa ngài, một gia đình lý tưởng".

Nhưng nếu đây là sự thật, tại sao Charlotte và mấy đứa con gái không ngăn ông? Tại sao ông chỉ có một mình, trèo lên leo xuống? Harold đâu? Ah, thật chẳng ra sao khi mong đợi bất cứ điều gì từ Harold. Xuống, xuống, con nhện già bé nhỏ, và rồi già Neave kinh hoàng nhìn thấy nó lướt qua phòng ăn và tiến về hiên, lối đi tối tăm, cổng lớn, văn phòng. Dừng hắn lại, ngăn hắn lại, có ai ở đây không!

Già Neave tỉnh dậy. Phòng thay đồ tối om; cửa sổ ánh lên nhợt nhạt. Ông đã ngủ bao lâu rồi? Ông lắng nghe và xuyên qua ngôi nhà lớn, thoáng mát, tối tăm, có những giọng nói xa xăm vọng lại, những âm thanh xa xăm. Có lẽ ông mơ hồ nghĩ, ông đã ngủ từ lâu. Ông đã bị lãng quên. Tất cả những thứ này có liên quan gì đến ông - ngôi nhà này và Charlotte, các cô con gái và Harold - ông biết gì về họ? Họ là người lạ với ông. Cuộc sống đã sượt qua ông. Charlotte không phải vợ ông. Vợ ông!

...Mái hiên tối, bị che khuất một nửa bởi cây dây leo, rủ xuống buồn bã, thê lương như thể nó đã hiểu. Vòng tay nhỏ bé, ấm áp quanh cổ ông. Một khuôn mặt, nhỏ bé và tái nhợt, ngẩng lên trước mặt ông và một giọng nói nhẹ nhàng "Tạm biệt, bảo bối của tôi".

Bảo bối của tôi! "Tạm biệt, bảo bối của tôi!". Ai trong họ đã nói? Tại sao họ lại nói lời tạm biệt? Hẳn phải là sai lầm khủng khiếp ở đây. Bà là vợ ông, cô gái bé nhỏ xanh xao đó và tất cả phần đời còn lại của ông chỉ là một giấc mơ.

Rồi cánh cửa mở ra, và Charles trẻ tuổi, đứng dưới ánh sáng, đặt hai tay lên hông và hét lên như một người lính trẻ "Bữa tối đã sẵn sàng, thưa ngài!".

"Tôi đến đây, tôi đến đây" già Neave nói.■

(Dịch giả: K)

Tháng giêng năm 1923, một phụ nữ chạy lên vài bậc cầu thang để chứng minh cho chồng mình vẫn rất khỏe. Ngay lập tức, bà xuất huyết phổi, quỵ xuống và chết vài tiếng sau đó. Một cây viết truyện ngắn xuất sắc chủ nghĩa hiện đại, người Virginia Woolf coi là đối thủ văn chương và luôn ghen tị với tài năng, bạn bè thân thiết với D.H. Lawrence, người gia nhập vào câu lạc bộ đông thành viên những nhà văn và nghệ sĩ chết vì bệnh lao: tên bà là Katherine Mansfield.

Katherine Mansfield

Katherine Mansfield

100 năm sau, Mansfield đã trở thành tượng đài. Ngôi nhà thuở ấu thơ của bà ở xứ thuộc địa New Zealand ngày xưa giờ đây đã trở thành bảo tàng. Có cả Hiệp hội Katherine Mansfield hoạt động sôi nổi với các hội thảo, bài giảng, phần thưởng, tập trung vào việc nghiên cứu và giảng dạy các tác phẩm của bà. Các học giả thường định vị Mansfield bằng cách coi bà là một Chekhov của văn học Anh. Quả thực, bà thường xuyên nhắc tới Chekhov trong nhật ký, và chịu ảnh hưởng lớn của tác giả truyện ngắn người Nga vĩ đại này - thậm chí có tác phẩm thời kỳ đầu còn là một sự viết lại truyện của Chekhov. Song, sự độc đáo của Mansfield nằm ở cả đề tài lẫn những cách tân mà bà mang đến cho thể loại truyện ngắn, nơi bà bứt phá để tạo lập nên sự độc đáo của riêng mình, bằng những thử nghiệm miêu tả nội tâm của nhân vật bằng kỹ thuật độc thoại nội tâm, một sáng tạo của các nhà văn thuộc trường phái chủ nghĩa hiện đại.

Người viết tiểu sử của Mansfield, Angela Smith đã chỉ ra chính nhờ tuổi ấu thơ sống trong gia đình ở New Zealand, ở một xã hội nơi các công dân tầng lớp trên thiết lập lối sống thực dân Anh áp chế lên những thổ dân Maori đã giúp Mansfield ý thức được thiếu vắng, sự đứt gãy của đời sống hiện đại. Khai thác sự đổ vỡ và đứt gãy giữa cái bề mặt và cái bên dưới nó là đề tài chạy xuyên suốt trong các truyện ngắn của bà.

Cái lớp vỏ xinh đẹp hào nhoáng được dựng lên, để rồi bị tác giả lột bỏ đi, để phơi bày những đè nén, bạo lực, bất ổn, là một phương pháp phổ biến mà Mansfield sử dụng đi sử dụng lại trong một loạt các truyện ngắn về gia đình như "Prelude" và "Garden Party". Từng bước chậm rãi, Mansfield đẩy người đọc vào hành trình nhìn kỹ và nhìn sâu hơn những bề mặt tưởng hoàn hảo và đầy hài hòa cân đối, nhanh chóng sụp đổ.

Truyện ngắn "Một gia đình lý tưởng" nằm trong tập truyện ngắn cuối cùng của Mansfield, "The Garden Party and Other Stories", khi bà chạy đua với tử thần để viết. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra sự tương phản gay gắt mà tác giả dựng lên ngay từ tên tác phẩm: Một gia đình lý tưởng, con cái đề huề, của cải dồi dào, địa vị cao sang, nhận được bao sự ngưỡng mộ của người ngoài, nhưng ẩn sâu lại là một sự lạc lõng và bị bỏ bê đến mức biến dạng của chính người tưởng chừng đã tạo nên mọi hạnh phúc, tiện nghi và của cải cho gia đình. Mùa xuân, tươi tắn và nhấp nhổm, đã bỏ rơi một ông già, và không chỉ có mùa xuân làm thế.

ZÉT NGUYỄN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận