Truyện ngắn kinh dị: Tôi đợi

ANNA STAROBINETS (NGA) 16/11/2021 03:10 GMT+7

TTCT - Chuyện đó xảy ra vào buổi sáng. Họ phá cửa và xông vào nhà tôi. Những người láng giềng tầng dưới và những người trong đồ bảo hộ. Họ mang mặt nạ chống độc. Em sợ hãi tột độ và chạy xuống bếp, cố chui xuống gầm bàn hay trốn sau tủ lạnh. Nhưng em đã lớn rồi và không lọt vừa vào đâu cả.

 
 Tác phẩm “Viy” của N.Gogol

 Em từ đâu ra, tôi không biết chính xác. Có lẽ từ tủ lạnh. Trong đó tôi có nồi xúp. Lâu rồi. Rất lâu. Xúp do mẹ tôi nấu - trước đây đôi khi bà có ghé qua - nhưng tôi không ăn xúp đó. Xúp bắp cải. Sau một tuần, những thứ trong nồi bị phủ một lớp màng xanh lá cây nhạt và bắt đầu bốc mùi. Tôi đậy nắp nồi và dọn tủ lạnh. Đổ thì tiếc. Dẫu gì cũng do mẹ nấu.

Một tháng sau, tôi thức giấc giữa đêm vì một nỗi bồn chồn kỳ lạ. Tôi xuống bếp kiếm gì ăn. Trong tủ lạnh hầu như chẳng có gì. Vài cây xúc xích, mằn thắn, một quả chanh tôi đã vắt vào sáng đó. Và cái nồi. Tôi lấy nó ra và quyết định cuối cùng rồi phải đổ đi. Tôi nín thở, mở nắp. Nó đông đặc. Nó đã thay đổi. Gần như đẹp. Tôi hoàn toàn chẳng muốn cạo nó khỏi đáy và thành nồi, mua một cái nồi mới sáng choang, rửa nồi. Tôi quyết định bỏ tất cả cùng cái nồi. Tôi gói chúng trong mấy cái túi rồi vào buổi sáng mang nó ra bãi rác, trước khi đi làm.

Tôi đến chỗ bô rác. Và lưỡng lự. Nó đã ở chỗ tôi lâu đến thế... Tôi tội nghiệp nó. Tôi đặt cái gói cạnh bô rác và đi làm.

Buổi chiều nó vẫn đứng đó.

Hôm sau, khi tôi nhìn xuống từ cửa sổ, cái túi không có đó. Tôi hoảng. Tôi xuống cầu thang, đến chỗ bô rác... Không, nó vẫn ở tại chỗ. Đơn giản là từ cửa sổ nhìn xuống không thấy nó. Để đề phòng, để khỏi lo âu vô ích, tôi mang nó trở lên nhà. Rồi lại đặt vào tủ lạnh.

Nó bốc mùi rất ghê. Tôi không dùng tủ lạnh nữa. Rồi không dùng cả bếp - tôi khóa cửa bếp bằng ổ khóa sắt. Tôi ăn ở các quán khác nhau. Có lần tôi điện cho mẹ và hỏi có thể ở lại chỗ bà không. Bà đồng ý. Bà vui.

Tôi đã chuyển đi, nhưng chỉ sau một tuần tôi trở nên lo lắng. Dẫu sao tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi luôn nghĩ: không có tôi, nó ở đó thế nào. Hoàn toàn có một mình. Trong các túi.

Tôi trở về. Mùi hôi nồng nặc bao trùm căn hộ khiến đầu tôi quay cuồng.

Cửa bếp đã mở.

Cái gói lăn lóc trên sàn.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy em. Em tiến đến chỗ tôi đầy tin tưởng, với sự tò mò. Em hoàn toàn bé bỏng.

Lúc đầu tôi không biết cho em ăn gì. Tôi mang đến cho em hỗn hợp rau củ, nấu khoai tây nghiền, ngâm bánh mì trắng trong sữa. Nhưng em không ăn những thức ấy.

Dường như em chẳng ăn gì. Cũng chẳng uống. Và không biết nói.

Em ngủ dưới bếp. Ban đêm tôi mở cửa tủ lạnh, để em có ánh sáng thay cho đèn ngủ. Đôi khi em sợ. Khi gặp ác mộng, em cào cửa phòng ngủ của tôi. Tôi đưa em vào giường. Mặc dù em hôi khủng khiếp.

Tôi làm rất nhiều cho em. Hy sinh rất nhiều vì em.

Tôi không bao giờ thông gió căn phòng, vì nó làm em không thoải mái. Tôi nghĩ ngoài tôi không ai có thể ở cạnh em. Nhưng tôi yêu em. Tôi điện cho mẹ và tất cả người thân bảo họ đừng bao giờ đến nhà tôi. Tôi gọi đến chỗ làm xin nghỉ việc. Sau đó tôi cắt dây điện thoại.

Tôi yêu em vô cùng, yêu nhiều đến nỗi đôi khi tôi chạm vào em. Và ôm em.

Em lớn nhanh. Rất nhanh. Mỗi ngày cao lên vài centimet. Nhưng... em đẹp. Theo kiểu của mình.

Đôi khi có ai đó bấm chuông cửa, nhưng tôi đã phá chuông. Để họ không làm phiền chúng tôi.

Chuyện đó xảy ra vào buổi sáng. Họ phá cửa và xông vào nhà tôi. Những người láng giềng tầng dưới và những người trong đồ bảo hộ. Họ mang mặt nạ chống độc. Em sợ hãi tột độ và chạy xuống bếp, cố chui xuống gầm bàn hay trốn sau tủ lạnh. Nhưng em đã lớn rồi và không lọt vừa vào đâu cả. Họ mở tất cả cửa sổ. Tôi nói: “Đừng, em ấy sẽ chết ngạt!”. Họ trói tay tôi và giải đi khỏi căn hộ. Tôi không thể giúp gì em.

Rời đi, tôi thấy ba người mang mặt nạ chống độc vẫn ở lại đó. Họ phun xịt từ các bình chất gì đó ăn da, độc hại. Lên tường, lên sàn, xịt thẳng vào em. Thẳng vào mặt em. Mà em chẳng thể trốn đi đâu.

Họ làm gì em vậy? Chúa ơi, họ đã làm gì em?

Từ đó, tôi không lần nào thấy em. Ở đây, nơi tôi đang sống, em cũng không lui tới.

Tôi nhớ lại cuộc sống của chúng tôi - từng giờ, từng phút - và không thể tha thứ cho mình. Lẽ ra tôi phải âu yếm em hơn. Ôm em thường xuyên hơn. Trò chuyện cùng em. Và không được để em ngủ một mình, trong bếp. Em đã cô đơn ở đó.

Tôi muốn sửa chữa mọi thứ. Tôi sẽ sửa chữa, sẽ sửa chữa. Tuần trước mẹ mang đến cho tôi mấy quả táo nướng, tôi gói chúng vào túi và cất ở tủ đầu giường của mình. Hôm nay, khi các bác sĩ rời đi, tôi nhìn cái túi. Chúng đã thay đổi đôi chút: chúng mềm hơn và phủ một lớp lông trắng. Sau một tuần, chúng sẽ thay đổi nhiều hơn.

Tôi đợi. Tôi rất kiên nhẫn.

Em sẽ trở về với tôi.

(Phan Xuân Loan dịch từ starobinets.ru)

Anna Starobinets, sinh 1978, là nhà báo, tiểu thuyết gia và nhà biên kịch. Tuyển tập truyện ngắn Tuổi giao thời, tác phẩm đầu tay của cô, lọt vào chung kết Giải thưởng Sách bán chạy nhất quốc gia năm 2006 và được dịch sang bảy thứ tiếng. 

Tháng 7 - 2018, cô giành giải thưởng của Hiệp hội Khoa học viễn tưởng châu Âu (ESFS) ở hạng mục Nhà văn xuất sắc nhất. Cô là một trong số ít các nhà văn trẻ Nga chuyên viết thể loại giả tưởng, kinh dị cho người lớn và cổ tích - trinh thám cho trẻ em.

 Bộ sách thiếu nhi Thám tử dã thú của cô trở thành bộ sách bán chạy nhất Nga mùa thu năm 2018. Cuốn mới nhất trong loạt này, Thần Xoài, đoạt giải Sách trinh thám xuất sắc nhất 2021 của Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận